Các bài Review đã ảnh hưởng đến game thủ như thế nào?

    PV, Nguyên Khang 

    Là người chơi, ai cũng muốn tận hưởng những cảm xúc thật sự trong game. Tuy vậy, ý kiến, đánh giá của họ có phần nhầm lẫn, thiếu sót. Đó là lúc vai trò của các bài review thể hiện tác dụng. Nhưng đôi khi người ta lại bị ảnh hưởng quá nhiều.

    Thật không thể tưởng tượng được những tạp chí uy tín chuyên về game nhận được những comment tục tĩu đến mức nào sau mỗi bài review. Cũng không tưởng tượng được những lời lẽ xúc phạm người viết review sau mỗi bài được đăng. Liệu người chơi, người nhận xét đã có được cái nhìn toàn diện hay chưa? Hay bởi một số trong họ quá vội vã lên tiếng?
     
     
    Cho dù những người viết review có cố gắng giữ lập trường trung lập đến đâu thì đâu đó trong bài viết, vẫn có phần chịu ảnh hưởng chủ quan. Đứng trên quan điểm của người viết thì những bài review của họ đều mang quan điểm cá nhân, có nghĩa là những cảm nhận của họ về một tựa game nào đó. Những ý kiến họ đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo mà thôi.
     
     
    Kể cả những chuyên trang phân tích về game của các nước phát triển cũng không tránh khỏi tình trạng này. Destructoid hay IGN đôi khi đưa ra nhận xét một tựa game hoàn toàn không xứng đáng với đồng tiền bát gạo bỏ ra và kết luận rằng chúng không đáng chơi chút nào. Đơn giản có thể lấy Alpha Protocol làm ví dụ điển hình. Trang Destructoid chỉ cho game này điểm 2.0. Tuy nhiên, vẫn có một số lượng người lớn chơi Alpha Protocol và đánh giá rất cao về game.
     
    Hay như trường hợp của Deadly Premonition. Trong khi Destructoid đánh giá tựa game này rất cao với 10.0 điểm hoàn hảo thì IGN lại cho rằng đó là một tựa game tồi với 2.0 điểm. Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng kể cả có những lời nhận xét như vậy từ một chuyên trang lớn thì cũng chưa chắc tất cả mọi người đều sẽ không thích game đó. Một tựa game không hoàn toàn thất bại, mặc dù đôi khi có những bài viết cho rằng: “Tựa game này thất bại về mọi mặt”.
     
     
    Những người chơi có ý định mua game thường xuyên tham khảo các bài review để cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Ngoài ra, mọi người cũng muốn biết thêm thông tin về tựa game sắp ra mắt qua các bài preview, muốn biết về điểm mạnh điểm yếu của từng game thông qua các bài review. Điều đó hoàn toàn không có gì sai ở đây cả. Nhưng đôi khi, người chơi đọc một bài review hay quan điểm của tác giả và vì một lý do nào đó đôi khi họ coi những quan điểm của người viết cũng chính là toàn bộ quan điểm của mình ngay cả khi họ chưa từng chơi qua tựa game này.
     
    Sự cả tin là một trong những lý do được đưa ra ở đây. Cho dù trong bài viết, tác giả đã phải nhắc đi nhắc lại rằng họ không định nói về vấn đề doanh thu của game. Điều họ muốn nói ở đây là cảm nhận về gameplay, về đồ họa, về cốt truyện hay những trải nghiệm mà người chơi có thể cảm nhận trong quá trình chơi game. Thế nhưng, không ít người khăng khăng nói rằng, game không đáng chơi bởi game này chỉ được cho điểm 5/10 trên trang Game Informer và số lượng doanh thu thấp chứng tỏ game không chất lượng.
     
     
    Chúng ta hãy cùng tưởng tượng, giả sử God of WarIII cũng chỉ được cho điểm 5/10, liệu doanh số bán ra của game này có lên được đến con số gần 3 triệu bản tính cho tới thời điểm hiện tại được hay không? Dám chắc rằng con số trong trường hợp giả định sẽ nhỏ hơn như vậy.
     
     
    Một ví dụ điển hình khác là tựa game Final Fantasy XIII. Đánh giá một cách tổng quát thì không thể kết luận đây là một phiên bản game tồi tệ trong lịch sử dòng game Final Fantasy. Thế nhưng nhiều người chơi, nhiều tờ báo về game khi đánh giá cho điểm tựa game này rất thấp. Lý do thật đơn giản, bởi nội dung của phiên bản lần này không giống với những gì mà các nhà review trông đợi.
     
    Đến đây, có thể sẽ có người cho rằng tuy God of War III không phải là tựa game tồi, nhưng có lẽ cũng chỉ đáng điểm rating 5/10 mà thôi. Và mặc dù có rất nhiều nhận xét có vẻ mang tính “khách quan” của nhiều người chơi khác nhau, nhưng họ lại chịu sự tác động “chủ quan” của số ít người viết review.
     
     
    Trước tình hình trên, một số kinh nghiệm mà người chơi thường sử dụng là tự tìm hiểu thật kỹ về game. Cho dù hệ thống đánh giá game nói chung được xây dựng trên cơ sở khách quan, nghiêm túc, nhưng phần nào vẫn mang cảm nhận chủ quan của người viết. Một số người chơi còn tìm hiểu trên nhiều kênh thông tin khác nhau, dựa trên những cách đánh giá khác nhau để tổng hợp được thông tin một cách trung thực nhất.
     
     
    Người chơi cũng không nên quá mang tính so sánh, phê phán bởi những sản phẩm như Call of Duty, Mass Effect, Final Fantasy hay Madden… đều có giá trị, có thể tại những thời điểm khác nhau. Không nên đánh giá một miễn cưỡng hoặc so sánh khập khiễng – điều mà chúng ta hay gặp khi thấy có trường hợp so sánh God of War với Modern Warfare 2 trong khi 2 tựa game này hoàn toàn khác nhau về thể loại.
     
     
    Trước khi đưa ra một nhận định, trải nghiệm nào về game, người chơi nên để riêng phần đánh giá chủ quan lúc trước sang một bên. Điều đó góp phần giúp những gì mà họ cảm nhận được mang tính chân thật hơn, gần hơn với game. Đôi khi điều đó còn làm tăng thú vị khi chơi game. Nếu như mua Deadly Premonition với giá 20 USD và người chơi chỉ mong chờ giá trị của game cũng tương đương với tầm tiền đó. Người chơi sẽ ngạc nhiên khi thấy cảm xúc, trải nghiệm của tựa game này cũng chẳng kém “người nổi tiếng” Resident Evil 5 là bao.
     
     
    Có thể nói những bài review về Battlefield: Bad Company2 mà lại đi so sánh với Call of Duty trong một chừng mực nào đó cũng là điều khập khiễng. So sánh chúng chẳng khác nào làm một việc tốn thời gian và công sức vô ích. Bởi những game khác nhau thì đều mang trong mình những nội dung, ý nghĩa, thông điệp khác nhau mà nhà phát triển muốn truyền tải đến người chơi.
     
    Tóm lại, lời khuyên mà nhiều chuyên gia đưa ra cho chúng ta là đừng quá vội vàng trong việc đánh giá thông tin. Không nên coi “ý kiến cá nhân” của người viết review như một kết luận cuối cùng. Mỗi người chơi đều có cảm nhận riêng. "Tất cả chỉ là để tham khảo".