Cái nhìn toàn diện về Splinter Cell: Conviction

    PV, Hàn Phương 

    Người hùng của chúng ta đã trở lại, mạnh mẽ và thay đổi khá nhiều.

    Có thể nói, với những đổi mới trong mình, Splinter Cell: Conviction là một trong những tựa game hay nhất mà Ubisoft Montreal đã tạo ra. Trong lần tái xuất này, thứ bao trùm lên Sam Fisher là một tâm trạng giận dữ. Nó được thể hiện từ trong câu chữ, những đoạn hội thoại chất vấn cho đến những động tác hạ thủ đối phương. 

    Yếu tố này không chỉ khiến cốt truyện của game thay đổi mà còn ảnh hưởng đến cả gameplay của Conviction. Việc mạo hiểm mang một phong cách tách biệt với những phiên bản đàn anh trong series Splinter Cell không những không thất bại mà còn đưa Splinter Cell: Conviction lên tầm cao mới.

    Cốt truyện của Conviction sẽ diễn ra vào khoảng thời gian vài năm sau kết thúc của Splinter Cell: Double Agent. Tuy nhiên, nếu chưa từng chơi qua phiên bản này, bạn cũng có thể dễ dàng hiểu điều gì đang xảy ra. Con gái của Sam bị hạ sát và anh rời bỏ tổ chức Third Echelon. Tìm thấy một số manh mối có sự liên hệ với kẻ giết con gái mình, cùng với một âm mưu tấn công khủng bố Washington D.C, cựu điệp viên Sam Fisher của chúng ta lại bắt đầu một hành trình mới.

    Trái với những người tiền nhiệm, trong Conviction người chơi luôn luôn bị đẩy về phía trước, với các dẫn dắt tình tiết câu truyện liền mạch. Conviction có thể khiến các game thủ thức trắng đêm để phiêu lưu cùng người hùng của mình. Thật vậy, trong Conviction không bao giờ có chuyện xuất hiện màn hình loading các cảnh và màn chơi trừ khi bạn chết cho dù đó là từ lúc bắt đầu hay kết thúc. 

    Các màn chơi sẽ được nạp khi game chiếu các đoạn phim cắt cảnh. Những kỹ thuật hiện đại đã giúp cho Conviction tích hợp những lời chỉ dẫn vào trong khung cảnh để giúp người chơi xác định đích đến tiếp theo cũng như phản chiếu những hình ảnh từ quá khứ trên những bức tường xuyên suốt các màn chơi.

     
    Xét về gameplay, điểm thay đổi lớn nhất trong Conviction chính là tiết tấu game. Phiên bản mới nhất của dòng game Splinter Cell này đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm về thể loại game lén lún. Không còn sự chậm chập, kiên trì và nhẫn nại. Trong Conviction, mọi thứ đều diễn ra nhanh hơn, dồn dập hơn.

    Sam di chuyển rất nhanh, chàng cựu điệp viên có thể ẩn nấp và thoát thân một cách khéo léo như chàng Hoàng Tử trong Prince of Persia. Còn nhớ, tổ chức Third Echelon đã từng đặt biệt danh cho Sam là “panther”, giờ đây “con báo” đã thực sự hiện nguyên hình. Bên cạnh đó, các phiên bản Splinter Cell khác đều khuyến khích người chơi tránh việc phải đối đầu với kẻ địch, còn trong Conviction, Sam là một người thợ săn, không còn chuyện phải lẩn tránh, Sam sẽ đối mặt với hầu hết những kẻ thù xuất hiện trên đường đi của mình. 

    Để thực hiện việc này, Sam được trang bị khá nhiều kỹ năng mới. Đáng chú ý nhất là tính năng Mark & Execute (đánh dấu đối thủ và hành quyết). Bên cạnh những lợi thế đã được giới thiệu, Mark và Execute cũng có một số điểm hạn chế. Thứ nhất, nếu quá lạm dụng Mark và Execute, người chơi rất dễ dàng bị kẻ địch phát hiện. Lý do là vì còn có một số kẻ thù không nằm trong tầm nhìn mà người chơi có thể mark (đánh dấu) được. Thứ hai là một lỗi nhỏ của game, sẽ có những kẻ thù được mark và sau đó bị hành quyết mặc dù chúng đã đi qua một bức tường.
     

    Một yếu tố khác giúp Sam đối mặt với hàng tá kẻ thù là tính năng ẩn nấp. Ngoài hệ thống màu sắc thay đổi thay cho thanh chỉ số biểu thị độ an toàn khi, Conviction còn sở hữu một cơ chế ẩn nấp tuyệt vời. Nếu trong Gears of War, nhân vật chính như bị dính chặt với những đồ vật dùng để che chắn thì Conviction đã giải quyết được vấn đề này. 

    Chỉ cần ấn nút khi đứng cạnh một đồ vật đủ lớn, nhân vật chính sẽ tự động núp sau đồ vật đó. Ấn nút một lần nữa, chàng cựu điệp viên sẽ ngay lập tức đứng lên. Không chỉ vậy, nếu giữ chặt nút bấm đó, Sam Fisher có thể dễ dàng di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Tất cả đều diễn ra hết sức tự nhiên và dễ dàng.

    Một khi tiếp cận được kẻ thù, việc tiếp theo mà Sam cần làm là hạ thủ đối phương. Splinter Cell: Conviction cung cấp cho nguời chơi một số lượng lớn các đòn thế cận chiến hữu dụng. Game cũng có chế độ điểm thưởng hợp lý cho việc hành động không quá lộ liễu. Thay vì giết đối phương, người chơi có thể bắn vào đùi kẻ địch, đợi khi chúng gục xuống thì đánh bất tỉnh bằng một đòn vào sau gáy.

    Tuy nhiên có một điểm khiến hệ thống cận chiến của Conviction chưa đạt đến độ hoàn hảo. Đó việc một nút lại được dùng chung để phá cửa và cận chiến. Do vậy sẽ có những cảnh người chơi định kết liễu đối phương êm đẹp, nhưng vị trí lại quá gần cửa. Thay vì cho đối phương một đòn trời giáng, chàng cựu điệp viên lại đạp tung cánh cửa trước mặt. Tuy nhiên, nếu kết liễu được đối phương thông qua những pha cận chiến, người chơi sẽ thu được những điểm execute points.
     

    Hệ thống vũ khí trong Conviction cũng khá giống với người tiền nhiệm, duy chỉ có một thay đổi nhỏ. Đó là mỗi vũ khí giờ đây sẽ có số lần để thực hiện kỹ năng mark (đánh dấu) khác nhau. Những khẩu súng có hỏa lực càng mạnh thì số lần thực hiện mark càng ít. Có thể thấy Ubisoft Montreal đã lợi dụng yếu tố này để tạo tính cân bằng tốt như thế nào. Liệu bạn sẽ chọn một khẩu tiểu liên mạnh mẽ hay một khẩu Five-Seven bởi chúng có số lần mark gần gấp đôi?

    Một tính năng khác trong Conviction là khả năng đào tẩu của Sam. Kỹ năng này giờ đây cũng được nâng cấp rõ rệt với chế độ Last Know Position hay khả năng leo trèo và đu bám của nhân vật chính.
     

     
    Bên cạnh phần single player, mục chơi mạng của Splinter Cell: Conviction cũng được đánh giá cao. Người chơi có thể chọn lựa rất nhiều chế độ như: Hunter, Infiltration, và Last Stand. Thậm chí, còn có cả một phần chơi ngoài để bạn phô diễn kỹ năng hành động lén lút của mình. Tuy nhiên điểm sáng nhất của mục chơi mạng lại nằm ở tính năng co-op. Chia đôi màn hình, chơi mạng hay online, tất cả đều mang đến những trải nghiệm hết sức thú vị. Bên cạnh Sam Fisher, người chơi sẽ được đóng vai một trong hai điệp viên Archer hoặc Ketrel. Cốt truyện của phần chơi co-op sẽ nằm trước những gì xảy ra trong mục chơi đơn.
     

    “Cùng sống chết”. Đó là khẩu hiệu của phần chơi này. Nếu một người chết đồng nghĩa với việc tất cả sẽ phải chơi lại từ đầu. Do đó mỗi người chơi ngoài việc bảo vệ tính mạng cho mình đểu phải lo cho đồng đội của mình. Dĩ nhiên, game sẽ cung cấp cho bạn kỹ năng chữa trị vết thương khi đồng đội của mình bị dính đòn. 

    Tính năng mark và execute sẽ được khai thác triệt để trong phần chơi co-op này khi mà hai nhân vật Archer và Kestrel có thể chia sẻ kẻ địch đã được đánh dấu. Điều này có nghĩa rằng nếu đồng đội đã đánh dấu một kẻ thù, người chơi cũng có quyền hành quyết chúng. Còn nếu kẻ địch được mark bởi cả 2 người, thời gian sẽ chậm lại và cả 2 màn hành quyết đều được diễn ra cùng một lúc. Thật tuyệt vời!
     


    Tuy nhiên, có một điểm khá thất vọng ở Conviction. Đó là màn chơi mang bối cảnh Iraq, nơi mà không có bóng tối – bạn đồng hành của chàng cựu điệp viên. Trò chơi lúc này sẽ biến thành một game bắn súng góc nhìn người thứ ba, khi nguời chơi vừa phải Rambo tiêu diệt quân địch mà vẫn phải giữ để không bị phát hiện. Khá là kì quặc. Tóm lại, với những ưu điểm tuyệt vời kể trên, Splinter Cell: Conviction xứng đáng là một tựa game thuộc dạng đỉnh mà những fan hâm mộ không nên bỏ qua.