Tại sao nói 2015 là năm của biểu tượng cảm xúc Emoji?

    Billvn,  

    Nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng năm 2015 là năm bùng nổ và biến các biểu tượng cảm xúc (Emoji) thành một hiện tượng trong thế giới internet.

    Nhiều người cho rằng năm 2015 là năm lên ngôi của những biểu tượng cảm xúc (Emoji). Những emoji hiện diện khắp mọi nơi, từ các ứng dụng di động trên các thiết bị như tablet, smartphone đến những ứng dụng nền web trên laptop, PC. Bạn dễ dàng thể hiện cảm xúc của mình bằng các biểu tượng này khi nhắn tin SMS cho bạn bè hay chat bằng Facebook Messenger, Zalo hay bất kỳ một ứng dụng OTT nào khác.

    Biểu tượng cảm xúc đã trở thành một phần quan trọng trong các cuộc đàm thoại trong những năm gần đây. Những emoji này thực sự được người dùng biết đến vào những năm 90 khi Shigetaka Kurita phát minh ra chúng lúc ông đang làm việc tại NTT Docomo. Tại thời điểm đó đây là chiêu bài để Docomo thu hút người dùng trẻ sử dụng dịch vụ nhắn tin của mình trước sự cạnh tranh của các đối thủ.

    Emoji sau đó nhanh chóng lan tỏa khắp thế giới và bắt đầu phổ biến với trình chat Yahoo Messenger. Các biểu tượng mặt cười ngộ nghĩnh của Yahoo Messenger một thời là lựa chọn để mọi người kết nối lại với nhau dù họ đang ở xa nửa vòng Trái đất. Năm 2015 thực sự là một năm lên ngôi của các biểu tượng cảm xúc khi bạn có thể thêm chúng vào các tin nhắn văn bản, các tweet hay một chú thích trên Instagram. Điều này dường như đã vượt quá xa mục tiêu ban đầu Kurita và Docomo.

    Emoji đi vào phim ảnh

    Điều tưởng như là chuyện đùa cách đây vài năm đã trở thành sự thật vào năm 2015 khi Sony Pictures Animation giành thắng trong việc đấu thầu một dự án liên quan đến Emoji với số tiền lên đến 7 con số. Hiện thỏa thuận này vẫn chưa được hiện thực hóa thành một tác phẩm nhưng chúng ta có thể chờ đợi đến khi Emoji thực sự trở thành một biểu tượng của điện ảnh.

    Nhiều công ty thời trang đã thiết kế các món trang sức lấy ý tưởng từ các Emoji, các ngôi sao như Taylor Swift cũng có biểu tượng cảm xúc của riêng mình trên Twitter. Thậm chí, một dự án startup đã phát minh ra hẳn một thiết bị chuyên dụng cho dân "nail" để tạo ra các biểu tượng cảm xúc trên móng tay.

    Năm 2015 chứng kiến Emoji xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang. Nhiều người dùng và các công ty chứng minh Emoji tỏ ra hữu ích và thuận tiện hơn các hình thức giải trí khi cần biểu đạt một vấn đề gì đó. Thậm chí, có người còn cho rằng dùng một biểu tượng lãng mạn để "tỏ tình" còn dễ hơn là nói trực tiếp, nhắn SMS bằng text hay dùng phim ảnh, âm nhạc một cách ẩn ý.

    Khách sạn Aloft Manhattan đã nhanh chân ra một dịch vụ mới vào tháng Mười năm nay khi cho phép khách hàng yêu cầu dịch vụ từ phòng nghỉ chỉ với một tin nhắn gồm những biểu tượng Emoji. Thực đơn của họ gồm những biểu tượng có tên như “Hangover” và “Munchies”.

    Trong khi đó, nhà cung cấp bánh pizza nổi tiếng Domino cho phép mọi người đặt hàng bằng cách gửi cho họ một tweet có chứa biểu tượng Emoji của từng loại bánh. Fooji cũng cho khách đặt hàng thực phẩm theo cách tương tự tại New York, Chicago và San Francisco. Dịch vụ taxi Uber lại đang thử nghiệm dùng Emoji để khách hàng đánh giá chất lượng phục vụ của họ thay cho hệ thống dùng 5 ngôi sao trước đây.

    Biểu tượng cảm xúc trở thành cách để thể hiện sự phản ứng

    Cả Facebook hay Twitter đều cố gắng xây dựng Emoji thành phương tiện giúp con người giao tiếp với nhau. Khi một người bạn gửi cho bạn một biểu tượng cảm xúc, bạn có thể lựa chọn một biểu tượng khác từ list Emoji sẵn có để bày tỏ thái độ của mình. Emoji giờ đây không chỉ giúp con người thể hiện những gì họ cảm thấy (tâm trạng của người dùng) mà còn giúp họ thể hiện cho người khác biết mình đang thực sự muốn gì. Một số người cho rằng Emoji đang giết chết các ngôn ngữ truyền thống, số khác lại cho rằng đây có thể là một loại ngôn ngữ mới, mang tính phổ quát hơn.

    Oxford Dictionaries, quyển từ điển nổi tiếng của Oxford đã chọn "Emoji" làm "từ của năm" (2015). Theo Oxford, Emoji đã được sử dụng nhiều gấp ba lần trong vòng một năm qua với biểu tượng "cười ra nước mắt" được sử dụng nhiều nhất.

    Naomi Baron, giáo sư ngôn ngữ học tại Đại học American và là tác giả của Words on Screen: The Fate of Reading on Screen cho biết: "Nếu bạn hỏi một nhà ngôn ngữ học lỗi thời các thành phần của ngôn ngữ là gì? Họ sẽ cho bạn biết về âm thanh, hình tượng. Họ cũng sẽ nói với bạn rằng nó bao gồm các quy tắc về ngữ pháp. Nhưng nếu bạn tỏ vẻ nhúng vai hay nhăn mặt thì đôi khi bạn thể hiện được đầy đủ hơn cảm xúc của mình so với cách dùng ngôn ngữ cổ điển. Tôi cho rằng Emoji là một loại ngôn ngữ vì đơn giản nó là cách để truyền đạt cảm xúc".

    Emoji hiện nay có thể đại diện cho nhiều thứ quan trọng, cho những gì mà chúng ta đang quan tâm. Đó là lí do vì sao người ta nghĩ năm 2015 là năm lên ngôi của Emoji với các biểu tượng ngày càng đa dạng hơn, nó thậm chí có thể đại diện cho màu da hay vấn đề đồng giới.

    Khi iOS 9.1 chính thức được phát hành, các fan của Apple rất vui mừng chào đón một bộ Emoji khá chi tiết và được thiết kế đẹp mặt, giúp họ có thể thể hiện cảm xúc với người khác mà không cần phải tải về các ứng dụng của bên thứ 3. Các biểu tượng cảm xúc mới này được thiết kế tích hợp vào phần mềm bàn phím của những thiết bị IOS giúp người dùng dễ tiếp cận hơn. Thay vì sử dụng các thuật ngữ như "LOL", "OMG", các Emoji sẽ giúp thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên, vui vẻ và trực quan hơn nhiều.

    Vậy thì năm 2016 sẽ như thế nào, những Emoji sẽ tiếp tục là đề tài nóng hổi của làng công nghệ hay giống như nhiều hiện tượng công nghệ khác cũng sẽ rơi vào thời gian thoái trào? Chúng ta hãy cùng chờ xem.

    Tham khảo: Mashable

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ