HTC 10 sẽ không phải là vị cứu tinh của HTC

    Lê Hoàng,  

    Vấn đề không phải là HTC 10 không phải là một chiếc smartphone tốt, mà là bởi HTC ra tay quá muộn và quá… chìm.

    HTC 10 có lẽ sẽ là chiếc smartphone quan trọng nhất của năm 2016, bởi một sự thật đau lòng rằng nếu chiếc điện thoại này không đạt đủ doanh số thì HTC cũng sẽ chết. Sau khi One M9 gây thất vọng vì không có nhiều điểm khác biệt so với One M8 cũng như vì dính đến vấn đề tản nhiệt trầm trọng của Snapdragon 810, HTC đã liên tiếp chịu thua lỗ và chứng kiến các nhân sự cao cấp lần lượt rời bỏ công ty. Đã có lúc, trị giá của toàn bộ mảng kinh doanh, sản xuất cũng như thương hiệu HTC còn không… đáng giá một xu, do giá trị thị trường của công ty chìm xuống dưới mức dự trữ tiền mặt.

    Sức ép với HTC 10 là không hề nhỏ. Thành công hay thất bại của HTC 10 sẽ quyết định tới sự sống và cái chết của một trong những nhà sản xuất smartphone lâu đời nhất, được yêu quý nhất.

    Nhưng có lẽ mẫu smartphone đầu bảng này sẽ không cứu được HTC.

    Một bức ảnh rò rỉ của HTC 10.
    Một bức ảnh rò rỉ của HTC 10.

    Không có gì ấn tượng

    Toàn bộ các chi tiết cấu hình của HTC 10 bao gồm: màn hình 5 inch (hoặc 5.1 inch, tùy nguồn tin), độ phân giải QHD, vi xử lý Snapdragon 820, GPU Adreno 530, 4GB RAM và camera UltraPixel 12MP. Đây sẽ là lần đầu tiên các fan của HTC được tận hưởng một trải nghiệm tốc độ tới vậy, và bất kể một fan HTC nào bỏ tiền ra mua mẫu đầu bảng sắp ra mắt cũng sẽ được tự hào khoe khoang với bạn bè mình về cấu hình "siêu khủng" không thua kém gì Samsung hay LG.

    Nhưng vấn đề là ở chỗ cuộc đua đầu bảng đã khiến cho smartphone trở nên nhàm chán trong quá nhiều năm rồi. Năm nay cũng vậy: Snapdragon 820 không chỉ có mặt trên Galaxy S7, LG G5, Xperia X Performance mà còn cả trên chiếc Mi 5 có giá bằng một nửa các dòng đầu bảng tên tuổi.

    Cấu hình không có gì nổi trội, còn thiết kế của HTC 10 thì sao? Nếu như các bức ảnh rò rỉ là chính xác (và 99% là chúng chính xác) thì chúng ta sẽ được chứng kiến một phiên bản kết hợp giữa dòng One M của 3 năm qua với chiếc One A9 vừa ra mắt cộng thêm vài đường vát xung quanh mặt lưng. Nói cách khác là HTC 10 không có gì thực sự mới mẻ, đủ để người tiêu dùng cảm thấy ngỡ ngàng như khi chiếc HTC One đầu tiên ra mắt cách đây 3 năm.Thậm chí, ai cũng có thể nhận thấy HTC 10 sẽ chịu ảnh hưởng của One A9, một chiếc smartphone rõ ràng đã copy thiết kế của iPhone 6 (công ty Đài Loan sau đó còn vin vào… 2 dải nhựa để cãi lại).

    Ngoại trừ biến tấu nhỏ là các đường vát thì chiếc HTC 10 không có gì đáng chú ý về mặt thiết kế cả.
    Ngoại trừ biến tấu nhỏ là các đường vát thì chiếc HTC 10 không có gì đáng chú ý về mặt thiết kế cả.

    Ra mắt quá muộn và quá chìm

    Nhưng ngay cả khi có hay không có những tranh cãi thì sự thật là HTC sẽ không mang tới một chiếc smartphone có điểm nào có thể khiến người ta bàn tán xôn xao cả. Ngay đến cả yếu tố có lẽ sẽ gây tò mò nhất trên HTC 10 là camera UltraPixel 12MP cũng chẳng có gì đáng tò mò. Ai cũng biết rằng HTC sẽ mang công nghệ pixel cỡ lớn trở lại mặt sau, đồng thời giải quyết bài toán chi tiết đã từng gây thất vọng trên One M7 và M8. So với camera kép của LG G5 hay mới đây là Huawei P9, UltraPixel là một công nghệ quá nhàm chán.

    Điểm yếu về sáng tạo sẽ khiến HTC trả giá đắt, bởi cuộc đua smartphone của năm 2015 là cuộc đua của tinh thần đột phá. LG tiên phong cho thiết kế module mới trong khi Samsung lựa chọn chiến lược đưa VR phổ thông đến với người dùng smartphone đầu bảng. Ngay đến cả một chiếc Windows Phone như Elite x3 của HP cũng còn thu hút được sự chú ý nhiều hơn cả chiếc Xperia X Performance của Sony. Không phải vô cớ mà ông lớn Nhật Bản lại mờ nhạt trong cuộc đua smartphone năm nay tới vậy: xét cả về thiết kế lẫn tính năng, thứ duy nhất mới mẻ trên X Performance là… tên gọi.

    Bây giờ đã là năm 2016, và người tiêu dùng cao cấp đã không còn phát cuồng vì cấu hình nữa.
    Bây giờ đã là năm 2016, và người tiêu dùng cao cấp đã không còn "phát cuồng" vì cấu hình nữa.

    Đến tận bây giờ, vẫn chưa ai có thể nhìn ra lý do để HTC 10 không rơi vào tình cảnh tương tự như Xperia X Performance. Những thông tin dạng như "điểm AnTuTu cao kỷ lục" hay "camera chụp thiếu sáng siêu tốt" không còn đủ để hấp dẫn người dùng nâng cấp nữa.

    Cuối cùng, mẫu HTC đầu bảng mới có lẽ sẽ bị "kết liễu" bởi thời điểm ra mắt quá muộn: 12/4. Kể cả trong trường hợp HTC kịp phát hành chiếc smartphone này trong vòng 2 tuần sau khi ra mắt thì Galaxy S7 và LG G5 đều đã dẫn trước được vài tuần lễ, đặc biệt là Galaxy S7 nay đã đạt doanh số tới 10 triệu máy. Đối tượng người dùng của HTC (người dùng smartphone Android đầu bảng) đã bị thu nhỏ đáng kể, và đến tháng 2 năm sau, khi Samsung ra mắt Galaxy S8, HTC 10 sẽ lại trở thành sản phẩm "thế hệ trước".

    HTC sẽ dần từ bỏ lĩnh vực smartphone?

    Trong khi HTC 10 rất có thể sẽ là một quả… bom xịt, tương lai của HTC có lẽ vẫn chưa khép lại nhờ một thành công bất ngờ diễn ra vào đầu năm nay: chiếc kính thực tại ảo Vive. Chỉ trong vòng 10 phút bán trực tuyến, HTC Vive đã "cháy hàng" khi nhận được tới 15.000 đơn hàng.

     Vive sẽ mở đường cho HTC sang một lĩnh vực khác màu mỡ hơn.

    Vive sẽ mở đường cho HTC sang một lĩnh vực khác màu mỡ hơn.

    Thành công này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với HTC nói riêng và toàn bộ mảng VR nói chung, bởi Vive có giá lên tới 800 USD, cao hơn hẳn 200 USD so với dòng sản phẩm VR từng được coi là "đầu bảng" trước đây, chiếc Oculus Rift của Facebook.

    Phần lớn các bài đánh giá dành cho Vive đều nhận định rất tốt về chiếc kính này. Cnet khẳng định "Vive là trải nghiệm VR tuyệt vời nhất mà bạn có thể sở hữu vào lúc này" còn The Verge chấm điểm 8/10 với nhận định "Một vài ý tưởng tuyệt vời nhất trong lĩnh vực VR, dù có thể không phải là cách thực thi tốt nhất".

    Rõ ràng, với một sản phẩm tưởng như chỉ đóng vai trò phụ trợ Vive, con số 15.000 đơn hàng cùng các đánh giá tích cực từ các trang tin lớn là quá đủ để gọi tên thành công. Khi nhìn sâu hơn, bạn sẽ thấy Vive sẽ sớm đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong tương lai của HTC nói riêng và ngành điện toán, giải trí nói chung: đây là minh chứng cho thấy các thiết bị VR đắt tiền vẫn có thể thu hút được đông đảo người dùng đang thèm khát những trải nghiệm mới. Với Vive, HTC đã bước chân vào một thị trường gần như chưa có đối thủ thực sự khi Oculus vẫn chưa hợp tác với Valve (người làm chủ nền tảng Steam và cũng là đối tác của HTC) còn PlayStation VR thì vẫn bị đánh giá là… quá kém cỏi.

    Nhưng thành công của Vive cũng đồng nghĩa rằng vai trò của HTC 10 không còn là "vị cứu tinh" của HTC nữa. Tất cả những gì chiếc smartphone này cần làm chỉ là giữ cho HTC đủ "thoi thóp" cho đến khi cuộc chơi VR bùng nổ. Lúc đó, công ty Đài Loan cũng chẳng còn lý do gì để ở lại với một thị trường quá khắc nghiệt đã bóp chết quá nhiều ông lớn như thị trường smartphone.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ