Facebook sẽ tấn công pháo đài vững chắc nhất của Google và rất có thể giành được nhiều chiến quả

    Ngocmiz,  

    Facebook đang ngày càng trở thành mối đe dọa lớn cho Google trong mảng tìm kiếm nội dung và thu hút lượt xem cho các website.

    Dù đang là công ty có giá trị nhất thế giới, Google vẫn ngày ngày phải đối mặt với các đối thủ lớn trên nhiều lĩnh vực. Trong số đó có mảng tìm kiếm nội dung, lĩnh vực tạo nên thương hiệu cho Google mà công ty này đã dẫn đầu nhiều năm nay. Tuy nhiên, ngôi vị đó đang bị đe dọa bởi Facebook trong thời kì mạng xã hội dần chiếm hết phần lớn thời gian của người dùng khi online.

    Facebook đang giúp các trang tin thu hút nhiều lượt xem hơn

    Theo số liệu từ trang đánh giá lưu lượng website Parse.ly, Facebook đang dần vượt Google trên cuộc chiến thu hút lượt xem cho các trang tin. Người dùng internet có xu hướng tìm kiếm nội dung và click xem từ Facebook nhiều hơn là từ Google.

    Tỷ lệ lượt xem các trang tin với nguồn từ Google và Facebook (Theo Parse.ly)
    Tỷ lệ lượt xem các trang tin với nguồn từ Google và Facebook (Theo Parse.ly)

    Google có thể vẫn lạc quan vì số liệu từ Parse.ly chủ yếu là các trang tin tức chứ không phải các web đặc thù như trang chia sẻ nhạc, video, kiến thức,… Tuy nhiên, theo số liệu của Shareaholic, mạng xã hội vẫn đang tiếp tục chiếm ưu thế và trở thành nguồn tìm kiếm thông tin lớn nhất, vượt qua cả các công cụ tìm kiếm như Google. Biểu đồ thống kê nguồn truy cập website dưới đây có lẽ sẽ khiến bạn bất ngờ với sự lên ngôi của các mạng xã hội.

    So sánh tỷ lệ thu hút lượt xem vào website giữa các mạng xã hội và công cụ tìm kiếm (Theo Shareaholic.com)
    So sánh tỷ lệ thu hút lượt xem vào website giữa các mạng xã hội và công cụ tìm kiếm (Theo Shareaholic.com)

    Một điều dễ nhận thấy là xu hướng gia tăng mạnh mẽ của mạng xã hội và sự tuột dốc chóng vánh của các công cụ tìm kiếm. Và Facebook hiện đang đi đầu với việc nắm giữ tới 90% tỷ lệ truy cập website từ tất cả các mạng xã hội.

    Vì sao Facebook thắng thế trong cuộc chiến tìm kiếm nội dung?

    Lý do đằng sau thành công của Facebook là News feed (bảng tin) được cá nhân hóa theo sở thích của người dùng. Chẳng ai lên mạng có thể dành thời gian đọc hết mọi thông tin được tung ra mỗi ngày, thậm chí cả tít báo hay tiêu đề. Với thực tế đó, thứ mà Facebook làm tốt hơn Google chính là khả năng tìm kiếm những thông tin hấp dẫn nhất với từng người dùng để hiển thị trên News feed của họ.

    Theo thống kê của Forrester, Facebook hiện đang chiếm 13% thời lượng online trên các thiết bị di động và trung bình một người dùng Facebook ở Mỹ dành tới 14 giờ mỗi tháng lướt News Feed. News Feed là nơi người dùng dành phần lớn thời gian khi đăng nhập vào Facebook. Trải nghiệm tìm kiếm và đọc tin của bạn sẽ thật tuyệt vời khi các tin bài bạn đọc chính là các tin được bạn bè, người thân hay các trang bạn thích chia sẻ. Và có vẻ như Facebook đang rất thành công trong việc tạo ra một bảng tin thu hút như vậy: Người dùng càng điền nhiều thông tin cá nhân như nơi sống, trường học, bạn bè, địa chỉ ghé thăm,…, càng tương tác nhiều với các post trên News feed (thích, bình luận, bày tỏ cảm xúc,…) thì Facebook lại càng có nhiều dữ liệu để hiểu thêm về “gu” của họ và đưa ra các thuật toán mới giúp News Feed hiển thị những nội dung cuốn hút người dùng hơn, khiến họ sử dụng mạng xã hội này ngày càng nhiều hơn.

    Một ví dụ đơn giản chính là việc Facebook lựa chọn tin bài từ những người bạn hay những page mà bạn tương tác (quan tâm) nhiều nhất cho hiện lên đầu News feed của bạn, đồng thời bớt hiển thị bài từ những người mà bạn ít tương tác cùng. Facebook cũng có một lợi thế không nhỏ so với Google là “hiệu ứng lan truyền” – khi mà bạn bè của bạn sử dụng Facebook nhiều lên, bạn cũng sẽ khó đứng ngoài xu hướng này vì có quá nhiều các hoạt động giao tiếp, tương tác bạn có thể thực hiện với bạn bè qua Facebook.

    Một số người vẫn nghi hoặc khả năng thắng thế của Facebook do mạng xã hội này không phải lúc nào cũng là nguồn tìm kiếm thông tin hiệu quả. Chẳng hạn nếu bạn muốn tìm thông tin về sự nghiệp của một ngôi sao, một ngày trong lịch sử hay các cuốn sách về một nguyên lý bạn vừa học thì Google vẫn là công cụ số 1. Tuy nhiên, ngay cả trên khía cạnh này, hiệu ứng lan truyền vẫn phát huy tác dụng: mọi người thường xuyên hỏi bạn bè người thân xin gợi ý về những điểm đến, những bộ phim hay những cuốn sách thú vị. Những dòng trạng thái kiểu như “Đà Nẵng có quán nào ngon?” hay “Tết đến nên xem phim gì?” có lẽ đã tràn ngập News feed của bạn quá nhiều lần.

    Và khi đó, vị thế của Google lại thêm phần suy giảm.

    Thực tế rất khó để nói chắc hãng nào sẽ dẫn đầu trên địa hạt tìm kiếm nội dung. Nhưng từ những số liệu kể trên, rất có thể tương lai sẽ nghiêng về phía Facebook và Google có lẽ cần đưa ra những chiến lược tận dụng hiệu quả hơn kho dữ liệu người dùng công ty đang nắm giữ.

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày