Đọc báo nhanh trên Facebook: tương lai báo chí đi về đâu, ai là người hưởng lợi?

    Yến Thanh,  

    Mới đây, Facebook đã trình làng tính năng Instant Articles, cho phép người dùng Facebook đọc đầy đủ nội dung các bài báo ngay trên News Feed của mình mà không cần mở trình duyệt web.

    Mới đây, Facebook đã trình làng tính năng Instant Articles, cho phép người dùng Facebook đọc đầy đủ nội dung các bài báo ngay trên News Feed của mình mà không cần mở trình duyệt web. Theo như thông báo từ mạng xã hội lớn nhất thế giới, giờ đây người dùng chỉ tốn khoảng 0,8 giây cho việc chờ mở một bản tin, nhanh hơn gấp 10 lần so với tốc độ trước đây.

    Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tính năng Instant Articles được cho là khiến các nhà xuất bản ngày càng lệ thuộc vào Facebook dù muốn hay không. Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng, việc đọc báo với tốc độ cao và tiện dụng trên Facebook là một bước ngoặt lớn với mạng xã hội này cũng lĩnh vực tin tức.

    Được biết, Facebook hiện đã hợp tác và cung cấp tính năng này cho 9 tờ báo bao gồm: The New York Times, National Geographic, BuzzFeed, NBC, The Atlantic, The Guardian, BBC News, Spiegel và Bild. Ngay bây giờ, bạn có thể dễ dàng trải nghiệm Instant Articles trên ứng dụng Facebook của iOS, còn với người dùng Android, họ sẽ phải chờ đợi tới các bản cập nhật tiếp theo.

    Bước ngoặt của truyền thông

    Nếu như trước đây, bạn phải chờ đợi rất lâu khi mở một bài viết trên tab trình duyệt của Facebook hoặc trong chính trình duyệt của smartphone, thì với tính năng Instant Articles, người dùng có thể dễ dàng theo dõi thông tin mà không cần phải "đợi chờ là hạnh phúc", đặc biệt là trong tình trạng mạng không ổn định. Ngoài ra, việc chờ tải các video, ảnh cũng được cải thiện rõ rệt.

    Nói đơn giản thì Instant Articles sẽ giúp người dùng đọc báo thuận tiện và đơn giản hơn. Hãy tưởng tượng, mỗi ngày bạn đọc báo qua các trình duyệt web, bạn sẽ phải tải rất nhiều quảng cáo cũng như các module chạy ngầm, sẽ sung sướng biết bao khi ngày hôm nay Facebook cung cấp cho ta một tính năng chỉ để đọc báo mà chẳng cần phải "cõng" theo hàng tá các dịch vụ khác.

    Về phía các nhà xuất bản, họ cũng không sợ mất đi những quyền lợi của mình, Facebook vẫn giữ lại logo của tờ báo ở phía trên, đi kèm với đó là thông tin tác giả của bài báo, nhiếp ảnh gia (nếu có), cùng với một nút "follow" cho phép người dùng dễ dàng theo dõi các tin tức khác của những tờ báo này. Nhìn chung thì ai cũng "có phần" trong Instant Articles.

    Lại nói về nội dung của những tin tức khi cập nhật tính năng mới, người dùng có thể tương tác với các hình ảnh, video trong bài viết thay vì chỉ là hình ảnh 2 chiều như trước đây. Cụ thể, với một số hình ảnh, Facebook sẽ chú thích âm thanh trong ảnh thay vì dùng chữ viết, phóng to thu nhỏ bản đồ (nếu có), sử dụng tay để xoay ảnh hoặc điều hướng.

    Đặc biệt, với Instant Articles, sức lan tỏa của các bài báo, tin tức có tính năng này sẽ tăng lên gấp bội khi chỉ cần một thao tác nhỏ, người dùng đã có thể chia sẻ, bình luận... Tất nhiên, việc lo ngại Facebook sẽ dần thay thế giới truyền thông là hoàn toàn có cơ sở, nhưng xét về sự tăng trưởng chung, các nhà xuất bản cũng đều phải "gật đầu" chấp thuận.

    Sức lan tỏa gấp bội

    Theo một báo cáo không chính thức, 1/3 người dùng di động Mỹ theo dõi các thông tin qua Facebook. Do đó, có thể coi mạng xã hội này là một kênh phân phối lớn nhất hiện nay, và với việc hợp tác với các đơn vị xuất bản khác, mức lan tỏa của những bài báo sẽ tăng lên đáng kể. Trong đó, tốc độ là yếu tố được người dùng quan tâm nhiều nhất.

    Nếu như trước đây, người dùng mất khá nhiều thời gian cho việc tải một tấm ảnh, video hay là toàn bộ bài viết, thì với tốc độ nhanh "chóng mặt", tâm trạng và thái độ sử dụng của người dùng sẽ được cải thiện rõ rệt. Chris Cox, Giám đốc sản xuất của Facebook cho biết: "Tốc độ là tính năng quan trọng nhất đối với bất kỳ phần mềm điện thoại di động nào."

    Do đó, nếu vào cuộc với một tâm trạng vui vẻ, thoải mái khi đó người dùng sẽ dễ dàng chia sẻ, bình luận hoặc dành hẳn một "Like" cho bài viết. Ngoài ra, cũng theo nghiên cứu trên, điều thú vị là với người dùng thường xuyên cập nhật tin tức từ Facebook, họ không coi đây là một kênh thông tin mà chỉ đơn giản là muốn ở lại mạng xã hội này càng lâu càng tốt.

    Hiện tại, dù chưa có bất kì điều tra nào về hành vi người dùng qua tính năng Instant Articles, nhưng những phản hồi từ các đối tác hoặc người dùng Facebook là rất tốt. Đây được xem là một điểm sáng rất đáng khích lệ với đội ngũ này. Tất nhiên, nếu so với các hình thức báo giấy truyền thống, việc sử dụng Facebook để theo dõi tin tức cũng mang tới những trải nghiệm thú vị hơn.

    Đặc biệt, Facebook cũng không quên gợi ý về ứng dụng Paper tương tự như một chương trình đọc báo, cho phép người dùng tương tác cũng như khám phá nội dung của mỗi bài viết. Còn trong một tương lai không xa, rất có thể, Instant Articles sẽ chỉ là bước đệm cho Paper, nhằm tiến lên trở thành một đơn vị xuất bản độc lập chứ không còn phụ thuộc nhiều vào các đối tác như hiện nay.

    Tương lai của truyền thông

    Nếu như cách đây 10 năm, báo giấy vẫn đang ở thời kì hưng thịnh thì giờ đây, báo mạng đã lên ngôi, nhưng với đà phát triển của các mạng xã hội, có thể trong 10 năm tới, chúng ta sẽ chỉ đọc báo qua những Facebook hay Twitter. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là nếu Facebook là người phân phối chính thức tin tức thì tỷ lệ "ăn chia" với các nhà xuất bản sẽ ra sao?

    Còn theo Justin Osofsky, Phó chủ tịch đối ngoại của Facebook, các tờ báo là đối tác của mạng xã hội này sẽ nhận hoàn toàn 100% doanh thu của quảng cáo trong bài viết (quảng cáo do chính các công ty này đưa ra), hoặc nhận về 70% doanh thu từ quảng cáo nếu sử dụng hệ thống quảng cáo của Facebook. Nhìn chung thì cả các nhà xuất bản lẫn Facebook đều sẽ hưởng lợi rất nhiều.

    Thế nhưng, nếu xét về tính hiệu quả, Facebook vẫn "húp trọn" những thành tựu của tính năng Instant Articles. Về cơ bản, nếu người dùng ngày càng theo dõi tin tức nhiều hơn trên News Feed của mình, họ sẽ chỉ ở lại Facebook mà không chuyển tới trang tin chính thống, tất nhiên, càng nhiều thời gian, Facebook càng gia tăng chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp.

    Ngoài ra, mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng có thể "nâng giá" các gói quảng cáo của mình khi họ sở hữu cả lượng người dùng khủng lẫn lượng thời gian theo dõi. Trong khi đó, các nhà xuất bản sẽ dần mất đi thế mạnh của mình, và hòa vào Facebook, thậm chí, các đơn vị này có thể phải thay đổi cả công cụ xuất bản truyền thống. Và điều duy nhất giúp họ được nhận diện chính là logo và các tác giả viết bài.

    Đặc biệt, với các công ty vừa làm nội dung xuất bản, vừa bán quảng cáo sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Bởi lẽ, ai cũng hiểu rằng, nếu bạn sử dụng các công cụ quảng cáo thứ 3 trên Facebook, hiệu quả thu về là rất ít, thế nhưng, nếu sử dụng hệ thống quảng bá của mạng xã hội này, bộ phận quảng cáo của những công ty trên sẽ gần như "chẳng còn chỗ kiếm ăn".

    Vậy còn những rủi ro?

    Điểm yếu duy nhất với tính năng Instant Articles trên Facebook chính là việc lưu trữ nội dung trên ứng dụng thay vì các trang thông tin không phải là xu hướng của truyền thông. Nếu nhìn vào trường hợp của BuzzFeed, có thể thấy, đơn vị này thành lập hẳn một đội ngũ chuyên biệt chỉ để đăng tải nội dung trên tất cả các mạng xã hội, nhưng lại không đem về được lượng độc giả cần thiết cho trang chủ.

    Hệ quả là giờ đây, chúng ta chẳng thể tìm thấy quảng cáo nào trên trang chính của BuzzFeed, bởi họ đã nhận về doanh thu quảng cáo từ các mạng xã hội kia và dần lệ thuộc vào đó. Và nếu một ngày kia, không còn ai tham gia vào những Facebook hay Twitter, các nhà xuất bản sẽ mất đi một lượng lớn độc giả của mình cũng như nguồn doanh thu khủng.

    Tất nhiên, đó là những điểm yếu của việc truyền thông phân phối ở thời điểm hiện tại, nhưng biết đâu, trong tương lai, đây sẽ là xu hướng của các đơn vị xuất bản. Chúng ta hãy cùng chờ xem "cuộc vui" trong những ngày sắp tới, truyền thông sẽ lệ thuộc vào mạng xã hội, hay điều ngược lại sẽ xảy ra?

    >> Facebook chính thức ra mắt tính năng Instant Articles, đọc báo trên News Feed

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ