NASA đã chụp ảnh trên sao Hỏa như thế nào?

    MT,  

    17 chiếc camera đủ cả máy ảnh màu lẫn đen trắng được huy động. Mỗi camera sẽ được gán cho từng nhiệm vụ chuyên biệt...

    Robot Curiosity Rover đã được Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA cho đổ bộ thành công lên sao Hỏa hồi năm ngoái. Từ đó tới nay, NASA đã dùng Curiosity Rover để chụp rất nhiều hình ảnh về hành tinh đỏ. Khi xem những hình ảnh trên sao Hỏa, hẳn không ít người tò mò muốn biết họ đã dùng Curiosity Rover để chụp hình như thế nào. 

    Video: NASA Gives a Tour of the Cameras on the Mars Curiosity Rover rovercam

    Có vẻ như nắm bắt được nhu cầu tìm hiểu này, mới đây NASA đã cho đăng tải 1 video mô tả cách chụp hình của Curiosity Rover. Thực ra, những hình ảnh sao Hỏa được chụp lại nhờ tổng cộng 17 chiếc camera được gắn lên mình robot Curiosity Rover. Đây là số lượng camera đông đảo nhất được huy động cho một nhiệm vụ thám hiểm vũ trụ của cơ quan này. 

    17 chiếc camera trên Curiosity Rover sẽ chịu trách nhiệm chụp cả ảnh màu lẫn các bức ảnh đen trắng, tùy thuộc vào nhiệm vụ mà chúng được giao phó. Ở cuối mỗi cánh tay robot là một camera chụp lại các bức ảnh màu độ phân giải cao. Một camera khác được bố trí phía trên làm nhiệm vụ chụp ảnh địa chất. Có 4 camera ở phía trước và phía sau (được đặt tên là HazCams) có nhiệm vụ phát hiện các chướng ngại trên đường di chuyển của Curiosity Rover.

    Có nhiều máy ảnh khác nữa được sử dụng, trong đó mỗi camera có một nhiệm vụ riêng biệt như đã nói. NASA tiếp tục giải thích vì sao họ lại dùng cả máy ảnh màu lẫn máy ảnh đen trắng. Theo Justin Maki, người phụ trách hoạt động của những chiếc máy ảnh này, họ dùng máy ảnh đen trắng bởi  Curiosity Rover dùng chúng để "nhận diện đá cũng như các vật cản khác". Với máy ảnh màu, Maki cho biết các nhà khoa học sử dụng thông tin màu sắc để tìm hiểu về đất và đá trên sao Hỏa. 

    Video: NASA Gives a Tour of the Cameras on the Mars Curiosity Rover rovercam2

    Một điều có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên đó là các bức ảnh được xếp vào dạng "độ phân giải cao" mà các camera trên Curiosity Rover chụp lại thực chất chỉ có độ phân giải từ 1 đến 2 MP. Vì sao một dự án khoa học lớn như vậy lại chỉ trang bị camera chỉ có độ phân giải ngần đó? Đó là bởi dự án Curiosity đã được khởi động từ cách đây cả thập kỉ và cảm biến trên các camera của Curiosity đã là những công nghệ tiên tiến nhất ở thời điểm đó. Chưa hết, Curiosity Rover chỉ có băng thông giới hạn ở mức 32 GB mỗi ngày để gửi các dữ liệu tới 2 vệ tinh nhân tạo quay trên các quỹ đạo gần sao Hỏa sau đó chuyển tiếp dữ liệu trở lại Trái Đất. Đó là lý do vì sao các camera có khả năng quay cả video nhưng Curiosity Rover hiếm khi gửi dạng dữ liệu này trở về các phòng nghiên cứu dưới mặt đất.

    Tham khảo: Petapixel.com

    NỔI BẬT TRANG CHỦ