Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl

    zknight. Thiết kế: Trường Dương,  

    Nếu sống được cho tới sáng mai, chúng ta sẽ trở thành những người bất tử.

    Một trong những đoạn phim đầu tiên của Miniseries Chernobyl do đài HBO sản xuất lấy bối cảnh từ bên ngoài toà nhà ký túc xá dành cho lính cứu hỏa ở thị trấn Pripyat, Ukraine.

    1:23:45 ngày 26 tháng 4 năm 1986, Vasily Ignatenko bị đánh thức bởi một tiếng nổ, theo sau đó là một rung chấn tương đương với trận động đất 2,5 độ Richter.

    "Lyudmilla", anh gọi người vợ mới cưới của mình.

    Họ đang sống những ngày tháng êm đềm và hạnh phúc nhất cuộc đời. Vasily mới 25 tuổi còn Lyudmilla khi ấy mới 22. Anh luôn nắm tay cô bất kể đâu, khi đi dạo hoặc vào siêu thị. Còn cô, thi thoảng sẽ ghé vào tai Vasily và nói "Em yêu anh". Người ta thường hay bắt gặp cặp đôi hôn nhau, họ đi qua và mỉm cười chúc phúc.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 1.

    Vasily quan tâm Lyudmilla như một đứa trẻ. Mỗi khi đi làm, anh không bao giờ quên chỉnh lại mũ và khăn quàng cổ cho cô, sợ cô ở nhà bị cảm lạnh. 

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 2.

    Như bất kể một người phụ nữ nào trên đời này nhận được sự che chở như vậy, Lyudmilla luôn cảm thấy hạnh phúc. Trên hết là một cảm giác an toàn khi ở bên cạnh Vasily, có anh ở đây chẳng có chuyện tồi tệ gì có thể xảy ra cả.

    ***

    Lyudmilla thậm chí đã tỉnh dậy trước cả Vasily, đêm đó cô buồn nôn, có lẽ đã thai nghén đứa con đầu lòng cho anh. Vasily thì vẫn ngủ. Anh đặt chuông báo thức sớm lúc 4 giờ sáng. Ngày mai cặp đôi có kế hoạch về quê thăm bố mẹ ở Sperizhye một ngôi làng miền quê Belarus cách Pripyat chỉ 40 km.

    Họ dự định sẽ cùng nhau trồng khoai tây, Vasily thích việc cày xới và gieo mầm cho những sự sống. Nhưng anh biết có lẽ mình sẽ phải gác kế hoạch ấy lại.

    Nhìn ra bên ngoài cửa sổ, Vasily và Lyudmilla thấy nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đang cháy. Có một cột lửa cao rọi lên nền trời, màu sắc của nó rất kỳ lạ. "Đóng cửa sổ và trở lại giường đi em. Có cháy ở lò phản ứng. Anh sẽ quay lại sớm thôi", Vasily nói với vợ sau khi nhận được lệnh tổng động viên tới Chernobyl.

    Họ thông báo đám cháy ở mái nhà máy, đoán rằng có ai đó rọi đèn pha lên nền trời khiến cột lửa mang màu sắc kỳ lạ. Không một ai nói với những người lính cứu hỏa rằng đó là một đám cháy phóng xạ, rằng lõi của lò phản ứng đã nổ tung.

    Bất cứ ai đến Chernobyl có thể sẽ phải nhận một liều phóng xạ lên tới 1.600 rem - 400 là mức đủ để gây chết người.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 3.

    1:30 sáng, chỉ 7 phút sau vụ nổ, những người lính cứu hỏa đã có mặt tại Chernobyl. Trước mắt họ là một khung cảnh hoang tàn đổ nát. Một ngọn lửa lớn bao trùm trên lò phản ứng số 4, mái của nó bị thổi bay một mảng, thoát ra khỏi đó là một luồng khói bốc lên cao ngút.

    Các bức tường của tòa nhà vẫn còn run rẩy sau vụ nổ, hòa vào đó là tiếng xì của hơi nước, tiếng lửa cháy lách tách. Dưới mặt đất, kính vỡ, bê tông và các mảnh kim loại vương vãi khắp mọi nơi. Rải rác trong đó là những khối than chì vẫn còn nóng đỏ.

    "Này, đây là cái thứ gì vậy?", một trong những người lính cất tiếng hỏi. "Đó là ruột lò phản ứng", có tiếng đáp lại. "Nếu sống được cho tới sáng mai, chúng ta sẽ trở thành những người bất tử".

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 4.

    Những người lính, không một ai mặc đồ bảo hộ phóng xạ, họ dùng chân đá những mẩu than chì dưới đất, thứ vật chất từng bao lấy lõi uranium trong lò phản ứng RBMK.

    Trong bóng tối xung quanh là hàng trăm nguồn bức xạ ion hóa gây chết người: các cục than chì, các mảnh lắp ráp nhiên liệu và các viên uranium dioxide của lò phản ứng liên tục phát ra những tia gamma vô hình đạt tới ngưỡng hàng ngàn roentgen mỗi giờ.

    Một trong những đoạn phim ám ảnh nhất tập đầu của seri Chernobyl quay lại cảnh Misha, một đồng nghiệp của Vasily cầm mảnh than chì lên tay. Chẳng mấy chốc sau đó, cả bàn tay của anh ta phồng rộp lên vì bị bỏng xạ.

    Cảm nhận được một điều gì đó chẳng lành giữa khoảnh khắc đồng đội gào lên đau đớn, Vasily nhận được lệnh kéo vòi tiến lên mái để dập đám cháy ngay phía trên lò phản ứng.

    Đối với những người lính, chỉ có ngọn lửa hữu hình trước mặt là nỗi đáng sợ hơn cả. Gió đang thổi từ phía tây, và nếu họ không nhanh đám cháy sẽ lan sang cả lò phản ứng số 1 và số 2 vẫn còn đang chạy.

    Chần chừ một lúc, Vasily xách vòi nước và tiến vào tử địa.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 5.

    Vasily sinh ra ở Sperizhye, một ngôi làng của Belarus chỉ cách Pripyat 40 km. Bố mẹ anh là những người nông dân. Họ không muốn con trai lên thành phố nên đã xây cho anh một ngôi nhà ở quê.

    Nhưng rồi Vasily đi nghĩa vụ quân sự, anh phục vụ trong đội cứu hỏa ở Moscow. Sau khi xuất ngũ, anh ấy muốn trở thành một người lính cứu hỏa thực thụ. Cùng với làn sóng những người trẻ đổ về thị trấn nguyên tử Pripyat, Vasily đeo hàm trung sĩ và phục vụ tại trạm cứu hỏa số 6.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 6.

    Lyudmilla thì đến đó từ Ivano-Frankivsk, một thành phố bên bờ sông Dniester phía tây nam Ukraine. Cô gái học nấu ăn ở trường Ẩm thực Burshta và được gửi đến Chernobyl sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc. 17 tuổi, Lyudmilla làm việc như một đầu bếp trong nhà máy.

    Vasily gặp Lyudmilla lần đầu khi đến thăm một người bạn chung ký túc xá. Chàng lính cứu hỏa thông minh và hóm hỉnh lập tức xà vào vào bếp bắt chuyện với người con gái đảm đang đang nấu nướng cho họ. Hai người nói chuyện về nhiều thứ, cho đến khi Lyudmilla hỏi: "Anh nghĩ mẫu người như Tryndychiha thế nào?".

    "Em thấy đấy, Tryndychiha không xứng làm chồng em đâu", Vasily nhìn cô gái với đôi mắt quyến rũ và một nụ cười. Đêm đó, anh đưa cô về nhà và họ bắt đầu hẹn hò.

    Sau khoảng 3 năm yêu nhau, Vasily và Lyudmilla làm đám cưới. Họ chuyển đến sống trong ký túc xá của những người lính cứu hỏa. Có tất cả 5 cặp vợ chồng trẻ sống cùng nhau ở đây, họ chia sẻ chung một căn bếp ấm cúng.

    Từ cửa sổ phòng của Vasily và Lyudmilla, họ có thể nhìn thấy nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Đối với một cặp vợ chồng trẻ ở Liên Xô thời ấy, đó là cả một niềm tự hào.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 7.

    Con đường zigzag đi lên mái lò phản ứng được sắp hàng thành bậc bởi những đống bê tông đổ vỡ. Vasily cùng đồng đội kéo những vòi nước lên mái lò phản ứng số 3. Ở độ cao 8 tầng lầu, họ có thể nhìn thẳng xuống đống đổ nát của lò phản ứng số 4 bên cạnh.

    Những người lính lúc này đã tiếp cận được những đám cháy xung quanh đó, trên mái, chân ống khói, sảnh số ba và trên đỉnh tua bin. Nhiều đám cháy lớn nhỏ bùng phát dữ dội, một số có ngọn lửa cao tới 1,5 m, số khác nhỏ hơn nhưng sáng chói một cách kỳ lạ. Không khí tràn ngập khói đen, và còn có một thứ gì khác nữa đem lại vị như kim loại.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 8.

    Sau khi vòi được mở, những người lính cứu hỏa đã bơm ra một lượng nước nhiều hơn bất kể lần nào họ được huấn luyện. Nhưng những đám cháy dường như đã bị đốt lên bởi một thứ còn dã man hơn thế: lõi uranium nóng tới 4.000 độ, chúng đã bốc cháy khi tiếp xúc với không khí sau vụ nổ, gặp nước lại giải phóng oxy, hydro và hơi phóng xạ.

    ***

    5:00 sáng, cuối cùng những người lính cũng khống chế được tất cả những ngọn lửa nhìn thấy được ở Chernobyl. Chỉ còn lại duy nhất một cột khói từ đám cháy than chì vẫn đang âm ỉ phía bên trong lõi lò phản ứng số 4.

    Đổi lại, tất cả những người lính đều đã bị phơi nhiễm phóng xạ nặng. Họ cảm thấy chóng mặt, đau đầu, một số nôn mửa. Khuôn mặt của một số người tím tái, trong khi số khác thì trắng bệch không còn chút sức sống.

    Một tốp lính chạy xuống từ cầu thang liên tục nôn mửa. Vasily kéo được hai người đồng đội của mình ra khỏi khu vực ngay khi lửa tắt. Sau đó thì cả ba đều bất tỉnh. Họ được đưa đến bệnh viện.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 9.

    Bức xạ có mặt ở mọi nơi xung quanh chúng ta, từ ánh sáng mặt trời đến các tia vũ trụ. Khi bạn đi máy bay hoặc đứng trên đỉnh núi, mức độ phơi nhiễm bức xạ mà cơ thể bạn phải chịu đựng sẽ cao hơn một người đang đứng ở bờ biển.

    Các lớp trầm tích cũng chứa vật liệu phóng xạ, chúng được dùng để làm ra đá granite và gạch. Bởi vậy, ngôi nhà bạn ở ngay lúc này cũng phát ra một chút bức xạ. 

    Ngay cả các mô sống cũng phóng xạ ở một mức độ nào đó: Một quả chuối, thậm chí cả cơ thể con người chứa một lượng nhỏ kali 40. Cơ thể nam giới chứa nhiều kali hơn nữ giới, bởi vậy họ có tính phóng xạ mạnh hơn.

    Bức xạ là vô hình, không có mùi và cũng không có vị. Không có một ngưỡng nhất định mà ở đó tiếp xúc với bức xạ được coi là an toàn. Nhưng các tia bức xạ sẽ trở thành mối nguy hiểm rõ ràng, nếu các hạt và sóng phát ra đủ mạnh để biến đổi hoặc phá vỡ các nguyên tử hình thành nên mô sinh vật sống.

    Các bức xạ năng lượng cao này được gọi là bức xạ ion hóa.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 10.

    Bức xạ ion hóa có ba dạng chính: hạt alpha, hạt beta và tia gamma. Các hạt alpha tương đối lớn, nặng và di chuyển chậm nên không thể xâm nhập vào da; thậm chí một tờ giấy có thể chặn đúng chúng lại.

    Nhưng nếu hạt alpha tìm cách xâm nhập được vào bên trong cơ thể qua các con đường khác, chẳng hạn như nuốt hoặc hít phải hạt alpha có thể gây ra thiệt hại nhiễm sắc thể và tử vong.

    Các hạt beta nhỏ hơn và di chuyển nhanh hơn các hạt alpha. Chúng có khả năng xâm nhập sâu hơn vào mô sống, gây bỏng trên da và các tổn thương di truyền lâu dài. Một mảnh giấy nhôm sẽ chặn được hạt beta, hoặc đứng cách nguồn phát xạ 3 m sẽ tương đối an toàn. Nhưng cũng giống như hạt alpha, nuốt phải hạt beta là cực kỳ nguy hiểm.

    Tia gamma là những sóng cao tần di chuyển với tốc độ ánh sáng. Đó là loại bức xạ mang năng lượng cao nhất và mạnh nhất. Chúng có thể tấn công qua một khoảng cách lớn, xuyên qua bất cứ thứ gì ngay cả bê tông hoặc một miếng chì dày.

    Đối với cơ thể con người, tia gamma sẽ xuyên thẳng qua bạn mà không hề giảm tốc độ. Nó giống như một viên đạn siêu nhỏ đâm thủng mọi tế bào chúng gặp phải trên đường đi.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 11.

    Tác động sinh học của bức xạ đối với cơ thể con người được đo bằng rem, xác định bởi sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố bao gồm: loại bức xạ; thời gian tiếp xúc; có bao nhiêu bức xạ thâm nhập vào cơ thể, ở vị trí nào, bởi mỗi bộ phận khác nhau trong cơ thể nhạy cảm với tác hại của bức xạ ở mức khác nhau.

    Đối với những người lính cứu hỏa làm nhiệm vụ trên mái lò phản ứng Chernobyl, họ đã phải tiếp nhận một lượng phóng xạ lên tới 1.600 rem, tương đương với 160.000 lần chụp X-quang ngực.

    Mức bức xạ này lập tức gây ra hội chứng nhiễm xạ cấp tính (ARS), trong đó, những mô sinh học cấu thành cơ thể con người bị phá hủy ở mức độ tối đa. Các triệu chứng bao gồm buồn nôn, ói mửa, xuất huyết và rụng tóc.

    Không lâu sau đó, hệ thống miễn dịch của người bệnh sẽ sụp đổ, tủy xương của họ cạn kiệt, các cơ quan nội tạng tan rã. Các bộ phận cơ thể nơi tế bào phân chia nhanh chóng như tủy xương, da và đường tiêu hóa có nguy cơ ảnh hưởng đầu tiên, tiếp đó là đến các cơ quan khác như tim, gan và não.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 12.

    Trung tâm Y tế -Vệ sinh Dịch tễ số 126 ở Pripyat là một khu phức hợp với 400 giường bệnh, 1.200 nhân viên y tế và một nhà hộ sinh khổng lồ. Tất cả được thiết kế để phục vụ cho một thành phố nguyên tử với dân số trẻ đang trỗi dậy.

    Kịch bản đối phó với một thảm họa hạt nhân chưa được chuẩn bị - nhất là vào thứ 7 khi đa số các bác sĩ nghỉ ở nhà.

    Số bác sĩ trực và nhân viên y tế ít ỏi còn lại ngay lập tức bị choáng ngợp bởi đoàn xe cứu thương đưa những nạn nhân đầu tiên từ Chernobyl tới. Họ không biết phải làm gì với những người lính cứu hỏa mặc đồng phục đang nôn mửa không ngừng, dù đã trút hết những gì trong dạ dày ra ngoài.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 13.

    Khi Lyudmilla tới được bệnh viện thì đã hơn 7 giờ sáng. Cô thấy cả người Vasily sưng phồng lên, mắt anh ấy híp hẳn lại. Các bác sĩ chỉ nói rằng những người lính bị ngộ độc khói, và thứ họ cần là một vài lít sữa.

    Lyudmilla vào làng mua sữa, nhưng khi cô quay lại bệnh viện thì một hàng rào an ninh đã được thiết lập.

    Trong bệnh viện, các bác sĩ lúc này đã nhận ra điều gì thực sự xảy ra với những người lính cứu hỏa. Họ không bị ngộ độc khói, mà đó là các triệu chứng của tình trạng nhiễm xạ cấp tính. Tất cả được yêu cầu cởi bỏ quần áo và tư trang, bao gồm cả tiền bạc và thẻ Đảng. Các đồ vật bị nhiễm xạ được chuyển xuống tầng hầm bệnh viện.

    Những y tá ngay lập tức tìm đến các hộp cứu trợ khẩn cấp, trong đó có thuốc và các ống truyền tĩnh mạch dùng một lần cho các nạn nhân nhiễm phóng xạ. Nhưng cơ sở vật chất ở bệnh viện Pripyat không đủ để cứu chữa cho những người lính, họ sẽ phải chuyển tới Moscow.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 14.

    Đứng lẫn giữa một biển người bên ngoài bệnh viện Pripyat, Lyudmilla không thể gặp được Vasily tối hôm đó. Cô chỉ có thể đứng dưới cửa sổ căn phòng anh đang nằm. Vasily nói vọng xuống: "Hãy rời đi càng sớm càng tốt. Họ sẽ chuyển anh tới Moscow, anh không sao, đừng lo lắng".

    Nhưng làm sao để rời đi, cả Pripyat khi đó đã đóng cửa giới nghiêm. Tàu và xe điện ngừng chạy, mọi con đường bị chặn lại, người dân không thể gửi thư tín và cũng không thể gọi điện thoại. Xe quân sự tràn ngập trị trấn. Những người lính đeo mặt nạ đang rửa đường bằng bột trắng. Vẫn không có ai nói về bức xạ.

    Sáng hôm sau, tất cả các bà vợ và người thân của lính cứu hỏa đã tập hợp nhau lại thành một nhóm trước cửa bệnh viện. Họ muốn được đi cùng chồng tới Moscow. "Hãy để chúng tôi đi với chồng của chúng tôi! Các người không thể làm vậy!". Những bà vợ đấm và cào trong khi những người lính liên tục phải đẩy họ trở lại.

    Trước áp lực ấy, một bác sĩ bước ra và nói: "Được rồi, các bệnh nhân sẽ bay đến Moscow, nhưng họ sẽ cần mang theo quần áo". Lyudmilla cùng những người phụ nữ khác chạy thật nhanh về nhà. Xe bus đã ngừng chạy vì vậy họ đã phải đi bộ xuyên qua cả thành phố.

    Trớ trêu thay, khi những người phụ nữ trở lại với túi quần áo trên tay, chiếc máy bay đã cất cánh từ lâu. Bị lừa và bỏ lại, họ chỉ còn biết gào khóc.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 15.

    Lyudmilla vừa đi vừa khóc giữa những con đường vẫn còn bọt trắng xóa. Pripyat lúc này tràn ngập xe bus. Thị trấn đã được lệnh sơ tán. Loa phát thanh nói rằng mọi người phải tạm rời khỏi nhà 3-5 ngày. 

    Người dân được khuyến cáo mang một ít quần áo ấm, họ sẽ ở tạm trong rừng. Một số người cảm thấy vui mừng vì điều đó. Họ sẽ có một chuyến picnic để chào đón ngày Quốc tế lao động. Một số mang theo cả radio và đàn guitar. Chỉ có vợ của những người lính cứu hỏa là khóc.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 16.

    Lyudmilla trở về Sperizhye, nhà bố mẹ Vasily một mình. "Mẹ ơi, Vasya đang ở Moscow. Họ chở anh ấy bằng máy bay đặc dụng". Bố Vasily nhận định rằng con ông đang gặp phải một tình trạng nghiêm trọng. Thế là cả gia đình quyên góp tiền, họ rút hết tài khoản ngân hàng cho Lyudmilla bay tới Moscow. 

    ***

    "Cô có con chưa?", Angelina Vasilyevna Guskova, trưởng khoa X-quang tại Bệnh viện Số 6, Moscow hỏi cô gái đang năn nỉ được gặp chồng mình. Bà ấy cũng ngạc nhiên không biết bằng cách nào một người vợ của lính cứu hỏa Pripyat lại có thể đến Moscow nhanh tới vậy, lại còn tìm được đường tới tận đây.

    Đó là một vận may, Lyudmilla đã gặp một vị tướng trong trạm cứu hỏa Pripyat. Ông ấy cho cô số điện thoại của mình, đường dây duy nhất còn hoạt động ở thị trấn và hứa sẽ nói cho cô biết thông tin mà ông nắm được về những người lính.

    Xuống sân bay ở Moscow, Lyudmilla đã gọi về và ông ấy đã giữ lời hứa.

    "Rồi tôi có rồi", Lyudmilla đáp lại Guskova.

    "Bao nhiêu đứa?"

    "Một trai một gái".

    "Thế thì cô không cần sinh con nữa. Được rồi, nghe cho kỹ: Hệ thống thần kinh trung ương của chồng cô đã bị tổn thương hoàn toàn, hộp sọ cũng đã bị tổn thương hoàn toàn. Nghe tiếp này: Nếu cô không cầm được nước mắt, tôi sẽ đuổi cô ra ngoài ngay lập tức. Không ôm hay hôn. Thậm chí đừng đến gần anh ta. Cô có nửa tiếng đồng hồ".

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 17.

    Lyudmilla vào phòng khi Vasily đang cùng những người đồng đội chơi bài và cười nói vui vẻ. Cô trông anh rất ngộ nghĩnh trong bộ đồ ngủ cỡ 48, tay áo ngắn cũn cỡn và chiếc quần cũng vậy, có lẽ bệnh viện đã không có cỡ 52 của anh.

    "Thôi xong rồi! Ngay cả ở đây cô ấy cũng tìm thấy tôi", Vasily nói với những người bạn trong vui mừng. Mặt anh không còn sưng nữa, các triệu chứng nhiễm xạ cấp tính đã hoàn toàn biến mất. Cả những cơn chóng mặt, nôn mửa bám riết lấy họ từ Prypiat tới Moscow bây giờ cũng không còn.

    Hình ảnh của những người lính cứu hỏa trẻ khỏe đã trở lại. Chỉ có một số ít cảm thấy đau đầu nhẹ, chán ăn và khô miệng. Một số khác có da chuyển đỏ nhưng cũng chỉ hơi sưng ở vị trí đã tiếp xúc với tia gamma hoặc nước nhiễm xạ thấm qua quần áo.

    Chẳng có lí do gì để tin Guskova, khi vị trưởng khoa ấy cảnh báo Lyudmilla rằng cơ thể chồng cô đã bị tổn thương hoàn toàn. Vasily và những người lính trông như thể sắp được xuất viện.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 18.

    Thế nhưng, hội chứng nhiễm xạ cấp tính là một thứ gì đó hết sức kỳ lạ và tàn khốc. Sau khi nghiên cứu hàng loạt nạn nhân của nó ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945, các bác sĩ biết chính xác những gì sẽ xảy ra với những người lính cứu hỏa.

    Vasily và những đồng đội của mình đã leo lên mái lò phản ứng số 3. Ở đó, họ đã hít vào cơ thể khói chứa vô vàn các hạt alpha và beta. Lớp đồng phục vải đơn giản là không thể ngăn chặn bất kể một tia gamma nào phát ra từ các mảnh vỡ phóng xạ. Chúng chụp lấy DNA, phá hủy nó và các tế bào sẽ bắt đầu chết.

    Buồn nôn, ói mửa sẽ là những triệu chứng đầu tiên. Da của những người lính đỏ ửng sau đó sẽ chuyển sang màu xám sáp, lớp da ngoài cùng đã bị giết chết bởi phóng xạ. Thế nhưng, các thiệt hại bên trong cơ thể họ sẽ tạm trì hoãn trong vòng 18 tiếng đồng hồ, đó là khoảng thời gian các triệu chứng biến mất.

    Vasily và các đồng đội đang bước vào một giai đoạn trễ khá thoải mái. Họ được truyền kháng sinh để ngăn chặn nhiễm trùng. Các bệnh nhân có vẻ rất khỏe mạnh, nhưng đó chỉ là khoảng lặng trước cơn bão. Vasily đã phải nhận chẩn đoán nhiễm xạ độ 1: cấp độ được mô tả với cụm từ "không tương thích với sự sống".

    Mặc dù vậy, các bác sĩ vẫn muốn thử cứu anh ấy bằng một thủ tục: ghép tủy xương.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 19.

    "Bây giờ là ngày hay đêm?", Vasily cất tiếng hỏi.

    "Đã chín giờ tối rồi", Lyudmilla trả lời.

    "Mở cửa sổ xem em! Họ chuẩn bị bắn pháo hoa đấy!"

    Hôm đó là ngày 9 tháng 5, cả thành phố Moscow đang kỷ niệm Ngày chiến thắng Đức Quốc Xã, kết thúc thắng lợi cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Lyudmilla mở cửa sổ, căn phòng mà Vasily nằm trên tầng 8 của bệnh viện, từ đó cặp đôi có thể nhìn thấy cả thành phố, Quảng Trường Đỏ, Điện Kremlin, Tháp Spasskaya, Lăng Lenin và cả nhà thờ St. Basil’s.

    "Anh xem đẹp không này", Lyudmilla nói khi những quả pháo hoa nổ tung trong không trung.

    "Anh bảo rồi mà, một ngày nào đó anh sẽ đưa em đến Moscow. Và anh cũng từng hứa sẽ luôn mua hoa tặng em mỗi dịp lễ...", Vasily lấy ra từ dưới gối ba bông cẩm chướng mà anh đã đưa tiền nhờ y tá mua hộ.

    Lyudmilla chạy lại hôn anh. "Tình yêu của em! Em yêu anh, chỉ anh mà thôi".

    "Bác sĩ đã bảo em thế nào? Không được ôm anh cơ mà. Và cũng không được hôn". Lyudmilla đỡ Vasily ngồi dậy, dọn lại giường, đặt nhiệt kế. Hôm đó, họ thức với nhau cả đêm.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 20.

    Vasily đã được ghép tủy từ một người chị họ, Lyuda, một y tá 28 tuổi. Trước đó, các bác sĩ còn tìm được một người hiến tặng phù hợp hơn, Natasha, em họ của Vasily khi đó mới 14 tuổi. Nhưng thủ tục trích tủy rất tàn khốc.

    Nó đòi hỏi các bác sĩ phải chọc những cây kim to dài 15cm vào xương người hiến tặng. Sẽ mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, hàng chục cho tới cả trăm lần chọc tủy ở nhiều vị trí khác nhau để rút ra được đủ một hỗn hợp lỏng đỏ chứa tế bào gốc, các tế bào sản sinh máu mới để truyền sang cho nạn nhân nhiễm phóng xạ - với hi vọng phục hồi hệ miễn dịch cho họ.

    Vasily từ chối: "Tôi thà chết còn hơn. Con bé còn quá nhỏ. Đừng động đến con bé". Cho đến khi Lyuda đứng ra thế chỗ cho Natasha, Vasily mới chấp nhận. "Miễn sao em tôi còn sống", Lyuda nói trước khi nhận tới 18 lỗ hổng trên ngực, những mũi kim khiến cô ấy tê liệt.

    Ca phẫu thuật được thực hiện bởi bác sĩ Robert Gale, một nhà huyết học chuyên gia y tế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực ghép tủy đến từ Trung tâm Y tế Đại học California. Vasily được chuyển vào một giường bệnh đặc biệt mà Gale gọi là "hòn đảo sự sống".

    Đó là những giường bệnh được bao phủ bằng plastic như một tuyến phòng thủ quan trọng trong trận chiến, giúp các bác sĩ giữ được bệnh nhân của mình sống đủ lâu để phục hồi từ ca truyền tủy.

    Khi hệ miễn dịch của họ gần như đã bị phóng xạ phá hủy, không khí bệnh nhân hít thở cũng phải được lọc và khử trùng bằng tia cực tím. Các bác sĩ chăm sóc họ phải mặc quần áo vô trùng, hoặc chỉ được tiếp cận bệnh nhân từ bên ngoài tấm plastic, thông qua cánh tay cao su.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 21.

    Các nhân viên y tế đã cố gắng giữ Lyudmilla ở ngoài, nhưng bây giờ không có gì ngăn được cô ấy ở cạnh Vasily. Cô lẻn vào phòng khi các bác sĩ hết ca trực buổi tối. Lyudmilla ở đó mỗi đêm, cạnh Vasily vì không còn bất kể một y tá nào chăm sóc cho những người lính cứu hỏa ở đó nữa.

    Một phần vì họ sợ bị nhiễm xạ, một phần vì hình ảnh những người lính lúc này khiến họ khiếp sợ. Mặc dù đã phục hồi sau ca ghép tủy, tình hình chung của Vasily xấu đi trông thấy. Mỗi ngày, anh như lột xác trở thành một người mới.

    Các vết bỏng phồng rộp trở lại trên khuôn mặt. Trong miệng, trên lưỡi, trên má các vết thương nhỏ lớn dần. Da bong ra từng lớp, bọc lấy ngoài cùng cơ thể là một lớp da chết như phim trắng. Cả khuôn mặt, cơ thể Vasily loang lổ những mảng màu xanh da trời, trắng, đỏ, nâu xám.

    Tóc anh ấy bắt đầu rụng, phổi sưng lên và ngực ngày càng to. Vasily khó thở, khó ngủ và phải tiêm thuốc an thần cho đến khi thuốc giảm đau cũng không còn tác dụng. Các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể đã có dấu hiệu hoại tử. Toàn bộ cơ thể anh sưng phồng lên không thể mặc quần áo.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 22.

    Ban ngày, một số bác sĩ sẽ đến chụp ảnh anh ấy, vì mục đích khoa học. Họ che một mảnh vải nhỏ trên cơ thể anh. Tối đến, khi Lyudmilla đến và thay mảnh vải, nó dính đầy máu. Khi cô bế Vasily dậy, cánh tay cô dính đầy những mảnh da của anh.

    Vasily cố chống người dậy, Lyudmilla sẽ làm phẳng ga giường. Mỗi nếp gấp nào trên đó bây giờ cũng có thể cứa một vết thương vào da thịt anh ấy. Lyudmilla đã phải cắt móng tay đến bật máu để không vô tình làm tổn thương anh.

    Vasily không còn có thể ăn, dù các bác sĩ đã gợi ý cho anh ấy ăn trứng sống. Nhưng hệ tiêu hóa của anh ấy không còn làm việc. Thỉnh thoảng, Vasily nôn mửa. Chẳng có thức ăn nào trong dạ dày cả, thay vào đó là những mảnh phổi và gan trôi ra ngoài.

    Đến 11 giờ ngày 13 tháng 5 năm 1986, người lính cứu hỏa Vasily Ignatenko qua đời.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 23.
    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 24.

    Lyudmilla gào khóc như thể cả tòa nhà sẽ nghe thấy cô ấy. Cô mới chỉ rời anh 3 tiếng đồng hồ để đến tham dự tang lễ đồng nghiệp Vasily. Khi trở lại bệnh viện, y tá nói rằng "Anh ấy đã chết 15 phút trước". Những lời cuối cùng Vasily đã gọi tên cô: "Lyusya, Lyusenka".

    Kể từ đó, Lyudmilla không rời anh thêm một phút giây nào nữa. Những người lính mặc lại đồng phục cho anh ấy. Bởi toàn bộ cơ thể Vasily đã sưng phồng, họ phải cắt bộ đồng phục ra. Không có một đôi giày nào vừa với đôi chân phù nề của anh, họ đã chôn anh với đôi chân trần.

    Một chiếc túi nylon dày được chuẩn bị để bọc thi thể Vasily lại. Sau đó họ đặt anh vào một quan tài bằng gỗ. Chiếc quan tài được bọc lại bằng một lớp nylon khác rồi tất cả được đặt vào một quan tài kẽm. Nắp quan tài được hàn kín lại.

    "Những người lính này là những anh hùng. Thi thể của họ bây giờ không còn thuộc về gia đình nữa. Họ là những anh hùng của Liên Xô. Bây giờ họ thuộc về Liên Xô". Tất cả các quan tài kẽm được đưa tới một nghĩa trang ở Moscow. Họ chôn vùi chúng xuống một lớp bê tông dày để ngăn phóng xạ.

    Ở giữa nghĩa trang, một tượng đài được dựng lên. Nó là hình tượng một người đàn ông che chắn thành phố khỏi vụ nổ phóng xạ. Trên mỗi nấm mộ là một bức phù điêu bằng đá khắc lại chân dung những người lính cứu hỏa cùng những nạn nhân khác của vụ nổ ở Chernobyl.

    Họ chôn anh với đôi chân trần: Cái chết bi thảm của người lính cứu hỏa ở Chernobyl - Ảnh 25.

    Nghĩa trang Mitinskoe ở Mosow, nơi yên nghỉ của 28 lính cứu hỏa đã chết khi làm nhiệm vụ trong thảm họa Chernobyl

    Vụ tai nạn ở Chernobyl đã khiến tổng cộng 237 người phải nhập viện vì hội chứng nhiễm phóng xạ cấp tính. Trong số 29 người tử vong sau 3 tháng có tới 28 lính cứu hỏa. 15 người khác tiếp tục chết vì ung thư trong những năm tiếp theo. 

    Ngày 26 tháng 4 năm 1986 đã thay đổi cuộc sống của Lyudmilla Ignatenko một cách vĩnh viễn. Nếu lò phản ứng Chernobyl không phát nổ, cô đã có thể cùng chồng mình trở về quê trồng khoai tây vào sáng sớm. Lyudmilla sẽ hạ sinh một bé gái được Vasily đặt tên trước là Natasha.

    Nhưng sau khi hấp thụ phóng xạ phát ra từ cơ thể Vasily, đứa bé đã chết chỉ sau 4 tiếng chào đời. Vì những hi sinh của Vasily, nhà nước đã cấp cho Lyudmilla một căn hộ ở Kiev. Đó là một căn hộ lớn 2 phòng mà cả Vasily và cô từng mơ ước. Nhưng mãi mãi, anh không còn ở đây với cô được nữa.

    Năm 2006, đúng 20 năm sau thảm họa, Vasily Ignatenko được nhà nước Ukraine truy tặng huân chương Anh hùng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ