Những điều nên quan tâm khi chọn lựa mousepad

    Vi Dũng, Vi Dũng 

    Trong bài viết lần này, GenK sẽ gửi tới các bạn những tiêu chí cũng như những lời khuyên khi chọn sản phẩm mang tính chất quyết định tới khả năng vận hành của một chú chuột: Tấm lót.

    Trong những bài viết trước, GenK đã giới thiệu đến độc giả kinh nghiệm chọn lựa những mẫu chuột dành riêng cho việc chơi game, những kiến thức cơ bản để các game thủ hiểu được về nguyên lý cũng như tác dụng của một số loại lót chuột phổ biến hiện nay. Sau khi đọc xong bài viết, có lẽ độc giả cũng đã phần nào có được sự lựa chọn cho mình về chú chuột chơi game phù hợp với nhu cầu sử dụng cũng như phong cách chơi game. Trong bài viết lần này, GenK sẽ gửi tới các bạn những tiêu chí cũng như lời khuyên khi chọn sản phẩm mang tính chất quyết định tới khả năng vận hành của một chú chuột: Tấm lót, hay trong bài viết sẽ đề cập bằng thuật ngữ “mousepad” hay “mouse mat”. Giá thành của các mẫu lót chuột được đề cập dưới đây chỉ mang tính tham khảo.
     
    Nếu bạn là nhân viên công sở
     
    Mục tiêu của bài viết trước chỉ hướng đến thành phần độc giả là các game thủ (cả không chuyên cũng như chuyên nghiệp). Tuy nhiên ở bài viết này, những lời khuyên dành cho người sử dụng máy tính nói chung hay các nhân viên công sở cũng sẽ được đưa ra.
     
    Nhìn chung, những người sử dụng máy tính với nhu cầu lướt web hay các công việc văn phòng thường không quá cầu kỳ khi chọn một chiếc mousepad như đối với các game thủ. Thật vậy, khi bạn chỉ dùng máy tính với các tác vụ hàng ngày như soạn thảo văn bản, lướt web, thậm chí là chơi một số game đơn giản, bạn sẽ chẳng cần dùng tới mousepad xịn làm gì cho…tốn diện tích. Lời khuyên cho người dùng trong tình huống này là hãy chọn những bàn di chuột giá rẻ thường thấy trên thị trường (giá tham khảo 10.000 đồng - 50.000 đồng), thậm chí đến lúc hỏng rồi thay cái khác cũng không tiếc.
     
    Hay thậm chí đối với những ai lo sợ việc sử dụng chuột trong thời gian dài mà không có các biện pháp bảo vệ sẽ khiến cổ tay của mình sẽ trở nên đau nhức, giải pháp cũng không hề thiếu. Người dùng chỉ cần tìm một tấm lót chuột có phần đệm đỡ cổ tay ở phía cuối, với giá thành cũng không cao hơn mức giá bên trên là mấy.
     
      
    Nếu bạn là một game thủ chính cống
     
    Hoàn toàn trái ngược với những nhân viên văn phòng, các game thủ, đặc biệt là những ai chơi các tựa game có mặt trong các giải eSport đỉnh cao luôn luôn có ý niệm về tầm quan trọng của một tấm mousepad trong khi thi đấu. Bàn di chuột cao cấp sẽ tối ưu hóa khả năng của cả phần cảm biến quang học lẫn feet (đế chuột), giúp các thao tác của gamer trở nên chính xác hơn rất nhiều.
     
     
    Cứng hay mềm?
     
    Về cơ bản, mousepad dành cho game thủ hiện được chia làm 2 loại: Pad mềm và pad cứng. Mousepad mềm thường được làm bằng chất liệu cao su hoặc silicone và phủ ở trên bề mặt một lớp sợi tổng hợp được dệt theo phương pháp đặc biệt và có thể dễ dàng cuộn tròn lại để di chuyển.
     
    Razer Megasoma cùng chuột Naga.
     
    Mousepad mềm cũng được chia thành 2 loại chủ yếu dựa trên kết cấu bề mặt pad: Controlvà Speed. Với dạng pad control, đường vân và các sợi tổng hợp sẽ được sắp xếp thô và nhám hơn, giúp các game thủ chơi các tựa game nhập vai, RTS (chiến thuật thời gian thực) hay MOBA có được cảm giác điều khiển nhân vật của họ chính xác và “đầm” tay nhất. Đại diện tiêu biểu cho mousepad dạng này chính là “huyền thoại” Razer Goliathus Fragged Standardphiên bản Control (370.000 VNĐ), CM Storm CSM series hay Razer Megasoma (1.170.000 VNĐ) với bề mặt phủ silicone thay vì vải như thông thường.
     
    "Tượng đài" Goliathus.
     
    Trong khi đó, mousepad speed lại sở hữu bề mặt mịn láng hơn, giúp những game thủ ưa thích dòng FPS hay TPS có được những pha “vẩy” chuột tinh tế, xuất thần. SteelSeries QcK (320.000 VNĐ), Razer Goliathus Speed hoặc CM Storm Speed RX là những gương mặt sáng giá mà bất kỳ game thủ nào cũng hướng đến khi họ chọn cho mình một mousepad ưng ý.
     
    CM Storm Speed RX.
     
    Quay trở lại với những chiếc pad cứng. Phần lớn chúng đều được thiết kế với tấm nền bằng nhựa tổng hợp, mặt đáy thường được phủ một lớp cao su với hệ số ma sát cao, giúp pad không bị trơn trượt trong quá trình sử dụng. Bề mặt của bàn di, khác với lót chuột mềm, thường được phủ một lớp tinh thể đặc biệt giúp việc di chuột trên nó trở nên trơn tru nhất. Chính do những đặc điểm này nên mousepad cứng thường khó di chuyển do không thể cuộn hay gập lại cho gọn, vì những thao tác không phù hợp có thể dẫn đến những hư hỏng không mong muốn xảy đến cho mousepad. Thêm vào đó, do bề mặt tinh thể cứng, nên mouse feet sử dụng cùng các loại pad cứng rất mau bị ăn mòn. Vì vậy nếu game thủ xác định "trung thành" với chiếc PC ở nhà thì hãy mua mousepad cứng.
     
    Mouse pad cứng hiện tại cũng có sự đa dạng ở nhiều mức giá cũng như chất lượng, với những sản phẩm có thể kể đến như Razer Scarab (800.000 VNĐ) hoặc Ironclad (1.200.000 VNĐ), CM Storm HSM, SteelSeries HD series (giá dao động từ 660.000 tới 1.200.000 VNĐ tùy phiên bản với kích cỡ khác nhau), Roccat Sense hay “hàng khủng” SteelSeries SX (1.360.000 VNĐ) với bề mặt được làm bằng sợi nhôm và khả năng chống ồn trong sử dụng gần như tuyệt đối.
     
    SteelSeries SX cùng Microsoft Sidewinder.
     
    Một mặt hay hai mặt?
     
    Đôi khi, các nhà sản xuất cũng cho ra mắt hững mẫu pad “2 mặt” theo đúng nghĩa đen, với khả năng của cả hai loại pad control và speed. Razer Vespula (800.000 VNĐ) hay Roccat Alumic là hai trong số đó. Bề mặt của hai mặt tấm lót được phủ theo hai hướng hoàn toàn khác, tạo cảm giác “rê chuột” khác nhau. Đây hẳn là lựa chọn thích hợp cho các gamer “đa di năng”, cùng một lúc chơi nhiều thể loại game khác nhau. Tuy nhiên, hiện tại những mẫu lót chuột như vậy chưa có nhiều trên thị trường.
     
    Razer Vespula "kề vai" cùng Mamba. Bên dưới là Hard pad Razer Destructor.
     
    Rộng hay dày?
     
    Bên cạnh vấn đề bề mặt di chuột, thì kích thước cũng như độ dày của tấm lót cũng là điều cần hết sức lưu tâm. Đầu tiên là kích thước, một game thủ với nhu cầu “vẩy” chuột ít hoặc không có đủ diện tích mặt bàn nên chọn cho mình những mousepad có kích thước nhỏ hoặc vừa. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều tấm mousepad với đủ các kích cỡ khác nhau cho game thủ lựa chọn.
     
    Ví dụ, Razer Goliathus Omega, Roccat Taito Mini, SteelSeries QcK Mini hoặc 3HD là những phiên bản lót chuột cỡ nhỏ, trong khi các loại pad cỡ lớn như QcK hay QcK Heavy, Goliathus Alpha hay Taito King-Size cũng có mặt để đảm bảo nhu cầu của người sử dụng.
     
     
    Tương tự như vậy, khi xét về độ dày của mouse pad ưng ý, chúng ta cũng nên cân nhắc dựa trên mức độ “ghìm” chuột khi chơi game. Thông thường, một tấm mouse pad cao cấp sẽ có độ dày dao động khoảng từ 2 đến 4 mm, tuy nhiên một số mouse pad lại sở hữu bề dày “đáng nể hơn” như CM Storm CSX BattlePad (5mm) QcK Mass/Heavy (6mm). Việc lựa chọn một tấm lót chuột với kích thước và độ dày phù hợp với thói quen sử dụng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc chơi game của bạn sau này.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ