Tại sao Panasonic phải từ bỏ tấm màn plasma?

    PV,  

    (GenK.vn) - Sự đột tử của Plasma khiến cho chúng ta không khỏi ngạc nhiên và hụt hẫng.

    Tại CES - triễn lãm hàng điện tử tiêu dùng năm nay, Panasonic mang tới những chiếc TV OLED mới nhất của mình với độ phân giải 4K. Chúng ta có thể nhận ra một điều rằng những chiếc TV Plasma không hề được nhắc đến. Thêm vào đó, Panasonic đã tuyên bố chính thức ngừng cuộc chơi Plasma của mình. Tại sao thế? Sự đột tử của Plasma khiến cho chúng ta không khỏi ngạc nhiên và hụt hẫng. 4K đã là gì mà Plasma lại ra đi? Nguyên nhân là do đâu? Chúng ta hãy cùng tìm "điều gì đã giết chết TV plasma của Panasonic" nhé.

    Xin lỗi! Chúng tôi đã cố gắng hết sức...

    Tháng vừa rồi, Panasonic đã bắt đầu rút vốn đầu tư cho việc sản xuất TV plasma trước tình hình kinh doanh thua lỗ của dòng sản phẩm này. Ngoài ra, Panasonic đã chính thức tuyên bố sẽ ngừng sản xuất tấm nền plasma (PDP) vào cuối năm nay. Nguồn cung TV plasma cho tiêu dùng và thương mại được dự kiến sẽ hoàn toàn chấm dứt vào ngày 31 tháng 3 sắp tới. Trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ của cả một nền công nghiệp từng một thời hoàng kim rực rỡ. Nguyên nhân là do đâu mà một ông hoàng một thời cuối cùng lại phải chịu cảnh sa cơ?

    Các chuyên gia cho rằng sự xuất hiện của TV 4K Ultra HD chính là cơn ác mộng đã đẩy công nghệ Plasma tới bờ vực thẳm. Một nhân viên cao cấp của Panasonic Mỹ, trong một topic trên diễn đàn HighDefJunkies đã tiết lộ: "Lý do chính để chúng tôi phải ngừng sản xuất tấm nền plasma chính là đã vấp phải một rào cản lớn trong khâu sản xuất. Chúng tôi không thể làm ra những chiếc TV plasma 4k có giá rẻ mà không đầu tư nhiều nguồn lực."

    Cấu trúc của một tế bào plasma

     

    Theo nhận định của các chuyên gia, việc tạo nên một chiếc TV plasma có kích thướt lớn (từ 55 inch trở lên) nhưng có mức giá phù hợp với đại đa số người dùng là một việc làm quá khó khăn thậm chí là không thể. Để hiểu lý do của nhận định trên, trước tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên lý hoạt động của một màn hình plasma. Mỗi tấm nền Plasma được tạo nên từ hàng triệu tế bào plasma được đính dày đặt lên bề mặt giữa 2 tấm kính. Mỗi tế bào plasma chứa hỗn hợp của 10% Xenon và một loại khí trơ như neon nhằm duy trì áp suất trong mỗi tế bào bằng một nửa so với áp suất khí quyển.

    Mỗi tế bào plasma được nối với 2 điện cực là điện cực hiển thị và điện cực địa chỉ. Các điện cực có nhiệm vụ nhận tín hiệu điều khiển, lựa chọn và hiển thị nhằm tạo ra các điểm ảnh. Để tạo ra màu sắc, dòng điện được truyền từ điện cực địa chỉ đến điện cực hiển thị thông qua hỗn hợp khí đồng thời ion hóa hỗn hợp khí này. Quá trình trên sẽ bức xạ ra tia cực tím mà mắt người không thể nhìn thấy. Do đó, người ta phủ lên mỗi tế bào một lớp phốt pho màu (thường là đỏ, xanh lá và xanh dương) làm chất lân quang nhằm biến tia cực tím thành ánh sáng mà mắt người có thể nhìn thấy đồng thời tạo ra màu sắc trên màn hình.

    Kích thước điểm ảnh (Pixel Pitch)

    Kích thước điểm ảnh (Pixel Pitch) là khoảng các từ tâm 1 điểm ảnh đến tâm của 1 điểm ảnh lân cận. Đây chính là một trong những khó khăn nhất về mặt kỹ thuật để chế tạo màn hình plasma độ phân giải 4K. Nếu không có khoảng cách giữa các điểm ảnh thì pixel pitch sẽ có độ dài bằng với kích cỡ điểm ảnh. Tuy nhiên, đối với màn hình plasma, mọi chuyện lại không đơn giản như vậy. Mỗi tế bào plasma đều có một khung viền xung quanh.

    Bây giờ hãy cùng xem xét trên các số liệu cụ thể. Lấy chiếc TV 65 inch VT65/VT60 của Panasonic làm thí dụ. Đây là màn hình Panasonic tấm nền plasma cho độ phân giải full HD 1920x1080 và kích thước điểm ảnh là 0,747 mm. Kích thước điểm ảnh nhỏ nhất trên màn hình plasma được ghi nhận tính tới thời điểm hiện tại là 0,48 mm trên một màn hình plasma 42 inch full HD 1080p cũng của Panasonic. Nếu muốn tạo nên một màn hình 65 inch với độ phân giải 3840x2160, Panasonic phải tìm cách gia tăng gấp đôi số lượng điểm ảnh trên cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải tìm cách để giảm kích thước điểm ảnh xuống còn 0,32 mm, giảm đến 33% so với mức nhỏ nhất mà Panasonic từng tạo ra.

    Thách thức về mặt kỹ thuật

    Mẫu thử nghiệm TV Ultra HD 58 inch của Panasonic.

    Mẫu thử nghiệm TV Ultra HD 58 inch của Panasonic.

    Nếu chế tạo các tế bào plasma nhỏ hơn, tỷ lệ nguyên tử bị ion hóa trong mỗi tế bào sẽ giảm đi làm giảm hiệu quả chiếu sáng của tia cực tím lên các chất lân quang, từ đó sẽ làm giảm chất lượng hình ảnh. Để giảm kích thước tế bào plasma nhưng vẫn đảm bảo mức độ chiếu sáng, người ta phải dùng một điện áp lớn hơn để có thể đáp ứng yêu cầu ion hóa các phân tử khí. Điều này làm cho TV sẽ tiêu thụ nhiều điện năng hơn. Ngoài ra, nhà sản xuất còn phải tìm cách tăng áp suất bên trong mỗi tế bào plasma lên gấp đôi so với áp suất khí quyển nhằm bảo vệ các tế bào plasma và duy trì tính ổn định của cả tấm màn.

    Mặc dù các thách thức về mặt kỹ thuật được cho là không thể vượt qua, nhưng cuối cùng Panasonic và đài truyền hình quốc gia Nhật NHK vẫn có thể cho ra đời chiếc TV plasma độ phân giải 3840×2160 và kích thước điểm ảnh là 0,33 mm. Tuy nhiên, chiếc TV này không được đưa vào sản xuất hàng loạt (và có lẽ cũng sẽ không bao giờ) và cũng sẽ không hề có một tấm nền plasma 4K nào được bán ra thị trường nữa.

    Quy định về năng lượng

    Từ năm 2010, Liên minh châu Âu EU đã đưa ra các một hệ thống các tiêu chuẩn khắc khe quy đinh về mức độ tiêu thụ năng lượng của TV nhằm dần loại bỏ dần việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ các TV tiêu hao nhiều năng lượng tại châu Âu. Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2012, quy định về thiết kế TV tại châu Âu nêu rõ: "Mức tiêu thụ điện năng của một chiếc TV đang hoạt động với màn hình có diện tích A dm2 không được vượt quá 16W A * 3.4579 W/dm2."

    Một chiếc TV 65 inch sẽ có diện tích màn hình là 116,47 dm2. Theo công thức của EU, chúng ta có kết quả là chiếc TV sẽ có mức tiêu thụ điện năng tối đa là 419 W. Trong quá trình đánh giá chiếc TV TX-P65VT65B tấm nền plasma độ phân giải 1080p của Panasonic, các nhà phân tích nhận thấy mức độ tiêu thụ điện của TV này là 304 W. Nếu xét một TV 4K tấm nền plasma sẽ có số lượng điểm ảnh gấp 4 lần, chắc chắn rằng chiếc TV plasma sẽ có mức độ tiêu thụ điện năng lớn hơn rất nhiều. Đấy là chưa tính đến việc cần phải cung cấp nhiều điện năng hơn cho mỗi tế bào plasma để đảm bảo được độ sáng của màn hình. Chắc chắn chiếc TV plasma 4K của Panasonic không bao giờ vào được thị trường châu Âu.

    Không riêng tại châu Âu mà nhiều nơi khác trên thế giới cũng quy định các tiêu chuẩn khắc khe về mức tiêu thụ điện năng của TV. Điều này càng khép chặt cánh cửa bước ra thị trường của những chiếc TV plasma 4K. Tại bang California, quy định về mức tiêu thụ điện năng của một chiếc TV dưới 58 inch là 25 W 0,12 x diện tích màn hình. Theo đó, một chiếc TV 55 inch chỉ được quyền tiêu thụ tối đa là 180 W mà thôi. Thâm chí, một TV plasma full HD 55 inch đã vượt quá giới hạn tiêu thụ tới 260 W. Chắc chắn là chiếc TV 4K không thê nào đáp ứng nổi quy định về năng lượng được.

    Thay cho lời kết

    Công nghệ độ phân giải 4k đã đặt dấu chấm hết cho những ngày tháng huy hoàng của Panasonic kéo dài hơn 3 năm qua với màn hình plasma. Đối mặt với nhiều vấn đề về kỹ thuật và pháp lý để có thể mang ra thị trường những chiếc TV 4K, cuối cùng Panasonic đã phải chọn giải pháp từ bỏ vì những vấn đề không thể nào có hướng giải quyết được. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể đổ hoàn toàn trách nhiệm cho họ trong khi rõ ràng là những tấm nền OLED vừa tiêu thụ điện năng ít hơn plasma, lại có thể làm thỏa mãn cơn khát 4K của người dùng. Đã đến lúc phải nói lời chào tạm biệt với những chiếc màn hình plasma của Panasonic. Có lẽ, đến đây các bạn cũng phần nào hiểu được nỗi khổ của Panasonic khi phải đối mặt với những vấn đề khó khăn và buộc phải ngừng sản xuất những đứa con cưng từng một thời hoàng kim của mình. Cuối cùng, tạm biệt plasma và chào mừng OLED.

    Theo: HD Vietnam

    NỔI BẬT TRANG CHỦ