Giám đốc công nghệ Oculus nhất mực cho rằng công ty không hề ăn cắp mã nguồn

    Ngocmiz,  

    John Carmack – lập trình viên đình đám đồng thời cũng là giám đốc công nghệ (CTO) của Oculus tuần qua đã lên tiếng rằng ông phát triển kính thực tế ảo Oculus Rift hoàn toàn dựa trên những đoạn code chính mình từng viết ở công ty cũ.

    Khẳng định này được đưa ra trong phiên tòa giữa ZeniMax và Oculus. Kết thúc vào thứ tư (2/1) vừa qua, bồi thẩm đoàn đã đưa ra phán quyết yêu cầu Facebook đền bù 500 triệu USD cho ZeniMax sau khi tìm ra một số dấu hiệu cho thấy Oculus đã phát triển sản phẩm thực tế ảo flagship của mình bằng những đoạn mã nguồn “sao chép không nguyên bản” mà Carmack từng viết hồi còn làm việc cho Zenimax.

     John Carmack - CTO của Oculus

    John Carmack - CTO của Oculus

    Carmack khẳng định trên Facebook cá nhân rằng: “Điều này không đúng chút nào.”

    Sao chép không nguyên bản là một dạng sao chép gần giống với bản gốc. Cụ thể, nếu như một đoạn code bị sao chép nguyên bản thì người “đạo code” sẽ copy toàn bộ code gốc sang sản phẩm của mình bằng đúng ngôn ngữ lập trình gốc. Trong khi đó, code bị sao chép không nguyên bản chỉ được giữ nguyên các function, thuật toán và phương pháp nhưng các thành tố khác như cấu trúc và đối tượng thì lại được thay đổi, thậm chí là viết lại bằng ngôn ngữ khác. Nó cũng tương tự như việc đạo lại cuốn Harry Potter nhưng đổi tên các nhân vật vậy.

    Tuy nhiên, Carmack lại tranh cãi rằng: “Tôi đồng ý là trong lập trình, điều này cũng tương đương với việc copy mã nguồn rồi đổi tên biến. Tuy nhiên, nếu tách chiết cuộc hành trình anh hùng của Harry Potter ở một mức độ nào đó thì bạn sẽ có được những chi tiết có thể lắp vừa đẹp cả vào Star Wars hay hàng trăm kịch bản khác. Những thứ này hoàn toàn không vi phạm bản quyền.”

    Là một nhà phát triển game nổi tiếng từng có những đóng góp mang tính cách mạng trong ngành đồ họa máy tính những năm 1990, Carmack rời hãng game ZeniMax để gia nhập Oculus vào năm 2013 sau khi bị thế giới VR mê hoặc. Trước khi rời công ty cũ, Carmack đã cộng tác với nhà đồng sáng lập Oculus Palmer Luckey để phát triển sản phẩm Oculus Rift.

    Thế nhưng không lâu sau khi Oculus Rift được Facebook mua lại với giá 2,3 tỷ USD, ZeniMax đã đệ đơn kiện về vấn đề bản quyền. Hãng game này khẳng định Carmack đã lén đánh cắp tài sản trí tuệ mà ông từng phát triển bằng nguồn lực của ZeniMax để xây dựng Rift.

    Tòa án cũng đã xóa cho Carmack nhiều cáo buộc khác từ ZeniMax, bao gồm cả việc ông xóa hết dữ liệu để che đậy dấu vết về hành vi trộm cắp. Khoản đền bù 500 triệu USD cũng không phải do Carmack chịu trận hoàn toàn mà sẽ được san đều giữa công ty Oculus, nhà sáng lập Luckey và cựu CEO Oculus Brendan Iribe.

     Kính thức tế ảo Oculus Rift

    Kính thức tế ảo Oculus Rift

    Trong bài viết trên Facebook, Carmack vẫn nhất mực cho rằng: “Khi chuyên gia thẩm định tại tòa cho biết: “Chắc chắn có sao chép không nguyên bản”, tôi đã muốn gào lên “Ông nói dối!”. Cuối cùng thì sau 7 trường hợp khẳng định chắc chắn, tôi lại bắt đầu phân vân liệu có phải nhóm gangster nào đó đã bắt cóc mấy đứa con của ông ta không.”

    Vấn đề ở đây là nếu Carmack và Oculus muốn code lại từ đầu sản phẩm Oculus Rift, họ có rất nhiều cách để phát triển các function giúp nó hoạt động. Điều này cũng giống như vụ kiện 9 tỷ USD giữa Oracle và Google năm ngoái. Trong khi Oracle khởi tố Google tội ăn cắp giao diện phần mềm cho ngôn ngữ lập trình Java để sử dụng cho các thiết bị Android của hãng, Google lại tranh cãi rằng những đoạn code đó quá “xoàng” (nguyên văn: “low level”) để có thể trở thành đối tượng bị sao chép. Google đã thắng kiện, nhưng kịch bản này có lẽ khó xảy ra trước khi tòa án liên bang công nhận rằng code giao diện cũng là thứ có thể bị sao chép.

    Về phía ZenimMax, thứ sáu vừa qua, công ty cũng đưa ra phản hồi chính thức về bài post của Carmack rằng “các lập trình viên của Oculus đã thừa nhận sử dụng mã nguồn được đăng ký bản quyền của ZeniMax…. Không có gì ngạc nhiên khi tòa án cuối cùng tìm thấy những đoạn code bị sao chép của ZeniMax. Oculus Rift rõ ràng được xây dựng trên nền tảng công nghệ của ZeniMax.”

    ZeniMax cũng cho biết sẽ tìm cách khiến Oculus phải ngừng bán kính VR Oculus Rift trên thị trường.

    Tham khảo Quartz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày