10 sự thật về Sao Hỏa bạn cần biết trước khi xem “The Martian”

    TVD,  

    The Martian là một bộ phim khoa học viễn tưởng về Sao Hỏa được xây dựng dựa trên rất nhiều kiến thức thực tế.

    Bộ phim khoa học viễn tưởng “The Martian” đang trở thành chủ đề được bàn luận nhiều nhất hiện nay, sau khi NASA tuyên bố phát hiện thấy nước lỏng trên bề mặt Sao Hỏa. Khác với nhiều bộ phim viễn tưởng về đề tài vũ trụ, The Martian cho chúng ta thấy cách mà con người có thể sống trên Sao Hỏa, dựa trên những kiến thức khoa học thực tế.

    Đạo diễn Ridley Scott của bộ phim này đã phải tham khảo và làm việc trong khoảng thời gian rất dài cùng với những chuyên gia của NASA, để có được kiến thức cần thiết về Sao Hỏa. Nhờ đó mà The Martian có thể thuyết phục người xem với những chi tiết logic và hợp lý nhất.

    Và để có thể hiểu được những gì đang diễn ra trong The Martian, chúng ta nên nắm được những sự thật mà có thể rất nhiều người chưa biết về hành tinh này.

    1. Làm thế nào để du hành tới Sao Hỏa?

    Cảnh phim đầu tiên của The Martian diễn ra trên Sao Hỏa, khi mà NASA đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ đưa các phi hành gia lên hành tinh này. Tuy nhiên làm cách nào để chúng ta du hành tới Sao Hỏa?

    Theo ước tính của NASA, chúng ta sẽ phải mất từ 6 đến 8 tháng cho một chuyến du hành tới Sao Hỏa dựa trên các công nghệ hiện có. Các phi hành gia sẽ phải đối mặt với vấn đề rất lớn đó là khối lượng cơ bắp và mật độ xương bị giảm trong khi trải qua khoảng thời gian dài trong môi trường không trọng lượng. Vũ trụ cũng đầy rẫy các bức xạ nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp tới ADN của con người.

    Trong The Martian, NASA sử dụng một chiếc tàu vũ trụ viễn tưởng có tên gọi là Hermes để đưa con người lên Sao Hỏa. Hermes có thể tạo ra lực hấp dẫn nhân tạo nhờ một phần của tàu vũ trụ luôn xoay tròn vào tạo ra lực ly tâm. NASA cũng đang nghiên cứu để tạo ra được loại tàu vũ trụ tương tự, đồng thời phải có một lớp lá chắn bức xạ bảo vệ. Tuy nhiên sẽ rất còn xa để biến những điều đó trở thành hiện thực.

    2. Hành tinh khắc nghiệt

    Bề mặt Sao Hỏa có màu đỏ cam do tính chất của lớp bụi đất trên bề mặt. Tuy nhiên bình minh và hoàng hôn trên hành tinh này lại có màu xanh, vì nó gần như không có khí quyển.

    Một ngày trên Sao Hỏa được gọi là “sol”, dài hơn vài phút so với một ngày trên Trái đất. Một năm trên Sao Hỏa bằng gần hai năm trên Trái đất, do quỹ đạo của Sao Hỏa quanh Mặt Trời lớn hơn so với Trái đất.

    Nhiệt độ trung bình trên bề mặt Sao Hỏa là khoảng -60 độ C, nhiệt độ thấp nhất có thể lên đến -126 độ C. Sao Hỏa gần như không có khí quyển, tỷ trọng không khí chỉ bằng khoảng 1% so với khí quyển Trái đất, do đó nó không đủ để ngăn chặn bức xạ Mặt Trời.

    Các cơn bão bụi có thể diễn ra trong nhiều ngày liên tiếp tại cùng một địa điểm. Do đó Sao Hỏa là một hành tinh vô cùng khắc nghiệt để sinh sống.

    3. Bão bụi trên Sao Hỏa

    Những cơn bão bụi trên Sao Hỏa có thể xuất hiện với tần suất khá lớn, đôi khi còn có cả sét. Tuy nhiên sức gió của các cơn bão này không giống như những gì chúng ta thấy trong The Martian.

    Không khí trên Sao Hỏa quá loãng và không có khí quyển, do đó rất khó để tạo ra những cơn gió lớn gây ra được thiệt hại. Giám đốc Jim Greene của NASA cho biết, thậm chí một cơn gió với tốc độ 160k/h cũng không gây ra quá nhiều thiệt hại.

    4. Thời gian trên Sao Hỏa

    Sao Hỏa có quỹ đạo và vận tốc quay khác với Trái đất, do đó một ngày trên Sao Hỏa cũng được tính theo thời gian khác. Theo quy định của Hiệp hội Hành tinh, một ngày “Mặt Trời” trên sao Hỏa được gọi là một “sol”.

    Một sol dài hơn một ngày trên Trái đất khoảng 40 phút. Những ngày đánh dấu của phi hành gia Watney trên Sao Hỏa thực chất là ngày sol. Do đó mà các nhà khoa học NASA trên thực tế có nhiều thời gian hơn để thực hiện việc giải cứu.

    5. Lều an toàn trên Sao Hỏa

    Nơi mà các phi hành gia sống và nghiên cứu trên Sao Hỏa được gọi là “hab”. Đây là nơi mà Watney đã ở lại và tìm cách để có thể tồn tại trên Sao Hỏa.

    NASA đã thiết kế một nguyên mẫu của hab trong phòng thí nghiệm của mình. Nguyên mẫu này có đầy đủ các máy tạo oxy, máy tạo nước, thiết bị ổn định áp suất và tấm lá chắn bảo vệ bức xạ. Tuy nhiên để có thể mang các thiết bị này và xây dựng một hab trên Sao Hỏa không phải là điều đơn giản.

    6. Trồng cây trên Sao Hỏa

    Để có thể sống sót cho đến khi tàu cứu trợ đến, phi hành gia Watney đã phải tự trồng khoai tây bằng đất trên Sao Hỏa. Watney đã lấy chất thải của con người để làm phân bón và tạo ra nước từ việc kết hợp oxy với hydro từ nhiên liệu tên lửa.

    Điều này nghe có vẻ điên rồ, nhưng nhà thực vật học Bruce Bugbee, người đã từng làm việc với NASA cho biết không có lý do gì để việc trồng cây trên Sao Hỏa không thể trở thành hiện thực. NASA cũng đã đạt được những tiến bộ về nông nghiệp trong không gian, điển hình nhất là họ đã có thể trồng cây rau diếp trên tạm vũ trụ quốc tế ISS.

    7. Pin Plutonium của NASA

    Trong bộ phim, chúng ta thấy NASA có một thiết bị được gọi là máy phát nhiệt điện đồng vị phóng xạ RTG. NASA sử dụng thiết bị này như một cục pin cung cấp điện năng cho các sứ mệnh kéo dài. RTG về cơ bản là loại pin chạy bằng phóng xạ plutonium-238.

    Khi plutonium phân rã, nó tạo ra nhiệt và lượng nhiệt này có thể chuyển hóa thành điện năng. Trên thực tế plutonium-238 không phải loại phóng xạ dùng trong vũ khí hạt nhân và phóng xạ của nó cũng không quá nguy hiểm với con người. Do đó các nhà khoa học có thể xem xét việc biến ý tưởng này trở thành hiện thực. Nó có thể giống với lò phản ứng hồ quan mini của bộ giáp Iron Man, tuy nhiên vấn đề nhiệt lượng quá lớn sẽ khó có thể giải quyết.

    8. Giao tiếp từ Sao Hỏa đến Trái đất

    Khoảng cách từ Sao Hỏa tới Trái đất dao động từ 55 đến 400 triệu km, nó là quá xa khiến cho một tin nhắn cũng phải mất 15-20 phút để có thể gửi đến. Các tín hiệu được truyền đi trong vũ trụ có dạng sóng ánh sáng và không có cách nào để truyền tín hiệu nhanh hơn.

    9. Bản sao của các con tàu vũ trụ

    Trong bộ phim, chúng ta có thể thấy NASA luôn có một bản sao của các tàu vũ trụ, robot thăm dò hay thậm chí là chiếc xe vận hành. Điều đó đảm bảo cho các nhà khoa học của NASA có thể khắc phục sự cố xảy ra và tìm ra cách khắc phục ngay trên Trái đất.

    10. Câu chuyện về phòng thí nghiệm tên lửa đẩy của NASA là có thật

    Trong The Martian có một chi tiết nhỏ kể về sự thành lập của phòng thí nghiệm tên lửa đẩy JPL của NASA. Theo đó, JPL được thành lập bởi một số sinh viên tại Viện công nghệ California, do vô tình làm nổ tung cả ký túc xá của trường do thử nghiệm một loại nhiên liệu tên lửa.

    Cậu chuyện đó có thật và nó xảy ra vào năm 1930, nhóm sinh viên này sau đó được yêu cầu bỏ học tại Viện công nghệ California và được đầu tư để tiếp tục công việc nghiên cứu. Đến năm 1940, nhóm nghiên cứu này được cấp kinh phí chính thức và thành lập Phòng thí nghiệm tên lửa đẩy JPL do NASA quản lý.

    Tham khảo: techinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ