Di động: 'Kho báu' quảng cáo bị Twitter bỏ quên

    PV,  

    Quảng cáo di động vẫn chưa được các công ty lớn như Twitter tận dụng một cách triệt để.

    Nội dung nổi bật:

    - Là một trong những mạng xã hội đi đầu trong kỷ nguyên di động nhưng Twitter vẫn chưa tận dụng được lợi thế này để biến sản phẩm của họ thành cỗ máy kiếm tiền qua quảng cáo.

    - Nhìn vào Google có thế thấy, một điểm sáng mà các nhà quảng cáo cần lưu ý trong trường hợp này là cách kiếm được tiền từ chính sản phẩm của mình.

    Tuần vừa qua, Twitter được nhắc đến nhiều hơn cả nhờ một bài viết dài 8.500 từ của nhà đầu tư Chris Sacca về hãng này. Sacca giải thích về những sai lầm mà Twitter đang mắc phải và đưa ra gợi ý về cách sửa chữa những sai lầm đó.

    Sacca chỉ ra rất nhiều vấn đề nổi cộm tại Twitter hiện nay. Với những người mới dùng mà nói, mạng xã hội này quá phức tạp với họ, thậm chí việc tìm hiểu những bước dùng cơ bản lúc đầu rất khó khăn. Họ sẽ cảm thấy bị cô lập nếu không biết ai để theo dõi và cũng không có ai tương tác qua lại với họ.

    Thực tế Twitter là công ty truyền thông lớn đầu tiên phát triển rộng rãi trong kỷ nguyên di động. Họ cũng đã xây dựng nền tảng cho di động và đây được cho là cơ hội vô cùng lớn. Tuy nhiên, có vẻ như kể từ đó đến nay vẫn không có công ty nào nhận ra “kho báu” quảng cáo di động , kể cả Twitter.

    Quảng cáo in chi tiền đô, kỹ thuật số là chút bạc cắc, còn di động chỉ vài xu lẻ

    Có một câu châm ngôn lưu truyền đã lâu trong giới truyền thông đó là: Quảng cáo in xứng đáng được chi tiền đô còn kỹ thuật số chỉ là bạc cắc. Câu này có nghĩa là trước khi website trở nên phổ biến, các nhà xuất bản thường thu những khoản phí rất lớn đối với nhà quảng cáo. Tuy nhiên, quan niệm này dường như đã quá cũ. Đến khi nội dung trực tuyến thay thế bản in, nhà quảng cáo sẵn sàng trả từng ấy tiền cho mỗi lượt người đọc, mỗi lượt click xem quảng cáo.

    Có rất nhiều lý do để làm điều này. Nhiều nội dung hơn nghĩa là việc cạnh tranh để thu hút nhiều người đọc sẽ trở nên gay gắt hơn. Các nhà quảng cáo cũng có cơ hội biết nhiều hơn về thói quen của người đọc vì vậy họ sẽ nhận ra việc trả tiền cho những quảng cáo in vốn rất ít sự tương tác là lãng phí.

    Với riêng di động, các nhà xuất bản thêm một phần nữa vào câu châm ngôn kể trên là: Di động chỉ là vài xu lẻ. Ý nghĩa của câu nói này là các nhà quảng cáo sẽ trả ít tiền hơn cho các loại hình quảng cáo truyền thống trên di động so với trên web.

    Chỉ số CPM (giá trên mỗi lần hiển thị) trên máy tính và di động.

    Banner hay cửa sổ quảng cáo là những hình thức thay thế cho quảng cáo in khi nội dung trực tuyến ngày càng phát triển. Những người này tranh luận rằng, trên web ít nhất người đọc sẽ xem những quảng cáo này (thậm chí họ không click vào) và như vậy là cũng rất tốt cho thương hiệu của họ. Tuy nhiên, trên một màn hình 5 inch thì sao? Những hình thức quảng cáo trên web truyền thống nhìn sẽ nhỏ và không vừa với một màn hình di động và nó chiếm quá nhiều diện tích. Điều này thật sự gây khó chịu cho người đọc.

    Tuy nhiên, thực chất có rất nhiều loại hình khác để quảng cáo trên di động. Một trong số đó là quảng cáo tự nhiên (Native ads) - tức là quảng cáo sẽ được hoà trộn và đồng nhất với nội dung mà người đọc muốn đọc. Đây là xu hướng quảng cáo rất hứa hẹn trong thời gian tới.

    Ngoài ra, còn có quảng cáo trên video – tức là trước khi xem được nội dung, độc giả phải chờ cho đoạn clip quảng cáo chạy qua.

    Vậy cơ hội cho Twitter là gì?

    Sự dịch chuyển sang nội dung trực tuyến thật sự là một thay đổi lớn với các công ty truyền thông truyền thống. Tuy nhiên, những công ty trực tuyến đã nảy ra ý tưởng về một loại hình quảng cáo mới để mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho khoản đầu tư của các nhà quảng cáo. Ví dụ điển hình là Google. Quảng cáo thông qua tìm kiếm thật sự tốt bởi nó cho phép nhà quảng cáo chuyển thông điệp chính xác đến đúng người và đúng thời điểm ngay khi họ đang tìm kiếm để mua một thứ gì đó.

    Cũng phải nói thêm rằng, một phần thành công của Google là nhờ họ xây dựng được một sản phẩm tốt, một công cụ tìm kiếm tốt hơn tất cả sản phẩm khác của đối thủ cạnh tranh. Quan trọng hơn, một điểm sáng mà các nhà quảng cáo cần lưu ý trong trường hợp này là cách kiếm được tiền từ chính sản phẩm của mình.

    Google đạt lợi nhuận hàng năm gần 14 tỷ USD vào năm ngoái và công ty này đạt giá trị thị trường gầm 400 tỷ USD. Vậy liệu Twitter có làm được những điều như vậy trong kỷ nguyên di động như Google đã làm trong kỷ nguyên trực tuyến hay không?

    Đầu tiên, Twitter cần phải xây dựng một sản phẩm tốt, thật sự tốt hơn bất kỳ đối thủ nào khác. Đây chính là điểm Twitter cần thay đổi. Không ai phủ nhận việc Twitter là một trong những mạng xã hội đầu tiên có thiết kế dành cho di động. Họ có những tin nhắn ngắn và giao điện đơn giản phù hợp với di động. Tuy nhiên, Twitter chưa bao giờ thống trị được thị trường theo cách Google thống trị thị trường tìm kiếm. Twitter cũng chưa bao giờ tìm ra thông điệp trực tiếp để biến nó thành công cụ thay thế hoàn hảo cho văn bản như WhatsApp đã làm được.

    Bản thân Facebook ban đầu cũng lơ là với di động nhưng họ đã sớm nhận ra tầm quan trọng của việc này. Đầu tiên họ tạo ra một ứng dụng phù hợp cho di động, mua lại những công ty như Instagram và WhatsApp và sau đó tính đến quảng cáo. Kết quả là chỉ sau hơn 2 năm, Facebook đã xây dựng được một lĩnh vực kinh doanh quảng cáo di động riêng và doanh thu từ quảng cáo di động của họ hiện hơn hơn doanh thu quảng cáo từ PC.

    Dưới đây là biểu đồ thể hiện doanh thu quảng cáo di động toàn cầu năm 2014:

    Tóm lại, dù những ý kiến của Sacca tập trung chủ yếu vào việc làm thế nào Twitter có thể cải thiện sản phẩm của họ nhưng đó mới chỉ là 1 phần câu chuyện. Sau khi tạo ra được một sản phẩm tốt, họ còn cần phải tìm ra cách để biến sản phẩm đó thành cỗ máy kiếm tiền. Đây chính là giai đoạn nhiều thử thách nhất.

    Sacca chỉ ra rằng, Twitter có thể tận dụng lợi thế thu thập được một lượng lớn dữ liệu về sở thích của người dùng để tạo ra những quảng cáo phù hợp và kiếm tiền từ đó. Nếu làm được như vậy, họ rất có thể sẽ trở thành Google thứ 2. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, họ có thể có kết thúc buồn như MySpace.

    Theo Trí Thức Trẻ

    >>Một cậu bé 12 tuổi đã xây dựng nên đế chế truyền thông hùng mạnh như thế nào

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày