HomePod là minh chứng cho thấy phong cách sáng tạo đặc trưng của Apple đã chết

    Liam,  

    Cho đến tận Apple Watch và AirPods, từng dòng sản phẩm mới của Táo vẫn luôn mang trong mình một điểm mạnh đặc biệt để bứt phá lên hẳn so với các đối thủ cạnh tranh, thay đổi bản chất của thị trường. HomePod không nằm trong danh sách ấy.

    Phong cách sáng tạo của riêng Apple

    Để nhìn thấy nỗi thất vọng lớn nhất trên HomePod, chúng ta sẽ phải đi ngược lại gần như tất cả những "cuộc cách mạng" Apple đã khai phá trong suốt 20 năm qua. Nếu bạn thực sự yêu công nghệ, nếu bạn thực sự biết đánh giá toàn bộ thị trường công nghệ một cách tổng quan, tôi tin rằng bạn sẽ đồng ý với tôi rằng Apple là một công ty rất, rất biết cách sáng tạo. Nhưng cách sáng tạo của Apple không phải là tạo ra những định nghĩa hoàn toàn mới mà chỉ là thêm thắt một vài tính năng rất nhỏ để tạo ra một trải nghiệm sử dụng hoàn toàn khác biệt.

    So sánh giữa iPod 2001 và những chiếc USB nghe nhạc cùng thời là so sánh giữa trời xanh và vực thẳm về trải nghiệm.
    So sánh giữa iPod 2001 và những chiếc "USB nghe nhạc" cùng thời là so sánh giữa trời xanh và vực thẳm về trải nghiệm.

    Đầu tiên là iPod. Apple rõ ràng không phải là công ty đầu tiên sáng tạo ra máy nghe nhạc mp3. Nhưng chỉ bằng cơ chế điều khiển ClickWheel đầy sáng tạo, Apple tạo ra một trải nghiệm nghe nhạc số rất dễ chịu và dễ sử dụng. Nếu bạn đã từng thử so sánh giữa cách chọn bài trên một chiếc iPod và một chiếc "USB nghe nhạc" loại thường, bạn sẽ hiểu rất rõ bước tiến mang tính cách mạng của Steve Jobs và Tony Fadell.

    iPhone cũng ra mắt hơn 15 năm sau khi Nokia sáng tạo ra khái niệm "smartphone". Công nghệ cảm ứng điện dung của iPhone cũng được LG công bố trên chiếc KE850 (Prada) từ 2006. Nhưng chìa khóa khiến cho iPhone mở ra một thời đại smartphone mới - smartphone dành cho tất cả mọi người - là một trải nghiệm phần mềm dễ dàng và tiện lợi với trọng tâm đặt vào các tính năng Internet. Để đánh giá đúng iPhone, câu hỏi bạn cần đặt ra không phải là "ai làm ra chiếc smartphone đầu tiên" hay "ai là kẻ sáng tạo ra smartphone cảm ứng" mà phải là "ai là người tạo ra một trải nghiệm smartphone trơn tru, dễ dàng, đặt nặng các tính năng kết nối mạng"? "Ai là người tạo ra smartphone đáng thèm muốn chứ không phải là những thứ khó sử dụng, thô kệch"?

    Cảm ứng không phải là tất cả giá trị của iPhone: So sánh giữa smartphone trước-2007 và sau-2007 sẽ cho bạn thấy một khác biệt về tư tưởng làm smartphone.
    "Cảm ứng" không phải là tất cả giá trị của iPhone: So sánh giữa smartphone trước-2007 và sau-2007 sẽ cho bạn thấy một khác biệt về tư tưởng làm smartphone.

    Câu trả lời rõ ràng là Apple. Không phải vô cớ mà toàn bộ thế giới smartphone của ngày nay giống với chiếc iPhone 2007 hơn là LG Prada hay bất kỳ một chiếc smartphone nào được Nokia hoặc BlackBerry ra mắt trước đó.

    Tiếp đến là iPad. Trước iPad gần 10 năm, Microsoft cũng đã ra mắt ý tưởng máy tính bảng chỉ để chuốc lấy thất bại thảm hại. Nhưng nếu bạn thực sự hiểu điểm khác biệt mấu chốt của TabletPC với iPad, bạn sẽ thấy quy đồng cả 2 dòng sản phẩm này thành "máy tính bảng" là một sự so sánh không đầy đủ: Microsoft cố gắng mang nguyên các giao diện và tính năng của PC thông thường để "nhồi" vào máy tính bảng. Nói cách khác, Microsoft bắt người dùng giao diện cảm ứng màn hình nhỏ phải chấp nhận trải nghiệm vốn thông thường được điều khiển bằng chuột và bàn phím.

    Không phải cứ tạo ra một chiếc PC cảm ứng kích cỡ 10 inch là tạo ra trải nghiệm tablet đáng để thèm muốn.
    Không phải cứ tạo ra một chiếc PC cảm ứng kích cỡ 10 inch là tạo ra trải nghiệm tablet đáng để thèm muốn.

    Còn iPad thì có giao diện cảm ứng riêng, giống với iPhone nhiều hơn là với macOS hay Windows. iPad cho phép người dùng sử dụng các ngón tay để điều khiển một cách dễ dàng và trực quan. 9 năm sau khi TabletPC ra mắt và thất bại thảm hại, con người mới hoàn thiện được ý tưởng Tablet.

    Điểm đột phá, đâu rồi?

    Đến cả những sản phẩm gắn mác Táo ra đời sau khi Steve Jobs ra đi cũng có điểm đột phá riêng so với các đối thủ cạnh tranh. Apple Watch ra mắt chậm hơn hẳn Android Wear, nhưng khác với Samsung, LG hay Motorola, Apple không tìm cách "nhồi" toàn bộ các giao diện của smartphone vào chiếc đồng hồ nhỏ tí tẹo. Khác với các đối thủ kỳ cựu, Apple nhìn ra được rằng núm vặn giờ trên đồng hồ bình thường có thể được sử dụng làm một nút điều khiển rất phù hợp với màn hình nhỏ của smartwatch. Kết quả cuối cùng là một trải nghiệm tập trung vào giọng nói, các cử chỉ chạm đơn giản và Digital Crown chứ không phải là vào bàn phím.

    Hay mới gần đây là AirPods. Nhắc đến mức giá 130 USD của AirPods là những người chưa sử dụng chiếc tai nghe này lại "than trời" vì đắt, vì dễ rơi, vì đủ các vấn đề mà đến khi dùng rồi lại... biến mất. AirPods đạt tỷ lệ hài lòng siêu cao trong thời gian ra mắt vì Apple đã tối ưu tất cả các yếu tố của trải nghiệm sử dụng đến mức hoàn mỹ. Đặt lên tai là tự bật. Kích hoạt Siri chỉ bằng hai cú chạm. Nói là tự "lắng nghe". Cuối cùng, đó là một trải nghiệm đơn giản, tự nhiên đến mức đáng kinh ngạc. Công nghệ của Apple không có gì cao sang, nhưng luôn vượt mặt các đối thủ.

    Phải nhìn vào những thiết kế, những trải nghiệm dở tệ như thế này bạn mới hiểu được giá trị của Apple Watch.
    Phải nhìn vào những thiết kế, những trải nghiệm dở tệ như thế này bạn mới hiểu được giá trị của Apple Watch.

    Vậy đâu là điểm vượt trội nhỏ bé mà vô cùng ý nghĩa của HomePod?

    Nỗi thất vọng

    Tôi xem đi xem lại đoạn video giới thiệu của Phil Schiller, đọc đi đọc lại các bài báo trên tay mà không tìm thấy câu trả lời. So với các đối thủ Amazon Echo và Google Home, điểm khác biệt lớn nhất chỉ nằm ở chất lượng âm thanh (6 loa tweeter và 1 loa woofer).

    Nhưng đó không phải là những gì tôi muốn thấy. HomePod gần như không có điểm khác biệt nào về trải nghiệm sử dụng so với Echo và Home cả. Jony Ive và đồng sự có vẻ đã bất lực không thể tìm ra bất cứ cách nào để cải tiến trải nghiệm trợ lý ảo gắn trong chiếc loa. Ở mức giá 350 USD, tất cả lợi thế của Apple chỉ là khả năng tự tùy biến âm thanh dựa vào bố cục vật cản xung quanh, các phím cảm ứng phía trên loa và tính năng kết hợp dễ dàng cùng những chiếc loa khác qua AirPlay.

    Đáng buồn: Một sản phẩm Táo chỉ tốt hơn chút ít so với đối thủ đi trước và không thể thay đổi bản chất của trải nghiệm.
    Đáng buồn: Một sản phẩm Táo chỉ tốt hơn chút ít so với đối thủ đi trước và không thể thay đổi bản chất của trải nghiệm.

    Tất cả những thay đổi này không đủ để tôi có thể trầm trồ rằng "Ồ, đây vẫn là một chiếc loa thông minh, nhưng lại khác hẳn so với những chiếc loa thông minh đã từng ra mắt trước đó". Câu chuyện nhiệm màu của iPod, iPhone, iPad và Apple Watch đã không lặp lại. Apple đã không thể thay đổi bản chất của trải nghiệm loa thông minh.

    Các fan của Apple, nếu bạn chưa thấy lo, hãy biết lo lắng ngay từ bây giờ. Kể từ khi iPad ra mắt 7 năm về trước, loa thông minh là lĩnh vực phần cứng duy nhất có thể tạo ra một cơn sốt từ phía người tiêu dùng (tổng doanh số Amazon Echo đến thời điểm tháng 1/2017 đã lên tới 11 triệu chiếc). Người dùng đang khát khao một trải nghiệm phần cứng dễ sử dụng hoàn toàn mới - và Apple lẽ ra phải là người đưa đến trải nghiệm loa thông minh choáng ngợp ấy cho họ.

    Nhưng lần này Tim Cook đã thất bại thật rồi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ