Đọc cuối tuần: Marie Curie và những người phụ nữ chở tia X vào Thế chiến thứ nhất

    zknight,  

    Đằng sau chiến thắng của nước Pháp trong Thế chiến thứ nhất, có cả công của những người phụ nữ, đặc biệt là Marie Curie.

    Nếu bạn hỏi bất kể một ai đó, hãy chọn ra một nữ khoa học gia nổi tiếng nhất mọi thời đại: Câu trả lời chung của họ rất có thể sẽ là: Marie Skłodowska-Curie.

    Khi bạn hỏi thêm rằng tại sao họ nghĩ vậy, mọi người sẽ đều nói Marie Curie là một nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực phóng xạ. Đúng vậy, bà đã phát hiện ra hai đồng vị phóng xạ quan trọng là radium và polonium.

    Một số người khác có thể biết rằng Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên giành giải thưởng Nobel. Thực ra còn hơn thế, bà nhận được tới 2 giải, một Nobel Vật lý (năm 1903) và một Nobel Hóa học (năm 1911).

    Có điều, sẽ rất ít người hiểu được Marie Curie cũng là một nữ anh hùng trong Thế chiến thứ nhất. Trái với hình ảnh một nữ khoa học gia chỉ chôn chân phong phòng thí nghiệm, Marie Curie đã thành lập được một đội nữ tình nguyện viên chiến trường, phục vụ đắc lực cho quân y.

    Bà đã học lái xe, tự chở những phòng chụp X-quang mini ra tiền tuyến. Marie Curie cũng dành cả tiền nhận được từ giải Nobel và nung chảy tấm huy chương danh giá ấy để đóng góp cho thế chiến. 

    Bằng tất cả danh tiếng và kiến thức có được từ hoạt động khoa học, Marie Curie đã vận động rất nhiều phụ nữ Pháp tham gia vào công cuộc này. Rõ ràng, đằng sau chiến thắng của nước Pháp trong Thế chiến thứ nhất, có cả công của những người phụ nữ, đặc biệt nhất là Marie Curie.

    Đọc cuối tuần: Marie Curie và những người phụ nữ chở tia X vào Thế chiến thứ nhất - Ảnh 1.

    Marie Curie: Người phụ nữ chở tia X tới tiền tuyến

    Người phụ nữ chở tia X tới tiền tuyến

    Nếu bạn đến thăm phòng thí nghiệm của Marie Curie ở Paris trong những năm tháng của cuộc Thế chiến thứ nhất, sẽ chẳng có radium hay một thứ gì đó tương tự. Tất cả những gì bà quan tâm lúc ấy là mình có thể làm gì trên tiền tuyến.

    Đối với Marie Curie, Thế chiến thứ nhất đã bắt đầu từ năm 1914, khi quân đội Đức tiến vào quê hương Paris của bà.

    Marie biết mình cần giữ bí mật những nghiên cứu khoa học bà đang thực hiện, vì vậy, bà đã gom toàn bộ lượng radium mình có được, đặt vào trong một thùng lót chì và gửi về Bordeaux bằng tàu hỏa.

    Ở đó cách thủ đô Paris 600 km, có một ngân hàng địa phương, Marie Curie đã gửi thùng radium của mình tại đây với dự định sẽ đến nhận lại sau khi nước Pháp thắng trận.

    Trở về Paris, Marie Curie nghĩ rằng mình cần phải làm một thứ gì khác thiết thực hơn. Bà không chọn đi sơ tán mà thay vào đó là tham gia cuộc chiến. Nhưng một người phụ nữ trung niên có thể giúp gì ở tiền tuyến? Marie Curie đã lựa chọn sử dụng kỹ năng khoa học của mình để cứu sống những người lính.

    Năm 1895, Wilhelm Roentgen nhà khoa học đồng nhận giải Nobel với Marie Curie phát hiện ra tia X. Gần như ngay lập tức, các bác sĩ bắt đầu muốn sử dụng bức xạ kì diệu này để chụp vào bên trong cơ thể bệnh nhân, theo dõi xương của họ và tìm kiếm các dị vật như mảnh đạn.

    Nhưng ở thời điểm chiến tranh bùng nổ, chỉ có các bệnh viện ở thành phố, cách xa tiền tuyến mới được trang bị máy X-quang. Hoặc là các thương binh phải được vận chuyển về đó, thường là bằng tàu hỏa, thậm chí thồ bằng ngựa, hoặc là họ phải chịu chết ở chiến trường.

    Đọc cuối tuần: Marie Curie và những người phụ nữ chở tia X vào Thế chiến thứ nhất - Ảnh 2.

    Ảnh chụp X-quang một mảnh đạn găm vào tim bệnh nhân

    Giải pháp mà Maria Curie nghĩ ra là thu nhỏ những phòng chụp X-quang vào thùng một chiếc xe ô tô, rồi lái nó đến chiến trường. Trên chiếc xe nhỏ bé này chứa đủ mọi phương tiện phục vụ những người lính bị thương - một máy X-quang và một phòng tối để rửa phim tại chỗ.

    Nó sẽ cho phép các bác sĩ phẫu thuật định hình ngay được tình trạng và những gì mình cần làm cho bệnh nhân. Ở tiền tuyến, thời gian là thứ quý giá nhất với những thương binh ấy.

    Một trở ngại lớn cho những phòng chụp X-quang dã chiến như vậy là chúng cần một lượng điện năng lớn để tạo ra tia X. Maria Curie đã giải quyết vấn đề bằng cách lắp thêm những chiếc dynamo phát điện vào chiếc xe. Nhờ vậy, bằng cách nối động cơ của ô tô với dynamo, nó có thể tạm thời cung cấp đủ năng lượng cần thiết phục vụ hoạt động chiếu chụp X-quang.

    Mặc dù ý tưởng đưa ra rất ưu việt, quân đội Pháp không tài trợ Maria Curie sản xuất những chiếc xe này. Bà đã phải một mình đi xin tài trợ từ Hội phụ nữ Pháp và họ đã chấp nhận.

    Ngay sau khi chiếc xe X-quang đầu tiên được sản xuất, nó đã góp vai trò quan trọng vào việc chữa trị cho những người bị thương tại Trận Marne năm 1914 - một chiến thắng lớn của quân Đồng minh khiến quân Đức không thể tấn công Paris.

    Nhu cầu của cuộc chiến sau đó khiến Maria Curie thấy bà cần nhiều xe X-quang hơn. Tiếp tục sử dụng danh tiếng khoa học của mình, bà đã vận động những phụ nữ giàu có ở Paris tặng xe cho quân đội. Chẳng mấy chốc, lòng hào hiệp của họ đã giúp Maria Curie sản xuất được 20 chiếc xe chụp X-quang dã chiến.

    Nhưng những chiếc xe cũng sẽ trở nên vô dụng nếu không có kỹ thuật viên biết sử dụng nó. Thời điểm khi X-quang mới được phát minh, chính các bác sĩ cũng có chút lúng túng ban đầu với kỹ thuật này.

    Vì vậy, Maria Curie tiếp tục đào tạo những tình nguyện viên xung phong, những người chỉ chuyên việc chiếu chụp. Bà tuyển dụng 20 nữ tình nguyện viên cho khóa đào tạo đầu tiên của mình, trong đó có cả người con gái của bà Irene, sau này cũng đoạt một giải Nobel.

    Chương trình giảng dạy của Maria Curie bao gồm những lớp lý thuyết cơ bản về vật lý, quang điện và tia X, cũng như các bài học thực tế về giải phẫu và xử lý ảnh.

    Mỗi một nhóm nữ tình nguyện viên hoàn thành chương trình đào tạo, họ ngay lập tức lên đường ra tiền tuyến. Maria Curie lại tiếp tục tuyển chọn những khóa mới. Cuối cùng, có tổng cộng 150 nữ tình nguyện viên đã được đào tạo về tia X từ khóa học của Maria Curie đi phục vụ chiến trường.

    Đọc cuối tuần: Marie Curie và những người phụ nữ chở tia X vào Thế chiến thứ nhất - Ảnh 3.

    Một chiếc little Curie chứa đầy đủ thiết bị cho phép chụp X-quang cho thương binh

    Maria Curie không dừng lại ở việc đào tạo, chính bà cũng có một chiếc "little Curie" cho riêng mình – thời đó, những chiếc xe X-quang đều được đặt biệt danh. Để có thể lái chiếc xe ra tiền tuyến, Maria Curie đã phải học lái và sửa xe. 

    Một lần, Maria Curie gặp tai nạn khi tài xế lái xe xuống một con mương khiến nó bị lật. Cả hai đã phải dựng lại chiếc xe, sửa chữa các thiết bị hư hỏng đến khi nó có thể trở lại làm nhiệm vụ.

    Ngoài những chiếc "little Curie" nhỏ di động, Maria Curie còn giám sát xây dựng 200 phòng X-quang tại nhiều bệnh viện dã chiến cố định khác nhau ở hậu phương.

    Hi sinh vì tiếp xúc với phóng xạ

    Những người phụ nữ vận hành xe X-quang ở tiền tuyến đã phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm. Bên cạnh bom đạn trên chiến trường, họ còn phải chịu rủi ro từ việc phơi nhiễm tia X quá nhiều. Một số nữ tình nguyện viên còn bị bỏng.

    Maria Curie lúc đó nhận ra rằng việc tiếp xúc quá nhiều với tia X sẽ gây ra những rủi ro sức khỏe trong tương lai, thậm chí cả ung thư. Nhưng cuộc chiến trước đó đã không cho phép bà hoàn thiện các thực hành an toàn tia X, hậu quả là nhiều nhân viên X-quang đã bị phơi nhiễm quá mức.

    Maria Curie tỏ ra lo lắng nhiều về điều này. Ngay sau đó, chính bà đã phải viết lại một cuốn sách về thực hành an toàn tia X, ghi lại những kinh nghiệm của bà trên chiến trường.

    Maria Curie đã sống cho tới khi cuộc chiến và công việc tình nguyện của bà kết thúc. Nhưng có vẻ như bà cũng phải chịu chung số phận với những tình nguyện viên sau nhiều năm phơi mình dưới tia X-quang. Maria Curie bị thiếu máu bất sản, một rối loạn máu do tiếp xúc với bức xạ cao.

    Nhiều người cho rằng căn bệnh của bà là kết quả của hàng thập kỷ làm việc với radium. Nhưng Maria Curie đã bác bỏ điều đó. Bà nói rằng mình luôn biết cách tự bảo vệ bản thân khỏi radium.

    Thay vào đó, Maria Curie cho rằng căn bệnh của mình xuất phát từ việc phơi nhiễm tia X quá nhiều trong những năm tháng hỗ trợ chiến tranh. Chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết liệu tia X có góp phần vào cái chết của Maria Curie vào năm 1934 hay không, nhưng một mẫu hài cốt của bà năm 1995 cho thấy cơ thể Maria Curie thực sự không có radium.

    Đọc cuối tuần: Marie Curie và những người phụ nữ chở tia X vào Thế chiến thứ nhất - Ảnh 4.

    Maria Curie giám sát xây dựng khoảng 200 phòng X-quang tại nhiều bệnh viện ở hậu phương của Pháp trong thế chiến thứ nhất

    Ngày nay, chúng ta biết Maria Curie là một nữ khoa học gia nổi tiếng, khó có thể nói bà là một anh hùng vô danh. Nhưng phía sau cái tên Maria Curie thực sự vẫn có những lầm tưởng. Nhiều người không biết nhiều về cuộc đời Maria Curie cho rằng bà ấy là một nữ nhà khoa học chỉ chôn mình trong phòng thí nghiệm.

    Thực tế khác xa vậy, phần anh hùng trong con người Maria Curie đã được thể thiện suốt những năm tháng trong cuộc Thế chiến thứ nhất. Bà ấy vừa là một nhà khoa học vừa là một nhà nhân đạo, một tình nguyện viên chiến trường.

    Tất cả có lẽ xuất phát từ lòng yêu nước mạnh mẽ của Maria Curie. Pháp đã trở thành quê hương thứ hai của bà sau khi di cư từ Ba Lan. Và bà ấy đã tận dụng tất cả danh tiếng và những gì có được từ khoa học cho lợi ích đất nước.

    Maria Curie sử dụng tiền từ giải thưởng Nobel lần thứ hai của mình để mua trái phiếu chiến tranh, và thậm chí còn cố gắng nấu chảy huy chương Nobel của bà ấy để bán đi tiếp tục mua trái phiếu.

    Là một người phụ nữ, nhưng Maria Curie không bao giờ cho phép định kiến giới tính cản trở bà trong một thế giới thống trị bởi những người đàn ông. Thay vào đó, bà đã huy động và xây dựng được cả một đội quân tình nguyện chỉ gồm những người phụ nữ.

    Đội quân này đã nỗ lực và đặt cả tính mạng của mình dưới bom đạn và cả những tia bức xạ để giúp những binh sĩ khác bớt đau khổ. Ước tính, Maria Curie đã giúp tổng cộng hơn 1 triệu binh sĩ bị thương trong Chiến tranh thế giới thứ nhất được kiểm tra bằng tia X.

    Tham khảo Theconversation

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày