Chết vì gậy tự sướng? Xin đừng đổ lỗi cho công nghệ

    NhungNg,  

    Trước khi công nghệ phát triển đến độ có khả năng quyết định hành vi của nhân loại, con người vẫn luôn là kẻ có lỗi khi tự đưa mình vào cõi chết.

    Cách đây chưa lâu, vụ nữ sinh người Úc xấu số chết thảm do mải chụp ảnh bằng gậy tự sướng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bỏ mạng vô nghĩa vì chụp ảnh. Thậm chí, con số này còn đáng báo động hơn nữa khi bỏ xa số người chết vì bị cá mập tấn công. Theo thống kê, trong năm 2015, đến nay đã có tới 12 vụ bỏ mạng vì chụp ảnh tự sướng. Điều này đã biến một hoạt động tưởng chừng nhẹ nhàng vui vẻ trở thành… nguy cơ gây chết người hàng đầu tại các khu du lịch mạo hiểm trên thế giới hiện nay.

    Cho dù những câu chuyện thương tâm tương tự đều bị gán mác là “mặt tối của công nghệ”, liệu có công bằng không khi chúng ta liên tục đổ lỗi cho sự phát triển của công nghệ? Chúng ta có thật sự vô can hay không?

     Những bức ảnh ngoạn mục ẩn chứa nhiều nguy cơ.

    Những bức ảnh ngoạn mục ẩn chứa nhiều nguy cơ.

    Con người đang ngày càng phụ thuộc vào công nghệ. Câu này có vẻ đã quá quen thuộc khi được nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông nhằm “cảnh tỉnh” về nguy cơ nhân loại lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ. Theo đó, công nghệ càng đi lên với tốc độ càng cao, tư duy trí óc của con người có vẻ như ngày càng đi xuống. Hoặc ít ra, trông chúng ta có vẻ như vậy.

    Bạn từng đâm đầu vào cột điện vì mải mê dán mắt vào màn hình điện thoại? Lúc đó bạn sẽ làm gì? Trách móc cái cột điện hay tự ngán ngẩm với chính mình? Rõ ràng, cái cột điện hoàn toàn không có lỗi khi có mặt ở đó. Nhưng chiếc điện thoại của bạn cũng hoàn toàn vô can bởi nhờ nó, bạn mới có thể vừa đi vừa một tay “lướt” cả thế giới. Đơn giản, bạn mới chính là kẻ có lỗi khi không chú ý tự bảo vệ bản thân, không để tâm đến môi trường bên ngoài và mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình.

     

    Nhóm bạn trẻ người Hong Kong này khiến người xem phải... sởn da gà vì độ liều lĩnh.

    Hàng loạt tấn thảm kịch với số người phải bỏ mạng đã quá 2 bàn tay liên tục xảy ra chỉ trong nửa đầu năm nay. Nguyên nhân đến từ việc tưởng như vô hại và an toàn nhất: chụp ảnh tự sướng bằng gậy selfie. Nhưng vẻ vô hại đó sẽ hoàn toàn biến mất nếu đặt vào các khung cảnh “chết người” như sườn núi, rìa đá, đường ray tàu, vườn động vật hoang dã hay bên cạnh các loại vũ khí nguy hiểm. Liệu cái giá phải trả khi liều lĩnh tiến đến mép bờ vực để chụp ảnh có quá đắt? Liệu ai có thể biện minh khi bị động vật hoang dã tấn công vì lỡ… quay lưng về phía chúng để chụp ảnh selfie? Một đoàn tàu tốc độ cao có nên cảm thấy có lỗi khi… lỡ đụng phải một khách du lịch đang mải mê chụp ảnh tự sướng trên đường ray?

    Có thể những nạn nhân xấu số đó chỉ là những cá nhân thiếu may mắn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được rằng những thảm kịch đó hoàn toàn có khả năng được phòng tránh nếu họ sáng suốt và cẩn thận hơn khi chụp ảnh. Một lý do khác dẫn đến sự “ám ảnh” về việc chụp ảnh mạo hiểm lại đến từ chính những người xung quanh. Hàng ngàn, hàng triệu cú bấm Thích, Chia sẻ hay Bình luận đều có thể trở thành những liều doping nguy hiểm cho những người trẻ vốn luôn sẵn máu liều lĩnh, những người sẵn sàng mạo hiểm cả tính mạng bản thân để trở thành người đầu tiên, nhanh nhất và độc đáo nhất qua những tấm hình ngoạn mục trên mạng. Lúc này, chính cộng đồng lại là những kẻ đưa họ đến gần hơn với tử thần, theo một cách vô hại nhất có thể.

     

    Màn trình diễn "đứng tim" của 2 thanh niên người Nga.

    Tự đặt mình vào những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” đã rất đáng trách, nhưng việc cổ súy và khuyến khích người khác làm như vậy còn đáng bị phê phán nhiều lần hơn thế. Hiện tại, lệnh cấm sử dụng gậy selfie để chụp ảnh trong nhiều sự kiện, địa điểm công cộng (bảo tàng, công viên, điểm du lịch...) đã được triển khai ở nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Iran, Ả Rập. Ngoài việc gậy selfie có thể trở thành vũ khí, tác hại khôn lường của việc dán mắt vào camera đã quá rõ ràng với những bằng chứng hùng hồn kể trên.

    Việc chụp ảnh tự sướng mọi lúc mọi nơi không chỉ gây khó chịu, mà còn có thể đe dọa tới sự an toàn của bản thân du khách và nhiều người xung quanh. Chính chiếc gậy tưởng như nhỏ bé nhưng lại có khả năng đưa người dùng vào không ít những tình huống hi hữu vì mải chụp ảnh tự sướng như rơi từ trên cao, bị bò tót húc chết, bị rắn độc cắn chết, bị điện giật chết, bị sét đánh trúng gậy tự sướng, vô tình bóp nhầm cò súng gây mất mạng hoặc đơn giản chỉ là… bị chồng đánh đập dã man vì selfie quá nhiều.

     Gậy selfie hiện đã bị cấm hoàn toàn tại nhiều sự kiện âm nhạc lớn trên thế giới.

    Gậy selfie hiện đã bị cấm hoàn toàn tại nhiều sự kiện âm nhạc lớn trên thế giới.

    Trước khi công nghệ phát triển đến độ có khả năng quyết định hành vi của nhân loại, con người vẫn luôn là kẻ có lỗi khi tự đưa mình vào cõi chết một cách vô nghĩa. Hãy công nhận đi, đôi mắt con người chính là chiếc camera tuyệt vời nhất. Vì thế, hãy thử một lần cất điện thoại vào túi để tận mắt ghi nhớ từng khoảnh khắc của cuộc sống. Bởi cho dù có đẹp đến mấy, hãy nhớ một tấm ảnh không bao giờ xứng đáng để bạn mạo hiểm tính mạng của bản thân và những người xung quanh.

    Tham khảo TheNextWeb

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày