Gặp gỡ "Tiến sỹ Frankenstein của Tesla" - người hồi sinh những chiếc xe sắt vụn

    Tấn Minh,  

    Anh chàng chuyên gia cơ khí này là một trong số rất ít người có khả năng hồi sinh những chiếc xe đã hoàn toàn tan nát về nguyên trạng mà không cần đến sự trợ giúp từ Tesla.

    Tại một bãi phế thải ở Massachusetts, YouTuber Rich Rebuilds đâm một cặp cáp khởi động ngoài từ một chiếc Tesla Model S phế thải vào một viên pin đã khá cũ.

    "Có lẽ sẽ có một vài tiếng click đấy" - anh nói khi chuẩn bị kết nối dây cáp vào đầu tiếp xúc số 2 - "Có thể sẽ có tiếng ù ù. Chiếc xe có thể phát nổ. Tôi chẳng biết điều gì sẽ xảy ra nữa".

    Tự xưng là "Tiến sỹ Frankenstein của Tesla", những gì bạn được nghe ở trên chính là cách làm việc không đụng hàng của Rich Benoit. Trên YouTube, anh ghi lại hành trình khám phá cơ chế hoạt động của các hệ thống bên trong những chiếc xe, và làm sao để sửa chúng sau những trận lũ, hỏa hoạn, hay tai nạn nghiêm trọng.

    Công việc yêu thích của Benoit là đến các bãi phế thải xe hơi, thu thập các bộ phận của xe Tesla, mang chúng xuống một tầng hầm để tiến hành phân loại và cuối cùng sử dụng chúng để khôi phục những chiếc xe đã hư hại nặng nề trong một xưởng sửa chữa xe hơi. "Đồ chơi" của anh là những mô-tơ, những viên pin năng lượng cao, hàng tá đồ điện tử với dây nhợ lằng nhằng đúng kiểu Tesla.

    Gặp gỡ Tiến sỹ Frankenstein của Tesla - người hồi sinh những chiếc xe sắt vụn - Ảnh 1.

    Benoit bắt đầu mày mò xe hơi Tesla khi anh đang tìm mua cho mình một chiếc xe hơi điện của hãng.

    "Tôi đang tìm mua một chiếc Tesla, và tôi nghĩ giá của nó quá cao" - Benoit nói - "Giá khởi điểm lên đến 80.000 USD, quá điên rồ. Tôi lướt Internet và tìm ra một chiếc, nhưng họ nói nó bị ngập trong nước lũ. Tôi nghĩ 'Khó khăn đến mức nào nhỉ? Cứ ném nó vào một túi gạo thôi mà'".

    Rốt cuộc, anh mua một chiếc Tesla thứ hai vốn đã hư hỏng nặng để lấy linh kiện, kết hợp cả hai chiếc lại với nhau trong một quá trình khá phức tạp mà bạn có thể xem dưới đây:

    Repairing a Flooded Tesla Model S Part one

    Tạo động lực cho Benoit là niềm tin sâu sắc vào "quyền được sửa chữa" - một triết lý cho rằng các hãng sản xuất không bao giờ được phép cấm đoán người tiêu dùng sửa chữa các thiết bị của chúng họ. Massachusetts là nơi duy nhất tại Mỹ có luật được sửa chữa xe hơi, vốn được thông qua vào năm 2012 và yêu cầu các đại lý xe hơi phải bán các linh kiện thay thế cho các đại lý độc lập. Điều luật này đã giúp Benoit tránh được một số phiền nhiễu, nhưng Tesla về cơ bản lại chẳng có "đại lý" nào, do đó anh phải tự mình tìm các phần linh kiện đáp ứng nhu cầu. 

    Gặp gỡ Tiến sỹ Frankenstein của Tesla - người hồi sinh những chiếc xe sắt vụn - Ảnh 3.

    Công việc chính của Benoit thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, tại Boston, và anh có một mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Tesla. Anh yêu những chiếc xe hơi điện của công ty, mà theo anh là những chiếc xe được thiết kế rất thanh lịch và đại diện cho một tầm nhìn bền vững về giao thông vận tải. Nhưng công ty này lại muốn nắm quyền kiểm soát về vấn đề bảo dưỡng và sửa chữa xe hơi của mình. Ví dụ, vào năm 2016, Tesla từ chối cho phép một cựu nhân viên mở một xưởng sửa chữa tại Đan Mạch để sửa những chiếc Tesla bị hỏng (dù hiện tại đã được Tesla chấp thuận).

    "Nếu bạn lái xe loanh quanh, bạn sẽ thấy những nơi chỉ sửa xe hiệu Saabs, hay chỉ sửa xe hiệu Volvo" - Rich nói. "Những nơi như vậy rất quan trọng. Cần phải có những cửa hiệu biết rõ về xe hơi của bạn như vậy và sửa chúng với giá phải chăng, để các hãng sản xuất không thể độc quyền việc sửa chữa được".

    Sau khi hoàn thành khôi phục chiếc Tesla đầu tiên, Benoit hiện đang bắt tay vào chiếc thứ hai và đã trở thành một người có uy tín trong cộng đồng sửa chữa Tesla. Anh điều hành một nhóm Facebook dành cho những người muốn bán và trao đổi các phần linh kiện, và giúp đỡ những người có niềm đam mê trên khắp nước Mỹ, hay thậm chí là cả ở Nauy, Đức và Nam Phi.

    Ước mơ của Rich là mở một cửa hiệu sửa chữa Tesla bên thứ ba, nhưng anh lại lo ngại về những hậu quả pháp lý.

    "Tôi thích làm điều đó, nhưng tôi cũng biết điều gì đã xảy ra với một số người khác từng cố làm như vậy" - anh nói - "Họ đóng cửa cửa hiệu chỉ trong vài tháng. Và Tesla không chịu cung cấp cho họ những công cụ cần thiết".

    Gặp gỡ Tiến sỹ Frankenstein của Tesla - người hồi sinh những chiếc xe sắt vụn - Ảnh 4.

    Người phát ngôn của Tesla từ chối đưa ra bất kỳ bình luận nào về những điều Rich làm, nhưng cho biết hãng sẽ xem xét những chiếc xe đã hư hỏng để đánh giá chúng cần sửa chữa những gì với một khoản phí. Ngoài ra, hãng cũng nhấn mạnh rằng việc dựa vào những thợ cơ khí không đủ điều kiện để sửa chữa những phương tiện bị hỏng sẽ rất nguy hiểm đối với cả người thợ lẫn những tài xế khác trên đường. Tesla nói rằng các khách hàng của hãng có thể tự do làm bất kỳ điều gì họ muốn với chiếc xe của mình, bao gồm cả việc sửa chữa chúng.

    Trở lại bãi phế thải, Rich đang kết nối viên pin vào chiếc Tesla vô chủ. Có một tiếng động nhỏ trong xe, và anh phấn khởi khi tay nắm cửa độc đáo của chiếc xe này đẩy ra ngoài, cho thấy chiếc xe vẫn còn có khả năng cứu chữa.

    "Không thể tin được!" - anh nói - "Tay nắm cửa mới bung ra kìa. Lạy chúa!".

    Tham khảo: Motherboard

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ