Tại sao cường quốc công nghệ Nhật Bản vẫn dùng máy fax và băng cát-sét?

    NhungNg,  

    Dù là cường quốc công nghệ của thế giới và đi đầu trong công nghệ chế tạo robot, các giá trị truyền thống vẫn luôn được người dân Nhật đề cao, thậm chí trở nên lạc hậu vì... thích đi ngược thời đại.

    Với Nhật Bản nói riêng, ngành công nghiệp robot và chế tạo thiết bị công nghệ cao luôn là niềm tự hào vô cùng to lớn. Thế nhưng, sự đi lên của công nghệ lại không hề phủ bóng lên quốc gia luôn đề cao các giá trị truyền thống này. Minh chứng rõ nhất ở việc chính phủ dùng người điều tiết giao thông thay vì cột đèn xanh đỏ, các tập đoàn lớn đều duy trì sử dụng các phần mềm đã có tuổi đời hàng chục năm thay vì nâng cấp đổi mới. Thậm chí, trong các văn phòng ở Nhật Bản, đặc biệt là các công ty công nghệ cao như Sony, băng cát-sét và máy fax vẫn luôn được ưa chuộng hơn hẳn so với các loại robot đang thịnh hành.

     Giới văn phòng Nhật vẫn luôn có thói quen sử dụng máy fax mặc dù đã có robot thay thế.

    Giới văn phòng Nhật vẫn luôn có thói quen sử dụng máy fax mặc dù đã có robot thay thế.

    Ông Patrick McKenzie, giám đốc công ty phần mềm Starfighter có trụ sở ở Tokyo và Chicago cho biết: “Các công ty Nhật Bản thường không cố gắng bắt nhịp phát triển với các công ty nước ngoài. Họ sẽ mất khoảng 5 đến 10 năm để thích nghi với những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là ngành công nghiệp phần mềm. Nói cách khác, tăng trưởng công nghệ ở giới văn phòng Nhật Bản gần như luôn giậm chân tại chỗ”.

    Đây dường như là một nghịch lý tại một đất nước đi đầu thế giới với công nghệ thanh toán từ xa, hệ thống tàu điện cao tốc hay chiếc máy nghe nhạc huyền thoại Sony Walkman. Ở Nhật Bản, chỉ với chiếc điện thoại trong tay, bạn sẽ không cần phải mất công ra tận nơi để thanh toán, nhưng kỳ lạ là người dân ở đây hầu như chưa bao giờ nghĩ đến việc sử dụng ví điện tử. Tương tự, trong giới văn phòng ở đây, các dịch vụ trực tuyến như Skype hay Dropbox vẫn luôn thất thế trước các phương thức liên lạc truyền thống như điện thoại hay máy fax.

     Nhật Bản là cái nôi của công nghệ tàu điện siêu cao tốc, thế nhưng vẫn dùng người để điều tiết giao thông thay cho đèn báo.

    Nhật Bản là cái nôi của công nghệ tàu điện siêu cao tốc, thế nhưng vẫn dùng người để điều tiết giao thông thay cho đèn báo.

    Chủ tịch Yoji Otokozawa của công ty tư vấn công nghệ Interarrows có trụ sở tại Tokyo khẳng định, quốc gia Nhật Bản đang được định hướng bởi giới doanh nghiệp nghèo nàn về kỹ năng công nghệ số: “Vấn đề chủ chốt là, chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mới là những kẻ vẽ nên bối cảnh doanh nghiệp ở Nhật Bản hiện nay”. Phát biểu này không hề sai khi các doanh nghiệp dạng này chiếm tới 99,7% trong tổng số 4,2 triệu công ty ở nước này, theo số liệu từ Cục Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.

    Theo đó, hoàn toàn có thể kết luận, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này đang được lèo lái bởi những tổ chức nhỏ lẻ chứ không phải những ông lớn công nghệ. Theo ông Otokozawa, “biệt đội” SME này thường tỏ ra khá bảo thủ, nếu không muốn nói là bảo thủ một cách cực đoan: “Họ thường sử dụng thư tay hoặc cùng lắm là máy fax để liên lạc giữa các tổ chức. Chúng tôi cũng thường nhận được các bản fax được viết tay hoàn toàn, chứng tỏ các công ty này thậm chí còn không sử dụng các phần mềm soạn thảo thiết yếu như Word”.

     Yamaha đang tập trung phát triển sản phẩm robot đua xe.

    Yamaha đang tập trung phát triển sản phẩm robot đua xe.

    Thế nhưng, ở một nền văn hóa luôn đề cao sự tự tôn dân tộc và các giá trị truyền thống, ngay cả những tập đoàn lớn của Nhật Bản vẫn đang loay hoay trong “vũng lầy” công nghệ. Theo một nhân viên của hãng sản xuất chip máy tính nổi tiếng của Nhật Bản: “Khả năng rất cao là bạn sẽ được nhận vào làm ở một công ty luôn đi đầu về lĩnh vực công nghệ nhưng lại yêu cầu nhân viên sử dụng hệ thống email như từ thập niên 90”. Theo đó, họ chỉ được phép dùng phần mềm Cyboz để gửi email và liên lạc nội bộ. Đây vốn là sản phẩm của một công ty công nghệ Ấn Độ, với giao diện chỉ toàn chữ rất chân phương. Chưa hết, mỗi nhân viên chỉ được cung cấp một dung lượng lưu trữ hết sức khiêm tốn, đến nỗi họ buộc phải xóa hoặc luân chuyển các email cũ hàng tháng nếu không muốn hòm thư của mình ngưng hoạt động vì quá tải.

    Nhân viên này còn tiết lộ, các sếp của anh rất ưa thích việc lưu trữ và phân phối công văn tài liệu qua đường… bưu điện. Họ luôn muốn dữ liệu được ghi vào đĩa CD kèm một bản sao lưu viết tay, sau đó gửi qua đường bưu điện. Và khi có ai đó gợi ý về tính linh hoạt và tiện lợi của các phần mềm lưu trữ dữ liệu như Basecamp hay Dropbox, các sếp sẽ ngay lập tức gạt đi. Anh ngán ngẩm kết luận: “Ở đây, gợi ý về một cách thức làm việc năng suất hơn đồng nghĩa với việc giết chết tương lai của một phần mềm mới”.

     Tưởng như đã tuyệt chủng từ lâu nhưng băng cát-sét vẫn luôn được ưa chuộng tại Nhật Bản.

    Tưởng như đã "tuyệt chủng" từ lâu nhưng băng cát-sét vẫn luôn được ưa chuộng tại Nhật Bản.

    Không gì khác, chính sự bảo thủ đến cực đoan này đang dần trở thành chướng ngại không nhỏ cho năng suất của các hãng Nhật Bản. “Nói cách khác, đây chính là nguồn cơn cho sự khủng hoảng năng suất lao động ở các doanh nghiệp tại đây”, bà Rochelle Kopp, nhà sáng lập hãng tư vấn toàn cầu Japan Intercultural Consulting, cho biết. Với kinh nghiệm làm việc tại Tokyo và Thung lũng Silicon, bà khẳng định: "Mỹ là đất nước tiên phong về công nghệ. Chính vì thế, người lao động tại đây có năng suất cao hơn hẳn bởi họ luôn được tiếp cận với những tiến bộ công nghệ mới nhất. Trong khi đó, những phòng công nghệ thông tin Nhật Bản thường rất cổ hủ và không thích kết nối máy tính với thế giới bên ngoài vì lo sợ dữ liệu bị tấn công".

     Với Nhật Bản, dù có thông minh đến đâu, robot cũng không bao giờ... lại được với con người.

    Với Nhật Bản, dù có thông minh đến đâu, robot cũng không bao giờ... lại được với con người.

    Theo đó, một nữ nhân viên làm việc tại một công ty vận chuyển của Nhật Bản còn quả quyết, người Nhật luôn do dự sử dụng bất kỳ thứ gì mới trong văn phòng làm việc. Điều đó lý giải cho sự thật rằng, mặc dù người Nhật luôn có thời lượng làm việc "vô địch" nhưng quốc gia này vẫn có chỉ số năng suất lao động kém nhất trong số các thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, và bằng một nửa so với Mỹ.

    Tạm kết luận, dù được biết đến là quốc gia đi đầu về các sáng chế công nghệ cao nhưng nhiều tập đoàn Nhật Bản dường như vẫn một mực từ chối sự vượt trội của tự động hóa trong làm việc. Họ chỉ tin dùng người thay vì máy móc ở hầu như mọi lĩnh vực. Một mặt, việc này đương nhiên sẽ giúp duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở nước này ở mức thấp, chỉ 3,4%. Nhưng mặt khác, đây lại là con dao hai lưỡi khi là nguyên nhân khiến năng suất lao động đi xuống. Rõ ràng, với một cường quốc công nghệ như Nhật Bản, đây là sự đánh đổi gây tranh cãi.

    Tham khảo BBC

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ