Độc lạ dịch vụ mai táng ngoài không gian

    Phương Võ,  

    (NLĐO) - Khách hàng phải chi khoảng 13.000 USD cho Công ty Celestis (Mỹ) nếu muốn tro cốt người thân được mai táng trên mặt trăng.

    Tên lửa Vulcan Centaur của Công ty United Launch Alliance (Mỹ) được phóng lên không gian hôm 8-1-2024, mang theo tàu đáp mặt trăng Peregrine của Công ty robot vũ trụ Astrobitic.

    Tàu Peregrine có mang theo kiện hàng đặc biệt của Công ty cung cấp dịch vụ mai táng ngoài không gian Celestis. Kiện hàng này nằm trong sứ mệnh có tên Luna Tranquility, mang theo ADN hoặc tro cốt của 66 người và sẽ nằm mãi trên bề mặt mặt trăng nếu tàu Peregrine đáp thành công xuống đó.

    Ngoài ra, trong kiện hàng còn có hàng ngàn thông điệp, video, hình ảnh của cư dân trên trái đất.

    Độc lạ dịch vụ mai táng ngoài không gian- Ảnh 1.

    Tàu đáp mặt trăng Peregrine của Công ty Astrobotic trên tên lửa Vulcan Centaur trước khi vụ phóng diễn ra. Ảnh: UNITED LAUNCH ALLIANCE/NASA

    Tên lửa Vulcan Centaur còn mang theo một kiện hàng khác của Celestis trong sứ mệnh gọi là Enterprise. Chuyến bay này thu hút nhiều quan tâm trong năm ngoái sau khi xuất hiện thông tin nó có mang theo một phần tro cốt của ông Gene Roddenberry, nhà sản xuất phim Star Trek, cùng vợ và một số diễn viên nổi tiếng từng đóng phim này.

    Tính chung, sứ mệnh Enterprise mang theo một phần tro cốt hoặc ADN của 268 người, trong đó có ADN của các cựu Tổng thống Mỹ George Washington, Dwight D. Eisenhower và John F. Kennedy.

    Độc lạ dịch vụ mai táng ngoài không gian- Ảnh 2.

    Vụ phóng tên lửa Vulcan Centaur lên không gian tại bang Florida - Mỹ hôm 8-1. Ảnh: REUTERS/REDUX

    Dù vậy, chỉ có sứ mệnh Enterprise thành công và chuyến bay tưởng niệm này dự kiến đi theo quỹ đạo mặt trời "mãi mãi", theo lời ông Charles Chafer, Giám đốc điều hành Celestis.

    Trong khi đó, do trục trặc kỹ thuật vài giờ sau vụ phóng, tàu Peregrine sau khi tách khỏi tên lửa đã không tiếp tục hành trình để đáp xuống mặt trăng vào ngày 23-2 như kế hoạch. Thay vào đó, tàu này đâm xuống trái đất và bị đốt cháy hoàn toàn trong bầu khí quyển ngày 18-1, theo trang Space.com.

    Diễn biến trên khiến ý định lập đài tưởng niệm không gian đầu tiên trên mặt trăng chưa thành hiện thực.

    Độc lạ dịch vụ mai táng ngoài không gian- Ảnh 3.

    Một người ẩn danh đã quyên tặng mẫu tóc của các cựu tổng thống George W. Washington, John F. Kennedy và Dwight D. Eisenhower để được đưa lên không gian. Ảnh: Celestis Inc.

    Được thành lập vào năm 1995, Celestis (trụ sở ở bang Texas - Mỹ) là một trong số ít công ty cung cấp dịch vụ mai táng ngoài không gian. Đối với dịch vụ đưa tro cốt lên mặt trăng, khách hàng phải chi khoảng 13.000 USD.

    Hai chuyến bay tưởng niệm không gian khác dự kiến diễn ra trong năm nay, gồm Serenity vào tháng 10 và Destiny (chưa rõ thời điểm).

    Độc lạ dịch vụ mai táng ngoài không gian- Ảnh 4.

    Kiện hàng của Celestis gồm ADN và tro cốt người đã khuất. Ảnh: Celestis Inc

    Độc lạ dịch vụ mai táng ngoài không gian- Ảnh 5.

    Một phần tro cốt của nữ diễn viên phim “Star Trek” là Nichelle Nichols được đưa lên không gian. Ảnh: New York Post

    Tuy nhiên, dịch vụ "mai táng" ngoài không gian cũng gây không ít tranh cãi. Bộ tộc da đỏ lớn nhất Mỹ, gọi là Navajo Nation, cho rằng việc đưa tro cốt người lên mặt trăng là hành động xúc phạm nơi có vị trí linh thiêng trong văn hóa họ.

    Tuy nhiên, quan chức Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nhấn mạnh cơ quan này không có quyền tác động đến hoạt động của một công ty tư nhân, đồng thời nhấn mạnh đây không phải là sứ mệnh của NASA.

    Tàu Peregrine mang theo 20 kiện hàng của nhiều khách hàng, trong đó có NASA và Elysium Space (một công ty mai táng không gian khác).

    Kiện hàng của Elysium Space cũng gồm hài cốt và ADN người đã khuất nhưng công ty này không cung cấp chi tiết trước thềm vụ phóng.

    Elysium Space được thành lập năm 2013 và có trụ sở ở TP San Francisco - Mỹ. Vào cuối năm 2018, công ty này đưa tro cốt của khoảng 100 người lên không gian để mai táng.

    Khi đó, một vệ tinh nhỏ chứa các hộp vuông đựng tro cốt của người đã khuất được tên lửa Falcon 9 của Công ty SpaceX (Mỹ) đưa lên không gian với mức phí 2.500 USD/mẫu.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ