Xu hướng chuyên nghiệp hóa quán game và tia hy vọng cho 2 chữ "game thủ"

    Dongnatviet,  

    (GenK.vn) - Việt Nam đang đón nhận một xu hướng game mới với những cửa hàng game trang bị những cỗ máy khủng cùng những bộ "gear" đình đám. Nguyên nhân nào dẫn đến xu hướng trên ?

    Tóm tắt bài viết:

    - Việt Nam đang đón nhận một xu hướng game mới với những cửa hàng game trang bị những cỗ máy khủng cùng những bộ "gear" đình đám

    - Xu hướng này đang tạo đà cho sự phát triển của làng game chuyên nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, làng game Việt còn cần nhiều tác động giúp thay đổi quan niệm của cộng đồng về game.


    Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ người dùng Internet khá cao so với thế giới. Ngay từ thời điểm những năm 2000, các cửa hàng Internet đã dần dần xuất hiện tại các đô thị lớn với mục đích giúp cho người dân tiếp cận với một phương tiện hữu ích mới cùng nguồn không tin khổng lồ. Tuy nhiên, không lâu sau đó, các cửa hàng Internet dần chuyển đổi “chức năng” thành những lò luyện game cho những game thủ khi mà họ không có đủ điều kiện để sắm cho mình một dàn máy riêng, hay đơn giản chỉ vì muốn đắm chìm trong không gian chơi game cùng với những người có cùng đam mê khác. Dẫu vậy, chất lượng các cửa hàng Internet cũng như hệ thống máy móc, phụ kiện đi kèm lâu nay vẫn chưa đáp ứng được mong muốn thực sự của người chơi. Hầu hết các cửa hàng này chỉ sắm được cho mình những chiếc máy khá cũ kỹ, cấu hình cũng chỉ đủ để chơi những game trung bình, yêu cầu hệ thống không quá cao, từ đó không thể đảm bảo đem đến một trải nghiệm hoàn toàn mượt mà cho người chơi trong quá trình “cày kéo”. Mặc dù những năm gần đây các quán game đã được đẩy mạnh đầu tư về cấu hình máy để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của các game thế hệ mới nhưng những dàn máy như thế chỉ đáp ứng được yêu cầu của game chứ chưa thể mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người chơi.

    Cận cảnh quán nét toàn bàn phím cơ giá bình dân tại Hà Nội

    Mới đây, tại một số đô thị lớn trên cả nước đã xuất hiện xu hướng những “ông chủ” thế hệ mới bỏ tiền đầu tư những “lò luyện game” với những trang thiết bị hiện đại, phần cứng mạnh mẽ cùng với những bộ gear với giá khoảng 5-6 triệu đồng mỗi bộ, một mức đầu tư mà đến bản thân những người có điều kiện trang bị cũng còn phải mơ ước.Tại sao họ lại có những lựa chọn như vậy?

    Thực trạng các quán game từ trước tới nay

    Nếu bạn có một tuổi thơ “dữ dội” hay lang thang các quán net, hẳn bạn cũng biết đến chất lượng dịch vụ chung tại các tụ điểm này đều khá thấp, hệ thống máy móc hầu hết đã cũ kỹ, chuột và bàn phím thì cái chạy cái không hoặc dơ bẩn, nhìn không muốn chạm vào. Do hầu hết các khách đến chơi chỉ chơi những game giải trí đơn thuần, hoặc không đòi hỏi cấu hình cao nên các ông chủ ở đây thường không muốn bỏ tiền đầu tư dàn thiết bị quá hiện đại. Hơn thế nữa, thị trường game Việt trong suốt nhiều năm gần như không có sự xuất hiện của những game online nào mới mà đòi hỏi cấu hình phải thực sự vượt trội, bởi hầu hết các nhà phát hành đều e ngại rằng với cấu hình quá cao, trò chơi sẽ ít thu hút được người dùng dẫn đến suy giảm lợi nhuận. Quanh đi quẩn lại, một số game được nhiều người chơi nhất vẫn chỉ là Võ Lâm Truyền Kỳ, Audition, CS ... và các máy tính cũ hoàn toàn có thể tối ưu để chơi được các trò chơi này một cách mượt mà.

    http://anh.xemgame.com/game/anh/14/4/TiYm_net_XG_sh889-1.jpg

    Chính vì lẽ đó, trong nhiều năm trời, hầu như các cửa hàng Internet đều không tiến hành nâng cấp phần cứng nhằm tránh gây tốn kém. Vấn đề kinh tế của các game thủ cũng là một phần gây ra tình trạng trì trệ trong nhiều năm của làng game việc trước khi bước vào sân chơi chuyên nghiệp. Hầu hết các game thủ thời kỳ đầu chỉ là những cô cậu học sinh cấp 2, cấp 3 chưa có khả năng tạo ra thu nhập. Họ chỉ có tiền chơi game bằng việc tiết kiệm các khoản thi tiêu hằng ngày. Chính vì lẽ đó, những game thủ dạng này thường sẽ “chẳng may” bị quy là thành phần “hút máu” làm tốn tiền gia đình. Hơn thế nữa, thời kỳ đó hầu như chưa có khái niệm chơi game để tạo thu nhập. Có chăng cũng chỉ là giao dịch mua bán “đồ” của các game thủ qua mạng. Việc tạo thu nhập ở đây GenK muốn nói đến chính là nhờ vào trình độ của người chơi, độ nổi tiếng cũng như giành các giải thưởng tại những giải đấu quy mô được tổ chức bởi các đơn vị.

    http://genk.mediacdn.vn/DlBlzccccccccccccE5CT3hqq3xN9o/Image/2014/05/chuyen_de_suc_khoe_game_thu_dung_de_chet_vi_khat_0-ecb01.jpg

    Một xu hướng chơi game mới, từ trò chơi cho đến cửa hàng

    Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phong trào eSport đang được đẩy mạnh tại Việt Nam dẫn đến xu hướng chơi game chuyên nghiệp cũng bắt đầu xuất hiện. Nhiều người chơi bây giờ không chỉ đến các quán net để chơi với mục đích giải khuây và “cày kéo” như trước nữa, mà họ thực sự nghiêm túc với “sự nghiệp” game của mình. Những tựa game mà các game thủ chuyên nghiệp hay chơi hầu hết nằm trong hệ thống các môn eSport, được nhiều người biết đến và đòi hỏi một cấu hình máy tính tương đối mạnh. Hầu hết các tựa game này vẫn có thể được tìm thấy ở các quán Internet bình dân hiện nay, tuy nhiên lại khó lòng thỏa mãn được sự khó tính của các game thủ. Khi mà số lượng những “vận động viên” eSport chuyên nghiệp ngày càng gia tăng, họ sẽ cần một sân chơi thực sự có khả năng đáp ứng nhu cầu luyện tập, giao lưu, học hỏi và từ đó, các “lò luyện game” với cấu hình cao và phụ kiện hiện đại cùng những bộ Gear khủng ra đời.

    Cận cảnh quán nét toàn bàn phím cơ giá bình dân tại Hà Nội

    Các “lò luyện game” thế hệ mới này ra đời hầu hết đều có chung một mục đích, đó là tạo một sân chơi lành mạnh, hữu ích cho những game thủ thực sự nghiêm túc với việc chơi game và muốn có được một trải nghiệm tốt nhất có thể. Dẫu vậy, vì vấn đề chi phí đầu tư ban đầu, hiện chưa có nhiều ông chủ có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư. Các quán game này đòi hỏi phải được trang bị những thế hệ máy tính mới, có cấu hình tương đối để có thể “cân” được nhiều game mới hiện nay một cách mượt mà, ít nhất là các game eSport phổ biến. Bên cạnh cấu hình mạnh mẽ cùng đường truyền Internet tốc độ cao, bàn phím và chuột cho những chiếc máy trên cũng được cần được đầu tư tương xứng. Mới đây, đã có một quán game mới lắp đặt toàn bộ bàn phím cơ cho toàn bộ các máy trong cửa hàng. Giá của mỗi chiếc bàn phím này cũng đã ngót nghét 3 triệu đồng, bằng số tiền mua được cả chục cái bàn phím ở những cửa hàng game thông thường. Dẫu số tiền đầu tư lớn như vậy, các ông chủ vẫn muốn mạnh tay để có thể chiều lòng những game thủ khó tính nhất bởi hầu hết, những ông chủ này cũng từng là những game thủ và họ hiểu cảm giác khó chịu như nào khi không được chơi game trên một phần cứng cùng bộ bàn phím, chuột phù hợp.

    Sự chuyên nghiệp hóa phòng game và tia hy vọng cho game thủ

    Đúng là xu hướng chơi game chuyên nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu nhen nhóm, tuy nhiên còn khá tự phát. Hiện ở Việt Nam, eSport mới chỉ được công nhận chính thức cách đây không lâu. Dẫu vậy, đó là chuyện công nhận từ phía Liên đoàn thể thao. Trong con mắt nhiều người dân, game vẫn chỉ là một thú vui tiêu khiển không hơn không kém, lũ trẻ chỉ đến đó để tụ tập vui chơi sau thời gian căng thẳng, và họ không coi đó là chuyện nghiêm túc. Cũng đã có rất nhiều liên đoàn, team chuyên chơi game được thành lập dưới sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hay Mạnh Thường Quân nào đó nhưng hầu hết được lập ra với mục đích quảng bá cho bản thân hoặc đơn vị đứng sau kiểm soát, bởi họ hầu như không phải là những game thủ một thời từng say đắm với game. Rất nhiều giải đấu Bắc Nam hay thậm chí toàn quốc cũng đã được tổ chức quy mô với sự tham gia của đông đảo các game thủ xuất sắc. Dẫu vậy, khi giải đấu kết thúc, chẳng mấy ai tiếp tục nhớ đến những tay chơi xuất sắc hoặc uy tín của giải.

    http://i.imgur.com/cZ0Ag.jpg

    Giới game thủ Việt lâu nay vẫn ôm giấc mơ được sánh ngang với các cường quốc game khác trên thế giới như Hàn Quốc. Các quốc gia này đều có một sự đầu tư nghiêm túc vào game, và lĩnh vực này cũng chính thức được công nhận bởi xã hội, bởi cộng đồng do đó tạo động lực rất lớn lên các game thủ. Những game thủ nổi danh ở xứ sở này thường được đề cao, ca ngợi không kém gì những ngôi sao âm nhạc, diễn viên điện ảnh nổi tiếng. Họ thường được giới báo chí săn đón cũng như được mời tham gia vào những sự kiện lớn tiêu biểu.

    Xu hướng quán game chuyên nghiệp mở rộng như ngày này có thể coi là nền tảng vững chắc để thế hệ game thủ mới có nhiều đất diễn hơn so với các đàn anh đã quá tuổi, điều này cho thấy một hướng đi tích cực hơn trong việc chuyên nghiệp hóa "nghề chơi game".

    Tuy vậy, để có thể có được tầm vóc và quy mô như nước bạn Hàn Quốc chỉ với việc mở các cửa hàng game hiện đại để tạo sân chơi cho các game thủ chuyên nghiệp hiện nay là chưa đủ. Các "ông chủ" quán game chuyên nghiệp phần đông cũng từng là game thủ của thế hệ trước nhưng thời gian và tuổi tác đã buộc họ phải dừng lại, tuy nhiên lý tưởng của game thủ sẽ không chết mà được truyền lại tới thế hệ sau và quán game chuyên nghiệp là hình tượng đại diện cho lý tưởng mà thế hệ game thủ đi trước trao lại cho những người tiếp theo gánh trên vai 2 chữ game thủ. Vẫn còn thiếu rất rất nhiều yếu tố nữa thì cái ngày mà game thủ Việt có thể đứng ngang hàng với những ngôi sao điện ảnh, âm nhạc nổi tiếng nhưng với nền tảng vững chắc đang hình thành này thì chúng ta có quyền tin vào tương lai của "nghề chơi game".

    >>Cận cảnh quán nét toàn bàn phím cơ giá bình dân tại Hà Nội.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ