Hệ sinh thái đằng sau những linh kiện iPhone hỏng: Phần 3 - "Con nuôi" liệu có bằng "con đẻ"?

    Nguyễn Hải,  

    Liệu những linh kiện gia công cùng với các cửa hàng sửa chữa không được Apple đào tạo có thể sửa chữa iPhone với chất lượng tương đương Apple hay không?

    Sự khác biệt về chi phí cũng như khả năng sửa chữa iPhone giữa các cửa hàng của Apple, các cửa hàng do Apple ủy quyền và những cửa hàng độc lập là rất rõ rệt. Các cửa hàng độc lập không những có thể sửa các iPhone cũ với mức giá rẻ hơn, mà thậm chí với nhiều trục trặc, trong khi Apple lựa chọn giải pháp thay thế toàn bộ đầy tốn kém, các cửa hàng độc lập vẫn có thể sửa nó với mức phí thấp hơn nhiều.

    Nhưng một điều quan trọng khác mà khách hàng luôn quan tâm mỗi khi sửa chữa, đó là chất lượng dịch vụ. Liệu các cửa hàng độc lập với những linh kiện gia công có thể so sánh với Apple không?

    Việc sửa chữa gia công có an toàn?

    Trên một thị trường tự do không có quy định và không có trách nhiệm, bạn sẽ không biết mình nhận được gì khi bước vào một cửa hàng sửa chữa bên thứ ba – đây là điều mà người đưa máy đến sửa chữa ít khi nghĩ đến. Mặc dù vậy, đối với một số trục trặc, việc sửa chữa gia công có thể lại là sự lựa chọn tốt cho một số người trong một số tình huống.

    Hệ sinh thái đằng sau những linh kiện iPhone hỏng: Phần 3 - Con nuôi liệu có bằng con đẻ? - Ảnh 1.

    Bên trong iPhone X

    Kyle Wiens của iFixit không tin rằng nên né tránh các cửa hàng sửa chữa độc lập để chọn lựa các AASP. Anh so sánh thị trường sửa chữa điện thoại độc lập với thị trường phụ tùng sửa chữa ô tô gia công. Có cả những người thợ giỏi và thợ kém ở ngoài đó, điều quan trọng là tìm được người mà bạn tin tưởng.

    Ví dụ iFixit, đã lặn lội tới châu Á để tìm các bộ phận chất lượng tốt nhất và bán cho các khách hàng đang tìm cách sửa thiết bị của họ, và sử dụng một cơ sở kiểm tra để đảm bảo các lựa chọn từ hàng gia công sẽ có chất lượng tốt nhất có thể.

    "Chúng tôi cung cấp cho các nhà máy những hướng dẫn bao quát về chất lượng." Wiens cho biết. iFixit sẽ đưa ra các thông số như số pixel chết chấp nhận được, độ sáng cần thiết của màn hình, và nhiều điều khác, để phù hợp với sản phẩm của Apple.

    Khi cần sửa chữa, sẽ chẳng có một thuật ngữ tiêu chuẩn nào cho bạn biết về cấp độ chất lượng của bộ phận mà cửa hàng sửa chữa đang sử dụng. Vì vậy, Wiens khuyến khích đọc các bài đánh giá trên Yelp, trao đổi với chủ cửa hàng, và từ đầu khi chọn lựa, hãy tìm đến các cửa hàng sửa chữa có mức giá đắt hơn. "Tìm một cửa hàng mà bạn có thể tin tưởng rằng họ sẽ nỗ lực vì công việc của mình." Wiens cho biết.

    Hệ sinh thái đằng sau những linh kiện iPhone hỏng: Phần 3 - Con nuôi liệu có bằng con đẻ? - Ảnh 2.

    Chú ý rằng nhiều cửa hàng độc lập vẫn đang sử dụng các linh kiện gia công, và cho dù chất lượng cũng gần như của Apple, đây vẫn không phải là dịch vụ sửa chữa của Apple. Ngoài ra, một điều khác cần lưu ý là, dịch vụ sửa chữa gia công có thể gây ra hư hỏng trên một chiếc iPhone và làm mất bảo hành của nó, cũng như hàng loạt vấn đề khác gây ra do linh kiện chất lượng thấp hay tay nghề kém.

    Tốt nhất bạn nên hỏi cửa hàng sửa chữa về nguồn gốc linh kiện mà họ lấy. Các cửa hàng mà MacRumors tiếp xúc đều rất sẵn sàng cho biết về nguồn cung và bộ phận mà họ đang sử dụng để sửa chữa. Tất cả các cửa hàng sửa chữa đều nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với nhà cung cấp tốt, việc kiểm tra nguồn cung, tìm kiếm các bộ phận tốt nhất, và trong một số trường hợp thậm chí phải có nhóm kiểm soát chất lượng ở nước ngoài với nhà cung cấp đó.

    Nếu bạn muốn dịch vụ sửa chữa với chất lượng Apple, tốt nhất hãy đến thẳng cửa hàng của Apple hoặc các nhà cung cấp dịch vụ do Apple ủy quyền. Phí của Apple rất cao, nhưng đôi khi nó rất đáng giá cho sự yên tâm. Bạn có thể có được chất lượng gần như hàng đầu với các bộ phận gia công, nhưng nó sẽ không thể bằng với các bộ phận của riêng Apple, ngay cả trong các cửa hàng tốt nhất.

    Các cửa hàng độc lập không thể sửa những gì

    Nếu iPhone hay thiết bị Apple của bạn vẫn trong hạn bảo hành, tốt nhất bạn nên tìm tới cửa hàng của Apple hoặc các nhà cung cấp dịch vụ do Apple ủy quyền.

    Với các thiết bị mới, việc rút thêm hầu bao cho chúng là hoàn toàn hợp lý, và trong một số trường hợp, đối với các thiết bị mới, những cửa hàng độc lập sẽ không có các linh kiện gia công cần thiết để tiến hành sửa chữa.

    Màn LCD gia công cho iPhone X

    Ví dụ, hiện không có công ty nào có thể sản xuất các màn hình OLED gia công cho chiếc iPhone X. Công nghệ đó quá mới và việc sản xuất màn hình OLED chỉ dành cho vài công ty lớn như Samsung. Một số cửa hàng độc lập đang thay màn OLED của iPhone X bằng màn LCD, và mức giá rẻ hơn này không tương xứng với chất lượng thấp của nó.

    Hiện chưa có cửa hàng độc lập nào có thể sửa phím Touch ID bị hỏng vì các lý do bảo mật, vì vậy việc sửa chữa bắt buộc phải thông qua Apple. Ngoài ra các cửa hàng sửa chữa cũng nói với MacRumors rằng, họ không thể sửa mặt lưng bằng kính của iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X vì không có bộ khung thay thế.

    Các thiết bị đời cũ dường như thích hợp nhất cho các cửa hàng sửa chữa độc lập. Vì ngay cả với các thiết bị đời cũ, Apple cũng tính phí rất cao cho việc sửa chữa và thay thế, trong khi đa số các thiết bị này đã hết bảo hành. Các cửa hàng độc lập có giá rẻ hơn và họ vẫn có thể sửa các trục trặc không liên quan tới màn hình, trong khi đối với Apple giải pháp là tính phí thay toàn bộ thiết bị.

    Hệ sinh thái đằng sau những linh kiện iPhone hỏng: Phần 3 - Con nuôi liệu có bằng con đẻ? - Ảnh 4.

    Trong khi bạn không nên đưa một chiếc iPhone X tới cửa hàng sửa chữa độc lập, nhưng loa thoại trên chiếc iPhone 6S bị hỏng ư? Chắc chắn rồi. Nhiều khách hàng đang sử dụng iPhone qua nhiều năm mà không thay thế chúng, và cho dù sự ưu ái của Apple cho các AASP, việc khách hàng tìm kiếm dịch vụ sửa chữa giá cả phải chăng cho iPhone cũ là hoàn toàn chính đáng.

    Quyền được Sửa chữa và Tương lai của thị trường sửa chữa độc lập

    Trong vài năm qua, những người ủng hộ Quyền được Sửa chữa đã thúc giục các nhà lập pháp phải đòi hỏi các công ty công nghệ và những nhà sản xuất khác, cung cấp các thông số về linh kiện trên thiết bị, khả năng tiếp cận dễ dàng đến các phụ tùng sửa chữa, và hướng dẫn chi tiết về sửa chữa thiết bị, đối xử công bằng hơn với các cửa hàng sửa chữa và giúp khách hàng dế dàng tìm kiếm dịch vụ sửa chữa chất lượng từ cửa hàng Apple, các AASP, và các cửa hàng độc lập.

    Apple và các công ty công nghệ khác đang vận động hành lang để chống lại luật về Quyền được Sửa chữa này, và lập luận chung của họ là bằng việc hạn chế sửa chữa, các công ty công nghệ đang bảo vệ tài sản trí tuệ của họ, giúp khách hàng an toàn và duy trì tính bảo mật thiết bị.

    Hệ sinh thái đằng sau những linh kiện iPhone hỏng: Phần 3 - Con nuôi liệu có bằng con đẻ? - Ảnh 5.

    Tất nhiên, luật Quyền được Sửa chữa nhận được sự ủng hộ từ nhiều cửa hàng sửa chữa độc lập.

    "Nếu chúng tôi có thể lấy được các bộ phận trực tiếp từ Apple, tôi sẽ làm vậy." Laxmi Agrawal của Cupertino iPhone Repair cho biết. "Tôi sẵn sàng trả giá cao, tôi muốn mua từ Apple. Tôi sẽ mua từ Apple. Họ chỉ không đưa nó cho chúng tôi."

    Còn có nỗi e sợ cho rằng Apple đang hướng tới một triết lý sửa chữa ngặt nghèo hơn, khi chặn hoàn toàn các cửa hàng sửa chữa độc lập. Việc sửa Touch ID là một ví dụ - như đã đề cập ở trên, để sửa được Touch ID cần phải có sự xác thực thông qua một cỗ máy chuyên dụng, và một số cửa hàng độc lập lo ngại rằng Apple sẽ sử dụng cơ chế khóa và chìa này để khóa chặt các việc sửa chữa khác trong tương lai.

    Mansoor Safi của iFixer có nhắc đến một ví dụ gần đây, về một vấn đề xảy ra khi các màn hình bên thứ ba dừng hoạt động sau khi cập nhật iOS. Sau đó, Apple đã sửa lại lỗi này, nhưng đây không phải lần đầu tiên nó xảy ra.

    "Apple đang trêu chọc chúng tôi với những trục trặc nhỏ này, như một vài tuần trước, một bản cập nhật sẽ làm màn hình của bạn không phản hồi nếu đó là màn hình của bên thứ ba. Apple sẽ tiếp tục làm như vậy, và cuối cùng, mọi thứ đều sẽ cần tới các bộ phận của Apple."

    Hệ sinh thái đằng sau những linh kiện iPhone hỏng: Phần 3 - Con nuôi liệu có bằng con đẻ? - Ảnh 6.

    Theo Kyle Wiens của iFixit, thị trường sẽ được cải thiện cho mọi người nhờ vào sự cạnh tranh và khả năng tiếp cận tới các bộ phận hàng gia công và hàng OEM, với những cửa hàng độc lập có thể cung cấp các linh kiện chất lượng tốt hơn thông qua việc tiếp cận với các thông số kỹ thuật của phụ tùng Apple.

    Wiens không tin vào một kịch bản rằng, tất cả các thiết bị Apple cần sửa chữa đều sẽ dùng đến các linh kiện do Apple sản xuất, ngay cả khi Apple bị buộc phải cung cấp các bộ phận đó. Đơn giản chỉ là chi phí.

    "Triển vọng về các bộ phận OEM là một ý tưởng hay, nhưng nó không thực tế. 1. Apple sẽ không bán các bộ phận đó cho mọi người. 2. Mức giá sẽ trở nên cao chót vót đến mức bạn sẽ không muốn trả tiền cho nó. Bạn phải có một lựa chọn khác từ hàng gia công." Anh cho biết.

    Hệ sinh thái đằng sau những linh kiện iPhone hỏng: Phần 3 - Con nuôi liệu có bằng con đẻ? - Ảnh 7.

    Nguồn tin đã gửi đoạn video tới cho MacRumors cũng có suy nghĩ tương tự như vậy. Người đó hy vọng rằng một cái nhìn thoáng qua về những nhà máy đang sản xuất các bộ phận iPhone gia công sẽ thúc đẩy Apple đưa ra các linh kiện có giá phải chăng hơn, để người tiêu dùng không phải sửa chữa với những bộ phận có chất lượng thấp. Tuy nhiên đây có thể là một mục tiêu xa vời.

    Apple không tiết lộ họ kiếm được bao nhiêu từ công việc sửa chữa, vì nó nằm trong danh mục "Dịch vụ" của bảng cân đối tài chính, nhưng các nhà phân tích ước tính rằng, tất cả việc sửa chữa này sẽ mang lại cho công ty từ 1 tỷ USD tới 2 tỷ USD mỗi năm, một khoản tiền không đáng kể với công ty nghìn tỷ USD như Apple.

    Kết luận

    Nhìn vào tổng thể hệ sinh thái sửa chữa iPhone, ta có thể thấy một sự cách biệt rất lớn giữa những gì các cửa hàng độc lập muốn và những gì Apple cung cấp. Đó là một tình huống phức tạp đến quyến rũ, khi tất cả các bên liên quan đều tin rằng cách làm của mình tốt hơn các bên khác, và thật dễ hiểu tại sao.

    Hệ sinh thái đằng sau những linh kiện iPhone hỏng: Phần 3 - Con nuôi liệu có bằng con đẻ? - Ảnh 8.

    Không khó để hiểu tại sao Apple lại không muốn các cửa hàng độc lập tự sửa iPhone với các bộ phận ít được tối ưu và có thể không phù hợp với tiêu chuẩn của Apple. Nhưng đồng thời, Apple cũng đang vận hành chương trình ủy quyền sửa chữa mà các cửa hàng sửa chữa cảm thấy nó quá ngặt nghèo, quá đắt đỏ và lãng phí.

    Nhu cầu cho việc sửa chữa dễ tiếp cận hơn, rẻ hơn đã dẫn đến việc cộng đồng sửa chữa độc lập phát triển và tạo ra một thị trường linh kiện bên thứ ba khổng lồ nhưng không được kiểm soát, cuối cùng dẫn đến việc tạo ra trang web đưa ra các tùy chọn sửa chữa khó hiểu, dễ gây nhầm lẫn làm khách hàng khó điều hướng.

    Không có quyền tiếp cận với những bộ phận chính hãng hay các thông số kỹ thuật về linh kiện Apple, các cửa hàng sửa chữa độc lập sẽ phải tiếp tục sửa chữa với bất cứ thứ gì có trong tay, và bất chấp các cảnh báo của Apple, một số khách hàng vẫn tiếp tục chọn bên nào rẻ hơn.

    Luật Quyền được Sửa chữa sẽ làm toàn bộ mớ hỗn độn này trở nên thú vị hơn, bởi vì hệ sinh thái sửa chữa dường như đang hướng tới các thay đổi quan trọng. Hoặc các Quyền trong luật Sửa chữa này được thông qua, hoặc luật này sẽ hoàn toàn biến mất, mở ra cho Apple một con đường rõ ràng hướng tới việc sửa chữa độc quyền và loại bỏ dần các nhà sửa chữa độc lập.

    Tham khảo MacRumors

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ