Huy động 900 triệu USD, hãng sản xuất màn hình Nhật Bản muốn phá thế độc quyền thị trường OLED của Samsung

    Chíp,  

    Nếu huy động vốn thành công, hãng JOLED sẽ đưa dây chuyền sản xuất màn hình OLED giá rẻ vào hoạt động.

    JOLED đang muốn trở thành công ty Nhật Bản đầu tiên sản xuất hàng loạt màn hình OLED sử dụng công nghệ sản xuất chi phí thấp với hy vọng soán ngôi vương của Samsung. JOLED được hình thành từ sự kết hợp giữa Japan Display với mảng phát triển màn hình OLED của Panasonic và Sony dưới sự bảo trợ của quỹ đầu tư Innovation Network Corporation of Japan của chính phủ Nhật.

    JOLED đã phát triển một quy trình sản xuất màn hình OLED bằng cách đặt các vật liệu phát sáng lên chất nền như cách máy in đặt mực in lên giấy. Quá trình này cần vốn ban đầu ít hơn so với phương thức bay hơn đang được các đối thủ Hàn Quốc như Samsung sử dụng. Và nhờ thế, nó cũng giảm lượng vật liệu bị hao hụt trong quá trình sản xuất. Những tấm màn hình OLED dành cho TV được sản xuất theo phương thức mới có chi phí sản xuất thấp hơn từ 30 tới 40% nên giá thành chắc chắn sẽ rẻ hơn.

    Huy động 900 triệu USD, hãng sản xuất màn hình Nhật Bản muốn phá thế độc quyền thị trường OLED của Samsung - Ảnh 1.

     Dự kiến, JOLED sẽ bắt đầu sản xuất màn hình OLED trên quy mô lớn vào năm 2019 tại một nhà máy của Japan Diplay ở Nomi, tỉnh Ishikawa. Hiện tại, nhà máy này đang sản xuất màn hình LCD cho iPhone của Apple nhưng theo kế hoạch sẽ ngừng sản xuất trong năm nay.

    JOLED dự định huy động 100 tỷ Yên (tương đương 887 triệu USD) cho dự án này. Họ đang tiếp cận với hàng chục công ty Nhật Bản, bao gồm cả Sony, Canon, Fujifilm, Nikon và Sumitomo để kêu gọi góp từ 5 đến 10 tỷ Yên cho dự án. Nếu nguồn vốn từ các công ty trong nước không thể đạt được mục tiêu, JOLED sẽ chuyển sang kêu gọi đầu tư từ những công ty Trung Quốc hoặc những quốc gia khác. Nếu không đủ vốn ngay cả khi huy động từ công ty nước ngoài, JOLED sẽ xem xét lại kế hoạch này.

    Innovation Network Corporation of Japan (INCJ) chiếm 75% cổ phần của JOLED, Japan Display chiếm 15% trong khi Panasonic và Sony mỗi hãng chiếm 5%. Nếu gây vốn thành công, số cổ phần INCJ nắm giữ sẽ chỉ còn 50%.

    Theo công ty nghiên cứu IHS Markit, thị trường màn hình OLED sẽ tăng trưởng gấp 3 trong vòng 5 năm tới, đạt mức 46,3 tỷ USD vào năm 2021. Smartphone là thiết bị chính sử dụng màn hình OLED mặc dù rất nhiều thiết bị gia dụng khác như TV, bảng hiệu kỹ thuật số có thể sử dụng công nghệ màn hình này. Trong cùng khoảng thời gian đó, thị trường màn hình LCD, vốn chỉ tập trung vào TV, hiện tại có giá trị 91,9 tỷ USD, sẽ chỉ tăng 5%.

    Theo Nikkei

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ