Chuyện chưa kể về những trình duyệt web nổi tiếng

    PV, Đức Trọng 

    Cùng khám phá câu chuyện đằng sau sự ra đời của những tên tuổi hàng đầu làng trình duyệt web thế giới.

    Bạn có biết rằng vào thuở sơ khai của kỉ nguyên Internet, chúng ta hầu như sẽ chỉ có duy nhất một lựa chọn trình duyệt (Web browser) để tiến vào thế giới web rộng lớn? Khi đó, để có thể xem được một trang mang kích cỡ bình thường, có thể sẽ phải tính đến giải pháp “cà phê cà pháo” bởi thời gian để load các thành phần sẽ “lê thê” hơn đến gấp vài chục lần hiện nay.
     
    Kể từ đấy cho đến nay, thế giới trình duyệt web đã tiến một bước rất dài với những biến chuyển vô cùng sâu sắc cả về chất và lượng. Từ Netscape, Firefox cho đến Internet Explorer (IE), Opera, Safari hay Google Chrome, hãy cùng nhìn lại những thời khắc quan trọng nhất, cũng như những nốt thăng trầm xuyên suốt chiều dài lịch sử hơn 20 năm của trình duyệt web.
     
    WorldWideWeb (1990)
     
    Trình duyệt web đầu tiên trên thế giới là gì? Câu trả lời chắc chắn sẽ khiến không ít người phải ngạc nhiên, vì Web browser đầu tiên trong lịch sử lại không hề có chút dính dáng nào với những tên tuổi hàng đầu hiện nay như IE, Firefox hay Opera. Thay vào đó, Web browser nguyên thủy này có cái tên rất dễ nhầm lẫn, đó là WorldWideWeb. Thoạt nghe, có thể bạn sẽ cảm thấy có đôi chút bất ngờ, bởi cái tên này rất giống với mạng Internet WWW. (World Wide Web).
     
    Cũng chính vì sự tương đồng phiền phức đấy nên thời gian sau đó, trình duyệt WorldWideWeb đã được đổi tên thành Nexus. Dần dần, cái tên ban đầu gần như đã chìm vào quên lãng.
     
     
    WorldWideWeb được viết bởi Berners-Lee, một kĩ sư thuộc CERN vào khoảng nửa cuối năm 1990. Vào thời điểm công bố, phiên bản gốc của WorldWideWeb chỉ có thể chạy được trên NeXTSTEP, hệ điều hành được thiết kế riêng cho những chiếc máy tính mang thương hiệu NeXT của Steve Jobs.
     
    WorldWideWeb phiên bản nguyên thủy không có đồ họa, chỉ gồm những kí tự trên nền trắng khá thô kệch. Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể hiệu chỉnh việc hiển thị các trang web sao cho phù hợp nhất.
     
    ViolaWWW (1992)
     
    ViolaWWW là trình duyệt web đầu tiên được viết riêng cho hệ thống X Window nền Unix. ViolaWWW được trang bị khá nhiều tính năng có thể nói là rất quen thuộc với chúng ta ngày này như: Trang bị các nút Forward, Back , Home, tích hợp danh sách Bookmark, hỗ trợ tìm kiếm theo Keyword, hỗ trợ sao chép các trang hiển thị…
     
     
    Cello (1993)
     
    Được tạo ra bởi Thomas R. Bruce, một chuyên gia viện thông tin pháp lý thuộc trường đại học luật Cornell, Cello chính là trình duyệt web đầu tiên hoạt động trên nền hệ điều hành Microsoft Windows (Thực tế, Cello được thiết kế cho phiên bản Windows 3.1). Cello ra đời xuất phát từ nhu cầu của giới luật sư. Những người này được trường đại học trang bị cho những chiếc máy tính chạy hệ điều hành Windows để làm việc; nhưng điều bất tiện là vào thời điểm đó, tất cả các trình duyệt đều chạy trên hệ điều hành Unix.
     
    Thay đổi hệ điều hành hoàn hảo như Windows chỉ để sử dụng các trình duyệt khác là một ý tưởng rất tồi nên Cello ra đời. Thời gian sau đó, Cello được tung ra thị trường và thu được một số thành công nhất định. Tuy vậy, số phận của Cello khá ngắn ngủi, nó nhanh chóng bị bỏ quên khi Mosaic và Netscape xuất hiện.
     
      
    Lynx 2.0 (1993)
     
    Sau khi Berners-Lee tạo ra WorldWideWeb, trình duyệt đầu tiên trên thế giới, CERN đã tiếp tục chứng tỏ nơi đây chính là cái nôi của thế giới trình duyệt khi tiếp tục trình làng Lynx 2.0 vào 1993. Lynx là trình duyệt theo chế độ dòng (line mode), không có đồ họa.
     
    Dự án Lynx được bắt đầu vào 1990 với mục tiêu giúp người dùng truy cập mạng Internet từ tất cả mọi nền tảng thông qua Telnet. Sau khi phát hành, Lynx 2.0 đã trở thành trình duyệt kí tự phổ biến nhất thế giới. Thậm chí ngày nay, hệ điều hành này vẫn còn được sử dụng trong một số trường hợp.
     
     
    NCSA Mosaic 1.0 (1993)
     
    NCSA Mosaic là trình duyệt đầu tiên cho phép hiển thị hình ảnh ngay bên cạnh các đoạn văn bản, thay vì trên một cửa sổ mới riêng biệt như các trình duyệt trước đó. Với ưu thế đơn giản, dễ sử dụng, NCSA Mosaic trở nên rất phổ biến trên nền tảng Windows và Macintosh.
      
      
    IBM WebExplorer (1994)
     
    Một năm sau khi Mosaic ra đời, gã khổng lồ máy tính IBM cũng quyết định tham gia vào thị trường trình duyệt web với WebExplorer, được phát triển dựa trên nền tảng của Mosaic. WebExplorer được thiết kế riêng cho hệ điều hành OS/2 Warp 3 của chính hãng.
     
    Ngay từ khi mới ra đời, trình duyệt này đã được các chuyên đánh giá rất cao. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là nó lại được sử dụng trên OS/2 Warp 3, hệ điều hành quá ít phổ biến. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tầm ảnh hưởng và khả năng phát triển của WebExplorer.
     
     
    Netscape Navigator 1.0 (1994)
     
    Sau khi gặt hái được rất nhiều thành công với Mosaic, các nhà phát triển trình duyệt này đã rời bỏ NCSA để lập nên một công ty mới có tên là Netscape Communications. Sau đó không lâu, Netscape Navigator 1.0 chính thức ra đời.
     
    Được thừa hưởng tất cả những ưu điểm “ăn khách” nhất từ Mosaic, thêm vào đó là những bổ sung nâng cấp mới rất giá trị như: Khả năng hiển thị riêng từng thành phần web hay các extension (phần mở rộng) cho HTML, Navigator nhanh chóng trở thành trình duyệt thành công nhất vào thời điểm hiện tại.
     
     
    Microsoft Internet Explorer 1.0 (1995)
     
    Trước sự thành công của Mosaic và sau đó là Netscape, Microsoft của Bill Gates cũng quyết tâm kiếm chác từ thị trường đầy béo bở này. Và Microsoft Internet Explorer, cái tên quen thuộc nhất trên thế giới trình duyệt đã cất tiếng khóc chào đời năm 1995.
     
     
    Dự án Internet Explorer của Microsoft bắt đầu với mã nguồn của Spyglass Mosaic và được tích hợp thêm một số thay đổi của hãng. Tuy nhiên, phiên bản đầu tiên của Internet Explorer hoàn toàn không để lại nhiều ấn tượng bởi nó cực kỳ thô sơ, chỉ thể hiện được kí tự, ảnh và nhận dạng các thuộc tính cơ bản của HTML.
     
    Tuy nhiên, vài tháng sau đó, khi phiên bản 1.5 ra đời, được tích hợp thẳng vào Windows, thì đây mới chính là bước tiến quan trọng nhất của Internet Explorer. Sau đó, nhờ “ăn theo” khả năng phát triển đến chóng mặt của Windows, trình duyệt đã nhanh chóng trở nên phổ biến nhất thế giới.
     
    Netscape Navigator 3.0 (1996)
     
    Có thể xem đây là thời kì hoàng kim nhất của Netscape, khi mà ông vua Internet Explorer vẫn còn đang loay hoay khởi động một cách khá chậm chạp. Phiên bản 3.0 của Netscape mang đến nhiều cải tiến rất đáng chú ý như hỗ trợ định dạng video và audio, hoàn thiện hỗ trợ JavaScript, cùng với các cải tiến mới khác về bảo mật.
     
     
    Opera 2.0 (1996)
     
    Đến giai đoạn này, Opera, một cái tên nặng kí khác trên thị trường trình duyệt, đã bắt đầu xuất đầu lộ diện với phiên bản cộng đồng đầu tiên dành cho Windows là Opera 2.0. Sau khi xuất hiện, Opera nhanh chóng chiếm được tình cảm của người dùng bởi giao diện thân thiện, khả năng tương thích rộng với nhiều chuẩn web.
     
     
    KDE Konqueror (2000)
     
    Trình duyệt có cái tên khá lạ lẫm này là sản phẩm rất độc đáo. Nó vừa là một trình duyệt web, vừa có thể đóng vai trò là trình quản lý tập tin. Xuất hiện với phiên bản KDE 2 vào năm 2000, trình duyệt này được thiết kế riêng cho các máy tính để bàn chạy hệ điều hành Unix.
     
    Một điểm khác rất đáng chú ý ở KDE Konqueror là công cụ nguồn mở của nó, KHTML, sau này sẽ trở thành nền tảng cho trình duyệt web Safari nổi tiếng của Apple.
     
     
    Microsoft Internet Explorer 5 cho Mac (2001)
     
    Đây là sự hợp tác hiếm hoi giữa 2 gã khổng lồ Apple và Microsoft. Năm 2001, cùng với sự ra đời của hệ điều hành Mac OS X, Apple cảm thấy họ cũng cần một trình duyệt web mới. Do đó, nhờ vào một thỏa thuận vào năm 1997 giữa 2 gã khổng lồ, lần đầu tiên, người dùng có thể sử dụng IE ngay trên máy tính của Apple. Điều đáng tiếc là phiên bản IE5 này lại có quá nhiều lỗi.
     
     
    Microsoft Internet Explorer 6.0 (2001)
     
    Phiên bản IE 6 được ra mắt gần như cùng lúc với hệ điều hành huyền thoại Windows XP, vào tháng 8/2001. Vào thời điểm vàng son của mình, IE 6 đã giúp Microsoft thống trị tuyệt đối với đến 90% thị phần trên thị trường trình duyệt vào cuối năm 2003.
     
    Tuy nhiên, IE 6 cũng được xem là trình duyệt bảo mật kém nhất với hàng loạt các lỗ hổng và lỗi bảo mật nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng, nếu không được đi kèm với siêu sao Win XP, thì không bao giờ IE 6 có thể đạt được những thành tựu như thế.
     
     
    Netscape 7 (2002)
     
    Đối mặt với thị phần ngày càng bị thu hẹp bởi sự bành trướng của IE, Netscape đã phải tính đến giải pháp mã nguồn mở để cứu vãn tình hình vào năm 1998. Quyết định này dẫn đến sự ra đời của trình duyệt mã nguồn mở Mozilla Navigator.
     
    Sau đó, Netscape vẫn cố gắng tung ra Netscape 7, một phiên bản được tích hợp khá nhiều đặc điểm của Mozilla Navigator. Thế nhưng, Netscape 7 vẫn tỏ ra quá yếu đuối trước 1 Internet Explorer hùng mạnh của Microsoft để có thể vực dậy Netscape.
     
     
    Mozilla Phoenix 0.1 (2002)
     
    Với sức ép khổng lồ từ phía IE, Netscape sụp đổ. Trước tình hình đó, Mozilla Communications nhanh chóng nổi lên như một sự thay thế xứng đáng cùng với dự án Mozilla Phoenix.
     
    Tập trung vào tính đơn giản, tốc độ và khả năng tùy biến cao, Mozilla Phoenix nhanh chóng gây được ấn tượng với người dùng. Mozilla Phoenix cũng chính là tiền thân của "chú Cáo lửa Firefox", đối thủ đáng sợ nhất của Microsoft Internet Explorer trên thị trường trình duyệt web đương đại (sau này Phoenix đổi tên thành Firebird, và sau cùng là Firefox).
     
     
    Apple Safari Public Beta (2003)
     
    Sau 3 năm sử dụng “hàng” của Microsoft (Internet Explorer 5 cho máy tính Mac), đã đến lúc Apple quyết định gia nhập thị trường trình duyệt web bằng chính nội lực của mình. Từ đó, cái tên Safari đã chính thức ra đời.
     
    Tập trung đánh vào thị hiếu thẩm mỹ của người dùng, trình duyệt “long lanh” Safari của Apple vẫn luôn biết cách tồn tại và phát triển trước sức ép từ những người khổng lồ như IE hay Firefox.
     
     
    Mozilla Firefox 1.0 (2004)
     
    Sự ra đời của Firefox 1.0 đánh dấu một kỉ nguyên mới trong lịch sử trình duyệt – kỉ nguyên mã nguồn mở. Ngay từ khi được chính thức phát hành với phiên bản 1.0 vào năm 2004, Firefox đã nhanh chóng cho cả thể giới thấy họ mới chính là đối thủ xứng tầm nhất của IE với số lượng người dùng vô cùng ấn tượng.
     
    Thời gian sau đó, với các phiên bản 2.0, 3.0 và gần đây nhất là 4.0 beta, Firefox càng ngày càng đẩy IE lún sâu hơn vào vũng lầy thất bại.
     
     
    Google Chrome Beta (2008)
     
    Năm 2008 là thởi điểm thế giới trình duyệt đón chào một tên tuổi mới, Google Chrome. Không như Firefox tập trung vào khả năng tùy biến, Safari tập trung vào thẩm mỹ hay IE chỉ đơn thuần dựa hơi Windows, thế mạnh riêng của Chrome chính là sự đơn giản và tốc độ duyệt web khủng khiếp.
     
    Kể từ khi thoát xác beta và chính thức được phát hành vào 2009, Chrome đã phát triển với tốc độ được xem là thần kì nhất từ xưa đến nay, với gần 7% thị phần chỉ trong 1 năm. Trong tương lai chắc chắn Chrome sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với 2 ông lớn IE và Firefox.
     
     
    Microsoft Internet Explorer 9.0 beta (2010)
     
    Với nỗ lực giành lại thị phần đang mất dần vào tay các đối thủ như Firefox, Chrome; đồng thời lấy lại hình ảnh, vị thế của một ông vua trình duyệt web, sau cùng Microsoft cũng đã công bố phiên bản 9.0 của series Internet explorer vào tháng 9/2010. Với rất nhiều cải tiếng đáng giá như tốc độ khủng, giao diện đẹp và gọn gàng hơn, khả năng tùy biến với add - on cao hơn, IE 9 được xem là niềm hy vọng mới của Microsoft trên chiến trường trình duyệt web.
     
    Đáng tiếc, IE 9 lại không hoạt động trên Win XP hệ điều hành phổ biến nhất thế giới vào thời điểm hiện tại (chiếm 2/3 số máy tính dùng Windows). Bỏ qua số lượng người dùng khổng lồ này, phải chăng Microsoft đang tự bắn vào chân mình?
     
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ