[Đọc cuối tuần] Những chú chuột dò mìn tại Campuchia được huấn luyện như thế nào?

    Chíp,  

    Những chú chuột túi Gambia, hay còn gọi là chuột khổng lồ châu phi, tên khoa học là Cricetomys này không hề biết dò mìn ngay từ khi sinh ra. Để làm được điều này, chúng sẽ phải trải qua quá trình huấn luyện khắt khe, giống như cách người ta huấn luyện những chú chó nghiệp vụ.

    Trong bài viết trước, các bạn đã biết rằng người Campuchia đang dùng những chú chuột túi Gambia để dò bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Bài viết này, mời các bạn cùng tìm hiểu cách người ta huấn luyện những chú chuột cho nhiệm vụ đặc biệt này.

    Bây giờ mới là 5 giờ 45 sáng nhưng tại khu huấn luyện ngoài trời ở Xiêm Riệp, nơi có đền thờ Angkor Wat nổi tiếng, những chú chuột dò mìn của Campuchia đã và đang làm việc rất vất vả. Chúng di chuyển từ bên này sang bên kia, rà sát mũi xuống cỏ ướt để cố tìm ra chất nổ dưới mặt đất.

    [Đọc cuối tuần] Những chú chuột dò mìn tại Campuchia được huấn luyện như thế nào? - Ảnh 1.

    Victoria, chú tuột 2 năm tuổi, hất mũi lên không trung để báo hiệu rằng nó đã ngửi thấy mùi TNT. Nó làm việc trong một dài đất dài khoảng 10 mét và có khả năng phát hiện ra thuốc nổ TNT ở khoảng cách 45cm

    Mỗi chú chuột có nhiệm vụ dọn sạch khu đất rộng 200 mét vuông. Giám sát viên người Campuchia, Hulsok Heng, chia sẻ rằng chúng rất giỏi trong lĩnh vực này.

    "Chúng giỏi lắm", ông nói. "Anh thấy mảnh đất 200 mét vuông kia không? Chúng chỉ mất 30 đến 35 phút để dọn sạch bom mìn. Nếu dùng thiết bị dò tìm kim loại, có thể mất khoảng hai hoặc ba ngày cho diện tích tương đương. Máy dò kim loại sẽ báo động ngay cả khi phát hiện ra những mảnh kim loại trên mặt đất nhưng những chú chuột chỉ tìm kiếm thuốc nổ TNT. Chúng không bị phân tán, gián đoạn bởi các mảnh kim loại".

    Có rất nhiều việc cho những chú chuột dò mìn ở Campuchia. Chính phủ nước này ước tính có từ 4 đến 6 triệu quả mìn hoặc vật liệu nổ khác, bao gồm bom, đạn pháo và lựu đạn, nằm rải rác khắp các vùng nông thôn, tàn dư của nhiều thập kỷ xung đột.

    Láng giềng của Campuchia là Việt Nam và Lào cũng còn nhiều bom mìn nằm dưới mặt đất. Trong khu vực này, hàng chục người bị chết hoặc bị thương nặng mỗi năm vì bom mìn và cũng có những thiệt hại về mặt kinh tế khi bom mìn khiến người dân không thể chăn nuôi, canh tác được trên đất của họ.

    Về những chú chuột, đây không phải loại chuột bình thường mà bạn hay thấy trong bếp nhà mình. Chúng là giống chuột túi Gambia, hay còn gọi là chuột khổng lồ châu phi, tên khoa học là Cricetomys. Trung bình, một chú chuột Cricetomys trưởng thành có chiều dài khoảng 60cm từ đầu đến đuôi. Thị lực của chúng rất tệ nhưng khứu giác lại cực kỳ phi thường. Chúng có có thể phát hiện ra mùi của thuốc nổ TNT với trọng lượng tối thiểu 29 gram.

    [Đọc cuối tuần] Những chú chuột dò mìn tại Campuchia được huấn luyện như thế nào? - Ảnh 2.

    Sau vài tiếng huấn luyện, chú chuột Leyla đi theo người chăm sóc. Chúng sẽ được chơi với những con chuột khác một chút trước khi về lồng để nghỉ ngơi cho tới ngày hôm sau

    Từ 15 năm trước, một tổ chức phi lợi nhuận của Bỉ có tên Apopo đã bắt đầu khai thác khứu giác nhạy bén của chuột Cricetomys. Tổ chức này đã tạo ra một chương trình nhân giống và trung tâm đào tạo ở Tanzania rồi sau đó triển khai những chú chuột dò mìn tới các quốc gia vừa trải qua chiến tranh, đầu tiên là Mozambique và Angola. Dự án Campuchia của Apopo bắt đầu từ tháng 4/2015 với sự hợp tác cùng Trung tâm chống Bom mìn Campuchia. Apopo thậm chí còn đào tạo chuột Cricetomys để phát hiện ra bệnh lao.

    "Ý tưởng này khá kỳ lạ", điều phối viên Theap Bunthourn chia sẻ. "Người Campuchia thường xuyên giết chết lũ chuột và không thích chúng, thậm chí còn ăn thịt chuột. Nhưng chúng tiết kiệm, dễ vận chuyển, dễ huấn luyện và không kích hoạt mìn vì trọng lượng nhẹ".

    Ngoài ra, những chú chuột cũng có một lợi thế khác so với chó nghiệp vụ vốn cũng được dùng để rò mìn ở Campuchia. Khác với chó, liên kết với người huấn luyện không phải là vấn đề với những chú chuột, ông Hulsok Heng chia sẻ. "Những chú chuột không phụ thuộc vào ai hết, chúng có thể làm việc với bất kỳ ai, khác với những chú chó. Nếu người phụ trách một chú chó bị ốm, chú chó ấy sẽ không làm việc cùng người khác. Nếu một chú chó không nhận ra bạn, nó sẽ không làm việc với bạn. Nhưng với những chú chuột, đó không phải là vấn đề".

    15 con chuột đã được chuyển từ Tanzania tới Campuchia vào cuối tháng 4/2015. Vì Campuchia nóng hơn ở Tanzania nên những chú chuột sẽ bắt đầu làm việc trước khi mặt trời mọc, Hulsok nói. Đến giữa trưa, chúng sẽ được nghỉ vì lúc ấy thời tiết quá nóng với chúng.

    Một con chuột có tên Victoria đang được triển khai vào dải cỏ dài 9 mét, được buộc vào một sợi dây được giữ bởi 2 nhân viên Apopo ở hai đầu.

    "Sau trận mua đêm qua, hôm nay Victoria rất khỏe mạnh, tươi tắn", Hulsok nói và chỉ cho phóng viên quả mìn phục vụ huấn luyện được đặt cách đó khoảng 6,5 mét. Khi Victoria đến gần quả mìn, cách khoảng 45cm, nó dừng lại, hất mũi lên không trung như để định vị thứ gì đó. Nó bước thêm nửa bước nữa rồi bắt đầu cào mặt đất. Đó là tín hiệu báo rằng nó đã tìm ra mìn.

    "Sau khi những chú chuột phát hiện ra mùi thuốc nổ và cào đất", Hulsok nói, "chúng tôi sẽ thưởng cho chúng một chút thức ăn, một mẩu chuối chẳng hạn".

    Không phát hiện đúng thuốc nổ TNT, sẽ không có chuối. Những chú chuột sẽ học được quy tắc này sau nhiều hoạt động lặp lại. Chúng cũng học được cách để không bị mắc vào những mánh khóe mà người huấn luyện sử dụng để cố đánh lừa chúng. Những mùi mồi nhử dùng để đánh lừa gồm mùi pin, mùi dầu, mùi cá hồi... "Nếu chúng cào đất vì ngửi thấy những mùi khác, chúng tôi sẽ không thưởng cho chúng. Chỉ thưởng nếu ngửi thấy mùi TNT", Hulsok nói. Các chuyên gia của Apopo phải làm điều này để đảm bảo lũ chuột mang lại hiệu quả cao nhất, chính xác nhất.

    Một chú chuột khác, được đặt tên là Pit, là một ngôi sao của nhóm khi phát hiện ra tới 2 quả mìn trong buổi sáng hôm đó và không bị đánh lừa bởi các mồi nhử. Những con chuột khác đôi khi cào đất khi phát hiện ra mồi nhử và đương nhiên chúng không được cho ăn. Sau những lần như thế, chúng sẽ học hỏi, rút kinh nghiệm. Có những chú chuột thông minh hơn, học nhanh hơn những chú chuột khác.

    Chuyên gia James Pursey của Apopo chia sẻ rằng chi phí đào tạo cho mỗi chú chuột rơi vào khoảng 6.500 USD. Chúng có thể sống 6 đến 8 năm trong điều kiện nuôi nhốt để phục vụ dò mìn. Tại trại huấn luyện thuộc Trung tâm chống Bom mìn Campuchia ở ngoại ô Xiêm Riệp, cuộc sống của những chú chuột luôn được đảm bảo ở mức tốt nhất. "Những chú chuột được nhốt trong những chiếc lồng riêng trong một phòng điều hòa bởi vì chúng tôi muốn chăm sóc tốt nhất cho chúng, bảo vệ khoản đầu tư của mình", ông Theap nói. "Chúng tôi muốn giữ cho chúng lúc nào cũng khỏe mạnh để có thể làm việc hiệu quả nhất".


    [Đọc cuối tuần] Những chú chuột dò mìn tại Campuchia được huấn luyện như thế nào? - Ảnh 3.

    Một chú chuột Cricetomys đang thực thi nhiệm vụ dò mìn tại hiện trường

    Vẫn còn một số người hoài nghi, ngay cả trong cộng đồng rà phá bom mìn, về khả năng của những chú chuột Cricetomys. Hulsok không nằm trong số những người đó. Ông đã tìm kiếm và dọn sạch các vật liệu nổ trong hơn 20 năm. Trong trường hợp của một số loại mìn nhất định, ông nói, ông sẽ tin tưởng một chú chuột hơn bất kỳ loại máy dò kim loại nào trên thế giới.

    "Một loại mìn của Trung Quốc, chúng tôi gọi là 72 Alpha, có rất ít kim loại bởi kip nổ và chốt của nó rất nhỏ", Hulsok nói. "Nhưng những chú chuột Cricetomys có thể ngửi mùi TNT rất tốt nên chúng có thể phát hiện một cách hiệu quả loại mìn này. Nhưng sẽ thật tốt nếu chúng tôi có cả lực lượng chuột lẫn máy dò kim loại tiên tiến. Thật khó để làm việc khi chỉ có lũ chuột, không có máy dò kim loại".

    Nói cách khác, những chú chuột Cricetomys chỉ là một trong số công cụ rà phá bom mìn, không thể thay thế hoàn toàn cho chó nghiệp vụ và máy dò mìn. Thay vào đó, lũ chuột sẽ tăng cường khả năng rà mìn, giúp quá trình xử lý tàn dư chiến tranh một cách nhanh chóng, hiệu quả, dễ dàng hơn.

    Điều gì xảy ra khi những chú chuột già đi, hết khả năng làm việc?

    "Về cơ bản, trong giai đoạn cuối đời, chúng sẽ chạy chậm lại và chúng tôi bắt đầu theo dõi chặt chẽ độ chính xác của chúng thông qua các thử nghiệm tăng cường", Pursey nói. "Cuối cùng, chúng sẽ không chịu ra khỏi lồng và chúng tôi để chúng yên cho tới ngày chúng ra đi hoặc trong một số trường hợp nếu chúng phải chịu đau đớn chúng tôi phải giúp chúng "giải thoát". Trong những tuần cuối đời, chúng sẽ được ra ngoài chơi cùng với bạn đời trong giờ giải lao và luyện tập nếu chúng muốn nhưng chúng sẽ không được ra thực địa để làm nhiệm vụ. Thông thường, chúng sẽ ra đi rất nhanh sau khi quá trình ấy bắt đầu".

    Nhưng với Victoria và Pit và những chú chuột mới tới khác, ngày đó còn rất xa. Chúng còn rất nhiều việc phải làm, rất nhiều sinh mạng con người chúng có thể cứu được. Theap hy vọng có thể đưa Victoria và Pit ra thực địa sau khoảng 5 tháng huấn luyện.

    Theo NPR

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ