John McAfee tuyên bố hack thành công WhatsApp, nhưng sự thật thì rất đáng buồn

    NPQM,  

    Lại một lần nữa nhân vật tai tiếng của giới công nghệ này gắn liền với những scandal khiến cho báo chí thêm một phen làm việc vất vả.

    John McAfee, người có công lớn đặt nền móng cho nền tảng diệt virus, đồng thời cũng được biết đến như một tay lươn lẹo nổi tiếng, lại tiếp tục gây sốc với vụ việc “lừa” được cả phóng viên, nhà báo rằng ông đã hack được vào cơ sở dữ liệu của WhatsApp. Điều đáng nói là ông đã cất công gửi cho họ vài chiếc điện thoại, thực chất trước đó đã được cài đặt lên một số malware để thâm nhập thông tin sử dụng, sau đó thuyết phục rằng mình đang đọc trộm tin nhắn của họ.

     Chân dung nhân vật chính John McAfee

    Chân dung "nhân vật chính" John McAfee

    Tháng 4 vừa qua, WhatsApp tuyên bố đã tích hợp một công nghệ mã hóa tự động, có chức năng đảm bảo an ninh thông tin từ đầu tới cuối, kể cả trước và trong khi truyền đi, và chỉ được giải mã khi tin nhắn tới được thiết bị của người nhận. Động thái này của công ty đã góp phần củng cố niềm tin cùng sự ủng hộ mạnh mẽ từ hàng triệu người dùng trên toàn thế giới.

    Bên cạnh đó, McAfee cũng nổi đình nổi đám với những chiêu trò tiêu tốn giấy mực của giới truyền thông trong quá khứ, liên quan tới những vụ lợi dụng khai thác thông tin trái phép. Một minh chứng cụ thể mới vào tháng 3, trong một chương trình truyền hình với sự tham gia của thời báo CNN và RT, McAfee hùng hồn mạnh miệng khẳng định rằng ông có thể hack được chiếc iPhone nghi vấn của vụ khủng bố San Bernadino. Không có một cơ sở, bằng chứng hợp lý nào được đưa ra tiếp theo, cuối cùng McAfee thừa nhận đó không phải sự thật, đơn giản chỉ là để “thu hút sự chú ý của dư luận”.

    Ngoài ra, trở lại khoảng thời gian đầu năm 2016, người dân cũng được chứng kiến một tai tiếng khác đến từ nhân vật này. Đó là thời điểm McAfee bất ngờ tranh cử làm ứng viên của Đảng Tự do cho chức Tổng thống, sau đó lại bất ngờ thoái thác, lảng tránh khi được hỏi về “giải pháp lý tưởng nhất” như đã tuyên bố của mình đối với tình trạng khủng bố diễn ra gần đây.

    Giờ đây, có vẻ như McAfee vẫn chưa rút ra được bài học nào mà vẫn “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục “chơi xỏ” giới truyền thông một lần nữa với thủ thuật cài malware cùng công cụ phá mã như đã đề cập phía trên. Theo lời chuyên gia an ninh mạng Dan Guido, người đã được các phóng viên liên hệ kiểm định sau khi “bán tín bán nghi” về thông tin của McAfee, cho rằng McAfee đã thực hiện chiêu trò của mình bằng cách gửi 2 chiếc điện thoại Samsung còn nguyên seal, sau đó những “chuyên gia” làm việc cho McAfee sẽ trực tiếp mở hộp trước sự chứng kiến của họ, và McAfee cho họ thấy rằng việc đọc trộm tin nhắn có thể thực hiện thông qua một cuộc gọi bằng phần mềm Skype.

    Cũng theo nguồn cung cấp giấu tên của Gizmodo, McAfee ít nhất đã “quảng bá” cho thành tích của mình với 2 tờ báo lớn là International Business Times và Russian Today. Một nguồn tin khác cũng cho hay, thậm chí ông còn đề cập thông tin này tới Business Insider nữa.

    “Trò bịp bợm của John McAfee thực ra chỉ là liên hệ với vài hãng truyền thông, đề nghị tặng cho họ những chiếc điện thoại đã bị thâm nhập từ trước, sau đó thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận bằng cách điều khiển, thao túng thông tin để mọi người nghĩ rằng McAfee thực sự hack được WhatsApp,” Guido giải thích. “Sau đó tôi cũng đã khuyên các nhà báo, phóng viên nên tự tay mua điện thoại cho mình, vì chỉ với vài thủ thuật, thao tác nhỏ với nhựa dẻo và máy sấy, thủ phạm cũng có thể đánh lừa nạn nhân rằng sản phẩm vẫn được đóng gói nguyên hộp trước đó.”

    Đồng thời, sáng sớm hôm nay đã xuất hiện một bài báo với tiêu đề “John McAfee hack thành công WhatsApp” trên website của Cybersecurity Ventures, một hãng nghiên cứu nổi tiếng phục vụ những đề tài, nội dung thảo luận liên quan tới nền công nghệ an ninh mạng. Nực cười là trong đó, McAfee đổ lỗi cho Google và WhasApp đã lợi dụng thông tin người dùng thiết bị, trong khi ở phía trên chính ông mới được khẳng định là đã hack vào WhatsApp. McAfee nói rằng ông chưa bao giờ khẳng định rằng mình đã hack vào ứng dụng nhắn tin phổ biến này, mà chỉ nói rằng đã phát hiện một lỗ hổng trong thiết kế của Android.

    Có vẻ như mọi chuyện diễn biến ngày càng khó đoán, đa chiều hơn, khi mà McAfee đã loan truyền thông tin này cho hàng loạt tờ báo, để rồi cuối cùng lại quay ngoắt 180 độ, thêm thắt nhiều chi tiết khác khi nhận được đề nghị hỏi cặn kẽ về quá trình diễn ra vụ việc.

    Moxie Marlinspike, người đích thân phát triển giao thức mã hóa của WhatsApp đồng thời hỗ trợ ứng dụng nó rộng rãi, chia sẻ trên Gizmodo rằng McAfee cũng đã thông báo cho mình biết về sự việc rắc rối này. “Vài nhà báo được McAfee liên lạc trước đó cũng đã gọi cho tôi. Ngay lập tức tôi gọi cho McAfee, và anh ta miễn cưỡng thừa nhận rằng đó là một malware được cài sẵn, và cũng chưa có hãng truyền thông nào đứng ra công bố vụ việc trừ khi mọi thông tin chi tiết được cung cấp đầy đủ.”

    Một bản báo cáo hoàn chỉnh đã được gửi đến Gizmodo sau khi McAfee đồng ý thực hiện một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, với nội dung xoay quanh câu hỏi liệu có thật sự ông đã hack được WhatsApp hay cố tình chơi khăm giới nhà báo hay không. Dưới đây là một trích đoạn từ McAfee trên Cybersecurity Ventures:

    Đây là lời tuyên bố chính thức của tôi sau mọi việc vừa qua.

    Có lẽ tôi đã sai lầm khi nghĩ rằng mọi người sẽ tập trung vào nội dung của bài báo chứ không hẳn chỉ là tiêu đề của nó. Nếu bạn thật sự đọc nội dung, mà tôi nghĩ câu trả lời sẽ là không, thì sẽ thấy rõ ràng rằng tôi đã khẳng định đó không phải là một lỗi xuất phát từ WhatsApp, mà là từ Google.

    Mọi người đang chỉ trích tôi vì đăng một bài báo mà đề mục của nó khiến họ khó chịu. Một điều chắc chắn không thể phủ nhận là tiêu đề không đóng vai trò quan trọng nhất, mà là nội dung được viết kia. Nếu tôi nói sai thì cả cái xã hội này thật sự đã mục rữa và thối nát lắm rồi.

    Hãy nhớ lấy điều tôi vừa nói nếu bạn còn chút nhận thức của con người. Nhưng tôi đã biết trước là sẽ chả ai quan tâm đến chúng đâu.

    Tất nhiên những chiếc điện thoại ấy đã bị can thiệp bởi tôi trước đó. Nhưng thông tin sẽ được cung cấp chi tiết hơn sau cuộc thảo luận với Google. Nó thật sự là một nhược điểm, thiếu sót nghiêm trọng trong nền tảng Android.

    Tham khảo: Gizmodo

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ