Hòn đá tự di chuyển dù không ai động vào khiến các nhà khoa học đau đầu suốt mấy thập kỷ

    Dink,  

    Không có ai rảnh rỗi ra sa mạc vào nửa đêm rồi đẩy nó đi để không ai phát hiện ra đâu nhé.

    Chắc chắn rằng bạn chưa bao giờ nhìn thấy một hòn đá tự động di chuyển mà không có ai động chạm vào, hiển nhiên điều đó quá vô lý. Thế mà những hòn đá đó có tồn tại, và chúng đã khiến các nhà khoa học đau đầu nhiều thập kỷ nay rồi.

    Khu vực Racetrack Playa là một vùng sa mạc rộng lớn và trống trải, nằm giữa Công viên Quốc gia Thung lũng Chết, bao quanh bởi những vùng đồi cao. Hàng trăm năm trước, khu vực này đã chứa đầy nước nhưng ngày nay, chúng chỉ là một vùng đáy hồ khô cằn.

    Nơi khô nóng và thấp nhất Bắc Mỹ này là nơi “trú ngụ” của những hòn đá biết tự lăn. Sau nhiều chục năm thì vào năm 2014, các nhà khoa học cuối cùng cũng khám phá ra bí mật của chúng: đó là nhờ băng, gió và Mặt Trời kết hợp lại, tạo ra một thứ độc nhất vô nhị.

    Rất hiếm khi ta có thể bắt gặp được hình ảnh những hòn đá này di chuyển, nhưng nhiều yếu tố chỉ ra rằng việc chúng lướt ngang qua vùng đất khô cằn này là có thật. Không chỉ nhờ những đường rẽ đất chúng để lại, các nhà khoa học đã gắn thiết bị định vị GPS lên những hòn đá này và chứng minh được rằng chúng có di chuyển.

    “Nghiên cứu khoa học đầu tiên được thực hiện hồi năm 1948 và lúc đó đã có một tờ báo khoa học thành công”, Richard Norris, nhà hải dương học tại Đại học California San Diego nói. “Cứ mỗi 10 năm lại có một nhà khoa học đưa ra báo cáo mới về hiện tượng lạ ở Racetrack, nhưng chẳng ai dựa dẫm cả sự nghiệp khoa học của họ lên mấy công trình nghiên cứu này cả. Nó chỉ là một bí ẩn thú vị trong giới khoa học mà thôi”.

    Từ bé, ông Norris dã biết tới sự tồn tại của những viên đá kì lạ này. Chú của ông, một nhà địa mạo học (nhà khoa học nghiên cứu về địa hình và các quá trình hình thành nên chúng) cũng tại Đại học California San Diego, thường xuyên đưa lớp học tới thăm vùng Racetrack này, ông Norris và một người anh em họ hàng thường được đi cùng trong những chuyến thăm quan đó. Khi trưởng thành, cả hai đều trở thành những nhà khoa học và quyết định cùng nghiên cứu, hóa giải bí mật về những hòn đá tự di chuyển này.

    Để tìm ra nguyên nhân, Norris và người họ hàng của ông gắn một thiết bị GPS đặc biệt lên một hòn đá mà họ tự mang tới vùng Thung lũng Chết này (chính quyền cai quản khu vực này không cho phép họ thí nghiệm trên những hòn đá có sẵn tại đây). Họ lắp đặt thêm một trạm thời tiết gần đó, và cứ thế đợi chờ.

    Sau 2 năm trời, cuối cùng hòn đá “cứng đầu” kia cũng di chuyển. Dựa vào thông tin thu thập được, họ đã đưa ra kết luận rằng khi mưa đủ lớn và đủ lâu để tạo ra một hồ nước tại khu vực này, nhiệt độ sẽ giảm xuống thấp và hồ nước sẽ đóng băng thành một lớp băng mỏng xung quanh hòn đá này.

    Khi Mặt Trời lên, băng tan, gió thổi khiến cho hòn đá bị đẩy đi trên mặt băng trơn tuột. Nghiên cứu của họ đã được đăng tải trên PLOS One.

    Kết quả nghiên cứu này đã khiến Norris cũng như các nhà khoa học khác bất ngờ, nhưng đó cũng không phải là hiện tượng quá lạ lẫm bởi rất nhiều trường hợp tương tự - những viên đá di chuyển nhờ lớp băng mỏng tan ra – đã xảy ra nhiều nơi trên hành tinh này.

    “Khoa học thật là thú vị”, ông Norris nói.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ