Giả sử tuổi thọ của bạn là 24 giờ: Bạn nghĩ bạn đang ở giờ thứ mấy?

    Rando Kim, Theo Trí Thức Trẻ 

    Nhiều người trẻ ngày nay cảm thấy kinh hoàng với tốc độ của thời gian, dù họ còn xa tuổi 30.

    Tôi có một cái đồng hồ để bàn. Nó không chạy, nhưng không phải bị hỏng. Tôi đã cố tình tháo pin ra. Nhưng không phải lúc nào nó cũng đứng im. Cứ vào sinh nhật hàng năm của mình, tôi lại vặn nó đi thêm 18 phút.

    Kim, có lẽ gọi anh ta là cậu bé Kim thì đúng hơn, vừa mới đến thăm tôi. Cậu ấy đến và thổ lộ hết lòng mình. Cậu ấy sắp bước sang tuổi 30 nhưng chẳng đạt được thành tựu gì có ý nghĩa, thậm chí cậu ấy còn không biết hoạch định gì cho tương lai. Câu chuyện của Kim tuôn trào bất tận và kết thúc rằng cậu thất vọng đến mức gần như mất trí.

    Vâng, tuổi 30 xồng xộc đến, trước khi bạn kịp nhận ra nó.

    Thật không dễ để có thể tốt nghiệp đại học trong bốn năm, khi bạn phải hoàn thành tất cả các tín chỉ cho bao nhiêu môn chính lẫn phụ. Có hàng tá yêu cầu phải lưu tâm để có một bảng thành tích học tập xuất sắc hầu tìm được một công việc tốt sau này. Bạn có thể học thêm một khóa ngoại ngữ ở nước ngoài hay tích lũy chút ít kinh nghiệm qua một đợt thực tập, và/hoặc kiếm một việc làm bán thời gian.

    Tất cả những công việc tăng thêm này đòi hỏi bạn phải thỉnh thoảng nghỉ học, có lẽ một hoặc hai học kỳ, để có thể dàn xếp mọi thứ đâu vào đấy. Nếu bạn vào đại học trễ, bạn chuyển trường hoặc thay đổi các khóa học, bạn còn phải tốn từ một đến hai năm nữa.

    Trong khi bạn tự làm bận rộn mình vì nhởn nhơ học hết trường nghề này đến học viện khác với những hứa hẹn giúp bạn vượt qua kỳ thi tuyển công chức nhà nước hay có suất đi du học, bạn đã chạm tuổi 30 lúc nào không hay.

    Nhiều người trẻ ngày nay cảm thấy kinh hoàng với tốc độ của thời gian, dù họ còn xa tuổi 30. 

    Giả sử tuổi thọ của bạn là 24 giờ: Bạn nghĩ bạn đang ở giờ thứ mấy? - Ảnh 1.

    Các sinh viên năm hai than vãn với sinh viên năm nhất rằng một năm học trôi qua nhanh đến mức họ chẳng hề nhận ra. Còn các sinh viên năm ba thì rên rỉ về viễn cảnh kỳ thi tốt nghiệp đang ào ào đến. Nếu bạn là một bạn trẻ không có trong tay lời hứa nào về một công việc làm sau khi ra trường thì mỗi ngày trôi qua là một ngày thống khổ vì lo lắng và chán nản.

    Rồi sau đó bạn tự hỏi liệu tất cả mọi vấn đề của bạn có được giải quyết không khi bạn có bước đi thành công đầu tiên vào thế giới thực sau khi tốt nghiệp. Đừng vội trả lời câu hỏi này. Nếu bạn thuộc nhóm người luôn miệng nói rằng điều đó chỉ xảy ra khi bạn nhanh chóng ổn định, hay chỉ khi bạn đạt được thành tựu gì đó, thì bạn gần như chắc chắn là một trong những người trẻ tuổi đang trăn trở về ngày mai ngay lúc bạn đang đọc những dòng này.

    Sao mình không đạt được một điều gì đấy trước khi bước sang tuổi... chứ?

    Bạn nghĩ bạn đã đi qua bao nhiêu phần của cuộc đời mình?

    Câu hỏi này nghe có vẻ khó hiểu? Vậy tôi xin diễn giải thế này. Giả sử tuổi thọ của bạn – từ lúc sinh đến khi từ giã cõi đời – là 24 giờ. Bạn nghĩ bạn đang ở giờ thứ mấy? Nếu bạn vừa rời khỏi đại học thì có phải đó là lúc 1 - 2 giờ chiều, khi hầu hết mọi người vừa xong bữa ăn trưa và quay trở lại làm việc?

    Thay vì ước đoán, chúng ta hãy dùng máy tính để tìm ra câu trả lời chính xác. Chúng ta hãy tìm vị trí chính xác nơi một bạn trẻ 24 tuổi vừa tốt nghiệp đại học đang đứng trên chiếc đồng hồ cuộc đời mình.

    Nếu tuổi thọ trung bình của một người là 80 thì vị trí của anh chàng này trên chiếc đồng hồ cuộc đời là 7 giờ 12 phút sáng.

    Mới 7 giờ 12 phút sáng. Bạn thấy vẫn còn sớm chán? Giờ này hầu hết mọi người vừa ra khỏi giường và chuẩn bị cho một ngày mới. Hoặc, nếu không phải là người thường dậy sớm, bạn vẫn còn say giấc nồng. Đúng như vậy đấy. Nếu bạn 24 tuổi và mới tốt nghiệp, bạn chỉ ở vị trí 7 giờ 12 phút sáng.

    Giả sử tuổi thọ của bạn là 24 giờ: Bạn nghĩ bạn đang ở giờ thứ mấy? - Ảnh 2.

    Là một nhà giáo dục từng theo dõi và chứng kiến nhiều bạn trẻ trưởng thành, tôi lấy thời điểm 7 giờ 12 phút này để làm một phép ẩn dụ. 24 năm – quãng thời gian để một người vừa hoàn tất cuộc hành trình từ thời niên thiếu sang tuổi thanh niên và bắt đầu bước vào ngưỡng cửa đưa anh ta đến thế giới của người lớn thực thụ - tương đương với quãng thời gian người ta chuẩn bị ra khỏi nhà đi làm mỗi ngày.

    Đúng vậy.

    Bạn chỉ ở 7 giờ 12 phút sáng, nếu bạn 24 tuổi. Đó là lúc hầu hết mọi người đang rời nhà đến nơi làm việc.

    Vậy một người 60 tuổi vừa nghỉ hưu thì sao? Đó là lúc 6 giờ chiều, thời điểm mà hầu hết mọi người thu xếp công việc trong ngày, rời văn phòng trở về nhà để tận hưởng buổi tối ấm cúng bên gia đình. Bạn không thấy tuyệt vời sao? Đó là lý do tôi muốn ví 80 năm cuộc đời như khoảng thời gian 24 giờ của một ngày.

    Thật dễ dàng để tính giờ trên chiếc đồng hồ cuộc đời. Có 1.440 phút trong 24 giờ và nếu bạn chia tổng số phút này cho 80 – tuổi thọ kỳ vọng của bạn – bạn sẽ được 18 phút cho mỗi năm. Bạn có thể tìm thấy giờ chính xác của mình nếu bạn hiểu rằng một năm tương đương 18 phút và một thập kỷ tương đương 3 giờ.

    Theo cách tính này, 20 tuổi là 6 giờ sáng, 29 tuổi là 8 giờ 42 phút sáng. Đó là tính theo tuổi thọ trung bình giả định của một người là 80. Nếu tuổi thọ con người nói chung cao hơn thì bạn sẽ có nhiều năm hơn trải dài trên chiếc đồng hồ cuộc đời bạn.

    Lần nọ, khi tôi đến dự tiệc tại nhà một người bạn thời đại học thì gặp một cựu sinh viên của trường chúng tôi. Ông ấy hơn 60 tuổi. Ông đang làm giáo viên thì Bộ trưởng Giáo dục bất ngờ ban hành một chính sách nghỉ hưu buộc ông và nhiều người khác phải về hưu, trong lúc ông chưa hề nghĩ đến điều này.

    Giả sử tuổi thọ của bạn là 24 giờ: Bạn nghĩ bạn đang ở giờ thứ mấy? - Ảnh 3.

    Đầu tiên ông rất căm vị bộ trưởng, nhưng giờ đây, ông nói rằng mình rất cảm kích vì điều đó. Ông nhận ra có một thế giới hoàn toàn mới mẻ và đầy niềm vui sau khi nghỉ hưu và ông biết ơn vị bộ trưởng đã làm cho các cuộc khám phá thế giới xung quanh của ông có thể thực hiện được sớm hơn hai năm. Tôi kinh ngạc khi nghe ông nói như thế. Nhưng ông ấy đã đúng. Một thế giới mới đến mức không thể tưởng tượng đang ở ngoài kia chờ đợi chúng ta khám phá, dù đã sau 6 giờ chiều, khi hoàng hôn bắt đầu nhuộm xám cuộc đời chúng ta.

    Đa phần phản ứng của con người đối với chiếc đồng hồ cuộc sống là... sốc! Vì giờ khắc của họ sớm hơn nhiều so với những gì họ kỳ vọng. Khi tôi bảo một trong những người bạn đồng học, giờ đã sang tuổi 50, rằng hiện ông ấy đang ở 3 giờ chiều, ông ấy bấu tay lên mặt bàn, thảng thốt: "Đừng có đùa!". 

    Khi tôi nói về thời gian với những anh bạn trẻ 24 tuổi sắp sửa tốt nghiệp đại học, đa số họ bảo: "Chỉ mới 7 giờ 12 phút sáng thôi sao? Em nghĩ mình mới sống một chút xíu trong cuộc đời này thôi!". Đúng thế, còn rất nhiều điều đang chờ đợi bạn ở phía trước. Quỹ thời gian của bạn không thể sụp đổ chỉ vì bạn kéo lùi một chút vào lúc 7 giờ sáng.

    Nếu bạn muốn buông tay và thốt lên rằng: "Quá trễ rồi!" thì bạn đang gặp rắc rối đấy! Và rắc rối này không chỉ nằm ở khoảng thời gian đã mất, mà còn ở chính con người bạn. Đừng chỉ nhìn thấy sự thất vọng. Còn quá sớm để bạn nghĩ đến điều đó. Vẫn còn thời gian để bạn thay đổi vài thứ, nếu không nói là tất cả!

    Kim đồng hồ cuộc đời của tôi chỉ 2 giờ 24 phút chiều. Ở tuổi 48, tôi có thời gian để đi lại nhiều hơn trước khi tiếng chuông điểm 2 giờ 30 phút chiều. Những khi cảm thấy xuống tinh thần với ý nghĩ rằng tôi đã xấp xỉ 50 và chẳng đạt được thành tựu đáng kể gì qua từng ấy năm, tôi ôm đầu và nhìn vào chiếc đồng hồ cuộc đời vẫn để trên bàn – nó đang bảo tôi rằng tôi còn gần trọn một ngày dài phía trước.

    Nhân vật Benjamin Button nói rất hay về điều này trong bộ phim The Curious Case of Benjamin Button (Dị nhân Benjamin Button). Trong thư gửi con gái mình, ông viết: "Không bao giờ là quá trễ hoặc, như trường hợp của cha đây, là quá sớm để trở thành bất cứ người nào ta muốn!".

    *Bài viết được trích từ tác phẩm "Tuổi trẻ, khát vọng và nỗi đau".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ