4 kiểu nhà vệ sinh đầy cách mạng do chính Bill Gates đầu tư phát triển

    Tâm Vũ,  

    Bill Gates đã chi một khoản tiền khổng lồ nhằm tìm kiếm và phát triển những mẫu thiết kế toilet đặc biệt với mục đích giúp đỡ những người chưa bao giờ được sử dụng một nhà vệ sinh đúng nghĩa, chiếm hơn 30% dân số trên thế giới.

    Hiện nay, vệ sinh môi trường là một trong những vấn đề cấp bách đang được cộng đồng thế giới quan tâm: Khoảng 2,5 tỷ người phải sống trong điều kiện không đạt chuẩn về vệ sinh. Năm 2012, Quỹ từ thiện Gates đã tổ chức một cuộc thi thiết kế nhà vệ sinh có thể đáp ứng các yêu cầu như an toàn, bền và chi phí xây dựng thấp cho những người ở khu vực không có toilet.

    Bốn mẫu thiết kế đạt giải đã nhận được tổng cộng 3,4 triệu USD tài trợ từ tổ chức từ thiện của Bill Gates với kỳ vọng những nhà vệ sinh này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng tại những khu vực còn kém về vấn đề vệ sinh. Từ một nhà vệ sinh hoạt động dựa vào các sợi nano và không dùng nước tới một cỗ máy năng lượng mặt trời sản xuất phân bón, có vẻ như khả năng sáng tạo của con người là không có giới hạn.

    Dưới đây là 4 mẫu thiết kế chiến thắng và đã được đưa vào thực tiễn trong 4 năm vừa qua.

    1. Nhà vệ sinh nano – Phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại đại học Cranfield, nhận được 810 nghìn USD tiền tài trợ.

    Hệ thống này hoàn toàn không hề sử dụng nước.Thay vào đó, hệ thống gồm một thùng chứa không cố định, có thể nghiêng 270 độ để tách chất thải ra khỏi nước và rơi xuống đáy thùng. Tại đây một chiếc gạt bằng cao su sẽ loại bỏ tất cả các chất thải dư thừa trước khi chiếc thùng quay về vị trí cũ.

    Các bó cực mỏng gồm các sợi nano sẽ dồn hơi nước vào một ống thẳng đứng phía sau thùng chứa. Sau đó, một silô hạt sẽ ngưng tụ và chuyển hơi nước về thể lỏng, sau đó tiếp tục di chuyển qua một đường ống vào một thùng chứa ở phía trước của nhà vệ sinh.

    Nhà nghiên cứu Cranfield Alison Parker cho biết một nhà vệ sinh như vậy có thể phục vụ 10 người với chi phí không quá 0,05 USD cho mỗi người dùng một ngày. Dự án này sẽ được vận hành thử nghiệm tại Ghana vào cuối năm nay. Tuy hệ thống này vận hành tự động nhưng vẫn tạo ra việc làm cho người dân trong khu vực. Hàng tuần nhân viên sẽ phải gom chất thải trong thùng chứa (những chất thải này sẽ được dùng làm phân bón), đồng thời thay pin cho toilet vài tháng một lần.

    2. Sol-Char – phương pháp đốt cháy sinh khối để sản xuất than sinh học (biochar), phát triển bởi đại học Colorado Boulder, nhận được khoản tiền tài trợ 780 nghìn USD.

    Sol-Char dựa vào năng lượng mặt trời. Bức xạ ánh sáng và nhiệt từ mặt trời được hấp thụ qua 8 tấm năng lượng sau đó được chuyển qua các bó sợi cáp quang để đốt chất thải rắn của người sử dụng toilet thành "than". Than sinh học này có thể được sử dụng để thay thế than củi truyền thống hoặc phân hóa học. Thêm vào đó, nước tiểu của người sử dụng toilet có thể được sử dụng như một loại phân bón giàu nitơ.

    Sol-Char có thể phục vụ một gia đình 4 người và cũng có thể được mở rộng khi cần thiết, miễn là nhà vệ sinh có đủ tấm năng lượng mặt trời để có thể sinh ra lượng nhiệt cần thiết.

    Anna Segur, quản lý chương trình Sol-Char cho biết “Chúng tôi đang nghiên cứu để nâng cao hiệu quả công nghệ cũng như giảm chi phí vận hành. Đồng thời chúng tôi đang tìm kiếm các đối tác và nhà đầu tư nhằm xây dựng nguyên mẫu giai đoạn II và thử nghiệm mọi cải tiến”.

    3. eToilet – được tài trợ 450 nghìn USD đã tạo ra một cuộc cách mạng tại Ấn Độ, nơi mà 774 triệu người vẫn còn lạ lẫm với nhà vệ sinh sạch.

    Được phát triển bởi công ty tư nhân cung cấp giải pháp khoa học Eram, eToilet là nhà vệ sinh công cộng điện tử, vận hành tự động đầu tiên tại Ấn Độ. Mỗi nhà vệ sinh được bán với giá khoảng 6,800 USD và người dân chỉ tốn vài cent cho mỗi lần sử dụng. Theo lời của ông Ria John, quản lý cấp cao của Eram, một toilet chuẩn rộng 35 mét vuông, được thay đổi phù hợp với từng khu vực.

    Có eToilet công cộng, eToilet trong trường học và eToilet đặc biệt chỉ dành cho phụ nữ trong đó có cung cấp băng vệ sinh cũng như có lò đốt rác chuyên biệt.

    Cho đến nay, hơn 1.600 eToilets và 500 nhà máy xử lý nước thải đã được xây dựng ở 19 bang trên khắp Ấn Độ.

    Mỗi nhà vệ sinh gồm một thùng chứa 225 lít để xả nước, bệt vệ sinh có khả năng tự làm sạch sau một chu kỳ 5 đến 10 người sử dụng, và các hệ thống điện dự phòng trong trường hợp mất điện. Theo Eram, mục tiêu của eToilet là nhằm cách mạng hóa cơ sở hạ tầng vệ sinh ở Ấn Độ.

    4. Hệ thống xử lý chất thải tích hợp – phát triển bởi RTI, nhận được khoản tiền tài trợ lớn nhất từ tổ chức Gates 1,3 triệu USD.

    Thiết kế này là sự kết hợp các tính năng của 3 thiết kế ở trên: lọc sạch chất thải lỏng, làm khô kèm theo đốt chất thải rắn và chuyển thành điện năng. Theo Myles Elledge, giám đốc kế hoạch và chính sách phát triển quốc tế tại RTI, toilet này có thể phục vụ đến 50 người một ngày. Một chiếc toilet sẽ tốn khoảng 2,500 USD.

    Trong tháng 10 năm 2015, các nhà nghiên cứu RTI đã tới đại học CEPT tại Ahmedabad, Ấn Độ để tiến hành kiểm tra thực địa và phát triển dự án.

    Như các mẫu thiết kế ở trên, mẫu thiết kế này chịu những lời chỉ trích và nghi ngờ liệu một chiếc máy phức tạp như vậy có là giải pháp tốt nhất cho những khu vực mà người dân còn chưa được tiếp cận với nhà vệ sinh bình thường hay không. Các nhà phê bình cho rằng một trong những điểm quan trọng là sự đơn giản và dễ sử dụng.

    Tuy nhiên, nhu cầu nâng cao vệ sinh môi trường đang cần được quan tâm. Nhóm nghiên cứu quốc tế thuộc RTI đang cố gắng nâng cấp các nhà vệ sinh vô trùng có khả năng xử lý nước tiểu kèm theo quá trình đốt chất thải và biến chúng thành những viên sinh khối khô.

    Tham khảo TechInsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ