MSI R9 380 Gaming: Đối đầu trực diện với GTX 960

    Nội Tâm,  

    Tuy hiệu năng và giá cả đối đầu nhưng AMD Việt Nam vẫn cần vài điều chỉnh mới có thể giành được người dùng từ Nvidia.

    Khoảng 1 năm trở lại đây, VGA hoàn toàn là sân chơi riêng của Nvidia. Sản phẩm của họ được ưa chuộng mọi phân khúc: Phổ thông có GT 730GTX 750; trung cấp có GTX 750 TiGTX 960; cao cấp thì GTX 970GTX 980 làm mưa làm gió; ngay cả GTX 980 Ti ra mắt mới đây cũng được game thủ thế giới đánh giá rất tốt.

    Sau khi cơn sốt bitcoin qua đi, giờ là lúc AMD phải chấn chỉnh lại sản phẩm nếu không muốn mất tất cả. Ngày 16/6 vừa qua, tại Hội chợ Giải trí Điện tử E3, họ đã tung ra tới 6 sản phẩm mới thuộc series R9 300 gồm R7 360, R7 370, R9 380, R9 390, R9 390X và R9 Fury X.

    Sản phẩm đầu tiên của series R9 300 mà chúng tôi thực hiện review là R9 380 - card đồ họa được AMD định vị đối đầu với GTX 960 của Nvidia. Như vậy là sau thời gian dài GTX 960 độc bá trong khoảng giá cực rộng 4 đến 8 triệu đồng, game thủ đã có thêm lựa chọn.

    Mới ra mắt nửa tháng nên R9 380 chưa về nhiều, hiện tại chỉ có Gigabyte và MSI có hàng. Tạm thời, giá cả của chúng so với GTX 960 như sau:

    - Gigabyte R9 380 G1 Gaming 4 GB: 6.499.000 VNĐ; Gigabyte GTX 960 G1 Gaming 2 GB: 6.319.000 VNĐ

    - MSI R9 380 OC 2 GB: 5.499.000 VNĐ; MSI GTX 960 OC 2 GB: 5.555.000 VNĐ

    - MSI R9 380 Gaming 2 GB: 5.999.000 VNĐ; MSI GTX 960 Gaming 2 GB: 5.999.000 VNĐ

    - MSI R9 380 Gaming 4 GB: 6.499.000 VNĐ; MSI GTX 960 Gaming 4 GB: 6.999.000 VNĐ

    Kiến trúc: R9 285 rename

    Trong hình dưới là thông số GPUz của MSI R9 285 Gaming (trái) và MSI R9 380 Gaming (phải).

    Thông số của chúng giống nhau 100%: Từ số nhân, giao tiếp nhớ, số lượng transistor cho đến cả... ngày ra mắt đều ghi 23/8/2014 luôn! Do vậy chúng ta có thể kết luận chắc chắn R9 380 chính là R9 285rename.

    R9 380 được trang bị 5 tỷ transistor sản xuất trên tiến trình 28 nm, 1792 nhân đồ họa, giao tiếp nhớ 256 bit. Xung nhịp được AMD đẩy nhẹ từ 918 MHz (R9 285) lên 970 MHz. Bản MSI Gaming được ép xung sẵn lên 1000/1400 MHz.

    MSI R9 380 Gaming 2 GB

    Gaming là dòng VGA được thiết kế riêng cho game thủ nên MSI làm vỏ hộp rất đẹp mắt.

    Mặt sau hộp giới thiệu đầy đủ các công nghệ Gaming được MSI ứng dụng trên sản phẩm, bao gồm quạt tản nhiệt TORX FAN, tản nhiệt SuperSU PIPE, công nghệ im lặng ZERO FROZR và phần mềm hỗ trợ ép xung GAMING APP (MSI AfterBurner).

    Slogan mới của dòng MSI Gaming: No.1 in Gaming!

    Phụ kiện gồm sách hướng dẫn, đĩa cài driver và đầu chuyển DVI-Dsub.

    Chiếc R9 380 này mang đậm thiết kế Gaming của MSI với tông đỏ đen quen thuộc.

    Các bo mạch chủ và card đồ họa MSI Gaming được lấy cảm hứng thiết kế từ rồng. Họ còn dán cả logo rồng lộn lên quạt tản nhiệt.

    Chiếc card nhìn to, nạc, cứng cáp với chiều dài 26,8 cm, phối rất đẹp với các linh kiện trung cấp và cao cấp khác.

    Các card đồ họa hướng tới game thủ đều rất chú trọng thiết kế phần cạnh trên của VGA vì đây là phần chĩa ra ngoài cửa sổ mica. Dòng MSI Gaming làm cạnh trên rất đẹp, khoe dàn ống tản nhiệt khủng và logo rồng phát sáng.

    Một điểm cộng cho MSI R9 380 Gaming 2 GB là việc trang bị back-plate rất đẹp. Cả R9 285 Gaming và GTX 960 Gaming 2 GB đều không có back-plate, bị game thủ kêu ca rất nhiều.

    Mặt nạ tản nhiệt được làm đẹp với nhiều vuốt rồng màu đỏ.

    Quạt tản nhiệt TorX Fan 14 cánh được biết đến với ưu điểm mát và êm. Đối với R9 380 Gaming, MSI trang bị cơ chế im lặng: Quạt chỉ quay khi nhiệt độ lên trên 58 độ C.

    Các cổng kết nối gồm 2 cổng DVI, 1 cổng HDMI và 1 cổng DisplayPort. R9 380 có khả năng xuất cùng lúc tới 6 màn hình với MST hub.

    So với MSI R9 285 Gaming đời trước, R9 380 Gaming đã có không ít thay đổi trong thiết kế, đẹp hơn nhiều.

    R9 380 Gaming có back-plate in logo rồng, còn R9 285 Gaming thì không.

    Số ống dẫn nhiệt cũng nhiều hơn hẳn, cạnh trên được thiết kế đẹp hơn.

    Cả 2 đều yêu cầu 2 nguồn phụ 6 pin, bộ nguồn công suất thực 500W để hoạt động.

    Linh kiện và tản nhiệt

    Không chỉ back-plate, MSI còn trang bị cả miếng dẫn nhiệt cho dàn mosfet và chip nhớ.

    Chúng tiếp xúc chặt chẽ với nhau bằng miếng dẫn nhiệt thermal pad.

    MSI R9 380 Gaming trang bị tới 7 phase cấp điện cho GPU, sử dụng linh kiện cao cấp.

    Tản nhiệt có tới 3 ống dẫn nhiệt, được mạ niken chống oxy hóa. Chất lượng gia công của dòng MSI Gaming hoàn toàn không có gì để phàn nàn cả.

    Khả năng ép xung

    Cũng giống như R9 285, khả năng ép xung của R9 380 nói chung không cao. Mức xung cao nhất mà MSI R9 380 Gaming hoạt động ổn định là 1130/1500 MHz.

    Cấu hình thử nghiệm

    Bo mạch chủ: ASRock Z77 Extreme4

    Bộ xử lý: Intel Core i5-3570K

    Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 1866

    Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB

    Nguồn: 660W

    Card đồ họa:
    - Nvidia GTX 750 Ti (xung nhịp 1020/1350 MHz)
    - Nvidia GTX 960 (xung nhịp 1127/1753 MHz)
    - Nvidia GTX 970 (xung nhịp 1051/1753 MHz)
    - AMD R9 280X (xung nhịp 1000/1500 MHz)
    - AMD R9 285 (xung nhịp 918/1375 MHz)
    - AMD R9 290 (xung nhịp 947/1250 MHz)
    - AMD R9 290X (xung nhịp 1000/1250 MHz)
    - AMD R9 380 (xung nhịp 970/1375 MHz)
    - MSI R9 380 Gaming 2 GB (xung nhịp 1000/1400 MHz)

    Phần mềm và game thử nghiệm

    - Nvidia Driver 353.06 WHQL
    - AMD Catalyst 15.5 beta (cho R9 380)
    - AMD Catalyst 14.12 WHQL (cho series R9 200)
    - 3DMark Vantage: Thiết lập Performance Preset (1280 x 1024)
    - 3DMark 11: Thiết lập Extreme Preset (1920 x 1080)
    - 3DMark 2013: Fire Strike
    - Batman: Origins (DX 11)
    - BioShock Infinite (DX 11)
    - Crysis 3 (DX 11)
    - Dirt 3 (DX 11)
    - Hitman Absolution (DX 11)
    - Metro: Last Light (DX 11)
    - Total War Rome 2 (DX 11)
    - Sleeping Dogs (DX 11)
    - Sniper Elite V2 (DX 11)
    - Tomb Raider (DX 11)

    Kết quả thử nghiệm

     

    Nhiệt độ - Độ ồn

    Vào thời điểm test, nhiệt độ phòng đang là 30 độ C. Nhiệt độ hoạt động của MSI R9 380 Gaming trên benchtable:
    - Idle: 46 độ C, quạt không quay.
    - Game: 65 độ C, quạt 53% ~ 1560 vòng/phút.
    - Game (@1130/1500 MHz): 69 độ C, quạt 68% ~ 1800 vòng/phút.

    Ứng dụng công nghệ Zero Frozr, dưới 58 độ C quạt tản nhiệt không quay, cho người dùng sự im lặng tuyệt đối. Trong thời gian chơi game, tản nhiệt vẫn hoạt động êm ái không tiếng ồn, nhiệt độ đạt được khá lý tưởng với các VGA hiệu năng tầm này.

    Tổng kết

    Biểu đồ so sánh hiệu năng:

    AMD không ngần ngại đặt R9 380 cạnh tranh trực tiếp với GTX 960 tại phân khúc trung cấp - mảnh đất màu mỡ có doanh số bán ra cực lớn. Hiệu năng R9 380 nhỉnh hơn một chút so với đối thủ, giá cũng đang được đặt tương đương. Tham khảo giá các phiên bản R9 380 đã có ở Việt Nam và so sánh với GTX 960:
    - Gigabyte R9 380 G1 Gaming 4 GB: 6.499.000 VNĐ; Gigabyte GTX 960 G1 Gaming 2 GB: 6.319.000 VNĐ
    - MSI R9 380 OC 2 GB: 5.499.000 VNĐ; MSI GTX 960 OC 2 GB: 5.555.000 VNĐ
    - MSI R9 380 Gaming 2 GB: 5.999.000 VNĐ; MSI GTX 960 Gaming 2 GB: 5.999.000 VNĐ
    - MSI R9 380 Gaming 4 GB: 6.499.000 VNĐ; MSI GTX 960 Gaming 4 GB: 6.999.000 VNĐ

    Tuy vậy, theo ý kiến của tôi R9 380 nếu muốn giành thị phần của GTX 960 thì phải đặt giá thấp hơn đối thủ một chút vì các lý do:
    - Là rename của R9 285, kiến trúc không có gì mới.
    - Yêu cầu 2 nguồn phụ 6 pin, trong khi GTX 960 chỉ cần 1.
    - Phần đông người dùng đang tin dùng Nvidia.
    - Lượng card R9 200 second-hand giá rẻ do dân cày bitcoin thải ra còn rất nhiều.

    Với 4 lý do trên, nếu không rẻ hơn GTX 960 ít nhất 300 ngàn đồng (so cùng phiên bản các hãng), sẽ rất khó để R9 380 có thể bật lên được tại Việt Nam. Đây là điều AMD Việt Nam cần phải xem xét khi mảnh đất 4 triệu -> 8 triệu đồng mà GTX 960 đang làm chủ vô cùng màu mỡ, doanh số bán ra cực tốt.

    * Xin cám ơn Công ty Máy tính Hà Nội (Hanoi Computer, 43 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) và Công ty Tin học Mai Hoàng đã hỗ trợ linh kiện cho bài viết.

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ