Biểu tượng cảm xúc mới của Facebook bộc lộ những lời dối trá ta vẫn nói trên mạng

    PV,  

    Ngoài nút Like vốn có, giờ đây hơn 1,6 tỉ người dùng Facebook trên toàn thế giới đã có thể lựa chọn các biểu tượng khác như Love, Haha, Wow, Sad và Angry.

    Nhìn bề ngoài, các biểu tượng này có vẻ mang lại cho người dùng cơ hội mở rộng lựa chọn cảm xúc – cũng như mang lại các dữ liệu đáng giá cho nhiều doanh nghiệp làm ăn trên Facebook.

    Nhưng trên thực tế các biểu tượng cảm xúc này lại cho thấy hạn chế cố hữu của Facebook. Sự biểu cảm của con người là vô hạn và chỉ dùng các kỹ thuật khai thác dữ liệu truyền thống sẽ không đủ thể hiện.

    Bất chấp sự có mặt của các biểu tượng cảm xúc mới, Facebook vẫn vận hành theo các giao thức bất thành văn và hạn chế người dùng thể hiện các cảm xúc phức tạp.

    Hãy thử hình dung mọi chuyện sẽ ra sao nếu Mark Zuckerberg đưa vào Facebook tất cả các biểu tượng cảm xúc thể hiện đúng những gì người dùng thực sự nghĩ về các post hay status.

    Khó chịu và ghen tức sẽ là những phản ứng thường thấy. Ngoài ra còn có tự ti, chán ngán, cô đơn và khinh miệt nữa.

    Trong suy nghĩ, rất nhiều người đánh giá những người bạn trên Facebook của mình là giả dối, phô trương, thích thể hiện và muốn gây chú ý.

    Hãy thử xem cảm xúc của bạn ra sao khi thấy bạn mình post một bức ảnh selfie mới và khêu gợi trên Facebook. Theo kinh nghiệm bạn sẽ cho rằng người này đang cảm thấy bất an và có thể đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các comment tâng bốc.

    Nhưng bạn cũng có thể thấy xấu hổ về sự yếu đuối rõ rệt của bạn mình, cũng như tự nhận ra rằng mình đã từng làm điều tương tự. Tuy nhiên, bạn vẫn di chuột vào nút “Like”.

    Tất nhiên hình thái cảm xúc phức tạp này không được thể hiện trong 6 biểu tượng hiện có trên Facebook. Mark Zuckerberg đã hình thức hóa một cách đơn giản các biểu tượng tương ứng với các cảm xúc mà ta cảm thấy an toàn và phù hợp khi thể hiện trên mạng xã hội.

    Theo thời gian, người dùng đã học được cách giới hạn cuộc sống cảm xúc của mình trên mạng. Việc làm khác đi là khá mạo hiểm và có nguy cơ bị đẩy ra khỏi cộng đồng của mình.

    Thậm chí nếu thể hiện đúng cảm xúc của mình, khả năng lời nói của bạn bị hiểu nhầm vẫn khá cao trừ khi mỗi người trong cộng đồng đều có sự nhạy cảm ngôn ngữ tao nhã như một nhà thơ thuộc trường phái lãng mạn.

    Trên Facebook, một status hài hước có thể nằm dưới dạng những lời than vãn, chế giễu hoặc cực kỳ cay nghiệt. Những người muốn tỏ ra không đồng tình một cách lịch sự có thể viết những lời bình luận đầy tính thù địch hoặc hợm hĩnh.

    Chính vì thế các biểu tượng cảm xúc mới sẽ không giúp được các doanh nghiệp hiểu thêm về suy nghĩ thực sự của người dùng. Chúng chỉ góp phần hệ thống hóa các luật chơi mà thôi.

    Đây cũng là những luật chơi mà nhiều tiểu thuyết thành công đang áp dụng. Trên Facebook cũng như trong các tiểu thuyết, bản chất các nhân vật gần như không bao giờ đúng như họ thể hiện ban đầu. Theo thời gian khi người ta hiểu nhau hơn, nhân dạng thực của họ dần hé lộ.

    Liệu có phải trùng hợp không khi các biểu tượng mới trên Facebook cũng tương tự như tấm mặt nạ trong hài kịch và bi kịch trên sân khấu Hy Lạp cổ đại nhằm giấu đi nhân dạng thực sự của nhân vật và dàn hợp xướng.

    Rốt cuộc thì các biểu tượng cảm xúc mới của Facebook rõ ràng là không cần thiết. Doanh nghiệp nào hy vọng rằng những biểu tượng mới này sẽ đem lại những dữ liệu định hướng quan trọng chắc chắn sẽ phải thất vọng ghê gớm.

    Và đa phần những người như chúng ta sẽ vẫn bối rối về việc có nên thể hiện suy nghĩ của mình trên mạng hay không – và bằng cách nào.

    Theo Trí thức trẻ/CafeBiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày