Google và Apple là minh chứng rõ nét cho câu nói: "Tiền nhiều cũng chưa phải là hay"

    Chíp,  

    Mặc dù có ngân quỹ cực kỳ dồi dào nhưng Apple và Google cũng không thể hoàn hảo hóa tất cả các sản phẩm của mình.

    *Bài viết phản ánh góc nhìn và ý kiến cá nhân của BTV Georgi Zarkov, trang Phone Arena.

    Người ta thường nói tiền bạc thống trị thế giới và điều này ngày càng đúng trong thế giới hiện tại. Ngay bây giờ sự tập trung của các nguồn tài chính ngày càng trở nên rõ nét. Các công ty dầu mỏ trở nên mờ nhạt so với các gã khổng lồ công nghệ khi dữ liệu trở nên có giá trị hơn vàng, cả vàng đen lẫn vàng trắng.

    Google và Apple là minh chứng rõ nét cho câu nói: Tiền nhiều cũng chưa phải là hay - Ảnh 1.

    Thị trường smartphone là nơi có những công ty quyền lực, giàu có nhất. Hai hãng Google và Apple kiểm soát phần mềm điều khiển các thiết bị luôn nằm trong tầm tay của chúng ta. Và cũng chẳng có gì là lạ khi đó là những công ty có giá trị nhất trong top 5 công ty lớn nhất toàn cầu (Apple, Google, Amazon, Microsoft và Facebook).

    Đây là lý do tại sao mọi người có xu hướng đặt kỳ vọng rất cao vào Google, Apple... Mọi người luôn nghĩ rằng với ngân quỹ khổng lồ, các công ty công nghệ phải tạo ra các sản phẩm hoàn hảo. Tại sao iOS mới hay có lỗi, tại sao sản phẩm của Google mà cũng có lỗi bảo mật... là những câu hỏi mà người dùng thường xuyên đặt ra.

    Không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo chiều hướng tốt nhất có thể với cả Google và Apple. Nhưng tại sao lại như vậy?

    Giới hạn nguồn nhân lực

    Con người là một thành phần giúp tạo ra sản phẩm, thiết bị trong mọi công ty trên toàn thế giới. Và điều này cũng không ngoại lệ với Google và Apple. Nếu công việc không yêu cầu công nhân viên có tay nghề cao, các công ty sẽ đặt mức lương thấp và tỷ lệ bỏ việc cao cũng không khiến họ lo lắng bởi họ hoàn toàn có thể kiếm được người thay thế một cách mau chóng.

    Nhưng trong thế giới Silicon Valley, mọi thứ rất khác biệt. Việc phân phối phần mềm không tốn nhiều chi phí và khá dễ dàng nhưng mọi thứ căng thẳng, nặng nề đều dồn vào những người phát triển. Và đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng với quy mô của Google và Apple khi trải nghiệm của hàng tỷ người dùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu xảy ra chỉ 1 sai sót nhỏ.

    Những công ty như Apple và Google không chỉ cần nhân sự giỏi, họ cần những tài năng giỏi nhất trong tất cả các lĩnh vực từ mã hóa, tiếp thị tới quản lý. Và chẳng nói thì bạn cũng biết, chỉ có một số ít nhân tài xuất chúng trong mỗi lĩnh vực. Điều này hạn chế nghiêm trọng số lượng ứng viên phù hợp với yêu cầu của Google và Apple.

    Bạn nghĩ rằng đây là vấn đề có thể giải quyết bằng tiền. Bạn sai rồi. Nếu không có người đủ giỏi để tuyển dụng thì dù mức lương bạn trả cao thế nào chăng nữa cũng trở nên vô nghĩa. Trong game, nếu có mã cheat để tạo ra số tiền vô hạn, bạn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn nhưng trong đời thực bạn sẽ chẳng làm được gì nếu chỉ có tiền. Những gì các công ty cần làm là tuyển dụng nhân tài và dùng trí tuệ của họ để biến đổi tiền thành thứ gì đó sẽ mang lại giá trị cho nhân loại hoặc đơn giản là tạo ra nhiều tiền hơn.

    Đó là lý do tại sao các công ty thường xuyên chèo kéo nhân sự của nhau bằng cách cung cấp mức lương cao và một loại đãi ngộ hoặc thậm chí là các chức vụ cao hơn.

    Google và Apple là minh chứng rõ nét cho câu nói: Tiền nhiều cũng chưa phải là hay - Ảnh 2.

    "Săn trộm" nhân viên tài năng của công ty khác là sách lược một mũi tên bắn hai con chim. Những công ty tuyển được nhân tài của đối thủ không chỉ tăng cường khả năng của họ mà còn khiến đối thủ yếu đi. Chuyện các nhân viên tài năng ở Silicon Valley phải ký cam kết không nhảy việc sang không ty đối thủ không phải là hiếm và thường sẽ phải bồi thường một khoản tiền lớn nếu vi phạm cam kết này. Tất nhiên, công ty tuyển dụng sẵn sàng trả khoản bồi thường cam kết nếu nhân viên đó thực sự có giá trị với chiến lược của họ.

    Để khắc phục vấn đề thiếu hút nhân tài, các công ty thường thành lập các học viện của riêng mình để đào tạo nhân sự cho các vị trí họ cần. Rõ ràng chiến lược này tốn nhiều thời gian hơn so với việc thuê các nhân tài sẵn có để ngay lập tức giao việc. Đây là lý do tại sao nguồn nhân lực luôn là nút thắt cổ chai trong quá trình phát triển sản phẩm phần mềm.

    Google và Apple là minh chứng rõ nét cho câu nói: Tiền nhiều cũng chưa phải là hay - Ảnh 3.

    Hơn nữa, phát triển một sản phẩm phần mềm giống như nuôi một đứa trẻ vậy. Nếu bạn gắn bó với một sản phẩm ngay từ đầu, bạn sẽ nắm rõ tất cả những điểm khó hiểu, những điểm mạnh và điểm yếu để dễ dàng đối phó nếu có sự cố xảy ra. Trong trường hợp cực đoan nhất, code của phần mềm có thể gắn bó chặt chẽ với một nhân sự tới mức khiến nó trở nên vô dụng nếu nhân sự ấy nghỉ việc. Đã có vài trường hợp công ty đối xử không tốt với nhà phát triển của mình, khiến họ nghỉ việc và kết quả là các sản phẩm phần mềm của của công ty biến thành một mớ hỗn độn.

    Tuy nhiên, không hẳn là mọi thứ đều thành công khi bạn có tất cả những nhân tài mà mình cần.

    Rắc rối của việc có quá nhiều lựa chọn

    Có rất nhiều tiền vừa là một may mắn nhưng cũng có thể là lời nguyền. Trong thế giới CNTT, có quá nhiều nguồn thu nhập có thể dẫn tới những quyết định tồi tệ.

    Ví dụ, nguồn tài chính khổng lồ là con dao hai lưỡi với Google. Công ty này đủ khả năng để đổ tiền đầu tư và tài trợ cho các nhà phát triển khi họ đưa ra những ý tưởng có vẻ hay, ngay cả khi họ biết rằng không phải tát cả trong số các ý tưởng này đều có thể trở thành sản phẩm thương mại. Google thường ném những ý tưởng này ra ngoài để thực nghiệm xem chúng có thể tồn tại hay không. Gã khổng lồ tìm kiếm nổi tiếng với việc ra mắt các sản phẩm chưa hoàn tiện để rồi sau đó hầu như không hỗ trợ cho chúng và cuối cùng khai tử, đưa chúng hội ngộ với một đống dự án chết yểu khác. Điều này không chỉ xảy ra với các sản phẩm phần mềm và còn với cả các sản phẩm phần cứng. Thậm chí, có người còn tạo ra một trang web để tiện theo dõi các sản phẩm đã bị Google khai tử. Trang web ấy tên là KilledByGoogle.

    Google và Apple là minh chứng rõ nét cho câu nói: Tiền nhiều cũng chưa phải là hay - Ảnh 4.

    Allo, một trong rất nhiều ứng dụng nhắn tin bị Google khai tử

    Công bằng mà nói cũng có những dự án được sáp nhập, đổi tên hoặc chia làm các phần nhỏ để đưa vào những sản phẩm khác. Sẽ là hơi quá nếu nói Google thường vứt công sức của mọi người vào thùng rác.

    Dường như các giám đốc của Google không thể cưỡng lại cám dỗ của việc thử nghiệm tất cả mọi thứ. Cách làm này khiến người ta không còn tin vào những sản phẩm mà Google trình làng. Niềm tin vào Google bị lung lay tới mức nền tảng stream game Stadia vừa ra mắt cũng bị cho rằng sắp bị khai tử.

    Mặc dù có nhiều tiền mặt hơn nhưng số dự án mà Apple tập trung vào không rộng như Google và "Táo khuyêt" hạn chế tối đa việc hủy dự án sản phẩm. Tấm sạc không dây AirPower là một trong số ít sản phẩm bị Apple hủy trong nhiều năm qua. Và nếu muốn tìm dự án thất bại chúng ta sẽ phải nhớ tới máy chơi game Pippin, lúc Apple chưa phải là công ty lớn như hiện tại.

    Google và Apple là minh chứng rõ nét cho câu nói: Tiền nhiều cũng chưa phải là hay - Ảnh 5.

    Máy chơi game Pippin

    Tuy nhiên, có một khác biệt lớn giữa việc hủy sản phẩm trong quá trình phát triển và khai tử khi người dùng đã sử dụng trong một thời gian dài (chúng tôi đang nhắc tới Google Inbox). Mặc dù vậy, Apple cũng không thoát khỏi những chỉ trích. "Táo khuyết" bị cả người dùng và các reviewer lên án vì những hành vi "bủn xỉn" như vẫn trang bị củ sạc chậm cho iPhone trong vài năm gần đây. Và trong khi một quyết định có ý thức có thể dễ dàng thay đổi thì vẫn còn một khía cạnh khác mà chúng ta phải xem xét...

    Có tiền không đồng nghĩa với việc bạn có thể tiêu thế nào cũng được

    Với chúng ta, các gã khổng lồ công nghệ có vẻ toàn năng, muốn làm gì cũng được, miễn là hợp lý. Tuy nhiên, họ phải tuân theo theo sự chỉ dẫn của các cổ đông. Hàng trăm, hàng nghìn tỷ mà chúng ta hay nói về một công ty thường chỉ là giá trị thị trường. Và một trong những yếu tố lớn nhất trên thị trường đó là công ty tạo ra bao nhiêu lợi nhuận.

    Vì thế, Apple hoàn toàn có thể đưa vào hộp iPhone không chỉ một bộ sạc nhanh mà còn có thể là cả bộ sạc không dây. Nhưng khi làm thế, mỗi cuối quý hoặc cuối năm Apple sẽ phải giải thích cho các cổ đông tại sao lợi nhuận lại thấp như vậy. Và đó là một điều mà không một CEO nào muốn làm. Muốn biết điều ấy tệ như thế nào bạn có thể hỏi cảm giác của Tim Cook khi ông công bố kết quả kinh doanh đáng thất vọng của Apple vài tháng trước. Sự giám sát của các cổ đông thường ngăn cản các công ty đầu tư vào những sản phẩm concept mới mẻ hoặc thực hiện một số nỗ lực đổi mới.

    Tất nhiên, các công ty vẫn cần phải đổi mới nếu muốn giữ được lợi thế cạnh tranh. Tiếp theo là một trở ngại khác mà có ném bao nhiêu tiền vào cũng vô ích.

    Chưa có công nghệ hỗ trợ

    Trong tự nhiên, mọi thứ phát triển theo tiến trình định trước, cây mọc từ hạt, chim nở ra từ trứng... Công nghệ cũng vậy. Bạn không thể có điện thoại đi động trước điện thoại cố định hoặc chip lõi tứ trước chip lõi kép. Không thể đốt cháy giai đoạn trong bất cứ mảng nào.

    Kể cả chồng 100 tỷ USD tiền mặt trước mặt nhà sản xuất chip với yêu cầu chip tiến trình 3nm sẵn sàng cho iPhone tiếp theo, cả tiền và đại diện Apple đều sẽ bị trả về California với nhắc nhở hãy quay lại trong vài năm tới. Đúng là số tiền đầu tư vào công nghệ sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phán triển của nó nhưng như người ta vẫn nói, 1 người sẽ mất 100 ngày để đào 1 chiếc giếng nhưng 100 người không thể đào 1 chiếc giếng trong 1 ngày. Bạn có thể cung cấp cho 1 cái cây chậu đất nhiều dinh dường nhất và điều kiện chăm sóc tốt nhất nhưng bạn không thể buộc nó phát triển nhanh hơn. Tương tự như vậy, trong công nghệ chúng ta chỉ có thể đầu tư một cách tốt nhất cho các giải pháp chứ không thể thúc ép mọi thứ phát triển nhanh hơn. Thực tế là chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu công nghệ rất đáng kể trong những năm vừa qua.

    Google và Apple là minh chứng rõ nét cho câu nói: Tiền nhiều cũng chưa phải là hay - Ảnh 6.

    Với suy nghĩ của một người tiêu dùng, chúng ta thường bực bội vì công nghệ không thể phát triển nhanh hơn. Chúng ta thường chỉ thán phục, kinh ngạc khi thấy những thành tựu lớn mà quên rằng đằng sau đó là một quãng thời gian dài, vất vả nghiên cứu/phát triển của các kỹ sư công nghệ. Đó là thứ không thể mua được bằng tiền. Mải hướng tới tương lai, chúng ta dễ dàng quên đi rằng công nghệ đã đi xa như thế nào trong vài thập kỷ vừa qua.

    Đây chỉ là một vài trong số những lý do tại sao các công ty công nghệ lớn không thể tạo ra những sản phẩm tuyệt vời mặc dù có hàng trăm, hàng chục tỷ USD trong tay. Luôn có những lĩnh vực để chúng ta cải tiến nhưng chúng ta cần nhớ rằng với quy mô của mình Google và Apple thường phải đối mặt với những hạn chế nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Một chút kiên nhẫn và một chút thấu hiểu là điều mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ