Dị nhân, cyborg đời thực: "Tương lai nằm trong cơ thể con người"

    NhungNg,  

    Niel Harbisson: "Cuộc sống sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu chúng ta ngừng tạo ra ứng dụng cho điện thoại di động mà thay vào đó, hãy bắt đầu tạo ra những ứng dụng cho chính cơ thể người".

    Từ trước tới nay, con người luôn tự huyễn hoặc bản thân rằng, thế giới khoa học viễn tưởng là nơi máy móc thống trị loài người. Nhưng nhờ có sự xuất hiện của những "nghệ sĩ công nghệ" không ngần ngại thử nghiệm dưới đây, tương lai của chúng ta chắc chắn sẽ lạc quan hơn thế.

    Neil Harbisson - Người đàn ông có khả năng “nghe” màu sắc

    Dù mắc chứng mù màu bẩm sinh nhưng với Neil Harbisson, anh chưa bao giờ cảm thấy thiệt thòi khi chỉ có thể nhìn được các sắc độ trắng, đen, xám kể từ khi sinh ra. Tuy vậy, anh vẫn không ngừng tự hỏi một thế giới đầy màu sắc sẽ như thế nào. Chính vì lẽ đó, năm 2003, Harbisson bắt đầu cộng tác với các chuyên gia điều khiển học Adam Montandon để thử nghiệm nhận biết màu sắc thông qua âm thanh. Cuối cùng, bộ đôi này quyết định chọn một giải pháp lâu dài: Harbisson sẽ gắn một ăng-ten kết nối Internet vào... não, cho phép anh lắng nghe các tần số ánh sáng của màu sắc.

    Hiện giờ, anh đã có thể cảm nhận được màu sắc thông qua sự rung động đến từ "con mắt thứ ba". Chiếc cần ăng-ten này là thiết bị cảm biến có thể dò tần số màu trong môi trường xung quanh, và gửi tần số đó đến vi mạch gắn sau đầu Niel, giúp anh "nghe" được màu sắc qua tính dẫn âm của xương. 

    Để làm được điều này, gần như mọi thứ xung quanh Niel đều được “mã hóa” thành một… nốt nhạc. Ví dụ, Niel kể: “Chủ nhật vừa rồi, tôi đã đi một đôi giày màu Pha Thăng (F#)”. Thậm chí, mỗi mặt hàng thực phẩm đều sở hữu một nốt nhạc, đến nỗi Niel còn hóm hỉnh ví việc đi siêu thị giống như đi tới một câu lạc bộ đêm. Thậm chí, khuôn mặt con người cũng có thể được cảm nhận theo cách thức đầy nghệ thuật này. Sử dụng ăng-ten này, Niel có thể dễ dàng vượt qua các bài kiểm tra mù màu. Thậm chí, nó còn cho phép anh vượt ra khỏi giới hạn màu sắc của mắt người bình thường khi có khả năng nhận biết tia hồng ngoại và tia cực tím.

    Harbisson rất lạc quan về tương lai của người máy.

    Harbisson rất lạc quan về tương lai của "người máy".

    Điều đáng ngạc nhiên là việc gắn cảm biến vào cơ thể không khiến cho Niel cảm thấy khó chịu. Ngược lại, anh còn cảm nhận được nhiều sự kết nối với các loài động vật khác trong tự nhiên: "Bây giờ, khi đã trở thành người máy, tôi cảm thấy bản thân kết nối nhiều hơn với thế giới và thiên nhiên bên ngoài". Ngoài ra, khả năng của Neil còn vượt xa khỏi phạm vi trái đất khi chiếc ăng-ten được kết nối với hệ thống máy ảnh trên Trạm Vũ trụ quốc tế. Theo đó, anh đang bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu về màu sắc ngoài không gian. Nhờ vậy, Niel rất lạc quan khi coi công nghệ mới này như một giác quan thứ sáu, bởi nó cho phép anh cảm nhận được màu sắc từ khoảng cách rất xa, thậm chí từ ngoài vũ trụ.

    Năm 2010, Neil thành lập Quỹ Cyborg, nhằm giúp con người trở thành người máy nếu họ muốn, bảo vệ quyền lợi của người máy và thúc đẩy sự phát triển của người máy trong nghệ thuật và xã hội. Anh dự đoán trong 100 năm nữa, công nghệ thế giới sẽ tập trung vào việc biến đổi gen và cảm biến ăng-ten của anh sẽ dần có mặt ở nhiều thế hệ sau. Harbisson tin rằng con người không nên e ngại về việc hợp nhất với công nghệ: “Nếu có thể kết hợp cơ thể người với công nghệ, tôi tin rằng nỗi lo công nghệ thống trị loài người sẽ trở nên vô căn cứ. Với chính bản thân tôi, dù bộ não được tích hợp với công nghệ nhưng tôi không hề cảm thấy mình bị thay thế bằng máy móc. Hơn nữa, công nghệ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều nếu chúng ta kết hợp với cơ thể người”.

    Những gì anh đã làm được với chiếc ăng-ten này quả thực rất đáng nể.

    Những gì anh đã làm được với chiếc ăng-ten này quả thực rất đáng nể.

    Nhưng đôi khi, quá trình chuyển từ màu sắc sang âm thanh đôi khi lại có “tác dụng phụ”, đó chính là mỗi khi lắng nghe một âm thanh bất kỳ, Neil thường có xu hướng liên tưởng đến màu sắc: “Khi nghe tiếng điện thoại, tôi có cảm giác nó màu xanh bởi nó nghe rất giống màu xanh lá. Hay bài hát “Baby” của Justin Bieber nghe y hệt màu hồng phấn”.

    Hiện giờ, sau 8 năm gắn bó với chiếc ăng-ten trên đầu, Niel đã đạt tới “cảnh giới” nhận biết được 360 màu sắc như thị giác của người bình thường. Nhưng theo anh, thị giác con người thực chất vẫn chưa hề hoàn thiện bởi luôn có rất nhiều sắc độ xung quanh mà chúng ta không thể nhận thức. Tuy nhiên, điều đó lại không thành vấn đề với máy móc. Vì thế, tôi quyết định mở rộng khả năng nhận thức màu của mình bằng cách thêm vào hồng ngoại và cực tím vào thang màu sắc-âm thanh. Hai màu sắc này thường xuất hiện dưới những dạng thức rất nguy hiểm với cơ thể người, nên việc nhận biết được chúng bằng mắt thường thật sự rất cần thiết.

    Niel Harbisson tỏ ra rất hào hứng về viễn cảnh này: "Cuộc sống sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu chúng ta ngừng tạo ra ứng dụng cho điện thoại di động mà thay vào đó, hãy bắt đầu tạo ra những ứng dụng cho chính cơ thể người". Tôi khuyến khích bạn trở thành một người máy. Bạn sẽ không đơn độc”.

     

     

    Stelarc – Người đàn ông có... 3 tai

    Cơ thể của con người từ lâu đã luôn là một đề tài vô tận cho mọi hình thức nghiên cứu khoa học. Là một nghệ sĩ trình diễn, Stelarc luôn muốn được thử nghiệm với cơ thể mình, từ việc xây dựng khung xương đến việc thiết kế một chiếc máy ảnh tí hon để quay khung cảnh bên trong cơ thể người. Và bây giờ là... một chiếc tai bằng 3D trên tay trái.

    Phải mất tới 10 năm, Stelarc mới có thể hiện thực hóa kế hoạch “tai 3D” này. Ông cũng hy vọng sẽ sớm có thể thêm một chiếc micro kết nối Internet vào tai nhằm khiến cả thế giới phải lắng nghe mình bất kể ông đang ở đâu. Stelarc cho thấy chúng ta không nên chấp nhận hiện trạng sinh học sẵn có hiện nay của con người. Cơ thể sinh học hiện nay chưa phải lựa chọn tối ưu nhất bởi theo thời gian, cơ thể người sẽ luôn gặp vấn đề về sức khỏe và có tuổi thọ ngắn.

    Dù trông khá kỳ dị nhưng chiếc tai thứ 3 này cũng đã góp phần khẳng định tính khả thi của người máy.

    Dù trông khá kỳ dị nhưng chiếc tai thứ 3 này của Stelarc đã góp phần khẳng định tính khả thi của "người máy".

    Stelarc khá tự tin về tiềm năng của công nghệ này: “Nếu cởi mở hơn với việc kết hợp cơ thể người và máy móc, trong tương lai không xa, chúng ta sẽ không cần tới điện thoại thông minh hay máy tính bảng nữa. Thậm chí chỉ một thời gian nữa thôi, các thể loại công nghệ có thể nhìn thấy được sẽ không còn tồn tại. Bởi lúc đó, con người có thể cấy công nghệ vào bên trong cơ thể, hoặc thậm chí thay đổi gen di truyền”.

    Theo ý kiến ​​của Stelarc, không nên vì e ngại cơ thể bị kiểm soát bởi máy móc mà chúng ta lại không dám thử nghiệm để thu về nhiều thành tựu đáng kinh ngạc hơn: "Không ai có thể phủ nhận rằng cơ thể người là một kết quả của quá trình tiến hóa, và hiện giờ vẫn chưa hoàn thiện. Do vậy, cấy ghép công nghệ vào cơ thể người đơn thuần chỉ là một bước tiếp theo của quá trình đó. Về mọi mặt, nhân loại luôn tìm cách tiến xa hơn quá khứ. Vậy tại sao lại không thử phương pháp rất hứa hẹn này?".

    Có thể thấy, những thử nghiệm đáng chú ý của hai nghệ sĩ trình diễn kiêm "người máy" Niel Harbisson và Stelarc đã gợi ý một viễn cảnh rất khả thi cho con người. Bởi theo họ, điều này sẽ giúp củng cố và mở rộng khả năng cũng như nhận thức của nhân loại. Nói cách khác, việc “hack” cơ thể người sẽ mang lại cho con người một tương lai phát triển hoàn toàn khác biệt.

    Tham khảo Mashable

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ