Hiện có rất nhiều sự việc kì lạ đang diễn ra, nhưng nhà vật lý học Harvard tin rằng đó KHÔNG phải lỗi trong một chương trình giả lập

    Dink,  

    Và bà cũng khẳng định rằng chẳng có lý do gì để tin vào việc thế giới này là một thế giới giả lập cả.

    Mười hai tháng dài vừa qua, với từng ấy sự kiện bất ngờ làm chấn động thế giới: từ việc Leicester City giành vô địch Ngoại Hạng Anh, Leonardo DiCaprio giành giải Oscar đầu tiên cho tới quyết định nước Anh rời EU, chắc hẳn bạn cho rằng ta đang sống trong một thế giới giả lập nào đó – một thế giới vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, với đầy “bug” và lỗi.

    Nhưng dù Elon Musk có nói gì, Brian Green có đưa ra lý lẽ nào, thì theo như một nhà vật lý lý thuyết tại Harvard, bà Lisa Randall thì những sự việc kì lạ mà ta thấy dạo gần đây vẫn là cách hoạt động thường ngày của Vũ trụ. Bà đưa ra một con số 0 tròn trĩnh cho tỉ lệ việc con người đang sống trong một Vũ trụ giả lập.

    Toàn bộ vấn đề “vũ trụ giả lập” này xoay quanh giả thuyết mà nhà triết gia người Thụy Sĩ tại Oxford, ông Nick Bostrom đưa ra hồi năm 2003. Bostrom cho rằng ít nhất một trong ba khả năng sau là đúng:

    Con người sẽ diệt vong trước khi tới được giai đoạn “hậu con người”.

    Có rất ít khả năng rằng một nền văn hóa “hậu con người” nào đang chạy rất nhiều chương trình giả lập về lịch sử tiến hóa của họ.

    Gần như chắc chắn ta đang sống trong một chương trình giả lập máy tính.

    Giai đoạn “hậu con người” mà Bostrom đề cập nói tới khả năng vào một thời điểm nào đó trong tương lai, công nghệ của con người sẽ trở nên tiên tiến tới mức một chiếc máy tính có thể tạo nên môi trường giả lập của toàn bộ lịch sử loài người mà chỉ sử dụng ít hơn 1/1.000.000 sức mạnh xử lý của nó, trong vòng chỉ 1 giây.

     Triết gia Nick Bostrom.

    Triết gia Nick Bostrom.

    Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng nền văn hóa “hậu con người” đó xây dựng nên một mạng lưới “giả lập tổ tiên” khổng lồ. Trong đó, họ có thể tải lên tiềm thức của tổ tiên mình, cho phép họ “sống” trong thế giới ấy, trong khuôn khổ của một chương trình máy tính khổng lồ. Tất nhiên, khi từ “tiềm thức” được áp dụng vào những sinh vật sống trong môi trường giả lập kia, họ chắc hẳn muốn có những quyền riêng của mình chứ không phải là một giống loài nô lệ máy móc. Và đó chính là điểm khiến chúng ta giật mình nhận ra: những sinh vật giả lập ấy giống với con người hiện đại.

    Về cơ bản, triết gia Nick Bostrom nói rằng hoặc con người sẽ chết trước khi bất kì điều nào trong số những sự việc trên diễn ra; hoặc không nền văn hóa tiên tiến nào muốn xây dựng nên một môi trường giả lập như vậy (khá là vô nhân tính, nếu nhìn theo một cách nào đó); hoặc chúng ta đã đang sống trong môi trường giả lập đó rồi.

    Nhưng Lisa Randall lại không đồng ý với những ý kiến trên. “Tại thời điểm này, ta không thể chứng minh rằng ta đang sống hoặc không sống trong một môi trường giả lập. Hơn nữa, chẳng có lý do nào để tin vào điều đó cả”, bà nói.

    Tuy nhiên, ta có thể chắc chắn rằng con người có thể làm nên những điều tuyệt vời mà cũng có thể tạo ra những mớ hỗn độn không thể tưởng tượng được”.

     Bà Lisa Randall.

    Bà Lisa Randall.

    Bà dựa vào chính tỉ lệ mà Elon Musk đã đưa ra (99,99999999%) để lập luận ngược lại, biến nó thành một trong những lý do lớn nhất tại sao giả thuyết giả lập này không đúng.

    Một phần vấn đề đó là những tỉ lệ kia phải có một ý nghĩa được xác định, hoặc chỉ hữu ích khi mà có một ý nghĩa hợp lý hỗ trợ nó. Chỉ khi đó, giữa tất cả những viễn cảnh có thể xảy ra, ta mới có thể nói rằng điều nào có tỉ lệ cao hơn hay thấp hơn”, bà nói.

    Khi mà chúng ta chạm tới khả năng của sự vô tận ... những tỉ lệ kia trở nên vô nghĩa. Ý tôi là, tôi có thể nói rằng theo tỉ lệ, tôi là người Trung Hoa, bởi lẽ số lượng người Hoa nhiều hơn người Mỹ rất nhiều. Nhưng hiển nhiên là tôi không phải người Hoa. Vì thế, tỉ lệ là một điều rất khó xác định, bạn phải rất cẩn thận với ý đồ của mình khi nêu ra chúng”.

    Bà Randall cũng bổ sung rằng chúng ta cũng đã quá tự cao tự đại khi nghĩ rằng một nền văn hóa tiên tiến nào đó lại chọn chúng ta – con người để mà xây dựng một hệ thống giả lập. Điều này có lẽ chỉ đúng khi mà nền văn hóa tiên tiến kia thấy con người là một giống loài xứng đáng được đưa vào một hệ thống giả lập.

    Đa phần là con người tự quan tâm lấy mình. Tôi không hiểu tại sao một giống loài thượng đẳng hơn lại muốn giả lập chúng ta”, bà nói.

    Và bà Randall nghĩ rằng đó chính là luận điểm cuối cùng, vững chắc nhất mà bà có thể đưa ra để kết thúc vụ việc này. Hiển nhiên vẫn có những ý kiến trái chiều về việc này, trong đó có ý kiến của nhà vũ trụ học Max Tegmark từ Viện Công nghệ Massachusetts MIT, rằng “Nếu chúng ta là một nhân vật trong một trò chơi điện tử khổng lồ, dần dần ta sẽ phát hiện ra được rằng luật lệ của trò chơi hoàn toàn khắt khe, tuân theo toán học”.

    Đáng nghi ngờ thay, những điều trên nghe rất giống các định luật vật lý hiện tại. Đó là điều James Gates, một nhà vật lý lý thuyết tại Đại học Maryland chỉ ra:

    Trong nghiên cứu của tôi, tôi thấy điều này rất kì lạ. Tôi muốn nhắc tới những dòng mã sửa lỗi – những thứ khiến cho những trình duyệt máy tính có thể hoạt động được. Tại sao chúng lại xuất hiện trong những đẳng thức mà tôi đang nghiên cứu, những đẳng thức về các hạt quark và electron và thuyết siêu đối xứng? Điều này làm tôi nhận ra rằng tôi không thể tiếp tục khẳng định những người như anh Max Tegmark là phi thực tế”.

    Hiển nhiên là việc “đổ thừa” mọi thứ cho lỗi hệ thống của chương trình giả lập này rất ... tiện, nhưng bà Randall nói rằng loài người nên tìm ra một lời giải thích nào đó thực tế hơn cho những bí ẩn của thế giới này, hơn là tin vào một môi trường giả lập khổng lồ.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ