Những điều cơ bản cần biết về bàn phím chơi game - Gaming Keyboard

    TVD, TVD 

    Trong giới game thủ nói chung, và những người chơi eSport nói riêng, bàn phím (Keyboard) luôn là một yếu tố quan trọng quyết định sự nhanh chậm, thắng thua của người chơi.

    Trong giới game thủ nói chung, và những người chơi eSport nói riêng, bàn phím (Keyboard) luôn là một yếu tố quan trọng quyết định sự nhanh chậm, thắng thua của người chơi. Để tiếp nối tuyến bài về chủ đề Gaming Gear, GenK xin gửi tới bạn đọc các khái niệm thường được nhắc tới khi nói về bàn phím chơi game (Gaming Keyboard) nhằm giúp độc giả có thể lựa chọn những mẫu bàn phím từ cơ bản đến chuyên nghiệp nhất.
     
    N-key rollover
     
    Thuật ngữ N-key rollover hay Anti Ghosting thể hiện khả năng thiết bị có thể nhận tín hiệu từ nhiều phím bấm trong cùng một thời điểm (N là số phím có thể nhận). Thông số này là bắt buộc đối với một bàn phím chơi game, vì không có nó bạn không thể thực hiện các combo, hoặc khi ấn quá vội sẽ dẫn tới tình trạng nhận không đủ phím.
     

    Có nhiều cách để nhà sản xuất đưa tính năng cần thiết trên vào sản phẩm của mình, trong đó quan trọng nhất là thiết kế bảng mạch để nhận tín hiệu từ phím bấm. Nhưng cũng bởi sự phức tạp và đòi hỏi chí phí cao nên với các mẫu bàn phím (không tính bàn phím cơ) như Razer, Logitech, SteelSeries hay nhều hãng khác, chỉ áp dụng N-key rollover cho số lượng phím nhất định, nằm tại các cụm thường được dùng trong game (ASDF, WASD, CRT…).
     
    Active point
     
    Là khoảng thời gian bàn phím nhận được tín hiệu sau khi bạn ấn phím xuống (còn gọi là 1 hành trình phím, hay độ nảy của phím).  Đối với bàn phím thường sử dụng một lớp màng cao su, khi ấn một phím xuống lớp màng sẽ lún xuống và đưa bộ phận tiếp xúc chạm bảng mạch, do đó nó sẽ mất một khoảng thời gian ngắn từ khi phím được nhấn xuống và trở về vị trí cũ. Nếu lớp màng cao su có độ đàn hồi không tốt, sẽ làm tăng khoảng thời gian của 1 hành trình phím. Đối với 1 bàn phím cơ thông thường mất khoảng 5 ms (5 phần nghìn giây) cho 1 hành trình phím, trong khi các bàn phím bình thường mất nhiều thời gian hơn (tùy thuộc vào chất lượng bàn phím).
     
     
    Tần suất gửi tín hiệu (Polling Rates)

    Trong nghiên cứu về chuột chơi game, tần xuất gửi tín hiệu từ thiết bị đến máy tính (Polling Rates) là chi tiết vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác trong từng pha hành động. Với bàn phím, mặc dù vẫn tồn tại khái niệm Polling Rates, nhưng ý nghĩa của nó không còn quá cần thiết. Điều này khá dễ hiểu bởi lẽ tốc độ gõ phím của con người khó lòng vượt qua được tần suất gửi tín hiệu từ bàn phím đến máy tính ở tốc độ thấp (khoảng 200MHz – 200 lần/ giây).
     
    Công nghệ in ký tự
     
    Mỗi phím bấm đại diện cho một hoặc vài chức năng, thể hiện thông qua ký tự in trên bề mặt. Nhiều gamer cho rằng chuyện in ấn thế nào là việc của nhà sản xuất. Tuy nhiên, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ khác nếu biết có những công nghệ giúp ký tự cực kỳ bền màu còn một số khác lại nhanh chóng biến mất chỉ sau thời gian ngắn sử dụng.
     

    Theo thống kế, Pad Printing được xem như công nghệ in ký tự phổ biến nhất trên thị trường, xuất hiện cả với sản phẩm phổ thông và cao cấp. Tương tự như hình thức sơn vẽ, Pad Printing rất có lợi thế về giá thành rẻ, in được nhiều màu sắc nhưng nhanh mờ và tạo cảm giác cộm khi ngón tay tiếp xúc.
     
    Với dòng sản phẩm cao cấp hơn, các kỹ sư áp dụng phương pháp khắc laser với ưu điểm vô cùng bền màu, nhưng có nhược điểm là đường nét kém sắc, chỉ dùng tốt trên các mẫu phím có màu trắng. DAS rất nổi tiếng với nhiều thiết bị dùng công nghệ khắc ký tự bằng laser.
     
     
    Hình thức cuối cùng và đỉnh nhất là Double-Shot Injection. Đây không phải công nghệ in mà thực chất là hình thức ghép hai phần ngoài và trong của phím để tạo thành ký tự nổi bật (như hình vẽ). Bằng cách này, nhà sản xuất đem đến cho người dùng những phím bấm có ký tự sắc nét, không bao giờ phai màu. Ngoài ra, sử dụng Double-Shot Injection thì ký tự trên mỗi phím chỉ bao gồm một màu đồng bộ.
     
    Cổng kết nối
     
    Kết nối PS2 cổ điển được đánh giá tốt hơn USB vì ba lý do chính. Thứ nhất, nó đảm bảo tính năng N-key rollover hoạt động tối ưu, với USB dù bàn phím có hỗ trợ đến đâu thì gamer cũng chỉ thao tác được cùng lúc tối đa 6 phím.
     

    Thứ hai, sử dụng kết nối USB, tín hiệu từ bàn phím đến máy tính có thể bị ảnh hưởng bởi các thiết bị đang dùng cổng USB khác. Và cuối cùng, dùng kết nối PS2 của riêng bàn phím, gamer sẽ dư thêm một cổng USB quý giá, cần thiết cho nhiều thiết bị ngoại vị hiện đại. Tất nhiên, nếu bàn phím của bạn là loại tích hợp nhiều chức năng phụ như đèn nền, màn LCD... thì kết nối USB luôn bắt buộc.
     
    Bàn phím cơ (mechanic keyboard)
     
    Hiện nay thuật ngữ bàn phím mech hay bàn phím cơ đã trở nên khá thông dụng trong cộng đồng game thủ. Bàn phím cơ là loại bàn phím được trang bị một cơ cấu cơ học (Key Switch) riêng cho từng phím (chứ không phải 1 tấm đệm cao su như loại bàn phím thường), cứng cáp và cực kỳ bền bỉ. Công nghệ này đem lại sự chắc chắn cho mỗi phím nhưng lại luôn êm ái khi làm việc. Trong các tình huống cần thao tác nhanh, game thủ chỉ cần lướt nhẹ ngón tay qua các phím là tín hiệu đã được ghi nhận mà không cần đi hết hành trình phím như ở các bàn phím thường.
     
     
    Quan trọng hơn cả chính là bạn cần phải thử qua rồi mới biết cảm giác chính xác khi gõ bàn phím cơ là như thế nào. Cũng giống như việc ăn uống, cảm giác là một thứ rất khó diễn tả bằng lời nói.
     
    Key Switch
     
    Có nhiều loại cơ cấu switch khác nhau được sử dụng trong bàn phím cơ, mỗi loại lại có đặc điểm cũng như phù hợp với nhu cầu khác nhau. Đây cũng là một yếu tố quan trọng khi lựa chọn một bàn phím cơ. Dưới đây chúng ta sẽ cùng điểm qua một vài loại switch cơ bản nhất.
     
    Cherry MX Black Switches: lực ấn 60 gram, loại tuyến tính, không phát ra tiếng động.
     
     
    Là loại switch phù hợp cho các gamer bởi thiết kế tuyến tính, phím bấm rất êm ái và bạn không cần ấn hết hành trình của phím, chỉ cần lướt nhẹ qua bề mặt là bán phím đã nhận được thông tin.
     
    Cherry MX Brown Switches: lực ấn 45 gram, loại tactile (bạn sẽ có cảm giác vượt qua một nấc cản nhỏ khi ấn phím xuống), không phát ra tiếng động.
     
     
    Brown Switches được xem là sự dung hòa giữa bàn phím typing và chơi game. Với thiết kế theo kiểu tactile sẽ giúp bạn có cảm giác tốt hơn khi ấn một phím, với kiểu phím này bạn cũng không cần ấn hết hành trình phím.
     
    Cherry MX Blue Switches: lực ấn 50 gram, loại tactile và clicky, phát ra tiếng động nhỏ khi ấn.
     
     
    Đây là loại switch phù hợp nhất để typing. Với thiết kế giúp bạn nhận rõ khi một phím được ấn xuống, sẽ có một tiếng click nhỏ và cảm giác như phím bấm vượt qua một gờ nhỏ. Nhiều người cảm thấy khó chịu với bàn phím loại này do tiếng động nó phát ra và cảm giác mỏi tay khi ấn phím.
     
    Cherry MX Clear Switches: lực ấn 50 gram, loại tactile, không phát ra tiếng động.
     
     
    Gần giống với loại Brown Switche, chỉ có điều các phím Clear Switche cứng hơn, tương tự như loại phím đệm cao su thông thường.
     
    Cherry MX Red Switches: lực ấn 45 gram, loại tuyến tính, không phát ra tiếng động.
     
     
    Giống với Black Switches, loại switch này cũng dành cho cho các game thủ, tuy nhiên các phím của Red Switches còn nhẹ hơn cả Black Switches. Một số người nghĩ rằng loại phím này quá nhẹ do đó có thể dẫn đến một số thao tác nhầm khi chơi game.
     
    Topre Key Switches: lực ấn 30-55 g tùy loại, loại tactile điện dung, không phát ra tiếng động.
     
     
    Cơ chế của Topre sử dụng một lò xo bên dưới một lớp cao su, lực nén của lò xo gây ra sự thay đổi điện dung giữa các tấm lót của tụ điện, sự thay đổi này khiến bàn phím nhận được thông tin của phím vừa bấm.
     
    Topre switches được đánh giá khá cao hiện nay, bởi thiết kế đặc biệt cho cảm giác ấn phím êm hơn cả Black và Red Switches và sự yên tĩnh khi hoạt động.
     
    (Tổng hợp).
     

    NỔI BẬT TRANG CHỦ