IBM hoàn tất thương vụ mua lại Red Hat với giá 34 tỷ USD

    Gia Vũ, Theo Trí thức trẻ 

    Thương vụ đã đưa IBM trở thành nhà cung cấp đám mây dẫn dầu, tăng tốc mô hình kinh doanh giá trị cao của IBM, mang những đổi mới, sáng tạo dựa trên nguồn mở của Red Hat tới nhiều đối tượng khách hàng hơn.

    IBM và Red Hat vừa công bố đã hoàn tất thương vụ sáp nhập, theo đó IBM đã mua lại tất cả các cổ phiếu phổ thông đã phát hành và đang lưu hành trên thị trường của Red Hat với giá 190 USD mỗi cổ phiếu bằng tiền mặt, tương đương tổng giá trị vốn chủ sở hữu khoảng 34 tỷ USD.

    Thương vụ này đã định hình lại thị trường điện toán đám mây dành cho các doanh nghiệp. Các công nghệ đám mây lai mở của Red Hat từ nay sẽ được kết hợp với quy mô và chiều sâu không hãng nào sánh được của IBM về mức độ đổi mới và chuyên môn về từng ngành kinh tế, cũng như sự dẫn đầu về kinh doanh của IBM tại hơn 175 quốc gia. IBM và Red Hat sẽ cùng nhau tăng tốc đổi mới, sáng tạo bằng cách cung cấp một nền tảng multicloud lai thế hệ tiếp theo. Dựa trên các công nghệ nguồn mở, như Linux và Kubernetes, nền tảng này sẽ cho phép các doanh nghiệp triển khai, chạy và quản lý dữ liệu và ứng dụng tại chỗ một cách an toàn và trên private cloud (đám mây riêng) và multicloud (đa đám mây).

     IBM hoàn tất thương vụ mua lại Red Hat với giá 34 tỷ USD - Ảnh 1.

    Bà Ginni Rometty, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của IBM cho biết: "Các doanh nghiệp đang bước vào chương tiếp theo của các sáng kiến kỹ thuật số, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và dịch chuyển các tải công việc quan trọng qua các private cloud và multicloud từ nhiều nhà cung cấp. Họ cần công nghệ mở, linh hoạt để quản lý các môi trường multicloud và hybrid cloud. Và họ cần các đối tác mà họ có thể tin tưởng để quản lý và bảo mật các hệ thống này. IBM và Red Hat rất phù hợp để đáp ứng các nhu cầu đó. Là nhà cung cấp đám mây lai hàng đầu, chúng tôi sẽ giúp đỡ các khách hàng xây dựng và củng cố nền tảng công nghệ của doanh nghiệp của họ trong nhiều thập kỷ tới."

    "Khi chúng tôi trao đổi với khách hàng, chúng tôi nhận thấy những thách thức rất rõ rệt: Họ cần tiến lên nhanh hơn và tạo ra sự khác biệt thông qua công nghệ. Họ muốn xây dựng văn hóa mang tính hợp tác nhiều hơn, và họ cần các giải pháp cho phép họ linh hoạt xây dựng và triển khai bất kỳ ứng dụng hoặc khối lượng công việc nào, ở bất cứ đâu", Ông Jim Whitehurst, chủ tịch và CEO của Red Hat chia sẻ. "Chúng tôi nghĩ rằng nguồn mở đã trở thành tiêu chuẩn đương nhiên trong công nghệ, vì chỉ có nguồn mở mới tạo điều kiện cho các giải pháp này. Gia nhập IBM mang lại cho Red Hat cơ hội đưa những đổi mới, sáng tạo nguồn mở tới nhiều đối tượng hơn, và sẽ cho phép chúng tôi mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu về các giải pháp đám mây lai để mang lại sự lựa chọn và sự linh hoạt thực sự".

    Red Hat sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi Ông Jim Whitehurst và đội ngũ lãnh đạo hiện tại. Ông Jim Whitehurst sẽ gia nhập đội ngũ lãnh đạo cao cấp của IBM, báo cáo trực tiếp cho Bà Ginni Rometty. IBM sẽ duy trì trụ sở của Red Hat tại Raleigh, North Carolina, cùng với các cơ sở, thương hiệu và tập tục, thông lệ của Red Hat. Red Hat sẽ hoạt động như một đơn vị riêng biệt trong IBM và sẽ báo cáo kết quả kinh doanh cho bộ phận Các giải pháp phần mềm về điện toán biết nhận thức và đám mây của IBM.

    Cả hai công ty đã xây dựng mảng kinh doanh điện toán đám mây hàng đầu dành cho doanh nghiệp với tốc độ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ, thông qua việc hỗ trợ các khách hàng chuyển đổi mô hình kinh doanh sang đám mây.

    Doanh thu trên nền tảng đám mây của IBM đã tăng từ 4% tổng doanh thu năm 2013 lên 25% hiện nay. Sự tăng trưởng này là nhờ một loạt các giải pháp và phần mềm như-là-một-dịch-vụ, các dịch vụ và phần cứng cho phép IBM tư vấn, xây dựng, dịch chuyển và quản lý các giải pháp đám mây trên các môi trường public cloud, private cloud và on-premises cho khách hàng. Doanh thu đám mây của IBM trong khoảng thời gian 12 tháng cho đến Quý 1 của năm nay đã tăng lên hơn 19 tỷ USD. Việc mua lại Red Hat dự kiến sẽ đóng góp thêm khoảng hai điểm tăng trưởng doanh thu gộp hàng năm cho IBM trong khoảng thời gian 5 năm.

    Doanh thu năm tài chính 2019 của Red Hat là 3,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước. Doanh thu tài chính quý 1 năm 2020, được báo cáo vào tháng 6, là 934 triệu USD, tăng 15% so với năm trước. Trong quý này, doanh thu thuê bao đã tăng 15% so với năm trước, trong đó doanh thu từ các dịch vụ liên quan đến phát triển ứng dụng và các công nghệ mới nổi khác tăng 24% so với năm trước. Doanh thu dịch vụ cũng tăng 17%.

    IBM củng cố cam kết về nguồn mở và tính trung lập của Red Hat

    IBM và Red Hat có các giá trị và kinh nghiệm sâu về mã nguồn mở. Hai công ty đã làm việc cùng nhau trong hơn 20 năm để biến nguồn mở trở thành lựa chọn mặc định cho các giải pháp CNTT hiện đại, bao gồm quản trị mở và hỗ trợ các dự án và cộng đồng nguồn mở phát triển thông qua sự đóng góp liên tục.

    Với Red Hat, IBM đã mua lại một trong những công ty phần mềm quan trọng nhất trong ngành CNTT. Mô hình kinh doanh tiên phong của Red Hat đã giúp đưa nguồn mở - bao gồm các công nghệ như Linux, Kubernetes, Ansible, Java, Ceph và nhiều hơn nữa - vào dòng sản phẩm chính thống cho các doanh nghiệp. Ngày nay, Linux là nền tảng được sử dụng nhiều nhất để phát triển. Riêng Red Hat Enterprise Linux dự kiến sẽ đóng góp vào doanh thu toàn cầu trị giá hơn 10 nghìn tỷ USD vào năm 2019. Đến năm 2023, thêm 640.000 người dự kiến sẽ làm việc trong các công việc liên quan đến Red Hat.

    IBM đã cam kết mở rộng và tăng tốc nguồn mở và đám mây lai cho các doanh nghiệp trong các ngành kinh tế, cũng như bảo tồn tính độc lập và tính trung lập của di sản nguồn mở của Red Hat.

    Nhiệm vụ và cam kết không ngừng của Red Hat đối với nguồn mở sẽ không thay đổi và Red Hat sẽ tiếp tục cung cấp sự lựa chọn và tính linh hoạt vốn có cho môi trường CNTT nguồn mở và lai. Red Hat cũng sẽ tiếp tục xây dựng và mở rộng quan hệ đối tác, bao gồm cả những nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn, như Amazon Web Services, Microsoft Azure, Google Cloud và Alibaba.

    IBM và Red Hat cũng chia sẻ một cam kết mạnh mẽ đối với trách nhiệm xã hội và ý thức về mục đích áp dụng công nghệ và chuyên môn để giúp giải quyết một số thách thức xã hội quan trọng nhất của thế giới. Hai công ty đã cùng nhau cam kết mở rộng cam kết lâu dài này thông qua các sáng kiến chung mới, giải quyết vấn đề giáo dục và kỹ năng, nhu cầu công dân và xã hội và phát triển lực lượng lao động Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM).

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ