Trải nghiệm tai nghe Audeze EL8: Giấc mơ hi end gần hơn bao giờ hết

    Yến Thanh,  

    Audeze EL8 được coi là “cánh cửa” đầu tiên đưa chúng ta đến với con đường chơi audio hi end, ngay cả khi bạn chưa có bất kỳ thiết bị thưởng thức âm thanh nào xứng tầm với khả năng hoạt động một cách linh hoạt, đi kèm với trải nghiệm âm thanh vô cùng ấn tượng.

    Đã một thời gian khá dài tôi chưa được cùng các bạn chia sẻ về trải nghiệm với những chiếc tai nghe mới ra mắt tại Việt Nam. Lý do tuyệt nhiên không phải vì thời gian qua có quá ít mẫu headphones từ bình dân tới cao cấp ra mắt tại mảnh đất hình chữ S. Nếu là một độc giả thân thiết với GenK, trong thời gian qua những người bạn của tôi đã có không ít những bài đánh giá tai nghe mới và hot gửi tới các bạn.

    Thay vào đó, một điều khá đáng tiếc là trong thời gian qua có quá ít mẫu tai nghe khiến cho cá nhân tôi bị ấn tượng mạnh. Thay vào đó hầu hết những chiếc tai nghe từ giá rẻ đến tầm trung, tuy nhận được nhiều phản hồi tích cực, nhưng thị phần tai nghe này tại Việt Nam đã bão hòa, từ đó khiến bản thân tôi bị “nản”.

    “Nản” cho đến thời điểm này…

    Khi Audeze, thương hiệu tai nghe đến từ nước Mỹ tung ra bộ đôi tai nghe mới mang tên EL8 và amplifier Deckard hướng tới đối tượng người tiêu dùng “thấp hơn” so với thị trường mà Audeze thường hướng tới với series LCD, bản thân tôi đã có chút lo lắng, song hành với đó là kỳ vọng, khi người tiêu dùng và những audiophile với túi tiền “mỏng” sẽ có thể thưởng thức cái chất mà người Mỹ đem lại cho họ.

    Cần nhắc lại một chút, sở dĩ tôi bỏ cụm từ “thấp hơn” vào ngoặc kép, có nghĩa không phải người tiêu dùng nào cũng đủ sức móc hầu bao chi trả cho EL8. Nhưng nếu so sánh với những cái tên như LCD 3 hay LCD X với cái giá hàng nghìn USD, thì EL8 vẫn sở hữu cái giá quá rẻ đối với dân audiophile tại nước ta hiện nay.

    Giờ đây người tiêu dùng Việt Nam đã có thể chạm tay vào bộ đôi tai nghe EL8. Và bản thân tôi cũng đã may mắn được trải nghiệm chiếc tai nghe này chỉ ít ngày sau khi nó cập bến nước ta.

    Phong thái hi-end

    Với cái giá 700 USD, tức khoảng gần 15 triệu Đồng Việt Nam, bạn sẽ không thể sở hữu case nhựa với khả năng chống nước, chống sốc cho chiếc tai nghe như Audeze đã làm nhiều năm qua, mà thay vào đó là một chiếc hộp bằng bìa cứng sở hữu những đường nét tối giản. Tuy nhiên khi được chạm tay tới chiếc tai nghe, thì một Audeze rất khác ngay lập tức đập vào mắt người sử dụng.

    Trước đây, những chiếc tai nghe công nghệ planar do Audeze sản xuất đều rất to lớn, cồng kềnh với earcup to quá khổ hình tròn, kèm với đó là headband bọc da dường như “chìm nghỉm” giữa hai earcup khổng lồ. EL8 thì khác. Chiếc tai nghe của chúng ta có thiết kế mi nhon hơn nhiều, với earcup oval nhưng vẫn đủ lớn để không đè lên vành tai người sử dụng.

    Hệ thống khớp cơ học của EL8 cho phép nó hoạt động tương đối linh hoạt khi hai earcup có thể xoay 180 độ quanh trục lắp với headband.

    Tuy “lột xác”, nhưng vẫn còn đó phong cách rất riêng của Audeze mà hiếm có thương hiệu nào đủ khả năng “copy” lại. Đó chính là sự kết hợp giữa gỗ, kim loại và nhựa, tạo nên bộ cánh vừa hiện đại, cao cấp, lại phảng phất chút phong trần bụi bặm.

    EL8 giống với LCD-X, dòng tai nghe hi end của Audeze ra mắt cách đây chưa lâu, với hai phiên bản closed back và open back. Giống như tên gọi của chúng, nắp đậy earcup của hai phiên bản này được phân chia rất rõ ràng, một loại “kín như bưng”, và một mẫu được gia công nắp chắn earcup để tạo ra không gian open cho chiếc tai nghe. Dĩ nhiên, chất âm của hai phiên bản này cũng khác nhau đáng kể.

    Hai khuyết điểm duy nhất mà tôi có thể “bới” ra xét về thiết kế của EL8 là trải nghiệm đeo trong thời gian dài, và cáp kết nối của chiếc tai nghe. Sau khoảng 1 tiếng sử dụng liên tục, earpad da của EL8 khá nóng và bí, đặc biệt là trong những ngày đầu hè oi ả xứ thủ đô.

    Trong khi đó, thay vì sử dụng cáp kết nối cũ trên LCD series có khóa an toàn, thì cổng kết nối tín hiệu của EL8 chỉ giống như một phiên bản “cỡ lớn” của những cáp tín hiệu Lightning hay USB-C, khá dễ bung khỏi tai nghe, và thậm chí còn không cho phép cắm cả hai chiều.

    Thế nhưng, cho dù có khó tính tới đâu, mọi “tính xấu” của EL8 đều vô tình bị tôi bỏ qua khi “cô nàng” của chúng ta bắt đầu cất giọng.

     

    Chất âm

    Không riêng gì Audeze, mà những nhà sản xuất tai nghe với thiết kế driver dạng planar như HifiMan, Fostex hay Abyss đều rất nổi tiếng. Những sản phẩm họ tạo ra đã tạo ra một bộ phận fan hâm mộ đông đảo không kém gì những fan của các thương hiệu tai nghe dynamic đình đám như AKG, Sennheiser, Audio Technica hay Beyerdynamic.

    Tuy rằng mỗi sản phẩm đều sẽ có những khác biệt đáng kể về mặt chất âm, tuy nhiên có thể tổng hợp lại những điểm mạnh mà tai nghe planar đem lại là tốc độ tốt, không có tình trạng nhịp bass “díu” vào nhau do driver không kịp điều chỉnh, bên cạnh đó là âm trường, độ chi tiết và đặc biệt là dải mid rất ấn tượng.

    Còn đối với EL8, ấn tượng đầu tiên của tôi đối với chiếc tai nghe này hoàn toàn không phải ở dải âm nào riêng biệt, mà là ở khả năng hoạt động độc lập với những thiết bị điện tử với nguồn thấp như máy nghe nhạc hay điện thoại di động. Ở thử nghiệm mà anh em chúng tôi hay ví von là “cắm chay”, những chiếc điện thoại như iPhone, Z10 hay HTC M8 vẫn đủ sức kéo EL8 đủ lớn, đủ chi tiết và thậm chí là đủ hay để chúng ta so sánh sản phẩm hi end này với hàng loạt tai nghe khác dành cho các thiết bị di động.

    Tuy nhiên theo thử nghiệm của cá nhân tôi, so sánh với việc sử dụng EL8 trên những hệ thống DAC/Amp cao cấp để nghe nhạc số, thì chiếc tai nghe này mới chỉ hoạt động ở mức 70 đến 75% khả năng của nó.

    Thử nghiệm với iPhone 5S, phần mềm nghe nhạc số VOX và những bản nhạc chất lượng dao động từ 16bit/44.1kHz cho tới 24bit/192kHz, phiên bản closed của EL8, chiếc tai nghe song hành cùng tôi suốt kỳ nghỉ lễ dài vừa qua tỏ ra xuất sắc trong việc thể hiện chi tiết, giọng hát của người danh ca, cũng như không gian âm nhạc cực kỳ sống động, khoáng đạt và rộng rãi nếu xét tới một chiếc tai nghe dạng “đóng” cũng như xét tới việc cắm chay một chiếc tai nghe audiophile vào điện thoại.

    Đây là hệ quả rõ ràng của việc tạo ra một chiếc tai nghe có trở kháng và độ nhạy lần lượt là 25 Ohm và hơn 130 dB SPL/mW. Ngay cả những thiết bị với nguồn rất yếu như điện thoại cũng có thể khiến EL8 cất cao tiếng hát, cho dù chưa thực sự thỏa mãn đối với những đôi tai khó tính.

    Tuy nhiên dải âm trầm dường như khá hụt hơi so với dải mid và high trong thử nghiệm cắm chay khi chỉ nhận diện được độ sâu của từng nhịp trống, từng tiếng contrabass của nhạc công, mà khó lòng thỏa mãn được với độ dày dặn hay sức mạnh của từng nhịp bass. Điều này trái ngược hẳn với phiên bản open, khi từng nhịp contrabass thô ráp nhưng rộn ràng cất lên.

    Ban đầu tôi nghĩ rằng đây là chủ đích của Audeze khi khác biệt giữa hai phiên bản EL8 khá giống với hai bản LCD-X, với bản “đóng” sở hữu bass ít hơn đôi chút để tránh tình trạng dội âm gây khó chịu cho người nghe khi thiết kế tai nghe kín. Tuy nhiên khi chuyển sang thử nghiệm EL8 với những hệ thống cao cấp, mọi chuyện đã khác hoàn toàn.

    Với độ nhạy quá cao, đi kèm là trở kháng thấp, giống như mọi chiếc tai nghe Audeze khác, người sử dụng sẽ cần một hệ thống DAC/Amp tương đối để EL8 phát huy hết công lực của mình, thay vì chỉ là những chiếc amplifier “xôi thịt” đủ nguồn kéo những chiếc tai nghe trở lớn như DT990 hay HD650. Làm như vậy sẽ khiến âm thanh bị vỡ, rất khó để thưởng thức.

    Trong bài thử nghiệm cao hơn, chúng tôi sử dụng DAC/Amp tích hợp Ifi Micro iDSD, một thiết bị nhận được nhiều phản hồi tích cực trong cộng đồng âm thanh thời gian vừa qua nhờ vào hiệu năng của nó. EL8 bản closed ngay lập tức “hiện nguyên hình”. Nhịp âm trầm gần như ở mức hoàn hảo, đủ cả sức mạnh lẫn sự đầy đặn cần thiết. Trong khi đó dải mid, giống như không ít những tai nghe planar khác, vẫn tỏa sáng, đầy quyến rũ và tình cảm. Từng tiếng động của bộ gõ ở mid high được thể hiện đầy cảm xúc, trong vắt, “long lanh”.

    Có thể nói, tuy EL8 dễ tính, dễ chiều khi nghe chay với điện thoại, thế nhưng đối với những dân chơi tai nghe đích thực, những kẻ “lao tâm khổ tứ” để có được trải nghiệm hoàn hảo, thì không phải hệ thống âm thanh nào cũng hoạt động hiệu quả 100% với chiếc tai nghe này. Một “cô nàng” sớm nắng chiều mưa, hay hờn dỗi nhưng có lúc lại rất ngọt ngào theo đúng nghĩa đen của những tính từ kể trên.

    Trong khi đó, sau khoảng thời gian thử nghiệm và so sánh, có thể đưa ra kết luận về những khác biệt giữa hai phiên bản đóng và mở của EL8.

    Phiên bản đóng có chất âm tương đối cân bằng, hơi khô một chút nếu so sánh với bản “mở”, vốn có âm bass tốt hơn phần nào, và cũng giàu tình cảm hơn trong các ca khúc. Nhờ vào sự trong trẻo và cân bằng mà một số người có thể nhầm lẫn rằng EL8 bản closed có âm trường rộng hơn so với bản open.

    Kỳ thực không phải như vậy, dải mid và mid bass của EL8 bản closed vẫn tiến tới khá sát tai người nghe nếu so sánh về tổng thể. Tuy nhiên một lợi thế không hề nhỏ của EL8 bản “đóng” chính là việc âm thanh được cách ly tốt, không có hiện tượng leak tiếng gây ảnh hưởng đến người xung quanh ngay cả khi bạn nghe nhạc với âm lượng lớn.

    Trái lại, khi thưởng thức âm nhạc vào ban đêm, EL8 bản open hoạt động chẳng hề kém cạnh gì những hệ thống loa dành cho máy tính với âm lượng rất ồn ào. Trong khi đó, âm trường của EL8 là điểm khiến tôi chưa ưng ý nhất với chiếc tai nghe này, khi âm trường chưa thực sự thỏa mãn với những bản jazz hay classical đòi hỏi headroom rộng rãi, khoáng đạt.

     

    Tạm kết

    Cái giá gần 15 triệu đồng là rào cản duy nhất ngăn EL8 đến với đại đa số người tiêu dùng tại Việt Nam nói riêng, cũng như những người đang tìm cho mình một sản phẩm thưởng thức âm nhạc cá nhân nói chung.

    Tuy nhiên nếu so sánh với những sản phẩm hi end cao cấp khác, với cái giá dao động từ vài chục đến cả trăm triệu Đồng, thì Audeze EL8 được coi là “cánh cửa” đầu tiên đưa chúng ta đến với con đường chơi audio hi end, ngay cả khi bạn chưa có bất kỳ thiết bị thưởng thức âm thanh nào xứng tầm với khả năng hoạt động một cách linh hoạt, đi kèm với trải nghiệm âm thanh vô cùng ấn tượng.

    Cuối cùng, xin chân thành cám ơn 3K Shop đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành bài viết đánh giá lần này!

    >> Đánh giá tai nghe in-ear giá rẻ SoundMagic ES19S: bản nâng cấp nhẹ nhàng của ES18S

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày