Thời kì "hoàng kim" của CRPG (Phần II)

    PV, Khánh Toàn 

    Thời kì những năm giữa thập niên 80 thế kỉ 20, SSI đem đến nền tảng cho dòng game theo lượt mà sau này Bioware thực hiện rất nhiều sản phẩm thành công dựa vào đó.

    Ngày nay, Strategic Simulation Inc. (SSI) chủ yếu được nhớ  đến với series game “Gold Box” – một loạt CRPG được xây dựng dựa trên bản quyền cấp bởi TSR, người nắm giữ thương hiệu và quyền khai thác của Dungeons & Dragons.
     
    Mặc dù hãng bắt đầu với việc phát triển các tựa game chiến tranh từ những năm 1979, SSI đã vượt qua vô số đối thủ cạnh tranh trong việc giành được sự chú ý của TSR cho việc chuyển thể các tựa game của họ sang màn hình máy tính.
     
     
     
    Những CRPG đầu tiên của SSI được phát hành năm 1984, với cái tên 50 Mission Crush và Questron. Trong khi 50 Mission Crush là một tựa game khá độc đáo với chủ đề chiến tranh, Questron lại được xây dựng hầu hết dựa trên Ultima.
     
    Thậm chí hãng còn thành công trong việc lấy được một giấy phép từ Richard Garriott trong việc sử dụng “cấu trúc và cách chơi” của series kể trên. Tuy vậy, Questron dễ chơi và thân thiện với người chơi hơn nhiều, cộng với một số triển vọng mở đường cho các RPG tiếp theo của SSI:PhantasieWizard’s Crown.
     
     
     
    Vào năm 1985, SSI phát hành phiên bản đầu tiên của series sau này được biết đến với cái tên Phantasie. Trò chơi cho phép người chơi tạo và điều khiển một nhóm sau nhân vật, mỗi nhân vật là sự kết hợp của một class và loài (trong đó có những loài như Goblin hay Minotaur).
     
    Một số tính năng khá  hiện đại như chia màn hình thành nhiều phân và một mục lục lựa chọn khi mua sắm. Trò chơi cũng có những yếu tố cơ bản như chiến đấu, khám phá ngõ ngách của các hầm ngục hay bản đồ thế giới.
     
     
     
    Trong mỗi thành phố còn có một nhà băng cho phép người chơi cất giữ  tiền của mình – cho một lượng chi phí nhỏ. Tuy nhiên, các nhân vật trong Phantasie già đi và  sẽ chết nếu như người chơi kéo dài cuộc phiêu lưu quá lâu.
     
    Câu truyện trong Phantasie xoay quanh việc nhóm nhân vật phải tiêu diệt các kị sĩ đen và chủ của chúng, tên phù thủy Nikademus, người đã ban cho các kị sĩ những chiếc nhẫn sức mạnh. Để làm được điều này, các nhân vật phải tìm được mười hai cuộn giấy, mỗi cuộn chứa những manh mối cho phép họ thực hiện được mục đích.  
     
     
    Cốt truyện này phát triển sâu hơn hầu hết dòng sự kiện của các CRPG khác cùng thời, với khả năng thay đổi cốt truyện từ  các lựa chọn của người chơi.
     
    Hệ  thống chiến đấu của Phantasie cũng khá giống những CRPG đến từ Nhật như Finfal Fantasy. Người chơi chọn từ bảng kỹ năng những hành động nhân vật sẽ thực hiện, sau đó lượt của nhóm nhân vật sẽ bắt đầu. 
     
    Một vài hành động tượng trưng sẽ diễn ra cùng với một vài chữ số  thể hiện lượng sát thương hai bên gây ra cho nhau. Nếu chiến thắng, nhóm nhân vật cũng sẽ làm một  động tác chiến thắng tượng trưng.
     
     
     
    Cùng trong năm 1985, SSI cho ra mắt một tựa game CRPG khác được biết đến với cái tên Wizard’s Crown. Tựa game này có lẽ là trò chơi hardcore nhất trong những sản phẩm cùng thể loại trong thời kì đó. Người chơi sẽ tạo và điều khiển tám nhân vật, mỗi nhân vật có thể có nhiều lớp (kẻ trộm/chiến binh/tu sĩ/pháp sư…).
     
    Thay vì cấp độ, nhân vật có chỉ số và kĩ năng, như đi săn, mặc cả, giả kim thuật hay thậm chí là bơi lội. Đây chính là những gì mà Black Isle đã làm cho Fallout hay Neverwinter Nights. Đi kèm với hệ thống đó, hệ thống chiến đấu của game cũng phức tạp và mang nhiều tính biến hóa hơn bất kì thứ gì đã từng được giới thiệu trước đó.  
     
     
    Có hơn 20 mệnh lệnh chỉ riêng cho việc chiến đấu, bao gồm những mệnh lệnh bất thường như “Fall Prone” – ngồi sụp xuống – khiến cho nhân vật trở nên khó bị bắn trúng hơn nhưng rất dễ dàng bị những đối thủ cận chiến tấn công.
     
    Khiên, dù được trang bị, chỉ có thể che chắn nếu nhân vật quay về đúng hướng. Vũ khí tầm xa được mang vào game, cùng với hệ thống pháp thuật. Mặc dù một trận chiến lớn có thể kéo dài đến 40 phút, người chơi có thể có lựa chọn “quick combat”, với lựa chọn này, trận đấu sẽ kết thúc dựa trên tính toán của máy tính giống như trong series Heroes of Might and Magic sau này.
     
     
    Mặc dù  cốt truyện của game khá thẳng thắn: Tiêu diệt một pháp sư, lấy lại ngai vàng của hắn, sự trau truốt trong việc xây dựng con đường phát triển nhân vật cộng với hệ thống chiến đấu đầy chiến thuật khiên cho Wizard’s Crown trở thành một trong những tựa game phức tạp nhất. Trò chơi sau này được nối tiếp bởi The Eternal Dagger vào năm 1987. 
     
    SSI còn thử nghiệm với các tựa game “lai” giữa CRPG với các game hành động phiêu lưu hay arcade, chẳng hạn như Gem Stone Warrior (1985) hay Gem Stone Healer (1986), phát triển bởi Paradigm Creators – hai tựa game CRPG/Bắn súng khá nổi tiếng.
     
     
     
    Họ cũng có những tựa game chỉ phát hành riêng cho Commondore 64 như Realm of Darkness (1987), một trong các sản phẩm được viết bởi Gary Smith. Tựa game phát hành trên hệ máy hiếm này là  một trong những nền tảng để SSI sau này viết nên những sản phẩm – một series CRPG được gộp chung dưới cái tên “Gold Box” – làm cho tên tuổi của hãng trở nên bất hủ. Chúng ta sẽ bàn về Gold box trong phần tiếp theo của loạt bài viết này.