Ghé thăm những “cánh cổng địa ngục” có thật trên khắp thế giới

    Green,  

    (GenK.vn) - Bạn có tin đây là những cánh cổng dẫn đến địa ngục?

    Nhiều người vẫn đang cố gắng tìm lời giải cho câu hỏi, liệu có hay không một cuộc sống sau khi chết? Không biết thực hư ra sao nhưng câu trả lời đã có sẵn trong hầu hết các truyền thuyết của các nền tôn giáo khác nhau. Thiên đàng và địa ngục chính là những địa điểm được nhắc đến nhiều nhất và được coi là nơi cư ngụ của các linh hồn. Hầu hết trong các giai thoại trên thế giới, mọi linh hồn sau khi rời khỏi thể xác đều phải vượt qua địa ngục sâu thẳm, với đầy linh hồn chết chóc, kinh rợn. Và nơi này có thể kết nối với dương thế qua một cánh cổng, một con đường… Một số địa danh được nhắc đến trong các giai thoại đó vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay. Hãy cùng điểm qua một vài “cánh cổng địa ngục” của thế giới qua bài viết dưới đây.

    Cổng địa ngục Ploutonion – Thổ Nhĩ Kì

     

    Được biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau như Ploutonion (Hy Lạp) hay Plutonium (trong tiếng Latin), cánh cổng Pluto từng là một nơi tôn thờ thần chết Pluto( còn có tên gọi khác là Hades )trong thần thoại Hy Lạp. Mặc dù được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1965 nhưng phải mãi đến tận đầu năm 2013, các nhà khảo cổ học mới công bố rộng rãi về di tích quan trọng này. Di tích của cổng địa ngục được tìm ra bởi một nhóm khảo cổ dẫn đầu là giáo sư Francesco D'Andria thuộc đại học Salento, Ý.

    Giáo sư Francesco cho hay: “Chúng tôi tìm thấy Cổng Pluto bằng việc tái tạo lại những dòng suối nước nóng bắt nguồn từ hang động này, nơi sản sinh ra những bãi đá vôi trắng nổi tiếng. Chúng tôi có thể thấy được các chất gây chết người ở đây trong suốt cuộc khai quật. Một vài con chim đã chết do khí CO2 khi chúng cố lại gần cánh cổng”

    Hình ảnh miêu tả lễ hiến tế động vật cho thần chết

     

    Đội khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều cột Ion, phía trên cột có những vết khắc biểu hiện sự cống hiến cho thần chết Pluto và Kore. Ngoài ra, vết tích của một ngôi đền, một hồ nước và vài bậc thang phía trên hang đã được tìm thấy. Tất cả đều khớp với bản mô tả về “cổng địa ngục” trong các nguồn tài liệu cổ. Người cổ đại chỉ có thể đứng nhìn các nghi thức thần thánh từ các bậc thang này, chứ họ không thểđứng gần cánh cổng, chỉ có các linh mục mới có thể đứng ngay trước cánh cổng này.
     

    Phong Đô (Fengdu) – thành phố ma ở Trung Quốc

    Fengdu được biết đến là thành phố ma nổi tiếng nhất ở Trung Quốc nằm cách thành phố Trùng Khánh khoảng 170km, Nơi đây được ví như nghĩa địa cổ nằm trong dòng sông Dương Tử và là nơi người chết sẽ dừng chân trên hành trình sang thế giới bên kia.

    Tương truyền từ thời Đông Hán (năm 25 -220 TCN), có hai vị quan du ngoạn đến ngọn núi Mingshan, họ quyết định xây dựng một ngôi đền tại nơi này để miêu tả cuộc sống địa ngục. Nơi đây hiện lên những hình ảnh địa ngục với các công cụ tra tấn của ma quỷ. Qua đó, phản ánh niềm tin rằng người tốt sẽ được đối xử tốt sau khi chết trong khi đó người xấu sẽ bị đày xuống địa ngục và chịu nhiều hình phạt cực kỳ tàn nhẫn của ma quỷ. Sau khi xây dựng xong, hai vị quan đặt tên cho ngôi đền là Âm và Dương. Khi ghép hai từ này lại sẽ trùng với tên vị “Vua địa ngục” tại Trung Quốc . Và huyền thoại về sự bất tử hay những câu chuyện ma rùng rợn bắt đầu từ đây.

    Một trong những bức tượng được đặt trong thành phố

    Theo quan niệm cổ của người Trung Quốc, một người chết sẽ phải trải qua ba lần thử thách lớn trước khi được vào thế giới bên kia đó là cầu Vô Tác, Quỉ hành hình và điện Vũ Đế. Cả ba địa điểm này đều được mô tả bằng các bức tượng khá sống động nhưng cũng không kém phần đáng sợ tại đây.Người ta cho rằng, đến Âm và Dương tụ hội những vong hồn đau khổ, không siêu thoát được, những hồn ma ở đây sẽ bất tử mãi mãi, không thể đầu thai được nữa.

    Tượng điêu khắc "Diêm vương"

    Du khách đến thăm nơi đây có thể đi bằng thuyền ( kể từ khi xây dựng xong đập Tam Điệp trên sông Dương Tử, phần dưới đã bị ngập lụt) và sau đó đi bộ trên những cây cầu nối vào thành phố. Có khá nhiều bức tượng quỷ dữ, ma quái với nhiều hình dạng khác nhau, thể hiện toàn cảnh của thế giới âm ti – địa ngục. Bên cạnh đó mọi người có thể chiêm ngưỡng bức tượng Diêm Vương được điêu khắc từ đá lớn nhất thế giới trên núi Mingshan. Thành phố này được các nhà khảo cổ cho biết là có khoảng 2000 năm tuổi.

    Cổng địa ngục Masaya - Cộng hòa Nicaragua

     

    Với những người dân bản địa ở nơi đây, họ tin rằng miệng núi lửa Masaya là một vị thần và một phù thủy đang sinh sống trong đó. Việc núi lửa sôi sục và gấm rú là một báo hiệu cho biết vị thần này cần được hiến tế. Sau đó, phụ nữ và trẻ em bị ném vào miệng núi lửa để làm vui lòng vị thần tàn ác này. Truyền thuyết này bắt nguồn từ những nhà thám hiểm Tây Ban Nha đặt chân đến đây vào thế kỉ 16- hầu như không có chút hiểu biết gì về núi lửa – đã vô tình gán nó với những hoạt động ma quỷ. Thậm chí, vào năm 1529, Mercedarian Fray Francisco de Bobadilla đã kéo một cây thánh giá lên miệng núi lửa với hi vọng sẽ xóa sổ được thứ ông tin là Cổng địa ngục. Vào thời điểm đó, nhiều người đã tin vào một thế lực siêu nhiên đang điều khiển miệng núi này, khiến nó sục sôi không bao giờ có thể dập tắt được. Và đây cũng chính là lối vào địa ngục, nơi thần chết đang ngự trị.

    Cánh cổng địa ngục của Thánh Patrick - Ireland

    Tháp chuông Chapel

    Cánh cổng địa ngục này nằm ở đảo Station, thuộc quần đảo Lough Derg, Bắc Ireland. Truyền thuyết xưa kể lại rằng khi Thánh Patrick tới đây giảng đạo, ông đã vấp phải thái độ ngờ vực, hoài nghi mạnh mẽ từ người dân bản xứ. Ông liền cầu cứu chúa Jesus và hỏi xem có cách nào lay chuyển được suy nghĩ ngoan cố của người dân, khiến họ tin vào những điều ông giảng đạo. Đức Chúa liền mở một cánh cổng dẫn đường tới nơi chuộc tội (luyện ngục). Một người đàn ông được đưa đến một chiếc hầm sâu, dài. Tại đây, người đàn ông này đã nhìn thấy những điều kinh khủng và lửa địa ngục đang chờ đợi những người không tin tưởng vào Chúa. Cái hầm này nằm ngay dưới  Tháp chuông Chapel và được mọi người tin rằng là con đường dẫn xuống địa ngục.

    Từ thế kỉ 12 trở đi, đảo Station thu hút rất nhiều tín đồ Công giáo đến gần để chiêm ngưỡng và cầu nguyện cạnh “cánh cổng” này.  Sau đó, năm 1632 các lãnh chúa đã ra lệnh đóng cửa hang động và hầu hết các vết tích đã bị phá hủy.

    Miệng núi lửa Hekla - Iceland

     

    Miệng núi lửa bắt đầu được biết đến như là một cánh cửa địa ngục khi nó phun trào lần đầu tiên vào năm 1104. Mỗi lần phun trào nó tạo ra một lớp bụi cao đáng sợ và bao phủ một vùng rộng lớn gần 40km, tựa như không gian tối tăm của địa ngục. Nó còn được nhắc đến trong bài thơ của thánh Brendan như là một nhà tù giam giữ Judas, tông đồ đã phản bội chúa Jesus. Người ta còn nhìn thấy một con chim bay giữa những ngọn lửa ở bên trên miệng núi mà nhiều người mê tín vẫn gọi đó là những linh hồn của ma quỷ.

    Núi Osore – Nhật Bản

     

    Núi Osore (Osorezan) được xem là một trong ba ngọn núi linh thiêng nhất Nhật Bản. Hai ngọn núi kia là Koyasan và Hieizan. Osorezan được phát hiện cách đây hơn 1.000 năm bởi một vị tu sĩ Phật giáo. Cái tên Osore được dịch là “Núi Kinh Hoàng”, cũng một phần bởi cảnh quan đặc biệt của nó. Đây là khu vực có sự hoạt động mạnh mẽ của núi lửa và mùi lưu huỳnh nồng nặc trong không khí. Mặt đất thì chỉ có màu xám cằn cỗi, trên bề mặt có nhiều lỗ thoát hơi, phun bong bóng nước và phun nước nóng càng làm khung cảnh có phần ma mị. Truyền thuyết còn gọi Osore là lối vào địa ngục bởi nó sở hữu những yếu tố địa lý tương tự những mô tả về cõi âm ti trong Phật giáo. Tại Osorezan, có tám đỉnh núi bao quanh và một con sông, sông Sanzu No Kawa. Đây là con sông mà người Nhật tin là tất cả các linh hồn người chết phải vượt qua trên đường đến thế giới bên kia và thường được so sánh với con sông Styx trong thần thoại Hy Lạp cổ đại.

    Hồ tử thần Avernus - Italia

     

    Hồ Avernus ở Italia từ lâu đã được thần thoại hóa như cửa ngõ vào thế giới bên kia. Truyền thuyết ở đây kể lại rằng, người anh hùng Virgil đã dũng cảm đi vào địa ngục để đưa người cha đã chết của mình quay lại. Chàng đã đi xuống một cửa hang đầy lửa và dũng cảm chiến đấu với ma quỷ, âm binh để cứu cha mình. Nhờ sự mưu trí và lòng quyết tâm, chàng đã cứu được cha mình. Diêm vương nổi giận nhấn chìm cánh cổng nối địa ngục và trần gian lại bằng cách tạo ra một hồ khổng lồ. Người dân nước Italia tin rằng, đó chính là hồ Avernus.

    Cái tên Avernus xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “ không có chim sinh sống”, theo đó mọi người tin rằng những con chim bay trên mặt hồ sẽ chết vì khói độc ở nơi đây. Không rõ trong lịch sử có chuyện này hay không nhưng với hiện tại thì đất lành chim vẫn đậu !

    Hang động Cenotes ( người Maya)

     

    Người Maya chắc chắn đang sở hữu một con đường đến với địa ngục đẹp nhất trong danh sách này. Những tuyến đường thủy ngầm tự nhiên này nằm ở Mexico và Trung Mỹ, được cho rằng là nơi ở của thần mưa Chaak và là lối dẫn đến Xibalba – thế giới của người chết. Hang động được coi là cửa ngõ để kết nối giữa hai thế giới và là con đường quan trọng trong thế giới tâm linh của người Maya. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số ngôi đền của người Maya trong hang động ở gần khu vực Yucatan – một di tích được nhắc đến trong truyền thuyết về Xibalba. Tuy nhiên, hiện tại thì Cennote được biết đến như là một điểm đến du lịch hơn là cái tên đáng sợ “ Con đường địa ngục”.

    Lâu đài Houska - Czech

     

    Tương truyền, lâu đài Houska này được xây dựng trên một vị trí rất đặc biệt, nằm ngay trên một hố tử thần, có thể thông với thế giới người chết. Câu chuyện bắt nguồn vào khoảng thế kỉ 13, sau khi nghe tin về một cái hố địa ngục, quốc vương Ottokar II đã bắt những tù nhân của mình đi xuống đó và kể lại mọi sự việc anh ta nhìn thấy. Thật kì lạ, chỉ vài giây sau khi được đưa xuống, họ bắt đầu la hét dữ dội. Khi được kéo từ dưới hố lên, mọi người chỉ thấy anh ta già đi hơn chục tuổi với mái tóc bạc trắng, làn da nhăn nheo và lắp bắp về một sinh vật nửa người nửa quỷ ghê tợn. Sau đó, quốc vương Ottokar đã ra lệnh xây dựng lâu đài Houska ngay trên miệng hố mà không hề cung cấp nguồn nước, nhà bếp hay các vật dụng trong nhà… Truyền thuyết cũng kể lại rằng lâu đài không phải cho con người sinh sống, mà thực chất để giữ những con quỷ không thể lên trần gian. Tuy nhiên, mặc cho những câu chuyện quỷ quái xung quanh nó, lâu đài đã từng là một trụ sở hành chính và còn được cải tạo, mở rộng trong thời kỳ Phục Hưng. Hiện tại lâu đài Houska đang là một địa điểm thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày