Giải ngố: vì sao một số ứng dụng lại tốn pin đến thế, bạn nên làm gì để giải quyết nó?

    Nguyễn Hải,  

    Những ứng dụng không được lập trình tốt không chỉ làm giảm trải nghiệm người dùng khi sử dụng, mà còn gây ra các hao tốn vô ích cho phần cứng thiết bị, đặc biệt là pin.

    Gần đây, nhiều người dùng đã phải lên tiếng than phiền về việc các ứng dụng Facebook hay Messenger gây ra hiện tượng ngốn pin trên thiết bị của họ, nhưng mạng xã hội này không phải người duy nhất phát hành ra các phiên bản ứng dụng làm hao tốn quá nhiều năng lượng.

    Trên thực tế, vấn đề đôi khi chỉ là do một lỗi đơn giản của nhà phát triển và nó có thể tác động đến một số ứng dụng khác. Dưới đây là một cái nhìn cận cảnh cho những gì đã xảy ra, tại sao và những gì bạn có thể làm khi nhận được thông báo tương tự như vậy trong tương lai.

    Một trong những nguyên nhân làm cho ứng dụng Facebook ngốn pin đến như vậy là do một máy chủ liên tục đòi cập nhật, làm cho ứng dụng này luôn sử dụng thêm các chu kỳ CPU cũng như buộc CPU phải chạy ở tốc độ cao hơn bình thường.

    Tất nhiên, việc sử dụng nhiều năng lực xử lý hơn, cũng như buộc CPU chạy ở tốc độ cao hơn sẽ làm gia tăng năng lượng tiêu thụ trên thiết bị, làm pin cạn nhanh hơn và cuối cùng làm nóng máy. Thật may mắn là công ty có thể sửa vấn đề này một cách tương đối đơn giản, nhưng họ vẫn không nói cho chúng ta biết, chính xác lỗi làm nào đã xảy ra.

    Những nguyên nhân hàng đầu làm pin kiệt nhanh

    Điều thú vị trong trường hợp này là việc tiêu thụ năng lượng vẫn diễn ra, ngay cả khi người dùng không dành thời gian cho các ứng dụng Facebook và Messenger. Đó là vì những ứng dụng loại này sẽ thường xuyên ngầm cập nhật, để buộc điện thoại của bạn hoạt động liên tục và vì vậy sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn.

    Thông thường, việc này có thể được thực hiện một cách hiệu quả bằng cách sử dụng càng ít sức mạnh CPU càng tốt, nhưng việc tiêu tốn năng lượng của bộ xử lý có thể bị kích hoạt do việc lạm dụng tính năng WaveLocks trong chương trình PowerManager của Android, bỏ qua các thiết lập mặc định tối ưu cho pin, hoặc chỉ đơn giản là vô tình gây ra việc chạy ngầm lặp đi lặp lại các tác vụ cần nhiều sức mạnh bộ xử lý, khi nó không được phép.

    PowerManager và WaveLocks là các tính năng đặc biệt thú vị cho nhà phát triển. Chúng cho phép họ có quyền kiểm soát lớn hơn về trạng thái năng lượng của thiết bị, nhưng nó cũng đòi hỏi việc quản lý cần được làm cẩn thận hơn.

    Tiến trình PARTIAL_WAVE_LOCK thường được sử dụng nhất cho các cập nhật ngầm kéo dài, vì nó có thể chạy mà không cần mở bàn phím và màn hình dù vẫn dùng CPU. Tuy nhiên, nếu nhà phát triển không giải phóng (release) tiến trình này, CPU sẽ tiếp tục chạy, vì vậy nó sẽ gây ra hiện tượng ngốn pin hơn bình thường, ngay cả khi điện thoại đang nghỉ.

     Kích hoạt chế độ Doze trong Android sẽ giúp tiết kiệm đáng kể pin khi đóng băng hầu hết các tác vụ chạy ngầm.

    Kích hoạt chế độ Doze trong Android sẽ giúp tiết kiệm đáng kể pin khi đóng băng hầu hết các tác vụ chạy ngầm.

    Cũng có thể cả 2 ứng dụng Facebook và Messenger chỉ đơn giản lặp đi lặp lại yêu cầu lấy dữ liệu để gửi tới máy chủ của mình, làm CPU điện thoại liên tục ở trạng thái sử dụng cao. Cũng như việc tăng cường sử dụng bộ xử lý, một tác vụ chạy ngầm có thể bắt đầu gây cạn kiệt pin thông qua quá trình lưu trữ hay gọi thông tin từ RAM lặp đi lặp lại.

    Nó không gây ra cạn kiệt pin qua quá trình xử lý của CPU nhưng bộ nhớ, đặc biệt bộ nhớ nhanh như RAM, lại là bộ phận tiêu thụ pin đáng kể và việc giảm thời gian truyền nhận dữ liệu sẽ giúp kéo dài thời lượng pin của bạn lên một chút. Hơn nữa, thiếu bộ nhớ hay việc sử dụng RAM ở mức độ rất cao có thể làm giảm hiệu năng thiết bị của bạn chẳng khác gì chạy CPU ở tốc độ cực đại. Đóng và refresh một ứng dụng sẽ là cách tốt để giải phóng thêm bộ nhớ, nhưng nó sẽ không sửa được lỗi do việc lập trình.

    Vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác là gì trong trường hợp ứng dụng Facebook, nhưng một loạt ứng dụng chạy ngầm các tác vụ cập nhật định kỳ và việc lập trình lỗi có thể gây ra những lỗi với hiện tượng hao pin chính xác như nhiều người dùng chứng kiến.

    Vậy người dùng có thể làm gì khi thiết bị hao pin như vậy

    Điều đầu tiên bạn nên làm khi nghi ngờ pin điện thoại của mình đang cạn nhanh hơn bình thường là cố gắng hình dung xem chính xác điều gì đang làm pin bị cạn nhiều nhất. Bạn không cần đến một ứng dụng làm việc đó cho mình, cho dù hiện có rất nhiều ứng dụng như vậy.

    Chỉ đơn giản vào Settings > Battery > Battery Usage. Kéo xuống cuối trang và bạn có thể thấy chính xác những ứng dụng và dịch vụ nào đang ngốn pin nhiều nhất. Không có gì lạ khi cái tên Android OS, Display và thậm chí Facebook sẽ đứng ở gần đầu danh sách, nhưng nếu bạn thấy một ứng dụng đơn lẻ đang ngốn đến 20% pin hay hơn nữa, đặc biệt là khi nó gần như chỉ chạy ngầm, đó chắc chắn là một vấn đề trên thiết bị của bạn.

    Bước tiếp theo, bạn có thể xem mình có thể sửa nhanh vấn đề bằng cách khởi động lại ứng dụng hay không. Rất có thể, nó chỉ là một lỗi đơn giản. Bạn chỉ cần mở danh sách ứng dụng đang chạy, và tắt ứng dụng gây hao pin. Sau đó, mở lại ứng dụng đó lần nữa để kiểm tra xem vấn đề đã được khắc phục hay chưa. Nếu bước này không giúp bạn khắc phục được vấn đề, hãy vào Settings > Apps, lựa chọn ứng dụng và chọn Force Stop, ứng dụng đó sẽ dừng việc chạy ngầm.

    Nếu vấn đề vẫn còn trên thiết bị của bạn, rất có thể ứng dụng đó đã bị lỗi nào đó. Lúc này, giải pháp tốt nhất là gỡ bỏ nó và tìm một ứng dụng thay thế khác, nếu có. Nhưng nếu bạn vẫn muốn sử dụng ứng dụng đó hoặc đó là một ứng dụng mạng xã hội khó thay thế như Facebook, mọi việc sẽ phức tạp hơn một chút. Bạn có thể vô hiệu hóa phần lớn các ứng dụng chạy ngầm, cho đến khi nhà phát triển có thể cập nhật và sửa lỗi cho ứng dụng bạn cần.

    Để làm vậy, bạn có thể sử dụng một ứng dụng như Greenify, thậm chí không cần root, nó vẫn có thể “đóng băng” các ứng dụng thường chạy ngầm. Sử dụng nó cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần chọn ứng dụng gây ngốn pin và sau đó buộc nó phải đóng băng thủ công. Bạn cũng có thể thiết lập việc đóng băng tự động với các thiết bị đã được root hoặc chưa root với một số hạn chế nhất định. Khi nhà phát triển sửa được lỗi, bạn có thể đưa ứng dụng quay trở lại hoạt động bình thường.

    Rõ ràng nhờ việc ra mắt tính năng Doze trên Android Marshmallow nên hệ điều hành này giờ có thể xử lý rất tốt các ứng dụng chạy ngầm. Vì vậy, nếu bạn gặp phải vấn đề về pin trên thiết bị, gần như chắc chắn nguyên nhân sẽ đến từ các ứng dụng. Hy vọng bài viết này sẽ cho bạn thấy nguyên nhân thường do đâu và cách khắc phục.

    Theo Android Authority

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ