Henri Cartier-Bresson - Bậc thầy mẫu mực của nhiếp ảnh báo chí hiện đại

    Tuấn Lê,  

    Henri Cartier-Bresson thực sự là ai mà lại mang tầm ảnh hưởng lớn đến với nền nhiếp ảnh báo chí thế giới?

    Được tôn vinh là một trong những nhiếp ảnh gia vĩ đại nhất mọi thời đại và được xem là cha đẻ của nền nhiếp ảnh báo chí, Henri Cartier-Bresson thực sự là ai mà lại mang tầm ảnh hưởng lớn đến như vậy?

     Henri Cartier-Bresson cùng Leica của ông.

    Henri Cartier-Bresson cùng Leica của ông.

    Sinh ngày 22 tháng 8 năm 1908 tại Pháp, nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson là một trong số những người đầu tiên sử dụng phim 135 (tương đương cảm biến full frame trên kỹ thuật số ngày nay). Ông được tiếp xúc với hội họa cùng văn học từ rất sớm và có niềm đam mê với môn nghệ thuật này, đặc biệt là trường phái siêu thực. Đến năm 1932, sau một năm sống tại Bờ Biển Ngà, ông đã tìm đến Leica - chiếc máy ảnh được ông tin chọn sử dụng mãi đến sau này - và bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh từ đây.

    Chiếc máy Leica đầu tiên của Henri Cartier-Bresson.
    Chiếc máy Leica đầu tiên của Henri Cartier-Bresson.

    Chỉ 1 năm sau, ông đã có buổi triển lãm ảnh đầu tiên tại phòng ảnh Julien Levy ở New York. Trong suốt cuộc đời cầm máy, ông miệt mài lang thang khắp các con phố ngõ hẻm, quan sát và nắm bắt mọi khoảnh khắc quan trọng. Những tác phẩm của ông đều có một câu chuyện rất riêng và tạo nên cảm hứng cho rất nhiều nhiếp ảnh gia sau này.

    Vốn là một người bị ảnh hưởng trường phái siêu thực trong hội họa cùng lối tư duy của một nhà văn, Cartier-Bresson tạo nên một phong cách nhiếp ảnh rất riêng. Đó là sự sắc bén, trung thực, cổ điển và chuẩn xác, nhưng đâu đó vẫn mang đến sự nổi loạn, sẵn sàng đập tan mọi bức tường quy luật để khám phá ra một hình thức tự do hoàn toàn mới.

    Con mắt "siêu phàm" của ông đã đem lại cái đẹp thoảng thốt của Châu Phi thập niên 20 của thế kỷ XX, nét bi tráng của cuộc nội chiến Tây Ban Nha, những cảnh tượng oai hùng ngày thủ đô Paris giải phóng khỏi ách Đức Quốc Xã, sự ra đi của Thánh Mahatma Gandhi của Ấn Độ, sự sụp đổ của bức tường Berlin....cho đến những bức ảnh đời thường như: Sau nhà ga Saint Lazare hay bức ảnh có nhan đề Sifnos chụp tại Hy Lạp năm 1961…

    Chân dung Mahatma Gandhi.
    Chân dung Mahatma Gandhi.

    Không chỉ dừng lại ở công việc của một người thu thập tin tức, Cartier-Bresson còn chú tâm rất nhiều đến kỹ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối. Chính vì vậy, những tác phẩm của ông đều có sức hút rất lớn, đậm chất thơ văn và bố cục cực kỳ tinh vi như thể đã được sắp đặt một cách hoàn hảo.

    Bên cạnh việc chụp ảnh báo chí, Henri Cartier-Bresson còn lấn sân sang thể loại ảnh chụp đường phố. Chỉ với chiếc máy ảnh Leica nhỏ gọn, ông đã có thể tiếp cận được rất nhiều chủ thể và khoảnh khắc ở nhiều nơi trên phố Paris lẫn châu Âu và châu Á.

    Trong suốt 6 thập kỉ chu du thế giới, Cartier-Bresson đã để lại một kho tàng ảnh quý giá thuộc các thể loại từ báo chí, tư liệu, đường phố, chân dung và đây là nguồn đề tài học hỏi của rất nhiều người học chụp ảnh sau này noi theo. Đáng chú ý hơn, ông có hơn 400 bức ảnh được vinh dự trưng bày tại bảo tàng Louvre danh tiếng, một kỷ lục mà khó có một nghệ sĩ nhiếp ảnh nào có được.

    Không chỉ nổi tiếng với những bức ảnh, Cartier-Bresson còn viết rất nhiều sách và dựng phim về chủ đề nhiếp ảnh. Trong đó nổi tiếng nhất là cuốn "The Decisive Moment" xuất bản năm 1952 bàn về khoảnh khắc quyết định trong nhiếp ảnh.

    Bìa sách The Decisive Moment xuất bản năm 1952.
    Bìa sách The Decisive Moment xuất bản năm 1952.

    Ngoài ra, ông còn là người sáng lập ra Magnum Photo, một tổ chức nhiếp ảnh được thành lập ra vào năm 1947. Ban đầu, tổ chức này được thành lập bởi ông cùng một số người bạn nhằm mục đích tập hợp và chia sẻ những kinh nghiệm họ trải qua trong thời kỳ Thế chiến thứ hai. Đây cũng là tổ chức do chính các nhà nhiếp ảnh sở hữu điều hành (khác với các hãng thông tấn ảnh được điều hành bởi những công ty kinh doanh chuyên biệt). Tổ chức này có sự góp mặt của rất nhiều phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng và từng ghi lại nhiều khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử thế giới.

    Đến năm 1968, ông bắt đầu ngưng chụp ảnh và chuyển sang tập trung hơn vào mảng hội họa. Năm 2003, ông cùng với vợ và con gái lập quỹ Henri Cartier-Bresson nhằm lưu giữ lại những tác phẩm của mình. Cartier-Bresson mất vào ngày 03/08/2004 tại nhà riêng ở Provence, chỉ một vài tuần sau sinh nhật lần thứ 96 của ông. Sự ra đi của Henri Cartier Bresson là một mất mát lớn lao cho nền nhiếp ảnh thế giới, như cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã từng nói: “Nước Pháp mất đi một nhiếp ảnh gia thiên tài, một bậc thầy thật sự, một trong những nghệ sĩ tài ba nhất thuộc thế hệ ông và là một trong những người được kính trọng nhất trên thế giới”.

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày