TellSpec: Thiết bị phân tích mọi thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm

    MT,  

    (GenK.vn) - TellSpec có thể phân tích mọi thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm, phân tích môi trường sống xung quanh chúng ta, từ đó đưa ra những tư vấn có ích cho người dùng.

    Ăn uống là nhu cầu thiết yếu hàng ngày của con người. Thế nhưng không phải ai trong chúng ta cũng biết ăn uống như thế nào cho hợp lý với thể trạng, nhu cầu của mình. Một phần bởi người dùng thông thường khó có thể biết được các thành phần dinh dưỡng cụ thể trong thức ăn mà họ tiêu thụ hàng ngày.

    Môi trường sống cũng là một trường hợp tương tự. Có những người bị dị ứng với một số chủng mốc, như Aspergillus và Penicillium. Nhưng những chủng mốc đó lại tồn tại ngay trong nhà mà chúng ta không hề hay biết.

    Một thiết bị mới được giới thiệu gần đây có thể chính là chìa khóa cho những vấn đề trên. Có tên gọi TellSpec. Về cơ bản, đây là một chiếc quang phổ kế có thể phân tích các thành phần của bất kì thứ gì khi bạn trỏ TellSpec vào thứ đó. Các dữ liệu sau đó sẽ hiển thị trên ứng dụng đi kèm TellSpec được cài trên smartphone người dùng. Một ví dụ như khi người dùng trỏ TellSpec vào một thực phẩm nào đó, thiết bị sẽ chiếu một tia laser điện áp thấp vào thức ăn. Các photon năng lượng thấp sẽ được phát trở lại quang phổ kế của TellSpec. Quang phổ sẽ có nhiệm vụ phân loại photon theo chiều dài bước sóng và xác định các hợp chất hóa học có bên trong.

     

    Khởi nguồn của dự án

    Isabel Hoffmann nảy ra ý tưởng về TellSpec khi cô con gái của bà gặp phải những chứng bệnh mà các bệnh viện không thể phát hiện ra nguyên nhân. Sau khi chuyển đến nơi ở mới, cô con gái 14 tuổi của Hoffmann liên tục bị ốm với những hiện tượng sốt phát ban, huyết áp thấp, sợ ánh sáng. Những căn bệnh trầm trọng đến nỗi cô bé phải nghỉ học. Và mặc dù gia đình Hoffmann đã đưa con chữa trị ở nhiều bệnh viện, nhưng không một bác sĩ nào xác định được nguyên nhân của các triệu chứng trên.

    Hoffmann cảm thấy rằng tự thân cô phải giải quyết vấn đề mà con gái mình gặp phải. Bà đưa con gái tới gặp bác sĩ Neil Nathan ở Liên hiệp y tế Gordon, California và được vị bác sĩ nổi tiếng này chẩn đoán rằng cô bé bị dị ứng với các chủng mốc như Aspergillus Penicillium. Đây là nguyên nhân khiến cơ thể của cô bé dị ứng với gluten - một thành phần protein có trong các thực phẩm như lúa mì, lúa mạch..., dioxin, hay các chất gây dị ứng khác. "Những chẩn đoán của Nathan là hoàn toàn chính xác" - Hoffmann đã phải thốt lên như vậy, bởi sau đó cô đã về nhà kiểm tra lại phòng ngủ của con gái và phát hiện ra rằng liều lượng chủng mốc Aspergillus và Penicillium là rất cao.

    Hoffmann - nhà sáng lập dự án TellSpec.

    Hoffmann - nhà sáng lập dự án TellSpec.

    Từ khi con gái phát bệnh cho tới lúc nhận được những chẩn đoán chính xác, Hoffmann đã phải mất hơn 1 năm trời. Gia đình cô sau đó đã chuyển đến một nơi ở mới có môi trường không bị các chủng mốc mà con gái cô dị ứng. Cô con gái cũng bắt đầu một chiến dịch ăn kiêng. Theo thời gian, các triệu chứng biến mất, cô bé có thể quay lại trường học. "Từ trường hợp của con gái mình, tôi nhận thấy hiện cũng có rất nhiều người gặp phải những triệu chứng tương tự, những căn bệnh xuất phát từ môi trường sống và thức ăn, mà họ không biết phải làm gì" - Hoffmann nói.

    Với suy nghĩ đó, cô đã dùng các kĩ năng kinh doanh của mình để tạo nên 1 thiết bị cầm tay nhằm giúp những người như con gái cô có thể hiểu rõ hơn môi trường họ sống, thực phẩm họ ăn, và tác động của chúng tới cơ thể, từ đó có biện pháp phòng tránh thích hợp. "Nhiệm vụ của thiết bị này đó là khi người dùng quét nó qua các thực phẩm, nó phải cho biết được thực phẩm này là gì, có chứa gluten hay dioxin không; khi người dùng quét qua bức tường, nó phải biết tường có chứa nấm mốc không; hay khi quét vào không khí, nó phải xác định không khí có bị ô nhiễm không...tương tự như thế" - Hoffmann cho biết. Stephen Watson - một người bạn của Hoffmann tỏ ra nghi ngờ về tính thực tế của sản phẩm. "Nghe giống như trong phim viễn tưởng Star Trek vậy, tôi không nghĩ là nó có thể trở thành hiện thực" - Watson cho biết. Thế nhưng, cuối cùng thì Hoffmann cũng đã tạo ra được một thiết bị như ý muốn của cô. Hoffmann cùng với đối tác kinh doanh, chính là người bạn Watson, chính là tác giả của thiết bị TellSpec vô cùng hứa hẹn nói trên.

    * Video giới thiệu TellSpec:

     

    Theo Hoffmann, mặc dù hiện nay trên thị trường không thiếu những mẫu máy đo quang phổ, nhưng TellSpec tỏ ra vượt trội hơn, bởi nó được sự hỗ trợ từ người bạn và cũng là nhà toán học Watson. TellSpec được áp dụng các tư duy toán học, giúp cho các thuật toán được thông minh hơn và có thể phân tích kĩ càng các vật thể mà nó quét.

    Tiềm năng

     

    TellSpec hiện đang được gây vốn sản xuất trên cộng đồng Indiegogo, và dù mục tiêu của nhà sáng lập Isabel Hoffmann chỉ là 100.000 USD, nhưng hiện nay số tiền được cộng đồng quyên góp đã lên tới hơn 200.000 USD, hơn gấp đôi số tiền mong muốn (thời hạn góp vốn còn 4 ngày nữa). Hoffmann hy vọng rằng sản phẩm có thể ra mắt thị trường vào tháng Tám năm sau, với giá bán ban đầu khoảng 350 USD đến 400 USD. Tuy nhiên, cô hy vọng rằng sau đó giá có thể giảm xuống chỉ còn 50 USD.

    TellSpec là một thiết bị rất hữu ích cho những người bị dị ứng với các thực phẩm như đậu nành hay hạt. Bằng cách sử dụng thiết bị để kiểm tra các thành phần dinh dưỡng có trong các thực phẩm này, người dùng có thể biết chắc chắn được rằng liệu trong thực phẩm có còn chất gây dị ứng với họ hay không. Nó cũng rất có ích cho các bệnh nhân tiểu đường, bởi TellSpec có thể phân tích lượng calo trong mỗi gram thực phẩm và cho biết lượng chất béo, natri, và đường trong thực phẩm mà bạn quét. Thiết bị cũng được trang bị camera để xác định lượng thực phẩm mà bạn ăn, từ đó giúp bệnh nhân tiểu đường xác định được lượng thức ăn thích hợp cho tình trạng bệnh của họ. Đến tháng Tám năm sau, TellSpec hứa hẹn còn được bổ sung thêm tính năng quét vi khuẩn và virus, và những tính năng này sẽ giúp cho thiết bị hữu ích hơn rất nhiều. 

    Hoffmann nói rằng sứ mệnh của TellSpec chính là góp phần tạo nên một thế giới khỏe hơn. "Hàng ngày chúng ta đang tự giết chính mình khi sử dụng thực phẩm một cách tràn lan, không có tính khoa học, không theo nhu cầu của cơ thể. Thực phẩm cũng ngày càng chứa nhiều chất độc hại, nhưng chúng ta không hề hay biết để rồi tiêu thụ nó như thể đó là thực phẩm sạch vậy". Tuy nhiên, Hoffmann sẽ cần có thêm được nhiều nguồn dữ liệu khác nữa, trong đó quan trọng nhất là các thông tin về thực phẩm, như 1 loại thực phẩm nào đó hiện đang được tiêu thụ ở những đâu, ai đang sử dụng nó và cách họ dùng nó như thế nào. Thêm vào đó là những hiệu ứng, những bệnh lý hay triệu chứng mà loại thực phẩm đó có thể gây ra. Để tìm được đáp án cho câu hỏi đó sẽ rất cần tới nỗ lực từ nhiều phía, trong đó chính cộng đồng người dùng sẽ là một trong những nhân tố chính giúp cho TellSpec thực hiện sứ mệnh của nó.

    Tham khảo: Mashable/Indiegogo

    NỔI BẬT TRANG CHỦ