Cậu bé 13 tuổi này có thể trở thành Mark Zuckerberg mới

    NhungNg,  

    Đó chính là Soroush Ghodsi, cậu bé 13 tuổi người Canada. Trong khi chúng bạn đồng trang lứa thường chỉ thích đi chơi sau giờ học, Soroush lại tập cho mình thói quen khá khác lạ ở lứa tuổi của em: Tìm hiểu công nghệ.

    Trên trang blog Medium của mình (một nền tảng blog đơn giản, chú trọng vào nội dung và phù hợp với người ưa viết lách), cậu bé Soroush mới chỉ có 2 bài viết. Tuy nhiên, bài viết thứ 2 của em hồi tháng 5 đã thu hút được tới hơn 1000 lượt ưa thích trên trang Medium, với tựa đề “Truyền thông mạng xã hội dưới con mắt cậu bé 13 tuổi”. Trong một bài phỏng vấn với đài CBC News, Ghodsi chia sẻ cậu cảm thấy vô cùng kinh ngạc và phấn khởi bởi thành quả đạt được.

    Ghodsi bắt đầu viết bài này sau khi đọc bài viết về chủ đề tương tự của một "đàn anh" 19 tuổi cũng trên Medium. Cậu chia sẻ: “Mặc dù bài viết đó nói về quan điểm của thanh thiếu niên nhưng với riêng bản thân em, cái nhìn của một người 19 tuổi quả thực cũng không khác cái nhìn của người lớn là mấy. Vì thế, em sẽ viết về truyền thông mạng xã hội dưới góc nhìn của chính em và bạn bè của em”.

    Trong bài viết của mình, Ghodsi liệt kê Instagram, Kik Messenger và YouTube là 3 cái tên có sức ảnh hưởng nhất trong các ứng dụng truyền thông mạng xã hội ở lứa tuổi cậu bé. Twitter cũng được đề cập nhưng hầu hết chỉ phổ biến ở một vài nhóm học sinh ở trường: “Em coi Twitter là một phiên bản không dùng ảnh của chính Instagram. Hầu hết bọn em đều nghĩ Twitter chỉ dành cho người lớn, thậm chí còn “copy” cả mô hình của Instagram nữa”.

    Bài viết gây xôn xao dư luận của Ghodsi trên trang blog Medium hồi tháng 5.

    Đặc biệt, Ghodsi dành khá nhiều ưu ái cho ứng dụng nhắn tin miễn phí Kik Messenger. Tuy là một cái tên khá mới mẻ nhưng đây là một ứng dụng nhắn tin đang rất phổ biến ở Canada. Cậu bé cho biết: "Hiện nay đã có rất nhiều ứng dụng nhắn tin miễn phí nhưng hầu hết chỉ phù hợp với người lớn. Còn Kik thì vốn dành riêng cho trẻ em. Một khi đã sử dụng là sẽ rất dễ “nghiện”. Bởi nền tảng của Kik đã tích hợp sẵn hiển thị hình ảnh, và quan trọng là rất dễ sử dụng. Em nghĩ điều này sẽ rất phù hợp với lứa tuổi chúng em”.

    Luôn nuôi dưỡng lòng ham thích công nghệ ngay từ bé, cách đây một vài năm, Ghodsi đã “chế tạo” thành công thuật toán Whispererly giúp người dùng Twitter nói chuyện với nhau mà không để lộ danh phận. Thừa thắng xông lên, Ghodsi còn vừa… khởi nghiệp khi mới chỉ 13 tuổi với một “startup của các startup” – Slik – trang web cho phép người dùng tìm kiếm và cập nhật các thông tin cơ bản về mọi startup trên toàn thế giới, bao gồm số vốn đầu tư, số nhân viên, số lượt ghé thăm trang chủ và nhiều số liệu quan trọng khác.

    Về lý do lập nên Slik, Ghodsi cho biết: “Em đã từng chơi cổ phiếu một thời gian. Chú của em làm trong ngành tài chính ở Waterloo và hay kể cho em nghe về Bloomberg Terminals (hệ thống thông tin tài chính chứng khoán, sử dụng rộng rãi trong giới tài chính). Chính vì thế, ngay từ khi còn rất nhỏ, em đã dần hình thành trong đầu một tư duy cơ bản về chứng khoán nói chung. Chú còn hướng dẫn em tham gia vào sàn chứng khoán, và em cũng thấy chơi cổ phiếu rất vui.  Nhưng đến đầu tháng 10 năm ngoái, em có cơ hội tiếp cận với các startup, và nhận ra cộng đồng các startup là một con số không hề nhỏ. Quan trọng là, đoạn code em đang viết rất phù hợp để áp dụng vào hệ thống các startup trên thế giới nói chung”.

    Không còn nghi ngờ gì khi gọi Ghodsi là một “thần đồng công nghệ” với những gì em đã làm được ở lứa tuổi 13.

    Nhưng tất nhiên, đối với một cậu bé chỉ mới 13 tuổi, những trở ngại luôn thường trực trên con đường thành công. Ghodsi chia sẻ: “Slik là một startup rất có tiềm năng. Nhưng để duy trì Slik, em phải tốn hàng trăm đô mỗi tháng. Em từng bị ám ảnh về tiền một thời gian. Em tiết kiệm từng đồng từ các món quà được tặng nhân dịp Giáng sinh, sinh nhật, hay cả những đồng lãi ít ỏi em thu được từ đợt chơi cổ phiếu. Em còn mua cả vàng nữa. Nhưng số tiền đó đã nhanh chóng cạn kiệt bởi quá trình xây dựng startup đòi hỏi rất nhiều chi phí. Lúc đó, em hoàn toàn có thể hỏi mượn tiền của bố mẹ hoặc bạn bè, nhưng nếu vậy thì công ty này sẽ không hoàn toàn là của em nữa rồi. Thế nên em sẽ là nhà đầu tư duy nhất của Slik”. Và may mắn là bố mẹ của Ghodsi – vốn là giáo sư và nhà khoa học – đều rất thấu hiểu và luôn sẵn sàng trợ giúp cậu con trai bé bỏng của mình.

    Đáng ngạc nhiên hơn nữa, Ghodsi đã bắt đầu viết code từ khi mới… 8 tuổi, trải nghiệm hầu hết các thể loại ngôn ngữ lập trình cơ bản hiện nay. Nhưng bên cạnh “thú vui” lập trình đầy khác lạ, Ghodsi vẫn có những sở thích đúng với lứa tuổi như đá bóng, chơi cờ vua. Ở trường học, môn toán dĩ nhiên là môn học cậu bé yêu thích nhất, nhưng những môn học khác như khoa học, ngoại ngữ, âm nhạc và mỹ thuật cũng không hề làm khó được cậu. Mặc dù vậy, Ghodsi vẫn rất khiêm tốn khi chia sẻ về khả năng toán học của mình khi cho rằng mình chỉ có sức học “tàm tạm”.

    Slik đang là công cụ xếp hạng startup được chú ý nhất hiện nay.

    Vậy cậu bé nghĩ sao về đại học? Ghodsi khá thận trọng: “Em nghĩ việc học đại học trong tương lai sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào con đường mà em sẽ đi và cách thế giới vận động. Học đại học là một bước nền tảng rất quan trọng có thể thay đổi cuộc đời mỗi người, điều này đã được kiểm chứng dưới góc độ xã hội. Và nhiều số liệu cũng cho thấy, người học đại học thường sẽ thành công hơn”.

    Khi được hỏi về mục tiêu tiếp theo của bản thân, cậu bé đã cho thấy một tầm nhìn rất đáng nể ở lứa tuổi 13 khi có tham vọng thay đổi nền giáo dục: “Vấn đề hiện nay ở các trường học không nằm ở việc họ dạy hoặc không dạy những gì. Vấn đề nằm ở cách vận hành của cả một hệ thống. Sẽ mất rất nhiều thời gian để thay đổi nền giáo dục, nhưng nếu thành công sẽ mang lại nhiều hiệu quả không ngờ”.

    Tham khảo TheNextWeb

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày