Email với bạn có thể là một thứ chắc chắn phải có nhưng ở Trung Quốc, nó dường như không tồn tại

    Thanh Hậu Spiderum,  

    Tại sao ở Trung Quốc người dùng Internet hay thậm chí cả những doanh nghiệp lớn lại có xu hướng sử dụng các ứng dụng chat như QQ thay vì email?

     Một cô gái đang chờ đợi hồi âm từ người bạn của mình. (theo Nir Elias - Reuters)

    Một cô gái đang chờ đợi hồi âm từ người bạn của mình. (theo Nir Elias - Reuters)

    Đây là một câu chuyện thường thấy nếu bạn là một du học sinh hoặc doanh nhân lần đầu tới Trung Quốc. Sau một chầu bia hoặc rượu Thiên Tửu (Baijiu - một loại rượu trắng nổi tiếng của Trung Quốc) hoặc một phiên karaoke vui vẻ, bạn sẽ hỏi xin email của anh bạn nước chủ nhà.

    Đáp lại bạn là một nụ cười ngượng ngùng pha chút bối rối từ người bạn bản điạ. Anh ấy sẽ cho bạn một số điện thoại kèm theo một tài khoản WeChat - ứng dụng nhắn tin thống lĩnh thị trường Trung Quốc của Tencent. Tuy nhiên bạn thì lại không dùng Wechat, trong khi anh bạn Trung Quốc lại không sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook. Bởi vậy, phương án tối ưu lúc này là trao đổi qua thư điện tử.

    Sẽ mất vài giây để người bạn Trung Quốc ấy ghi nhớ địa chỉ email của bản thân. Sau đó anh ấy sẽ viết nhanh một dãy chữ số hay các ký tự lộn xộn đại loại như a18984703@163.net. Bạn sẽ có thể cảm thấy hơi bất ngờ, và thắc mắc vì sao người này lại có tài khoản email kỳ lạ như vậy. Và bạn cũng gặp cảm giác bối rối tương tự nếu gửi email tới người bạn mới đó mà không nhận được hồi đáp.

    Tại nhiều nơi trên thế giới, email là một thứ “bất tử" - nó là một di sản của thời đại Internet với máy tính để bàn trước khi các phương tiện truyền thông di động xuất hiện. Dường như có một quy ước ngầm định rằng, bạn không thể không có một địa chỉ email.

    Tuy nhiên tại Trung Quốc, email chưa bao giờ đạt đến mức phổ biến như ở các nước khác. Hầu hết người dùng Trung Quốc dù có địa chỉ email thì cũng ít khi sử dụng đến nó. Thay vào đó chat qua tin nhắn vẫn là phương pháp giao tiếp được ưa thích giữa bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, đối tác kinh doanh, và thậm chí cả người lạ.

    Khi được hỏi lý do tại sao, hầu hết người bản xứ hay những người nhập cư chỉ đơn giản giải thích rằng đó là do WeChat. Với gần 900 triệu người dùng hàng tháng, WeChat là ứng dụng trò chuyện được ưu tiên hàng đầu tại Trung Quốc, đồng thời nắm vị trí độc tôn trong thị phần về các ấn bản điện tử và thanh toán di động.

    Nhưng sự phổ biến ngày nay của WeChat chỉ là một phần của câu chuyện. Chat đã trở thành ngôn ngữ giao tiếp mặc định của Internet tại Trung Quốc thay vì email bởi một số yếu tố bắt đầu từ đầu từ những năm 2000 - và Tencent đã thắng lớn bằng cách dự đoán trước xu hướng này.

    Cà phê Internet tại Trung Quốc

    Tại Hoa Kỳ và một số nơi khác trên thế giới, các nền tảng web và máy tính cá nhân bắt đầu trở nên tương đối phổ biến vào cuối những năm 1990. Theo Ngân hàng thế giới, vào năm 1999 cứ 100 người thì lại có tới có tới 50,5 máy tính được sử dụng. Hầu hết người dùng Internet đầu tiên đều là những người trong độ tuổi lao động hoặc sinh viên có mong muốn gia nhập vào thị trường lao động quốc tế. Và thư điện tử đã trở thành phương tiện liên lạc chính tại các công sở. Khi máy tính để bàn bắt đầu phổ biến không chỉ bên trong văn phòng mà còn lan rộng ra các hộ gia đình và trường học, các bậc cha mẹ và giáo viên được tập huấn để dạy cho con trẻ cách sử dụng Internet. Và bước đầu tiên chính là: thiết lập một tài khoản email.

    Tuy nhiên tình hình ở Trung Quốc lại hoàn toàn khác - cứ chỉ có 1,2 máy tính được sử dụng trên mỗi 100 người. Tại những khu vực bên ngoài các thành phố lớn ở Trung Quốc, hầu hết các hộ gia đình có thu nhập ở mức trung bình đều không sở hữu máy tính, và con số kết nối với Internet còn ít hơn nữa. Ở những khu ký túc xá đông đúc, không có nhiều không gian để sinh viên có thể đặt một cái máy tính để bàn trong phòng. Và nhân viên văn phòng ở Trung Quốc thì nhỏ hơn tỷ lệ nhân viên văn phòng ở Hoa Kỳ. Điều đó dẫn đến văn hóa văn phòng ít ảnh hưởng đến nền văn hoá Internet đang mỗi ngày một lớn mạnh tại quốc gia này.

    Cà phê Internet là một nơi cung cấp dịch vụ truy cập Internet cho khách hàng, thường có thu phí và được kinh doanh dưới hình thức quán cà phê.

    Cà phê Internet xuất hiện trong những năm 2000 là một giải pháp nhằm cung cấp máy tính cá nhân cho những người không thể sở hữu nó, với một mức giá khá mềm để phục vụ nhu cầu sử dụng Internet. Fritz Demopoulos, một doanh nhân người Los Angeles và là đồng sáng lập trang web du lịch Trung Quốc Qunar, đã mô tả Trung Quốc trong thập kỷ đó là một nền kinh tế “không có tính giải trí”.

    "Ở đây không có nhiều rạp chiếu phim, không có quán karaoke, không có những nơi chơi bowling… Cà phê Internet là một trong số ít cách để người Trung Quốc tự giải trí." Theo một nghiên cứu của Pew Research năm 2007, 70% người sử dụng Internet tại Trung Quốc ở mức dưới 30 tuổi. Điều đó khẳng định máy tính cá nhân và Internet đã trở thành hiện tượng của giới trẻ ở Trung Quốc.

    Nhiều chủ quán cà phê Internet đã lôi kéo khách hàng trẻ tuổi bằng các trò chơi điện tử. Nhưng ứng dụng nhắn tin (chat) cũng là một lựa chọn hoàn hảo cho các tín đồ cà phê Internet ở Trung Quốc. Người dùng có thể dành hàng giờ để trò chuyện với bạn bè, hoặc kết bạn trực tuyến. Email không đáp ứng được nhu cầu này, bởi vì người dùng không sử dụng máy tính riêng của họ, nên không thể chắc chắn khi nào họ có thể kiểm tra hộp thư điện tử của mình và phản hồi được. Tin nhắn SMS thông thường thì khá đắt nếu so với với các ứng dụng trò chuyện trực tuyến, đặc biệt là khi gửi qua lại giữa các tỉnh thành khác nhau.

    Hầu hết người dùng sử dụng ứng dụng nhắn tin trên một phần mềm của máy tính để bàn có tên là QQ, do Tencent tạo ra. Tencent hiện là một trong 10 công ty có giá trị nhất trên thế giới. Vào thời điểm được IPO vào tháng 6/2004, ứng dụng ra mắt năm 1999 này đã có hơn 355 triệu người dùng đăng ký.

     Pony Ma - Người sáng lập Tencent cùng với linh vật Chim cánh cụt của ứng dụng QQ (Theo Bobby Yip - Reuters)

    Pony Ma - Người sáng lập Tencent cùng với linh vật Chim cánh cụt của ứng dụng QQ (Theo Bobby Yip - Reuters)

    Tencent thiết lập ứng dụng QQ nhằm thu hút giới trẻ Trung Quốc đến với những quán cà phê Internet có không gian không mấy rộng rãi. Ứng dụng QQ chiếm rất ít dung lượng, cho phép tải xuống nhanh chóng vào cái thời mà Internet vẫn còn được kết nối thông qua đường truyền điện thoại. Ứng dụng chat này lưu trữ dữ liệu người dùng ở các máy chủ. Điều này có nghĩa là người dùng có thể truy cập ứng dụng tại bất kỳ máy tính nào, mà không phải lo sợ về việc mất lịch sử các cuộc trò chuyện trước đó. Nó cho phép người dùng chọn hình đại diện và chia sẻ các biểu tượng cảm xúc vui nhộn. Nó cũng gắn liền với QZone, một trong những mạng xã hội đầu tiên của Trung Quốc, tương tự như Xanga hay LiveJournal. Ứng dụng này cung cấp các trò chơi, âm nhạc, và thậm chí QQ Pet - một con thú cưng ảo. Người dùng chỉ mất vài cú click chuột để tận hưởng tất cả những thứ thú vị này.

    Tuy nhiên có một yếu tố khác đã đẩy nhanh sự phổ biến của QQ. Khi Tencent được thành lập, nó là công ty Trung Quốc duy nhất đặt cược tất cả cho ứng dụng trò chuyện trực tuyến này.

    Theo Sherman So, tác giả của cuốn “Red Wired: China's Internet Revolution", vào cuối những năm 90 Yahoo! chính là công ty Internet được sùng bái nhất trên thế giới. Yahoo đã ra mắt công chúng vào năm 1996 và sau đó đã đạt giá trị thị trường trên 100 tỷ đô la vào năm 1999, với doanh thu chủ yếu đến từ quảng cáo. ICQ (sau này là AIM), Yahoo! Messenger hoặc MSN Messenger đều không mang lại doanh thu đáng kể nào cho các công ty mẹ của họ như vậy. Các công ty Internet lớn Trung Quốc khác như Sina, Sohu, và Netease thời đó đều bắt chước mô hình kiếm doanh thu từ quảng cáo giống Yahoo. Từ quan điểm của các nhà đầu tư, họ không thấy kế hoạch thoái vốn khả thi nào cho các ứng dụng trò chuyện trực tuyến kiểu này.

    Ban đầu Tencent xây dựng ứng dụng QQ nhằm rao bán, giống mô hình ICQ đã được bán cho AOL. Bong bóng “dot-com” bùng nổ vào đúng thời điểm QQ bắt đầu trở nên phổ biến, và tình hình tài chính bị thắt chặt. Không ai muốn mua một ứng dụng tin nhắn mà chưa có bất kỳ cách sinh lợi nhuận rõ ràng nào.

    Trong khi đó, với lợi thế "hiệu ứng mạng" (network effect) vững chắc, QQ liên tục thu hút được người dùng gia nhập và sử dụng rộng rãi - và hầu như không hề có đối thủ cạnh tranh. Trong lịch sử công ty được viết bởi Wu Xiaobo, vào giữa năm 2001, nhờ hệ quả của bong bóng dot-com, QQ đã thu hút được 100 triệu người đăng ký và thêm 500.000 lượt đăng ký mới mỗi ngày. Tài khoản QQ đã trở thành "bước đầu tiên" cho việc sử dụng Internet ở Trung Quốc - thứ mà bạn không thể không có.

    Trong khi Tencent và các công ty Internet khác của Trung Quốc cũng cung cấp dịch vụ email riêng, chúng vẫn phải cạnh tranh khốc liệt với các ứng dụng trò chuyện để được người dùng để mắt tới. Khi Internet phát triển, các doanh nghiệp bắt đầu mở tài khoản QQ. Thậm chí ngay cả các chuyên gia của những công ty ở các thành phố lớn thường sẽ liệt kê tài khoản QQ cùng với địa chỉ email trên danh thiếp của họ. Một số người chỉ sử dụng QQ và quên mất cả địa chỉ email của mình.

    Những thói quen từ buổi đầu của Internet này khiến người dùng Trung Quốc bỏ qua việc sử dụng email khi trào lưu điện thoại thông minh bắt đầu. Số liệu từ Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc (CNNIC) cho thấy sự gia tăng số lượng truy cập Internet và Internet tên điện thoại của Trung Quốc tương đối ổn định.

     Biểu đồ thể hiện sự thâm nhập của Internet vào Trung Quốc từ 2007 - 2016

    Biểu đồ thể hiện sự thâm nhập của Internet vào Trung Quốc từ 2007 - 2016

    Việc trò chuyện trên điện thoại dĩ nhiên sẽ có nhiều ưu điểm hơn. Bạn có thể trả lời tin nhắn mọi nơi, chứ không phải chỉ là tại bàn làm việc. Khi Tencent giới thiệu WeChat vào năm 2011 (thật trớ trêu, WeChat được xây dựng bởi chính nhóm sáng lập email trước đây), cơn bão này đã tạo nên chiến thắng thứ hai cho ứng dụng trò chuyện ở Trung Quốc. Những người không có địa chỉ email đều cần phải có một tài khoản của ứng dụng này.

    Sự giao thoa văn hóa

    Trong những năm gần đây, toàn cầu hoá cùng sự xuất hiện của phong trào khởi nghiệp đã khiến cho văn hoá Internet của Trung Quốc gắn kết chặt chẽ hơn với văn hoá Internet toàn cầu. Số lượng sinh viên Trung Quốc đi du học đã tăng lên đáng kể. Các khởi nghiệp trong và ngoài Trung Quốc tuyển dụng nhân viên từ khắp nơi trên thế giới và phục vụ khách hàng ở nhiều nước khác nhau.

    Giữa những sự thay đổi này, người Trung Quốc vẫn miễn cưỡng trong việc sử dụng email. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với các văn phòng - nơi mà ở Mỹ email chiếm vị trí chủ chốt trong công việc.

    Một số người chỉ đơn giản cho rằng email ít phù hợp với văn hoá Trung Quốc bằng chat, đặc biệt là ở nơi làm việc. Ông Thomas Luo, người sáng lập PingWest - một blog công nghệ của Trung Quốc sở hữu những cây viết đến từ cả Trung Quốc và Mỹ - cho rằng việc gửi email ở Trung Quốc cũng giống như gửi tiền vào tài khoản ngân hàng. Đối với ông, email không dễ dàng hoà nhập vào văn hoá kinh doanh của Trung Quốc, vốn ưu tiên sự thân thiện và nhanh chóng. Những đặc điểm này trong văn hoá kinh doanh Trung Quốc phù hợp hơn với các ứng dụng trò chuyện.

    "Ở Trung Quốc, email liên quan chặt chẽ với biên bản làm việc (MOUs) và các hợp đồng. Những thứ như thế này được mọi người đặc biệt coi trọng ở phương Tây. Nhưng ở đây, chúng tôi có khuynh hướng thỏa thuận trực tiếp bằng lời nói hơn ".

    Jenkin Xia, giám đốc marketing của một công ty khởi nghiệp có đội ngũ nhân viên tại cả Santa Clara và Bắc Kinh nói rằng, email được sử dụng rộng rãi hơn giữa các nhân viên ở Mỹ, trong khi đó nhân viên Trung Quốc lại thích sử dụng WeChat hơn. "Tôi chắc chắn các nhân viên Mỹ sử dụng email cho hầu hết mọi công việc - từ kiểm tra tiến độ công việc chỉ bằng một hoặc hai câu, đến chia sẻ các đường link bài viết - hoặc thậm chí gửi các tài liệu tham khảo, hay những câu chuyện phiếm. Đội ngũ nhân viên Trung Quốc thì sử dụng email chỉ để gửi thông báo đến toàn công ty hoặc cập nhật sản phẩm. Nhưng chắc chắn rằng họ kiểm tra tiến độ công việc bằng cách gặp mặt trực tiếp hoặc trên WeChat."

    Trong khi đó, các công ty mới thành lập ở Hoa Kỳ tiếp tục hứa sẽ khai tử việc dùng thư điện tử. Tuy nhiên thực tế rất ít trong số đó có thể làm được điều này. Nếu khi thư điện tử không còn tồn tại nữa, nhìn một cách đơn giản thì Internet toàn cầu sẽ giống như Internet ở Trung Quốc hiện nay.

    Theo Quartz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ