Hiểu đúng về mỡ bụng và cách giảm cân, giảm vòng bụng bạn nên đọc

    Tiến Thuận,  

    Một số sự thật có thể làm các bạn bất ngờ đấy!

    Đây không phải là những nghiên cứu mới hay kiến thức mới cập nhật gì cả, nhưng chắc vẫn hữu ích với rất nhiều người, để có thêm kiến thức trong việc giảm cân.

    Việc tích tụ nhiều mỡ ở vùng bụng là nỗi ám ảnh hoặc ít ra cũng là điều khó chịu cho nhiều người, đặc biệt là phụ nữ. Do các yếu tố về gen, di truyền, thể tạng… nam giới hay bị tích mỡ ở vùng vai, ngực và bụng nhiều hơn các vùng khác ở cơ thể (apple-shaped appearance, cơ thể hình quả táo); còn nữ giới mỡ lại thường tích lũy ở vùng bụng, mông và đùi nhiều hơn các vùng khác (pear-shaped appearance, cơ thể có hình quả lê).

    Tuổi càng cao thì vấn đề này lại càng trở nên nghiêm trọng hơn, do tuổi cao chuyển hóa cơ thể giảm (tiêu hao ít năng lượng hơn), nên cơ thể càng tăng cường sự tích lũy mỡ. Ngoài ra, những thay đổi về nội tiết cũng góp phần vào việc này. Các hormone cortisol, giúp tăng cường việc chuyển hóa đường và mỡ bị suy giảm khi tuổi càng cao.

    Cái mà ai cũng thấy đó là ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi vùng bụng, mông, đùi bị tích nhiều mỡ. Đây là điều gây khó chịu cho nhiều người, đặc biệt phụ nữ. Nên nhiều người có suy nghĩ và cố thực hiện các biện pháp để giảm tích tụ mỡ ở những vùng này. Nhưng phải khẳng định luôn, điều này là gần như KHÔNG thể thực hiện được.

    Mỡ tích lũy trong cơ thể chúng ta có thể tạm phân chia thành 2 dạng: mỡ dưới da và mỡ ở các cơ quan (tạng) trong cơ thể. Mỡ dưới da thì rất dễ nhận biết, mỡ ở các cơ quan trong cơ thể có thể phát hiện dựa vào siêu âm hay chụp phim (cộng hưởng từ, CT...). Mỡ dưới da gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhưng ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

    Mỡ trong cơ thể nguy hiểm hơn, bao xung quanh tim, phổi, gan, dạ dày, ruột… Mỡ trong cơ thể tăng cao là yếu tố thuận lợi dẫn đến nhiều bệnh như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, loãng xương... Kể cả có một số người trông tương đối gầy, nhưng vẫn có nhiều mỡ tích lũy ở bên trong cơ thể.

     Hình bên trái là một trái tim khỏe mạnh. Hình bên phải là một trái tim bị mỡ bao bọc bên ngoài

    Hình bên trái là một trái tim khỏe mạnh. Hình bên phải là một trái tim bị mỡ bao bọc bên ngoài

    Do nhu cầu về thẩm mỹ mà chúng ta có xu hướng để ý đến mỡ dưới da nhiều hơn, đặc biệt là mỡ dưới da ở các vùng kể trên, không muốn chúng xuất hiện.

    Một số người có suy nghĩ rằng, tập gập bụng sẽ làm giảm mỡ bụng, tập đùi sẽ làm giảm mỡ đùi, hay tập chống đẩy sẽ làm giảm mỡ vùng vai… tuy nhiên điều đó là sai hoàn toàn. Rất nhiều các nghiên cứu đã cho thấy, tất cả các bài tập thể dục đều KHÔNG thể giảm mỡ cục bộ tại một bộ phận nào đó (bụng, mông, đùi…), mà sẽ có tác dụng toàn thân, nếu giảm mỡ sẽ giảm đều ở tất cả các vùng trong cơ thể.

    Kể cả việc dùng các biện pháp như mát xa tại chỗ, hay chườm nóng cũng KHÔNG có bất cứ một hiệu quả nào trong việc làm tan hay tiêu mỡ tại chỗ. Trừ khi là hút mỡ trực tiếp tại chỗ, nhưng thường sau khi hút mỡ, mỡ từ các vùng khác của cơ thể cũng sẽ lại bù vào khu vực đó rất nhanh. Tuy nhiên, nếu bạn tập bụng, đùi, vai… thì cơ chỗ đó sẽ phát triển hơn.

    Trên thị trường cũng quảng cáo một số loại thực phẩm chức năng có tác dụng tăng cường chuyển hóa mỡ, giảm tích tụ mỡ, giảm mỡ vùng bụng, đùi… nhưng đó đều là của các công ty ít tên tuổi. Hiện nay, trên thế giới chưa có bất cứ nghiên cứu nào, chứng tỏ dùng thuốc có thể giảm tích lũy mỡ ở những vùng như bụng, eo, đùi (thuốc hạ mỡ máu thì có). Ở Mỹ, FDA (cơ quan quản lý thuốc) cũng chưa hề cấp phép cho loại thuốc này. Các công ty dược nổi tiếng thế giới như GSK, Pifzer, Roche… cũng không hề có loại thuốc nào như vậy.

    Do vậy, việc cơ thể tích lũy mỡ ở một số vùng (bụng, đùi…) nhiều hơn các phần khác là hoàn toàn do các yếu tố như gen, giới tính, di truyền, tuổi… xác định. Chúng ta không thể thay đổi được điều này. Chỉ có một cách duy nhất là giảm mỡ toàn cơ thể, thì những vùng này lượng mỡ tích lũy cũng sẽ giảm theo. Tóm lại khi năng lượng đưa vào cơ thể (qua thức ăn) nhiều hơn năng lượng chúng ta tiêu hao thì ta sẽ tăng cân. Còn nếu năng lượng đưa vào ít hơn năng lượng tiêu hao thì sẽ giảm cân.

    Một số người cho rằng, việc ngồi nhiều (như nhân viên văn phòng...) sẽ làm bụng to, điều này chỉ đúng một phần. Do ngồi nhiều nên ít vận động, ít tiêu hao năng lượng sẽ làm cơ thể chúng ta tăng tích lũy mỡ, chứ bản thân việc ngồi không hề làm tăng tích lũy mỡ vùng bụng, hay làm bụng to ra.

    Việc giảm mỡ toàn cơ thể cần phải kết hợp cả 2 biện pháp, ăn uống và tập luyện. Trong ăn uống các bạn chú ý không chỉ giảm mỡ, mà phải giảm cả đường. Lưu ý, kể cả cơm hay bánh mỳ có chứa nhiều tinh bột cũng là đường, một số loại hoa quả cũng có rất nhiều đường. Tập luyện để giảm mỡ nên dùng các bài tập cardio tiêu hao nhiều năng lượng, nghĩa là các bài tập duy trì sức bền như chạy, leo dốc, bơi, đi xe đạp.

    Một lưu ý nữa trong việc giảm cân là phải GIẢM LƯỢNG MỠ chứ không phải giảm trọng lượng cơ thể đơn thuần. Ví dụ sau khi tắm hơi các bạn có thể giảm từ 1-2kg, nhưng đó chỉ là sự mất nước của cơ thể. Hay như nếu tính theo chỉ số cơ thể BMI (Body Mass Index- chỉ số khối cơ thể), những vận động viên thể hình như Lý Đức hay Phạm Văn Mách có lẽ sẽ bị xếp vào loại béo phì. Nên việc tính BMI không hoàn toàn chính xác, do những vận động viên đó có khối lượng cơ lớn, lượng mỡ ít.

    Nếu giảm trọng lượng cơ thể do lượng cơ (thịt) bị giảm thì đó là một điều cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe. Lý tưởng trong việc giảm cân và tập luyện là TĂNG LƯỢNG CƠ và GIẢM LƯỢNG MỠ. Chúc các bạn có một cơ thể như ý!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày