Hai vệ tinh tí hon mang tên Wall-E và Eva chuẩn bị hành trình lên Sao Hoả, liệu chúng có hoàn thành được sứ mệnh?

    Tấn Minh,  

    Hai vệ tinh tí hon của NASA mang tên Wall-E và Eva hiện đang chuẩn bị cho một chuyến hành trình dài lên Hành tinh Đỏ. Cặp vệ tinh song sinh với kích cỡ chỉ bằng một bộ quần áo này dự kiến được phóng lên không gian vào thứ bảy này.

    Loại vệ tinh tí hon này được NASA gọi là "cubesat" - vệ tinh hình hộp - sẽ được chính tên lửa đã từng mang tàu thăm dò InSight của NASA lên Sao Hoả trước đây đưa lên vũ trụ. Tuy nhiên, chúng sẽ thực hiện những nhiệm vụ rất khác nhau một khi đã đến hành tinh đỏ vào tháng 11 tới.

    Trong khi tàu InSight được giao trọng trách "mở khoá" các bí mật bên trong lòng đất của Sao Hoả, thì các cubesat - còn có tên gọi chung là MarCO (Mars Cube One) - sẽ bay quanh quỹ đạo hành tinh này để kiểm tra xem liệu chúng có thể chuyển tiếp thông tin từ tàu thăm dò trên bề mặt hành tinh về Trái Đất hay không.

    Hai vệ tinh tí hon mang tên Wall-E và Eva chuẩn bị hành trình lên Sao Hoả, liệu chúng có hoàn thành được sứ mệnh? - Ảnh 1.

    Các cubesat - được thiết kế nhẹ hơn và rẻ hơn đáng kể so với các tàu vũ trụ truyền thống - chưa từng thực hiện bất kỳ chuyến hành trình nào với độ dài hàng triệu dặm trong không gian như vậy, nhưng NASA muốn biết chúng sẽ sống sót ra sao trong suốt cuộc hành trình.

    "Các tàu vũ trụ với kich cỡ như MarCO được phát triển để bay quanh quỹ đạo Trái Đất trong hơn 10 - 15 năm qua" - Joel Krajewski, một kỹ sư và quản lý dự án MarCO của NASA cho biết - "Chúng tôi sẽ thử ứng dụng công nghệ này vào không gian vũ trụ".

    Nếu các cubesat trong sứ mệnh Sao Hoả gặp thất bại - có lẽ bởi các mạch điện của chúng bị "nướng chín" hoặc các ăng-ten không hoạt động - các thông tin địa chất quý giá mà tàu thăm dò InSight tất nhiên sẽ không mất đi, khi mà NASA sẽ không chỉ dựa vào mỗi các vệ tinh tí hon này để liên lạc. Các tàu bay dài hạn trong quỹ đạo Sao Hoả khác đã được thiết lập để chuyển tiếp thông tin về Trái Đất, Krajewski cho biết.

    Hai vệ tinh tí hon mang tên Wall-E và Eva chuẩn bị hành trình lên Sao Hoả, liệu chúng có hoàn thành được sứ mệnh? - Ảnh 2.

    Các cubesat đang được phóng khỏi Trạm vũ trụ quốc tế ISS

    Nhưng nếu các vệ tinh tí hon này hoạt động, nhiều vệ tinh giá rẻ tương tự sẽ có thể được phóng lên các hành tinh và mặt trăng xa xôi hơn, giúp việc liên lạc giữa các khoảng không xa thẳm kia về Trái Đất dễ dàng hơn, và trong một số trường hợp là hoàn toàn có thể thực hiện được.

    Khi NASA cho một tàu vũ trụ hạ cánh lên một hành tinh khác, các nhà khoa học thường cần một "vệ tinh chuyển tiếp" để "bắn" các hình ảnh và thông số về Trái Đất.

    Việc thám hiểm vũ trụ đòi hỏi nguồn kinh phí cực lớn, và các cubesat có thể giúp mang lại một phương thức rẻ hơn nhiều để chuyển tiếp loại thông tin này về Trái Đất, thay vì phải xây dựng và phóng lên các tàu vũ trụ nặng nề và tốn kém.

    "Nó giúp các sứ mệnh đòi hỏi chuyển tiếp thông tin có khả năng thực hiện cao hơn" - Krajewski nói.

    Hai vệ tinh tí hon mang tên Wall-E và Eva chuẩn bị hành trình lên Sao Hoả, liệu chúng có hoàn thành được sứ mệnh? - Ảnh 3.

    Một kỹ sư NASA đang kiểm tra tấm pin năng lượng Mặt trời trên một cubesat MarCO

    Các cubesat này có thể được gửi đến các mặt trăng xa xôi đầy bí ẩn trong hệ Mặt trời của chúng ta, như Europa và Enceladus. Hoặc chúng có thể được phóng lên các hành tinh gần hơn với Trái Đất.

    Ví dụ, nếu NASA muốn gửi một tàu thăm dò vào một hố lõm ở cực Nam của Mặt trăng - một nơi mà chúng ta không thể quan sát được từ Trái Đất dù sử dụng bất kỳ công cụ nào - họ sẽ cần một vệ tinh chuyển tiếp để biết được có điều gì ở đó.

    Hai công nghệ chính mà NASA hi vọng sẽ chứng minh được trong sứ mệnh này là động cơ đẩy và các phương tiện giao tiếp thu nhỏ.

    Không như các cubesat bay quanh Trái Đất, các cubesat bay trong không gian sẽ cần được điều khiển khi bay về phía các hành tinh khác. NASA hiện đang thử nghiệm một loại công nghệ có khả năng bắn ra nhiên liệu phản lực - tương tự như loại nhiên liệu trong các bình chữa cháy - để lái chúng trong không gian. Đây cũng là lý do vì sao hai cubesat này được đặt biệt danh theo tên hai chú robot trong phim Wall-E, khi mà chính Wall-E cũng sử dụng một bình khí nén để bay trong không gian.

    Hai vệ tinh tí hon mang tên Wall-E và Eva chuẩn bị hành trình lên Sao Hoả, liệu chúng có hoàn thành được sứ mệnh? - Ảnh 4.

    Hình ảnh dựng lại của tàu thăm dò InSight đang thu thập dữ liệu địa chất trên Sao Hoả

    Các cubesat này được trang bị radio và ăng-ten để bắn thông tin về Trái Đất. Theo Krajewski thì điều này sẽ cho phép chúng chuyển tiếp thông tin về quá trình hạ cánh của tàu thăm dò InSight xuyên suốt bầu khí quyển của Sao Hoả, bao gồm tốc độ, khoảng cách đến mặt đất, và liệu dù có bung ra hay không.

    Nếu các nhà khoa học NASA thực sự nhận được các thông tin này từ các cubesat, đây sẽ là một thành quả ngọt ngào trong sứ mệnh nêu trên.

    Nhưng trước tiên, Wall-E và Eva sẽ phải sống sót trong cuộc hành trình dài, tồn tại nguyên vẹn trong nhiệt độ cực kỳ lạnh lẽo của vũ trụ, hứng chịu nhiều loại phóng xạ không gian khác nhau, và tìm cách hấp thu đủ năng lượng mặt trời để hoạt động.

    "Bạn càng ở lâu ngoài kia, khả năng có chuyện gì đó xảy ra càng cao" - Krajewski kết luận.

    Tham khảo: Mashable

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ