MSI Z170A Gaming M5 và Intel Core i5-6600K: Cặp đôi Skylake ép xung khủng khiếp!

    Nội Tâm,  

    Có thể tạm kết luận Skylake sẽ mạnh hơn Haswell khoảng 14% (so sánh cùng xung nhịp), ngoài ra điểm mạnh vượt trội nằm ở nhiệt độ hoạt động thấp.

    Vắn tắt Intel Skylake

    Đội hình CPU Skylake của Intel hiện nay mới chỉ có 2 thành viên là Core i5-6600K và Core i7-6700K. Cả 2 đều có khả năng mở hệ số nhân để ép xung. Nền tảng mới mang socket 1151, không tương thích với các bo mạch chủ thế hệ trước. Tính tới thời điểm này, Intel đã công bố 3 chipset bo mạch chủ hỗ trợ là B150, H170 và Z170. Một thay đổi lớn nữa là đa số bo mạch chủ Skylake chỉ hỗ trợ RAM DDR4, chỉ có 1 số ít hỗ trợ DDR3. Như vậy, nếu muốn nâng cấp lên Skylake, người dùng sẽ phải mua mới toàn bộ cả bo mạch chủ, CPU lẫn bộ nhớ RAM. Rất may còn tản nhiệt vẫn có thể dùng chung được.

    Hiện tại, testlab của chúng tôi đang có trong tay một chiếc CPU Core i5-6600K, nội dung khai thác hôm nay sẽ là hiệu năng CPU, nhiệt độ hoạt động và khả năng ép xung.

    MSI Z170A Gaming M5

    Trong khoảng 2 năm trở lại đây, dòng sản phẩm Gaming của MSI gặt hái được rất nhiều thành công, thu hút lượng người dùng trung thành ngày càng lớn. Họ không ngừng tiếp nhận ý kiến người dùng để cải thiện sản phẩm, đồng thời chăm chút mọi khía cạnh từ chất lượng, hình thức, hiệu năng cho tới phụ kiện.

    Với Z170A Gaming M5 nói riêng và cả dòng bo mạch chủ Gaming nói chung, MSI dùng vỏ hộp nền đỏ rất bắt mắt.

    Phụ kiện của MSI Z170A Gaming M5 có khá nhiều thứ thú vị. Đầu tiên là sách vở đi kèm: Cũng chỉ là sách hướng dẫn - một phụ kiện hết sức cơ bản nhưng họ thể hiện sự trân trong người dùng bằng một tấm card với lời nhắn “Cám ơn bạn đã lựa chọn sản phẩm của MSI. Sản phẩm này được thực hiện với nhiệt huyết lớn lao, chúng tôi hi vọng bạn sẽ thích nó”.

    Các phụ kiện cơ bản khác gồm 4 cáp SATA3, 1 cầu SLI và miếng chặn main.

    Phụ kiện tiếp theo là một món đồ nhỏ nhưng hữu dụng: Miếng dán đánh dấu cáp SATA.

    Cuối cùng là một miếng giấy treo nắm tay mở cửa với nội dung “Đang bận chơi game”, không biết có bạn nào dám treo không.

    Bắt đầu từ dòng chipset series 8 (Haswell), các hãng sản xuất bo mạch chủ bước vào cuộc chạy đua thiết kế rất căng, thay đổi liên tục và ngày càng đẹp mắt. Là dòng sản phẩm chủ đạo của MSI, Gaming cũng không nằm ngoài cuộc đua đó. Tuy nhiên MSI có điểm thành công hơn các hãng khác là các lứa sản phẩm của họ có tính kế thừa, dù thay đổi liên tục nhưng các lứa Gaming đều giữ được cái chất riêng của cả dòng. Nhờ vậy, hãng vừa giữ chân được người dùng cũ, vừa thu hút thêm được khách hàng mới.

    Vẫn giữ tông đỏ-đen và logo rồng truyền thống, Z170A Gaming M5 có một vài thay đổi nho nhỏ. Dễ thấy nhất là các đường mạch màu đỏ ở khu vực khe RAM. Z170A Gaming M5 chỉ hỗ trợ bộ nhớ DDR4.

    Tiếp đến là tản nhiệt mosfet lấy cảm hứng từ 2 người đàn ông đấu súng thay cho rồng lộn như mọi khi.

    Tuy nhiên, theo cảm nhận của tôi thì tản nhiệt mosfet mới này không đẹp bằng lứa cũ.

    Bù lại tản nhiệt chipset thì ngon mắt và bóng bẩy hơn nhờ bổ sung thêm các đường “cong mềm mại”.

    Cải tiến tiếp theo là việc bọc giáp cho 2 khe PCIe x16, giúp các khe này bền bỉ hơn, “chống chọi” với sức nặng của các card đồ họa cao cấp. Hai khe PCIe x16 bọc giáp này hỗ trợ chạy đa card đồ họa với băng thông x8/x8 3.0.

    Nằm xen với các khe PCI là 2 cổng M.2 PCIe dành cho SSD.

    Đối với chipset Z170, Intel đã bớt hà tiện, nâng số lượn cổng SATA3 lên thành 6 và bỏ hẳn cổng SATA2. Nhờ vậy số lượng SSD tốc độ cao hỗ trợ đã lên tới 8 (tính cả 2 cổng M.2 PCIe).

    Main được trang bị tới 12 phase điện, cuộn cảm lõi Ferrit được thay bằng Titanium, tên kêu hơn hẳn và chất lượng có lẽ cũng tốt hơn.

    Mỗi phase điện được điều khiển bởi 2 mosfet trở kháng thấp.

    Tuy là sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp, người dùng chắc chắn dùng PSU ngon nhưng MSI vẫn trang bị một cuộn cảm lọc đặt cạnh chân cấp điện 8 pin.

    Các cổng ngoại vi có đủ PS/2, USB 2.0, USB 3.0, USB 3.1 Type A và Type C. Các cổng âm thanh được mạ vàng chống nhiễu, chống oxy hóa, hỗ trợ cả âm thanh quang Optical. Dù cả Core i5-6600K và Core i7-6700K đều hỗ trợ xuất 3 màn hình nhưng Z170A Gaming M5 chỉ có 2 cổng xuất hình là DVI và HDMI.

    Chip âm thanh Realtek ALC1150 cao cấp, được hỗ trợ bởi Audio Boost 3 dùng 2 chip OP-AMP cho 2 đường tiếng trước/sau, 1 cho nghe game và 1 cho nghe nhạc. Tụ âm thanh được trang bị là Chemi-Con chuyên cho audio.

    Khu vực audio được trang bị mạch LED đỏ:

    Main sử dụng chip Gaming LAN Killer E2400 chống lag và chống sét, được trang bị phần mềm riêng tối ưu băng thông mạng cho game.

    Cổng mạng Ethernet được gắn LED đỏ:

    Board mạch 4 lớp cứng cáp, có thể cõng các tản nhiệt khủng mà không sợ cong board hay gãy mạch.

    Main được trang bị chế độ Slow Mode, phục vụ các dân chơi ép xung bench điểm lấy le. Chế độ này được kích hoạt bằng một công tắc trên board mạch. Sử dụng chế độ này, xung CPU sẽ hạ xuống 800 MHz, giúp OCer có thể boot vào hệ điều hành, sau đó tắt đi, bench điểm thật nhanh rồi save kết quả lại trước khi... treo máy.

    Rất nhiều ưu điểm nhưng vẫn có nhược điểm: Main không có nút Power và Reset, chỉ có đèn LED báo lỗi mà thôi.

    Cấu hình thử nghiệm

    Bo mạch chủ: MSI Z170A Gaming M5

    Bộ xử lý: Intel Core i5-6600K

    Tản nhiệt: Corsair H100i

    Bộ nhớ trong: 2 x 8 GB Gskill DDR4 2133 MHz

    Card đồ họa: Inno3D GTX 950 iChill

    Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB

    Nguồn: Cougar STX550

    Dưới đây là hình ảnh cả dàn khi lên sóng. Các bạn lưu ý VGA trong hình là MSI GTX 750 Ti Gaming, còn VGA trong các kết quả thử nghiệm là Inno3D GTX 950 iChill.

    Điểm qua về giao diện Bios

    Giao diện Bios của MSI Z170A Gaming M5 có thể gói gọn trong 2 chữ “đẹp” và “tiện”. Ngay từ lúc bật máy, đập vào mắt người dùng là 1 con rồng lộn màu lửa to uỵch.

    Bios có 2 giao diện tên là EZ (Easy) Mode cho các tinh chỉnh thông thường và Advanced Mode dành cho ép xung.

    EZ Mode

    Advanced Mode

    Main có tổng cộng 6 profile để lưu các cấu hình ép xung. Khi click vào profile, giao diện sẽ liệt kê các thông số cơ bản của profile đó.

    Mỗi lần rời khỏi Bios, người dùng sẽ nhận được thông báo chi tiết về các thiết lập đã thay đổi để kiểm tra lần cuối.

    MSI Command Center

    Đối với các OCer ít kinh nghiệm, chưa quen với các tinh chỉnh trong Bios, MSI cung cấp một công cụ chạy trong Windows tên là MSI Command Center. Giao diện của phần mềm rất trực quan, nhìn là hiểu:

    Trong trường hợp nhìn vẫn không hiểu thì có thể sử dụng luôn chế độ GAME BOOST được MSI dựng sẵn, tự động ép xung lên 4,1 GHz đối với Core i5-6600K và lên 4,4 GHz đối với Core i7-6700K.

    Khi kích hoạt chế độ GAME BOOST này, tính năng tự động hạ xung tiết kiệm điện sẽ được tắt, CPU luôn hoạt động ở xung nhịp cao cho dù chạy không tải.

    Core i5-6600K: Hiệu năng và nhiệt độ

    Nội dung đầu tiên cần test ngay là nhiệt độ hoạt động - điểm hạn chế nhất của các dòng Haswell, Ivy và Sandy cũ. Phải khắc phục được nhược điểm này, Intel mới có thể thuyết phục người dùng mua các combo ép xung của họ. Nhiệt độ phòng thời điểm test là 27 độ C.

    LinX 0.6.4 - Mặc định. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Nhiệt độ cao nhất là 50 độ C. Xung nhịp hoạt động là 3,6 GHz - đây có thể coi là 1 điểm hạn chế của Z170A Gaming M5 bởi tôi biết có rất nhiều main Z170 có thể chạy Core i5-6600K ở xung nhịp 3,9 GHz. Vấn đề xung nhịp này hoàn toàn nằm ở Bios chứ không phải chất lượng main, tôi đã góp ý với MSI để họ sửa lại trong các bản Bios sau.

    3DMark Vantage - Mặc định. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    3DMark 11 - Mặc định. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    3DMark 2013 - Mặc định. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Cinebench R11.5 - Mặc định. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Cinebench R15 - Mặc định. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Kích hoạt chế độ GAME BOOST 4,1 GHz

    Thử với LinX 0.6.4, nhiệt độ full-load tăng nhẹ lên 56 độ C.

    LinX 0.6.4 - GAME BOOST 4,1 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Do xung nhịp gốc của MSI Z170A Gaming M5 khá thấp, chỉ 3,6 GHz nên khi BOOST lên 4,1 GHz hiệu năng tăng đáng kể, khoảng 10 -> 12% tùy test.

    3DMark Vantage - GAME BOOST 4,1 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    3DMark 11 - GAME BOOST 4,1 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    3DMark 2013 - GAME BOOST 4,1 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Cinebench R11.5 - GAME BOOST 4,1 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Cinebench R15 - GAME BOOST 4,1 GHz.Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Ép xung tối đa: 4,9 GHz!

    Điểm hạn chế thứ 2 của sản phẩm là việc Bios giới hạn Vcore ở 1,55V. Với Vcore này tôi chỉ có thể đạt xung nhịp 4,9 GHz dù nhiệt độ vẫn còn rất ngon. Nếu tăng được lên 1,60V rất có thể sẽ lên được 5,0 GHz.

    LinX 0.6.4 - 4,9 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Hạn chế thứ 3 là sự thiếu vắng của chế độ hạn chế Vdrop trong Bios, vì thế Vcore thực tế bị drop mạnh so với thiết lập trong Bios, không tốt cho ép xung nặng. Cả 2 vấn đề này đều do Bios, hi vọng sẽ được khắc phục trong các phiên bản sau.

    So với mặc định 3,6 GHz ban đầu, hiệu năng CPU tăng tới 35%!

    3DMark Vantage - GAME BOOST 4,1 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    3DMark 11 - GAME BOOST 4,1 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    3DMark 2013 - GAME BOOST 4,1 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Cinebench R11.5 - GAME BOOST 4,1 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Cinebench R15 - GAME BOOST 4,1 GHz. Click vào đây để xem ảnh lớn.

    Kểt luận

    Dòng bo mạch chủ và card đồ họa Gaming của MSI trước giờ vẫn gây cho tôi nhiều ấn tượng về thiết kế và chất lượng, và Z170A Gaming M5 cũng không phải ngoại lệ. Không chỉ đẹp và hầm hố, 100% linh kiện trên main đều chất lượng: Chip âm thanh ngon, chip LAN chống lag, cuộn cảm Titanium, tụ rắn Dark cap tuổi thọ 10 năm, board mạch 4 lớp cứng cáp... Nhờ thế, khả năng ép xung của Z170A Gaming M5 vô cùng mạnh mẽ, tôi có thể dễ dàng OC lên 4,9 GHz mà không gặp vấn đề gì. Tôi tin rằng mức xung này vẫn chưa phải giới hạn của sản phẩm, Z170A Gaming M5 vẫn còn nhiều tiềm năng chờ unlock bằng các bản Bios sau.

    Tuy vậy, vì là loạt sản phẩm đầu tiên nên Z170A Gaming M5 vẫn còn vài nhược điểm không đáng có, chủ yếu đến từ Bios, liên quan đến xung nhịp và ép xung như xung nhịp mặc định thấp hơn một số main Z170 khác, giới hạn Vcore ở 1,55V, không có chế độ hạn chế Vdrop. Tất cả đều đã được tôi góp ý đến MSI để họ có thể cải thiện trong các bản Bios sắp tới.

    Về hiệu năng các bộ xử lý, thông qua Core i5-6600K có thể tạm kết luận Skylake sẽ mạnh hơn Haswell khoảng 14% (so sánh cùng xung nhịp). Điểm mạnh vượt trội so với Haswell nằm ở nhiệt độ hoạt động thấp, dẫn đến khả năng ép xung cao hơn nhiều, hứa hẹn sẽ thu hút được nhiều game thủ và OCer nâng cấp.

    Ưu:
    - Phụ kiện thể hiện sự quan tâm tới người dùng.
    - Thiết kế đẹp mắt.
    - Linh kiện chất lượng, board mạch cứng cáp.
    - Có tới 12 phase điện, khả năng ép xung mạnh mẽ.
    - 2 khe PCIe x16 bọc giáp chắc chắn.
    - Âm thanh chất lượng.
    - GAMING LAN chống lag.
    - 2 cổng M.2 SATA.
    - Chế độ Slow Mode dành cho OCer hạng nặng.
    - Phần mêm MSI Command Center ép xung trên nền Windows.

    Nhược:
    - Xung nhịp full-load thấp hơn một số main Z170 khác (có thể khắc phục trong bản Bios sau).
    - Giới hạn Vcore ở 1,55V (có thể khắc phục trong bản Bios sau).
    - Không có chế độ hạn chế Vdrop (có thể khắc phục trong bản Bios sau).
    - Không bọc giáp khu vực cổng ngoại vi.
    - Không có nút Power và Reset trên main.
    - Giá còn cao so với Z97.

    * Xin cám ơn Công ty Tin học Mai Hoàng đã hỗ trợ sản phẩm cho bài viết.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ