Giả sử Oracle thắng kiện Google, thảm cảnh nào sẽ xảy ra bên cạnh khoản tiền phạt 9 tỷ USD?

    Lê Hoàng,  

    Hãy nhớ rằng cả thế giới đang dùng phần mềm, và cả thế giới sẽ ngừng quay nếu như bị kéo vào một cuộc hỗn chiến bản quyền.

    Như vậy thì cuộc chiến giữa Oracle và Google đã (tạm thời) ngã ngũ với phần thắng thuộc về Google. Theo phán quyết của tòa án tại San Francisco, việc Google sao chép lại cấu trúc API của Oracle vẫn được tính là "sử dụng công bằng", cho phép bị đơn được quyền sử dụng lại các API có bảo hộ trí tuệ của Oracle mà không phải thông báo hay trả phí. Google đã tránh được khoản bồi thường 9 tỷ USD.

    Thế nhưng, điều gì sẽ xảy ra nếu như Google là người thua cuộc?

    Đầu tiên, cần phải chỉ ra rằng dù tạm thời đang ở thế thua (không đòi được tiền từ Google) nhưng Oracle cũng đã có một lần thắng tại tòa phúc thẩm. Tòa án này tuyên bố API là các sản phẩm có thể đăng ký bản quyền. Điều đó cũng có nghĩa rằng hành động sao chép API (để tăng tính tương thích khi chuyển từ một phần mềm sang một phần mềm khác) từ nay cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn: các công ty có quyền khởi kiện bất cứ ai copy lại API của mình.

    Larry Ellison, nhà sáng lập hiếu chiến của Oracle đã truyền lại tinh thần của mình cho cả công ty.
    Larry Ellison, nhà sáng lập "hiếu chiến" của Oracle đã truyền lại tinh thần của mình cho cả công ty.

    Chiến thắng của Google cho phép bên bị đơn có thêm phần lợi thế nếu như các vụ kiện này xảy ra, nhưng về lý thuyết, bạn vẫn sẽ phải dè chừng nếu muốn cung cấp dịch vụ đám mây của mình qua một bộ API giống hệt như Amazon hay Microsoft. Ngược lại, nếu Google thua, bên nguyên đơn gần như chắc chắn sẽ thắng 100% khi khởi kiện.

    Thảm họa cho tất cả các doanh nghiệp, tổ chức

    Đây sẽ là một kịch bản cực kỳ nguy hiểm. Thử xét tới ví dụ sau đây: cũng giống như hàng trăm nghìn công ty khác, công ty A sử dụng đám mây của Amazon. Điều này khiến cho công ty A bị phụ thuộc hoàn toàn vào Amazon. Công ty quyết định mở rộng sang sử dụng đám mây của Basho và Swiftstack. Do API của Basho, Swifstack được copy từ Amazon Web Services S3, quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra vô cùng dễ ràng, không tốn quá nhiều thời gian chi phí, không đe dọa tới độ ổn định của hệ thống thông tin tại công ty A.

    Nhưng nếu Oracle thắng, Amazon có thể khởi kiện Basho và Swiftstack và gần như chắc chắn cũng sẽ thắng kiện. Basho và Swiftstack sẽ phải bồi thường cho Amazon những khoản tiền khổng lồ - nói cách khác, những startup nhỏ sẽ bị các tập đoàn lớn bóp chết một cách dễ dàng.

    Để tránh bị bóp chết bởi phí bản quyền, Basho và Swiftstack sẽ phải tạo ra một bộ API khác hẳn với Amazon S3. Trong kịch bản này, công ty A sẽ phải dành rất nhiều thời gian và chi phí để tích hợp dịch vụ của Basho và Swiftstack vào hệ thống có sẵn vốn đang chạy trên API của Amazon. Để quá trình tích hợp diễn ra dễ dàng nhất, công ty A sẽ phải tạo thêm một tầng khái quát hóa bao trùm lên API của Amazon và API của các công ty khác. Hiệu năng và độ ổn định của hệ thống chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

    Nếu các công ty khác không được copy lại API của Amazon, công ty này sẽ độc quyền đám mây.
    Nếu các công ty khác không được copy lại API của Amazon, công ty này sẽ độc quyền đám mây.

    Công ty A có thể quyết định rằng mức độ ảnh hưởng là quá lớn và cần phải tránh. Trong kịch bản này, công ty A lại phải tiếp tục trói buộc hệ thống thông tin của mình vào đám mây của Amazon. Như vậy, bạn hoàn toàn có thể coi công ty A là một nô lệ của Amazon.

    Kịch bản ở đây không chỉ áp dụng với một "công ty A" nào đó mà còn áp dụng với tất cả các thực thể kinh doanh khác. "Công ty A" có thể là một doanh nghiệp, một tổ chức từ thiện, một cơ quan chính phủ, một lập trình viên đang ôm mộng làm giàu khi viết app iOS hay một tập đoàn đứng đầu thế giới về giá trị vốn hóa như Google. "Amazon" ở đây chỉ đại diện cho một nhà cung cấp dịch vụ phần mềm hay đơn giản chỉ là một gói phần mềm, một thư viện phần mềm mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng hay tải về tích hợp.

    Phá vỡ lịch sử phần mềm

    Thế giới phần mềm đã trở nên rộng lớn tới mức không một sản phẩm phần mềm nào được xây dựng bởi một tập đoàn duy nhất. Ngay cả một hệ thống phần mềm của một công ty nhỏ cũng bao gồm nhiều mảnh ghép phần mềm của nhiều nhà cung cấp gộp lại. Nếu Oracle thắng kiện, mỗi mảnh ghép đó chỉ có thể đến từ một nhà cung cấp duy nhất - bất kỳ ai muốn chen chân đều phải ghánh chịu các khoản phí khổng lồ cho cả người bán và người mua. Ngành công nghiệp phần mềm vì thế mà trở nên "loạn độc quyền", mỗi nhà cung cấp đều nắm chặt mảnh ghép mà họ đi đầu. Như trường hợp của Microsoft đã từng chứng minh, tình trạng độc quyền của bất kỳ ai sẽ kéo tụt cả thế giới.

     Thế giới hợp tác và cạnh tranh bằng những tiêu chuẩn. Với phần mềm, tiêu chuẩn gần như đồng nghĩa với API.

    Thế giới hợp tác và cạnh tranh bằng những tiêu chuẩn. Với phần mềm, "tiêu chuẩn" gần như đồng nghĩa với API.

    Phe nguyên đơn chưa chắc cũng đã có lợi về lâu về dài. Những "tiêu chuẩn ngành" sẽ biến mất, bởi các tiêu chuẩn được đặt ra không phải chỉ để phần mềm A tích hợp với phần mềm B mà còn là để phần mềm C có thể dễ dàng thế chỗ phần mềm B để kết hợp cùng phần mềm A. Cuộc chơi "khống chế tiêu chuẩn" vốn đã kéo dài từ thời kỳ IBM PC cho tới nay sẽ chấm dứt, và các công ty sẽ chuyển sang ôm chặt cần câu cơm của mình thay vì tìm cách "ăn phần" từ nguồn sống của các công ty khác.

    Thực chất, ở thời điểm hiện tại Amazon cho phép bất cứ công ty nào có thể thoải mái copy API từ AWS S3, Apple đưa Swift thành mã nguồn mở, Google hé lộ đầy đủ mã Android qua AOSP và Oracle cho phép phát hành cả một bộ OpenJDK có ít ràng buộc hơn bộ JDK gốc (vốn có các API bị Google "copy") đều không phải vì... tốt bụng mà là vì khi làm như vậy, họ đều nắm trong tay quyền thao túng tương lai của bất kỳ các đối thủ nào “dám” phát triển mã nguồn mở của họ thành một đối tượng khác. Như chúng tôi đã từng phân tích, khi quyết định chuyển sang sử dụng OpenJDK cho Android, Google cũng đã chấp nhận phó mặc một phần số phận của hệ điều hành này cho Oracle.

    Không chỉ là 9 tỷ USD

    Nhưng điều gì xảy ra nếu Oracle thắng cuộc toàn diện? Google sẽ mất 9 tỷ USD vào tay Oracle nhưng sẽ có cơ sở để kiện bất cứ một công ty nào có dịch vụ sử dụng chung API với Google Maps, Google Calendar, YouTube, Gmail, Google Docs, Google Works... Bất cứ một công ty nào sử dụng dịch vụ của Google cũng sẽ bị trói buộc vào Google. Apple nếu muốn tiếp tục hỗ trợ cả Gmail cả Yahoo Mail và Outlook.com trên iOS sẽ mất rất nhiều công sức để hợp nhất các dịch vụ trái ngược nhau. Kịch bản ở đây không phải là hoàn toàn bất lợi cho Google, nhưng Google không phải là bên duy nhất chịu thiệt. Trong mô hình pháp lý toàn cầu, chiến thắng của Oracle sẽ lan tỏa ra toàn nước Mỹ và tiếp đó là cả thế giới.

    Nụ cười của Google là nụ cười cho tất cả các lập trình viên, các công ty phần mềm.
    Nụ cười của Google là nụ cười cho tất cả các lập trình viên, các công ty phần mềm.

    Cái giá phải trả nếu Oracle thắng cuộc sẽ không chỉ là 9 tỷ đô, và người trả sẽ không phải là Google mà là cả thế giới. Hãy nhớ rằng cả thế giới đang dùng phần mềm, và cả thế giới sẽ ngừng quay nếu như bị kéo vào một cuộc hỗn chiến bản quyền. Thật may mắn, nhờ có Google, giờ đây bạn có thể yên tâm rằng ngay cả các API có bản quyền cũng sẽ được sử dụng một cách “công bằng”, ít nhất là cho tới khi Oracle đưa vụ việc trở lại tòa phúc thẩm một lần nữa. Vì tương lai của thế giới phần mềm, hãy cùng cầu mong cho Google thắng cuộc.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày