Hàn Quốc tính biện pháp trả đũa Nhật Bản sau lệnh cấm xuất khẩu vật liệu sản xuất màn hình và chip nhớ

    Thiên Long,  

    Hàn Quốc mới đây cho biết, họ có thể tính đến các giải pháp trả đũa lệnh cấm xuất khẩu vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản sang Hàn Quốc, gây ảnh hưởng đến nguồn cung chip nhớ và màn hình trên thế giới.

    Bộ trưởng thương mại Hàn Quốc cho rằng, việc Nhật Bản đơn phương cấm xuất khẩu 3 vật liệu quan trọng dùng để sản xuất chip và màn hình điện thoại sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.

    Hàn Quốc tính biện pháp trả đũa Nhật Bản sau lệnh cấm xuất khẩu vật liệu sản xuất màn hình và chip nhớ - Ảnh 1.

    Bởi lẽ lệnh cấm này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung chip nhớ cho các hãng công nghệ Hàn Quốc, trong đó có Samsung, SK Hynix. Nguy hiểm hơn, nó sẽ gián tiếp tác động tới cả các hãng smartphone.

    Samsung Electronics và SK Hynix là hai nhà sản xuất chip nhớ DRAM và NAND hàng đầu thế giới. Các hãng này đang cung cấp chip nhớ cho Apple, Huawei và nhiều hãng smartphone Trung Quốc khác.

    Do đó lệnh cấm xuất khẩu 3 vật liệu dùng để sản xuất màn hình, vi mạch gồm fluorinated polyimide, hydrogen fluoride và chất cản màu cho các công ty Hàn Quốc sẽ tác động lớn tới nguồn cung tấm nền màn hình và chip nhớ trên thế giới. Hơn ai hết không chỉ các đối tác chịu ảnh hưởng do thiếu nguồn cung, giá chip, màn hình tăng mà chính người tiêu dùng cũng phải gánh chịu hậu quả gián tiếp.

    Đáp trả lại động thái đầy bất ngờ của Nhật Bản, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết: "Chúng tôi không loại trừ việc đưa ra các biện pháp trả đũa tương ứng chống lại Nhật Bản". Ông cũng nhấn mạnh, chiến tranh thương mại giữa hai nước sẽ gây ra thiệt hại cho cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

    Nhật Bản hiện chiếm 70-90% lượng cung ứng 3 vật liệu trên nên đây chắc chắn sẽ là bài toán đau đầu với các công ty Hàn Quốc trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế.

    Hàn Quốc tính biện pháp trả đũa Nhật Bản sau lệnh cấm xuất khẩu vật liệu sản xuất màn hình và chip nhớ - Ảnh 2.

    Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết, họ đang lên kế hoạch tìm kiếm một giải pháp đối phó ngoại giao, bao gồm việc khiếu nại với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hoặc tính đến các biện pháp trả đũa khác.

    Yoon Do-han, thư ký phụ trách truyền thông của Tổng thống nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ giải thích với các nước lớn về hành động không công bằng của Nhật Bản và thực tế điều này đang vi phạm các nguyên tắc thương mại tự do".

    Tuy nhiên theo Bộ trưởng tài chính Hàn Quốc cho biết, sẽ phải mất rất lâu trước khi WTO đưa ra phán quyết về vấn đề này.

    Được biết cuộc chiến thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bùng nổ kể từ cuối năm ngoái. Tòa án tại Hàn Quốc đã đưa ra phán quyết yêu cầu các công ty Nhật như Nippon Steel, Sumitomo Metal và Mitsubishi phải trả hàng trăm ngàn đô la cho phía nguyên đơn Hàn Quốc.

    Thời điểm đó, Nhật Bản mô tả các phán quyết của tòa án Hàn Quốc là "không thể tưởng tượng được".

    Cuộc chiến mới bắt đầu và cả hai bên không có dấu hiệu nhượng bộ

    Hãng thông tấn Kyodo mới đây dẫn nguồn tin cho biết, Nhật Bản đang xem xét mở rộng việc kiểm soát xuất khẩu nhiều mặt hàng sang thị trường Hàn Quốc.

    Trong khi đó, nhà lãnh đạo Đảng dân chủ cầm quyền tại Hàn Quốc, ông Lee Hae-chan cũng có những phát ngôn nắn gân Nhật Bản khi cho rằng: "Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu và chưa phải là sự kết thúc".

    Tất nhiên các công ty công nghệ như Samsung hay SK Hynix chẳng thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi giới lãnh đạo hai nước bắt tay làm hòa. Nhưng điều đó không hẳn là cách hay.

    Hàn Quốc tính biện pháp trả đũa Nhật Bản sau lệnh cấm xuất khẩu vật liệu sản xuất màn hình và chip nhớ - Ảnh 3.

    Samsung chia sẻ với Reuters, hãng đang xem xét các biện pháp chủ động nhằm giảm thiểu tác động đến dây chuyền sản xuất chip nhớ và tấm nền màn hình của hãng.

    SK Hynix từ chối bình luận về vấn đề trên. Tuy nhiên công ty đã gửi thư cho khách hàng và khẳng định, họ có thể xử lý được tình huống hiện nay trong thời gian ngắn nhưng không dám chắc mọi thứ có thể ổn định về lâu dài hay không do Hàn Quốc đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung vật liệu từ Nhật Bản.

    Tham khảo Reuters

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày