Đừng vội hoảng sợ với hạt vi nhựa trong nước uống, WHO chỉ ra nguy cơ gây hại sức khỏe thấp

    zknight,  

    Nhưng mọi kết luận cho tới thời điểm này mới chỉ là tạm thời, chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để chắc chắn.

    Hạt vi nhựa có ở khắp mọi nơi: trong không khí chúng ta thở, thực phẩm chúng ta ăn và nước chúng ta uống. Năm ngoái, một nghiên cứu đáng lo ngại đã tìm thấy hạt vi nhựa trong hơn 90% mẫu nước đóng chai phổ biến trên thị trường.

    Một trong số các mẫu nước này có tới 10.000 hạt vi nhựa trong mỗi lít.

    Ngay tại thời điểm nghiên cứu được công bố, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định làm một bản điều tra đánh giá về độ an toàn của nước nhiễm vi nhựa. Nhưng cũng phải mất tới hơn một năm, WHO bây giờ mới có được kết luận tạm thời về vấn đề này.

    Theo đó, uống nước chứa hạt vi nhựa dường như không quá nguy hiểm như chúng ta tưởng tượng. Hạt vi nhựa không phải tác nhân gây bệnh như virus hoặc vi khuẩn, cũng không phải chất độc như chì.

    Polyme nhựa thường được coi là có độc tính yếu, và kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy sự hấp thụ ở ruột cũng rất thấp. Nghe có vẻ an ủi, nhưng WHO nhấn mạnh đó chưa phải là kết luận cuối cùng.

    Bởi có quá ít nghiên cứu về hạt vi nhựa trong nước uống, đến thời điểm này khoa học cũng chưa biết chúng có tiềm ẩn các nguy cơ lớn hơn hay không.

    Đừng vội hoảng sợ với hạt vi nhựa trong nước uống, WHO chỉ ra nguy cơ gây hại sức khỏe thấp - Ảnh 1.

    Đừng quá hoảng sợ với hạt vi nhựa trong nước uống, WHO chỉ ra nguy cơ gây hại sức khỏe thấp

    "Chúng ta rất cần biết tác động của hạt vi nhựa tới sức khỏe, bởi chúng đã xuất hiện ở khắp mọi nơi - kể cả trong nước chúng ta uống", bà Maria Neira, giám đốc y tế công cộng tại WHO nói.

    "Dựa trên những thông tin hạn chế mà chúng tôi có được, ô nhiễm hạt vi nhựa trong nước uống hiện nay dường như chưa gây ra nguy cơ sức khỏe. Nhưng chúng ta sẽ cần [cảnh giác và] tìm hiểu thêm".

    Thông tin hạn chế mà bà Neira nhắc đến là chín nghiên cứu về hạt vi nhựa trong nước uống được WHO dùng để đánh giá, nhiều nghiên cứu trong đó còn khó có thể áp dụng để điều tra về độ an toàn của hạt vi nhựa.

    Lý do vì mỗi nghiên cứu lại sử dụng các phương pháp và công cụ lấy mẫu phân tích khác nhau. Các nhà khoa học cũng khảo sát các hạt nhựa có kích thước khác nhau. Nghiên cứu về hạt vi nhựa đã hiếm, nghiên cứu về tác động của nó tới sức khỏe còn hiếm hơn nữa.

    Nhưng qua phân tích này, WHO cũng rút ra được một số kết luận tạm thời. Đầu tiên là mô hình nhiễm vi nhựa vào nước uống. Các hạt nhựa lớn, có kích thước trên 150 micomet ít có xu hướng làm ô nhiễm được nguồn nước uống của chúng ta.

    Các hạt vi nhựa nhỏ hơn xuất hiện nhiều hơn, và các hạt vi nhựa nhỏ nhất trong nước uống có kích thước dưới cả 1 micormet, nghĩa là chúng đạt tới kích thước nano.

    Mặc dù vậy, nói nước uống có hạt vi nhựa chắc chắn gây hại tới sức khỏe thì không đúng. Polyme nhựa thường được coi là có độc tính thấp và kết quả ban đầu cho thấy sự hấp thụ ở ruột cũng rất thấp.

    Đừng vội hoảng sợ với hạt vi nhựa trong nước uống, WHO chỉ ra nguy cơ gây hại sức khỏe thấp - Ảnh 2.

    Các hạt vi nhựa có trong mẫu nước uống đóng chai

    Trong nước uống có nhiều tác nhân gây hại thực sự đáng lo ngại hơn hạt vi nhựa rất nhiều. "Chúng là những vi sinh vật như virus và vi khuẩn, cũng như một số chất gây ô nhiễm hóa học như chì", Stuart Khan, một kỹ sư dân sự và môi trường tại Đại học New South Wales cho biết.

    "Thông điệp quan trọng [từ báo cáo của WHO] tới các cơ quan quản lý nước là họ không nên quan tâm quá mức tới hạt vi nhựa, mà rút nguồn lực và sự chú ý ra khỏi những tác nhân thực sự gây ra những rủi ro sức khỏe cộng đồng trong nước uống".

    Trước đây, đã từng có những nghiên cứu dự đoán rằng hạt vi nhựa xâm nhập vào ruột có thể giải phóng các chất độc hại hoặc phụ gia hóa học. Các chất này từng được biết đến như những tác nhân gây oxy hóa thậm chí ung thư.

    WHO cũng đã xem xét các nghiên cứu này, nhưng họ cho thấy nguy cơ ấy chưa đáng lo ngại. Vấn đề là hầu hết các nghiên cứu mới chỉ tập trung điều tra các mảnh nhựa lớn trong nước, chứ chưa phải các hạt vi nhựa và nano nhựa.

    "Do đó, không thể đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào về độc tính liên quan đến phơi nhiễm hạt vi nhựa trong nước uống, đặc biệt là với các hạt nhựa nhỏ nhất. Không có thông tin đáng tin cậy nào cho thấy đó là vấn đề đáng lo ngại", WHO viết trong báo cáo.

    Đồng ý với điều này, phó giáo sư Duncan McGillivray đến từ Trường Khoa học Hóa học thuộc Đại học Auckland cho biết: "Thông điệp chính từ báo cáo là đừng hoảng sợ vì hạt vi nhựa- mọi nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn của chúng dường như thấp hơn nhiều so với các chất ô nhiễm tiềm năng khác như vi khuẩn và chất hóa học".

    Đừng vội hoảng sợ với hạt vi nhựa trong nước uống, WHO chỉ ra nguy cơ gây hại sức khỏe thấp - Ảnh 3.

    Mọi kết luận cho tới thời điểm này mới chỉ là tạm thời.

    Nhưng phó giáo sư McGillivray nói thêm chúng ta cũng chưa thể thở dài nhẹ nhõm. "Còn quá nhiều điều mà chúng ta chưa biết về tác động của hạt vi nhựa tới sức khỏe, báo cáo của WHO khuyến khích thực hiện nhiều hơn các nghiên cứu như vậy", ông cho biết.

    Đó cũng chính là quan điểm của Paul Harvey, một nhà khoa học môi trường tại Đại học Macquary. Ông nói rằng chúng ta không thể tư duy theo lối khoa học chưa tìm ra vấn đề thì là vấn đề không tồn tại.

    Sự khan hiếm dữ liệu gây khó khăn cho việc đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào. Harvey dự đoán rằng nếu có nhiều hơn các nghiên cứu về mối liên hệ giữa hạt vi nhựa và sức khỏe, kết luận của WHO có thể sẽ khác.

    Hiện cơ quan này cũng chưa thể xem xét tác động của hạt nano nhựa tới cơ thể. Đó là các hạt ở kích thước 1 phần tỷ mét. Trước đây, chúng ta đã xác định được các hạt nhựa nano này gây độc cho sinh vật biển, nhưng nghiên cứu trên người thì chưa có.

    "Báo cáo nhấn mạnh hiện có rất ít nghiên cứu và hiểu biết xung quanh tác động sức khỏe của việc uống nước lẫn hạt vi nhựa", Harvey nói. Bởi vậy, mọi kết luận cho tới thời điểm này mới chỉ là tạm thời.

    Cho đến khi chúng ta có đủ một khối dữ liệu đáng tin cậy, ảnh hưởng của hạt vi nhựa tới sức khỏe là điều chưa ai có thể dám chắc, ngay cả WHO.

    Bạn có thể xem toàn văn báo cáo của WHO tại đây.

    Tham khảo Scimex, Sciencealert, Theguidian

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ