Ấn Độ: Khi chính chủ cửa hàng giúp bạn nhấn Mua hàng online

    Dee Tee,  

    Một dự án công nghệ đang giúp nền thương mại điện tử của đất nước đông dân thứ 2 Thế Giới phát triển mạnh mẽ.

    Kể từ năm 2013 tới nay, ít nhất đã có 8,6 tỉ USD được đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Ấn Độ. Tuy vậy chỉ có khoảng 4% người dân ở quốc gia Nam Á này từng mua hàng online. Lí do tới từ việc các công ty thương mại điện tử lớn như Flipkart, Snapdeal hay Amazon India chỉ hướng tới người dân ở thành thị, hay những người có vốn tiếng Anh tốt. Vì thế, hơn 510 triệu người dân khác đã chẳng thể tiếp cận với xu hướng mới này.

    Nhận thấy điều này, một startup có tên iPay được hình thành. Trưởng dự án này, Krishna Lakamsani chia sẻ: "Rất nhiều người chưa tin vào việc mua bán online", ngay cả khi họ sở hữu một chiếc smartphone. "Họ sẽ chỉ mua hàng ở những nơi họ tin tưởng, như siêu thị gần nhà hay các cửa hàng nhỏ", đó là lí do tại sao rất khó để các công ty thương mại điện tử có thể tiếp xúc được với những khách hàng của mình. iPay ra đời là vì lí do đó.

    Không phải ai cũng đủ điều kiện và khả năng để sử dụng thương mại điện tử.

    Cách thức hoạt động của dự án này đó là dựa vào chính những người bán hàng địa phương, những cửa hàng được đa số người dân tin tưởng, họ hợp tác với iPay và nhận được thêm hoa hồng. Bằng cách này, iPay đã bán được tới 1,6 triệu USD hàng hóa mỗi tháng thông qua Internet, nhờ 6.000 cửa hàng nhỏ khác nhau. Một công ty khác, Storeking có cách thức hoạt động tương tự với iPay còn ghi nhận con số lớn hơn như thế, 4,2 triệu USD và mạng lưới 10.000 thành viên. Một sự trở lại vô cùng hứa hẹn của nền thương mại điện tử ở đây.

    Cách đây vài tháng, Anussha Mangalarapu, một phụ nữ Ấn Độ bình thường đến cửa hàng gần nhà để mua 1 gói đường, tuy nhiên người bán hàng tại đây đang bận và giới thiệu cho cô một hệ thống bán hàng iPay, thông qua chiếc máy tính bảng đặt ở quầy. Anussha khá thích thú với nó nhờ sự tiện dụng và mới mẻ của hình thức mua hàng này, cô dần quen với nó và tiếp tục sử dụng sau này. Tới nay, Anussha cho biết cô đã từng sử dụng iPay để mua quần áo, điện thoại, máy nghe nhạc và cả phụ tùng xe máy thông qua hệ thống này.

    Đối với những người bán hàng, họ nhận được nhiều lợi ích từ các hệ thống thương mại điện tử tương tự như iPay. Qua mỗi món hàng, họ nhận được hoa hồng khoàng 4-10% cùng với một chiếc máy tính bảng với kết nối internet. Một chủ cửa hàng tham gia hệ thống iPay chia sẻ, trong tháng 7 mới đây, anh kiếm được 30$ tiền hoa hồng, bằng 1/7 số sản phẩm anh ta bán được.

    Những chiếc máy tính bảng như thế này không còn xa lạ gì ở các cửa hàng tại Ấn Độ.

    Việc bán hàng online nhưng thông qua các cửa hàng địa phương làm cầu nối cũng mang đến không ít lợi ích cho các công ty. Các ứng dụng mua hàng trên máy tính bảng khá dễ sử dụng, với giao diện sử dụng tiếng bản ngữ, cả người bán và người mua đều có thể nhanh chóng làm quen. Nhờ thế các doanh nghiệp này không phải đầu tư vào việc đào tao nhận viên và xây dựng hệ thống bán hàng. Với cầu nối là các cửa hàng địa phương, việc giao hàng cũng trở nên an toàn và tiện dụng hơn.

    Người mua không cần tới những hình thức thanh toán trực tuyến và lo lắng về quá trình vận chuyển có thể thất lạc hàng hóa. Họ sẽ chỉ trả tiền sau khi nhận được hàng hóa ở các cửa hàng địa phương. Do đó, số tiền tiết kiệm từ xây dựng hệ thống thanh toán trực tuyến là không nhỏ.

    CEO của StoreKing ông Sridhar Gundaiah cho biết: "Chúng tôi tạo ra lợi nhuận ngay từ những ngày đầu tiên, đó là điều mà mọi công ty thương mại điện tử đều ao ước có được". Amazon và Snapdeal cũng đang tiến hành thử nghiệm 1 mô hình tương tự.

    Tương lai của những công ty như StoreKing hay iPay vẫn còn rất rộng mở, khi mà phần đông khách hàng sử dụng dịch vụ của họ vẫn chưa có máy tính hay các thiết bị truy cập Internet và đủ hiểu biết để có thể tự mua hàng online. Dự án 2 năm tuổi cho hay, họ sẽ mở rộng dịch vụ của mình, bao gồm cả việc bán vé tàu hay thanh toán các hóa đơn khác. Được biết, 40% doanh thu của iPay tới từ việc bán thẻ điện thoại thông qua các cửa hàng địa phương.

    Những dự án này đã làm thay đổi bộ mặt của thương mại điện tử ở một quốc gia đang phát triển như Ấn Độ. Nhiều cơ hội mới được mở ra, với cả các doanh nghiệp, người mua lẫn những cửa hàng địa phương.

    Tham khảo BloomBerg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày